Em kéo lạch cạch cái va li sứt mất một bánh xe ra taxi. Trời chiều hơi âm u, buồn lạ. Đến khách sạn, đám bạn chia nhau xong chìa khóa phòng, mỗi đứa lục tục về một phía. Anh đẩy nhẹ giúp em va li len qua giữa hai cánh thang máy nhỏ xíu rồi giơ tay chào tạm biệt. Huế là nhà của anh. Giờ chắc anh chỉ mong chạy về nhà với người mẹ hiền lành, nắm lấy bàn tay ấm áp của anh em, bạn bè xa nhau đã lâu.
Khi đã yêu… điều gì cũng là nhớ. Và khi đóng cửa phòng lại nỗi nhớ cứ như là không khí ở nơi đây. Em hứa sẽ không nghĩ gì về chuyện đó nữa. Em biết chắc nó mơ hồ lắm, nhưng khó kiềm chế bản thân, người yếu lòng thật khổ. Em mở vali và sắp xếp đồ đạc vào tủ. Dưới đống quần áo, đồ dùng là quyển sách mà em giấu với mọi người là mình đang đọc. Người lúc nào cũng có hơi hướng của những gì đến từ phương Tây, hẳn không khiến mọi người nghĩ lại đọc truyện của Kim Dung. Nhưng vì anh yêu nó…và em cũng mượn nó để nói về mình. Có gì tình cờ không khi Huế lại mang màu tím, còn sắc tím của A Tử có tình cờ không khi gắn với một chuyện tình.
Tiếng gõ cửa cạch cạch, tiếng gọi rổn rảng của thằng đầu têu trong nhóm.
- Mày trang điểm gì lâu vậy, ra đi ăn liền.
Cứ ra đến đây là lục tục đi ăn, hết món ăn nhẹ đến món ăn “nặng”. Em phân vân trước chiếc đầm tím và xanh dương. Tím lộ liễu quá thôi đành cất lại. Dù vui buồn thế nào, em vẫn cứ tung tăng xuống sảnh, la đứa này hét đứa kia. Nhưng con mắt vô hình cứ dõi ra cửa, tìm một người…hớn hở rồi như không thấy anh. Quán Bà Đỏ hình như hôm nay đông khách, cứ gọi món nào là bảo “Hết rồi em”, quê thật. May là cũng còn bánh khoái… mà em khoái. Bia Huế dễ thương như người. Cái ly cũng từ tốn như người. Em cầm gọn trong tay, nhâm nhi tới khi mặt ửng đỏ. Bạn lại bày trò.
- Đi xích lô.
- Đi uống cà phê.
Cuối cùng thì đi xích lô ra bờ sông uống cà phê.
Mới no nê xong nên khoan gọi cà phê, em với nhỏ bạn đi lững thững dọc bờ sông. Bạn bảo đi xem mấy bức hình ở công viên dưới chân cầu. Có anh họa sĩ đang ngồi vẽ. Có cặp tình nhân nắm tay đi trên lối nhỏ. Có đám trẻ con xô đẩy làm giá đỡ lung lay… Cầu đêm nay chưa đẹp, mai mới đẹp. Nhưng người nhạt nhẽo như em chỉ thích ánh sáng trắng mờ trên nền đen thẳm hơn là xanh đỏ tím vàng. Bạn hỏi suy nghĩ gì mà nhìn chăm chăm ghê thế, người yêu bạn kêu về uống nước kìa. Em thấy có gì đâu mà vội, cà phê ở đây đá không nhuyễn như ở chỗ mình. Một viên đá vừa lọt trong ly. Một mình nó thôi, từ từ tan đủ lạnh mà không phá hỏng hương vị cà phê. Nên em và bạn chẳng gì phải vội. Chờ một người còn tốn cả tháng năm.
Bánh khoái, cà phê và sông Hương…Hết một đêm nghêu ngao.
Trời gần sáng nhưng em thấy tỉnh táo hẳn ra. Cuộc đời của Đoàn Chính Thuần thật … cười ra nước mắt. Bâng quơ em nhắn tin cho anh “Ngủ chưa Đoàn Chính Thuần”. Không thể ngờ anh trả lời: “Anh không phải là Đoàn Chính Thuần. Là Tiêu Phong đó em”. Em cười. Thế thì đời em khổ rồi, biết khi nào thì anh quên được A Châu đây.
Em đặt điện thoại xuống, leo lên giường và đếm … Cạch cạch cạch, quái quỷ thằng bạn nó gõ gì vào cửa mà lúc nào cũng cành cạch như thế.
- Xuống sảnh ăn sáng nè bà!
Sao lúc vừa muốn ngủ thì phải ăn. Lúc muốn ăn thì buồn đi ngủ. Đời khổ thế không biết.
----
Sáng nay ra Hòn Chén. Nước trong veo và mát lạnh. Em thả mấy ngón tay xuống nước.
