Thứ năm 25/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Di tích khảo cổ học Bình Tả - Giá trị văn hóa và lịch sử

Tác giả bài viết

Tác giả bài viết

“Các pháp đều do nhân duyên sinh ra, đấng Như Lai đã thuyết về nguyên nhân cũng như sự tiêu diệt chúng, chính Người, đức Đại Sa Môn đã nói như vậy”, trên đây là nội dung của một đoạn trong minh văn, chữ Sanskrit - Pali khắc trên lá vàng, phát hiện tại di tích Gò Xoài, Bình Tả, theo bản dịch của GS. Hà Văn Tấn, 1997.

Khu di tích khảo cổ học Bình Tả thuộc xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nằm về hướng đông bắc thành phố Tân An. Cách Tân An 40 km theo lộ trình Tân An- Bến Lức- thị trấn Đức Hòa và nằm cách tỉnh lộ 825 tám trăm mét về phía đông.

Nằm trong một tổng thể di tích với hơn 60 di tích khảo cổ học đã được khảo sát, tập trung trên địa bàn huyện Đức Hòa, khu di tích Bình Tả là một cụm gồm 17 phế tích kiến trúc và di chỉ cư trú phối hợp với một hệ thống bàu nước cổ ở xung quanh. Từ phát hiện đầu tiên của nhà khảo cổ học người Pháp - Henry Parmentier vào năm 1910; năm 1931 J. Y. Claeys khai quật một di tích kiến trúc được xây bằng gạch ở phía tây nam cụm di tích này (Gò Tháp Lấp), đến nay, di tích này đã bị hủy hoại, di vật bị thất lạc. Trong hai năm 1987-1988, Sở Văn hóa - Thông tin Long An(1) phối hợp với Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh(2) khai quật 3 di tích trong khu vực này.


Tượng Dvarapala (hộ pháp) - di tích Gò Đồn


Mi cửa đá di tích Gò Đồn (Bình Tả- Đức Hòa)


Bản minh văn Gò Xoài (Bình Tả- Đức Hòa)

1. Di tích Gò Đồn: là loại kiến trúc đền tháp xây bằng gạch, chiều dài đông tây 78,5 mét; chiều ngang chỗ rộng nhất (chiều bắc nam) 60 mét, toàn bộ kiến trúc trước khi khai quật đều nằm trong lòng đất, chỗ gần mặt đất nhất là 0,4 mét. Cuộc khai quật đã thu thập được nhiều hiện vật bằng đá như tượng thần Dravapala (thần giữ đền), đầu tượng thần Ganesa (phúc thần), nhiều vật thờ như linga, yoni, máng dẫn nước thiêng (somasutra), bàn nghiền hương liệu (pesani), mi cửa chạm trỗ hoa văn thực vật, trụ đá chạm hoa văn thực vật… và nhiều đồ gốm cổ. Trong hố thờ trung tâm của di tích sâu khoảng 3 mét còn có một linh vật (yoni) đã vỡ và nhiều viên đá cuội, được đoán định là đá thờ.

Với kiểu dáng kiến trúc và những linh vật được phát hiện trong lòng di tích, di tích Gò Đồn được nhìn nhận có đặc trưng của một kiến trúc đền thờ quy mô lớn thuộc Ấn Độ Giáo, theo truyền thống văn hóa Óc Eo .

2. Di tích Gò Xoài: là một di tích kiến trúc xây bằng gạch, có dạng gần vuông với mỗi cạnh dài khoảng 20 mét, nền móng của kiến trúc có cấu tạo rất rắn chắc và phức tạp, gồm nhiều loại vật liệu khác nhau như cuội basalt (ba- dan), sỏi đỏ, cát trắng, cát hồng…

Kiến trúc Gò Xoài có hố thờ hình vuông, cạnh 2,2 mét; sâu trên 2,5 mét, ở gần đáy hồ thờ đã phát hiện được tro xương và một sưu tập hiện vật quý giá gồm nhiều mảnh vàng nhỏ, mỏng khắc chạm hình bông sen và những linh vật như rùa, rắn, voi, những chiếc nhẫn và mề đay nạm đá quý và một bản minh văn Sanskrit - Pali. Theo GS. Hà Văn Tấn, minh văn gồm có 5 dòng: dòng thứ nhất ghi một đoạn Pháp Thân Kệ(3), dòng thứ hai ghi một đoạn Kinh Pháp Cú (cả hai đoạn minh văn trên đều thuộc Phật Giáo), 3 dòng cuối là hai câu thần chú Mật tông, dạng mẫu tự trên minh văn này được nhận định thuộc loại mẫu tự Nam Ấn (Deccan), thế kỷ VIII-IX sau Công nguyên. Qua phát hiện trên, kiến trúc Gò Xoài được nhận định là một di tích stupa (tháp) của Phật Giáo.


