Thứ bảy 27/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Truyền thuyết dân gian ở Nhựt Tảo “Mả ông Tây”

Tác giả bài viết

Tác giả bài viết

Đã sáu mươi hai năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ như in. Sáng hôm ấy là mùng ba Tết Đinh Hợi (1947), gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác đã phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để lên đường tản cư, vì trước đó mấy ngày, làng An Nhựt Tân, nhứt là ấp chợ Nhựt Tảo nhỏ bé đã phải hứng chịu  một trận “mưa moọc chê” 48 trái từ hướng làng Long Sơn, bên kia sông Vàm Cỏ Đông bắn qua! Ba má tôi đem năm đứa con đi tản cư trên một chiếc ghe tam bản có mui với một ít đồ dùng cần thiết như quần áo, chén dĩa, nồi ơ…Lúc ấy tôi vừa tròn mười một tuổi đang theo học lớp Nhì trường làng - tương đương lớp Hai ngày nay(1). Sau này tôi mới biết vì sao Nhựt Tảo lại bị trận “mưa pháo” như vậy.

Sau Thế giới chiến tranh lần 2, bọn thực dân Pháp theo chân Quân đội Đồng minh trở lại tái chiếm Việt Nam. Bọn chúng “chiếu cố” đến những nơi có phong trào nhân dân yêu nước như Nhựt Tảo trước đây. Chúng định đánh “đòn phủ đầu” trước khi đóng đồn tái chiếm nơi đã từng gây cho chúng thất bại thảm hại ngay từ lúc đầu mới đặt chân xâm lược hồi giữa thế kỷ XIX: “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa”! Nhựt Tảo (nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) là một địa danh đã đi vào lịch sử với chiến công hiển hách mà khi nhắc đến, bọn thực dân Pháp vừa căm thù vừa rùn mình rởn ốc!

Sau ngày hòa bình (1975), hằng năm tôi đều có về quê Nhựt Tảo lo tảo mộ ông bà. Nơi đây không còn ai là bà con ruột thịt vì sau ba mươi năm chiến tranh một số người đã qua đời, số còn lại đã lập nghiệp ở xứ khác, nên tảo mộ xong là tôi về ngay thị xã Tân An để tranh thủ kiếm sống trong những ngày giáp Tết. Tại Nhựt Tảo trong những năm chiến tranh ác liệt cũng vẫn có một số người bám trụ “vùng oanh kích tự do” nầy, mà cho đến nay số cô bác đó còn mạnh giỏi cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Năm nay, đầu năm 2009, sau khi xong việc tảo mộ, tôi quyết định tìm thăm vài vị cao niên “bám trụ” đó để được hiểu biết thêm về quê hương huyền thoại của mình.

Nhựt Tảo về trưa khá yên ắng, thỉnh thoảng có một vài chiếc xe gắn máy chạy vụt qua để lại phía sau một làn bụi đỏ…Giờ này có lẽ người lớn đang lo cơm nước ở nhà sau hay đang nghỉ trưa cũng nên, chỉ còn đám trẻ con chơi giỡn trên nền chợ cũ, tức đầu cầu dây hiện nay. Tôi nhờ các cháu chỉ giùm nhà của bà Lại Thị Bí. Bọn trẻ ngơ ngác nhìn tôi với vẻ lạ lẫm rồi lắc đầu: “Hổng biết tên bà đó!”, rồi lại tiếp tục cuộc chơi. Phải, bọn trẻ con trên dưới mười tuổi thì làm sao biết tên họ một bà lão gần chín mươi tuổi. Tôi tìm vào một quán cà phê vắng khách, gọi thức uống để mượn cớ hỏi thăm. Cô chủ quán trẻ chưa đầy hai mươi tuổi cũng chẳng biết gì hơn các cháu ngoài kia. Nhấm nháp từng chút cà phê, thả hồn theo khói thuốc, tôi cảm thấy buồn buồn: “Mình sanh đẻ ở xứ nầy mà về đây không ai biết!” Rồi nhớ lại bài thơ “Hồi hương” của Hạ Tri Chương đời Đường:

            “………
            Nhi đồng tương kiến bất tương thức-
            Tiếu vấn: lão tòng hà xứ lai?”