- Khéo! có cá sấu. Anh cười tinh quái.
- Cá gì xấu bằng anh. Em cũng tinh quái lại.
Mấy đứa con gái xì xụp vái lạy. Anh đẩy nhẹ sau lưng “Thiêng lắm, thắp nhang đi”. Lòng tin của em rất lạ, nó cứ chôn sâu trong suy nghĩ chứ không hiện ra ngoài. Nên em cứ đứng đó, hít thở mùi trầm, lắng nghe tĩnh mịch. Bạn lóc xóc đám xăm. Bạn mặt mày méo xệch vì hai chữ “hạ hạ” gì đó. Rồi em, anh và bốn đứa kia ra ngồi trước bậc đá. Chị bán tàu hũ dụ dỗ. Em không thích nhưng mọi người cứ chuyền tay nhau cái chén nhỏ thế là ăn. Trên chuyến đò đi về, em nhìn lại, hai đứa xoắn tay vào nhau, một đứa con trai gác tay lên vai bạn gái nó. Em và anh ai nấy tự nắm lấy tay mình.
Anh nói chiều nay đi chùa Thiên Mụ.
Em dặn ai yêu nhau nhớ đừng có van vái gì.
Anh cười “Hay thế!”. Bạn tròn xoe mắt “Sao vậy?”
Chuyện bình thường thôi! Ở Hòn Chén em không cầu xin được làm người anh yêu. Nhưng ở Thiên Mụ, anh lỡ lời bảo em là người yêu anh. Nên chả bao giờ có lúc hai đứa được yêu nhau.
Chuyện đi chỗ này, chỗ kia cuối cùng chỉ gắn với mục đích rõ ràng nhất là để hai thằng con trai chụp hình cho người yêu chúng nó. Hai đứa còn lại đứng xa xa nhìn mặt đần ra, mỗi người một suy nghĩ.
- Anh không đi xem cảnh chùa à? Quên, chắc hồi nhỏ đi mòn gót rồi. Em nói vì muốn phá đi cái sự im lặng kỳ cục giữa hai người.
- Anh không đi được em à, mỗi một chỗ ngồi, mỗi một đường đi đều gắn với nhiều ký ức quá. Thấy mấy đứa ra đây chơi, không lẽ anh lại ở nhà, chứ thật lòng đi mà nhớ và buồn quá.
Đêm ấy lại nằm mà suy nghĩ và nhắn với anh “Tình yêu ngày xưa anh nhớ nhiều làm gì cho khổ hả Tiêu Phong”. “Xét đến cùng Tiêu Phong sướng hơn anh em à, vì A Châu chết, còn đằng này người ấy còn sống sờ sờ, anh quên sao được”-anh trả lời mà nghe muốn vỡ cả tim.
---
Ngày thứ ba đi Quảng Trị, viếng nghĩa trang lại nhớ hai từ “ còn sống”.
Chiều đó quay về ghé nhà anh. Em đứng nhìn chậu rau bợ trong vườn. Phân vân không biết gọi nó là gì, gọi “cỏ ba lá” chừng như thích hơn nhiều.
- Trời ba bốn gì rau bợ đó chị hai. Một thằng cố phá đi sự lãng mạn của câu chuyện mà em kể về một chiếc lá yêu mãnh liệt bụi gai đến làm vỡ tim mình thành bốn. Đám con gái thì cố bảo vệ câu chuyện huyễn hoặc ấy. Còn con trai thì cười hô hố rất vô duyên mà không biết lòng chúng nghĩ gì.
Hôm sau cả nhóm quay lại thành phố Hồ Chí Minh. Trên máy bay anh cứ cười tủm tỉm bảo “Có quà cho mấy đứa”. Lấy hành lý xong thì anh lôi trong ba lô ra một quyển tạp chí, lật tung lên để tìm… mấy nhánh cỏ ba lá. Hai đứa con gái nhảy tưng vì sướng rơn. Em ngỡ ngàng. Có điều gì sau món quà ấy không hả Tiêu Phong. Khi anh bảo đến lúc chết chắc lòng mình cũng chỉ có mỗi A Châu.
Em mang cánh lá ấy về nhà, ép lại trong tấm nhựa mỏng và mang theo, coi như lời chúc may mắn từ anh cả của đám bạn một thời.
Em leo lên taxi về nhà. Hình dáng anh cao gầy giữa nhà ga lùi xa dần, mờ mờ và lẫn lộn với bao hình dáng khác. Em vẫn yêu anh nhưng …không dám làm A Tử, không dám làm cỏ ba lá nên cuộc đời cứ nhạt nhẽo trôi qua.
Anh còn nhớ lá cỏ không?
Mai Đặng Thảo Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 10
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 9
Hôm nay : 2621
Tháng hiện tại : 74883
Tổng lượt truy cập : 10820106