Lá vàng chạm hình voi (Gò Xoài, Bình Tả - Đức Hòa)


Lá vàng chạm hình rắn (Gò Xoài, Bình Tả - Đức Hòa)

Gs. Hà Văn Tấn đã đọc những ghi chép của H. Parmentier năm 1909 về các di tích Chăm ở làng Khánh Thọ Đông, tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông (nay là thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), trong đó có tượng Phật ngồi thỏng chân, cao 21 cm, sau lưng có bài kệ Pháp thân khắc thô sơ. Nhưng hình vẽ hay ảnh tượng này cũng như toàn bộ minh văn chưa được công bố. Ngoài ra, đã có hai phù điêu bằng đá chạm hình Phật, mặt sau khắc chữ cổ được phát hiện ở tỉnh Gia Lai: Năm 1992, Bùi Minh Trí (Viện Khảo Cổ học) đã thông báo về một phù điêu tượng Phật ở Gia Lai với minh văn là kệ Pháp thân bằng tiếng Sanskrit; Năm 1999, Nguyễn Thị Kim Vân (Bảo tàng Gia Lai) báo cáo về một phù điêu chạm hình Phật ngồi tọa thiền, sau lưng cũng khắc minh văn kệ Pháp thân bằng chữ Sanskrit, kiểu chữ có niên đại khoảng thế kỷ VI-VII. Hiện nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều minh văn kệ Pháp thân trên các di tích Phật giáo ở Ấn Độ và Đông Nam Á, trong đó sự đóng góp về phát hiện bản minh văn Gò Xoài (Long An).

3. Di tích Gò Năm Tước: là một di tích kiến trúc xây bằng gạch, dài 17,2 mét; rộng 11 mét, phần trên của kiến trúc đã bị mất nhưng ở phần nền móng còn giữ được những đặc điểm của kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo như bình đồ hình chữ nhật bẻ góc nhiều lần và cân xứng nhau qua trục bắc - nam, các đường móng gạch rất thẳng, mặt chính của kiến trúc có tam quan hình bán nguyệt hướng về phía đông… là cơ sở để nhận định rằng đây là một kiến trúc đền thờ Ấn Độ Giáo.

Nhìn chung, khu di tích Bình Tả là một cụm di tích khảo cổ học quy mô lớn thuộc văn hóa Óc Eo. Căn cứ trên các sưu tập di vật, dạng thể và quy mô của các kiến trúc và nhất là nội dung của bản minh văn Gò Xoài, có thể nhận định rằng đây là trung tâm chính trị - quyền lực - tôn giáo của người xưa.

Niên đại chung của khu di tích Bình Tả được phỏng định dựa trên tuổi tuyệt đối (C14) của chiếc trục bánh xe cổ làm bằng gỗ, phát hiện trong một bàu nước cổ bên cạnh di tích Gò Sáu Huấn (cũng thuộc phạm vi khu di tích Bình Tả): 1.588 ± 65 năm cách ngày nay.

Với quy mô lớn trên toàn khu vực, cụm di tích khảo cổ học Bình Tả có một vị thế trung tâm trên vùng đất phù sa cổ thuộc vùng Đức Hòa - Đức Huệ (Long An) mà trung tâm này có thể có mối quan hệ rất gần với trung tâm Gò Tháp (Đồng Tháp) trên vùng đất trũng thấp rộng lớn liền kề. Khu di tích khảo cổ học Bình Tả đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử- văn hóa quốc gia tại Quyết định số 1570/VH-QĐ ngày 5/9/1989./.

Vương Thu Hồng

___________________________

Chú thích: 

  1. Nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An.
  2. Nay là Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
  3. Gs. Hà Văn Tấn đã dịch: “Các pháp đều do nhân duyên sinh ra, đấng Như Lai đã thuyết về nguyên nhân cũng như sự tiêu diệt chúng, chính Người, đức Đại Sa Môn đã nói như vậy” (Hà Văn Tấn, Những Phát Hiện Mới Về Khảo Cổ Học Năm1997).

Tài liệu dẫn:

  1. Bùi Phát Diệm, Đào Linh Côn, Vương Thu Hồng, 2001, Khảo cổ học Long An -Những thế kỷ đầu Công nguyên, Sở Văn hóa - Thông tin Long An.
  2. Bùi Minh Trí và Nguyễn Thị Bích Vân, 1993, Về bức phù điêu Chăm đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1992, Viện Khảo Cổ học Hà Nội, 1993, tr. 298-299.
  3. Hà Văn Tấn, 1994, Từ minh văn trên lá vàng ở Gò xoài (Long An) bàn thêm về Pháp thân kệ, Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1993, NXB Khoa học Xã hội, 1994, tr. 318-319.
  4. Hà Văn Tấn, 2002, Chữ trên Đá, chữ trên Đồng - Minh văn và lịch sử, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
  5. Parmentier H. 1090, Inventaire descriptif des monuments Cam de l’Annam, Tome I, Paris, 1909.                                                                                     
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 38


Hôm nayHôm nay : 6179

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 249840

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8707941