 (Trẻ con cùng thấy mà cùng chẳng biết - Cười hỏi: ông già từ xứ nào đến?). Biết mình làm thơ không hay, nhưng gặp hoàn cảnh nầy “máu thơ” trong người tôi bỗng nổi lên, bèn ứng tác vài câu “thơ con cóc” để gọi  là mình nói mình nghe:

            Nhớ mùa Xuân tan vở,
            Cậu bé phải lên đường.
            Rồi mùa Xuân hoa nở,
            Ông già về cố hương!

May quá! Nhà đối diện bên kia đường có một ông cụ bước ra sân, tôi liền đến chào hỏi. Thì ra đây là ông Tư Trầu mà tôi đã có vài lần gặp mặt từ hơn hai mươi năm trước. Ông Tư đã ngoài tám mươi nhưng còn tỉnh khỏe lắm. Sau vài câu thăm hỏi sức khỏe, tôi ngỏ lời muốn biết về truyền thuyết dân gian gắn liền với lịch sử, nhất là thời ông Nguyễn Trung Trực đốt tàu Tây. Ông Tư thật tình trả lời: “Những cái chú hỏi họa may có bà Tư Bí mới trả lời được. Chuyện xưa tích cũ ở xứ nầy bả nhớ…dai lắm. Bả có học khá nên biết nhiều…” Rồi ông Tư kể cho tôi nghe đôi nét về hai chị em bà Tư Bí và Năm Bầu: “Cả hai chị em ruột nhỏ lớn không có chồng, cùng sống chung nhau một nhà. Năm nay bà Tư đã tám mươi chín, còn bà Năm nhỏ hơn hai tuổi. Trên xã, trên huyện có gì không rõ về gốc tích của xứ nầy, đều có nhờ hai bà cắt nghĩa…”  Rồi ông Tư Trầu chỉ nhà bà Tư Bí cho tôi.

Tôi gõ mạnh vào cánh cửa mở hé, tiếng từ nhà sau vọng lên: “Cứ vô!” Hai bà đang nằm trên hai cái võng, nói chuyện cười vui. “Thưa dì Tư, dì Năm”. Từ thuở nhỏ tôi đã quen gọi hai bà bằng dì. Nghe tôi chào hỏi và nói tên mình, cả hai dì đều ngạc nhiên. Hiểu ý, tôi nói tên ba má tôi, hai dì mừng rỡ ra mặt, hỏi thăm  đủ chuyện. Tôi tranh thủ vào đề, hỏi về “mả ông Tây”:

- Thưa hai dì, cháu còn nhớ rõ, phía sau chùa Ông ngày xưa (nay là trụ sở Ủy ban xã) có  một cái tháp, chân tháp mỗi cạnh khoảng 2 mét, cao chừng 3 mét, trên có khắc chữ  mà lúc cháu còn nhỏ, không biết chữ gì. Cháu và các bạn học trò có vài lần đến đó chơi “trốn kiếm”. Ở xứ mình, người ta nói cái tháp đó là “mả ông Tây”. Vậy xin hai dì cho biết: Dưới cái mả đó có chôn Tây không?  Những chữ khắc trên mả nói gì? Và cái “mả ông Tây” đó tại sao ngày nay không còn?

Câu hỏi chót được dì Tư Bí nhanh nhẩu trả lời trước:

- Hồi mới giải phóng, mấy đứa nhỏ đập phá rồi! Tụi nó nói:” mả thằng Tây để lạm… gì, trên đó ghi chữ Tây chữ  u  coi chướng mắt lắm!” Thật ra tụi nhỏ đâu có biết, cái đó không phải cái mả hay cái tháp. Trên đó ghi chữ Tây là…

Rồi dì Tư nói một câu tiếng Pháp mấy chữ trên bia, có nghĩa là: “Bia ghi nhớ, ngày 10 tháng 12 năm 1861”. Nghe qua tôi biết ngay là ngày, tháng, năm  nầy chiếc tàu “Hy Vọng” của Pháp bị nông dân nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực đốt, chìm ở Vàm Nhựt Tảo, mà hồi còn nhỏ,  tôi thấy cột tàu lú lên mỗi khi nước ròng, rồi hỏi thêm dì Tư vài điều chưa rõ:

- Thưa dì Tư, không lẽ Tây thua trận mà nó lại làm bia “ghi nhớ”? Vậy cái bia nầy có từ bao giờ và tại sao nó không đặt tại mỏm đất ở đầu Vàm (nơi tàu bị đốt) mà đặt ở sau chùa Ông?”   Dì Tư lần lượt giải thích:

- Hồi dì còn nhỏ thì cái bia đã có trước đó lâu rồi. Dì nghe ông ngoại của dì kể chuyện: Có lẽ thằng Tây làm cái bia đó là để nhắc nhở tụi lính đóng đồn bót ở đây phải luôn luôn “coi chừng” dân xứ nầy. Còn tụi nó đặt bia sau chùa Ông là vì lúc ông Nguyễn Trung Trực đốt tàu dưới sông thì trên bờ có đám lính mã tà đóng binh gần chùa Ông, hương chức làng tổ chức cúng chùa Ong, có hát bội, mời thằng Tây “sếp” cùng đám lính mã tà đến coi hát và ăn tiệc. Người cầm chầu cho buổi hát bội chính là vị chỉ huy nhóm nghĩa quân hương chức, tất cả đều mặc áo dài khăn đóng, ông cầm chầu tên là Hồ Quang Chiêu. Khi nào dưới sông bắt đầu tấn công tàu Tây thì ông cầm chầu ra ám hiệu, thay vì đánh thùng thùng vào mặt trống, ông đánh mạnh vào tang trống mấy tiếng “cắc cắc…” lúc đó hương chức rút củi đòn giấu sẵn từ trong tay áo rộng ra đập đầu thằng Tây “sếp”  đồng thời tấn công bọn lính mã tà. Tụi nó trở tay không kịp, chết hết! Thằng Tây “sếp” cũng chết luôn!

- Rồi xác thằng Tây đem chôn ở sau chùa Ông, thưa dì Tư?

- Đâu có! Bao nhiêu xác Tây chết ở dưới sông hay trên bờ, tụi nó đem đi hết. Dưới bia đâu có chôn ai. Kế bên chùa Ông là Nhà việc có hương chức hội tề làm việc hằng ngày, làm cái bia gần Nhà việc để không ai dám phá!

- Câu chuyện dì Tư kể hay quá mà rất tiếc không thấy lịch sử nhắc đến.

- Lịch sử có hay không dì không biết, nhưng vụ đó xứ nầy có đặt văn đặt vè ca tụng đàng hoàng”.

          Rồi dì Tư đọc mấy câu sau đây như để chứng minh sự thật:
          Ai trung cho bằng ông Định?
          Ai nịnh cho bằng thằng Tấn?
          Giặc Tây xâm lấn nó vác súng theo hầu.
          Dưới sông ông Lịch đốt tàu,
          Trên bờ lấy củi đập đầu thằng Tây!

Dì Năm Bầu vốn ít nói, nhưng sau khi nghe dì Tư đọc mấy câu trên, dì Năm liền lên tiếng như khẳng định:”Chuyện nầy có thiệt mà! Hồi còn nhỏ, dì nghe ông ngoại của dì kể lại, dì cũng thuộc mấy câu đó nữa.” 

Tôi nghĩ, mấy câu trên đây có lẽ là loại “hò quốc sự” cũng nên! Còn các nhân vật trong bài nầy thì “ông Định” tức Trương Định, “thằng Tấn” tức tên phản nước hại dân Huỳnh Công Tấn, “ông Lịch” tức tên tục của Nguyễn Trung Trực. Trong chuyện kể, dì Tư có nhắc tên ông Hồ Quang Chiêu cầm chầu chỉ huy buổi hát, rồi ra ám hiệu tấn công giặc, tôi hỏi thăm về vị tiền bối nầy, được dì  Tư nói rõ:

- Tiền hiền khai khẩn xứ Nhựt Tảo là kiến họ Hồ Quang từ miền ngoài vô. Ông tổ đầu tiên là ông Hồ Quang Chương. Ông Chương có ba người con trai đều  có chức phận ở trong làng tổng, nhưng tất cả đều làm việc hai mặt, nghĩa là bên ngoài thì làm việc cho Tây mà bên trong thì ủng hộ nghĩa quân của ông Nguyễn Trung Trực. Ba người con trai của ông Chương là các ông: Hồ Quang Minh (thứ ba - tính theo Nam Bộ), Hồ Quang Chiêu (thứ tư), Hồ Quang Lệ (thứ năm). Ông Hồ Quang Lệ là ông cố ngoại của dì…”

Người cháu của hai dì ở nhà bên cạnh, bưng cơm trưa qua và mời hai dì dùng bữa. Tôi xin phép kiếu từ, hẹn lại hai dì qua Tết về thăm và xin hai dì cung cấp cho các bài thơ, bài vè có nguồn gốc từ Nhựt Tảo.

++++++

Trên đường về, trong đầu tôi cứ miên man suy nghĩ về cái gọi là “mả ông Tây” (cách gọi của người dân thời thuộc địa) mà theo dì Tư thì nó là “bia thua trận” của Tây, vì nó gắn liền với câu “Dưới sông ông Lịch đốt tàu, trên bờ lấy củi đập đầu thằng Tây” Nếu sự thật như vậy thì bọn thực dân và tay sai cho lập cái bia nầy sau chùa Ông cách Vàm Nhựt Tảo chỉ khoảng chừng một trăm mét nhằm để “kỷ niệm”  cho cả hai “sự kiện” xảy ra cùng một nơi, cùng một lúc! Bia có tác dụng gây căm thù cho bọn thực dân đồng thời nhắc nhở bọn lính đóng đồn ở đây phải luôn luôn đề cao cảnh giác! Tôi còn nhớ trong tham luận của các nhà sử học nghiên cứu về trận “Hỏa hồng Nhựt Tảo” có vài  điểm mà suy ra có liên quan đến cái “mả ông Tây”:

Một là: Khi chiếc tàu “Hy Vọng” thả neo ởVàm Nhựt Tảo thì hai bên ven sông có bọn lính đóng binh gần đó đểyễm trợ.

Vậy, bọn lính mã tà bị đập đầu bằng củi đòn mà dì Tư kể chuyện có phải là bọn lính nầy chăng?

Hai là: Sau khi tàu “Hy Vọng” bị đốt, bọn thực dân hung hãn như con ác thú bị trọng thương, dẫn lính về đốt sạch làng Nhựt Tảo để trả thù.

Vậy,  cái “mả ông Tây” hay“bia Ghi nhớ” có thể được bọn chúng dựng lên ngay sau khi đốt phá làng Nhựt Tảo chăng?

Thiết nghĩ, câu chuyện “…lấy củi đập đầu thằng Tây” mà dì Tư kể dù có thật hay chỉ là truyền thuyết dân gian thì nó cũng xuất phát từ lòng yêu quê hương xứ sở và căm thù thực dân xâm lược của bà con nông dân mà ra.Còn cái “mả ông Tây” hay cái “bia thua trận của Tây” không phải cái gọi là “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” của Mã Viện ngày xưa, mà nó chính là một điểm son trong lịch sử của ta mà là một vết nhơ của giặc! Nhưng nay thì nó không còn! Thật đáng tiếc thay!/.

Đỗ Văn Đông

---------------------
1.- Hồi thập niên 40 của thế kỷ trước, trường làng tại Nhựt Tảo có 3 lớp, gọi theo dân gian là lớp Ba, lớp Nhì, lớp Nhứt, tức lớp Đồng ấu, lớp Dự bị, lớp Sơ đẳng (Bảng tên lớp ghi theo chữ Pháp là Cours Enfantin, Cours Préparatoire, Cours Élémentaire).Vậy, lớp Nhì trường làng ở Nhựt tảo lúc bấy giờ tương đương với lớp Hai ngày nay.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 40

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 39


Hôm nayHôm nay : 3691

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 268005

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8726106