Thứ ba 19/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

THÁNH Ở CHÙA

Nhà văn Võ Thúy Phượng và nhà  văn Nguyễn Xuân Đỉnh

Nhà văn Võ Thúy Phượng và nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh

Đã hơn mười ngày nay, máy bay toạ độ cứ bấm bom liên tục. Lớp học Báo chí đã qua nửa chặng đường, vậy mà phải chựng lại, vì tình hình chiến trường quá khốc liệt. Hơn năm tháng qua đi với biết bao lần hành quân, đổi chỗ, bom đạn, chết chóc, và hai đồng đội đã hi sinh…

Học viên của lớp đều nhớ như in chuyện vui đùa. Thằng Hy chánh gốc người Hà Nội, nhưng không hiểu sao nước da nó đen, khuôn mặt nhìn vào y như con nhà tướng. Lông mày, mắt, miệng, mũi nó món nào cũng xếch xếch… Theo cách lính Nam Bộ kêu nó bằng “Hy Xếch”. Ai hỏi Hy:
- Sao mày người Hà Thành mà đen thui vậy?
Hy cười, hếch cái lỗ mũi lên:
- Tớ là người Hà Thành nhưng gốc… Châu Phi…
Không biết nó nói chơi hay nói thiệt, trước hết là cười cái đã. Hy Xếch biết rất nhiều tài vặt. Trong ba lô nó nào cưa, rìu, đục, dao, bào cây, cái nào cũng nhỏ xíu. Hồi mới tập trung lớp chờ khai giảng, Hy mượn con dao của anh nuôi, cộng với bộ đồ nghề nhỏ xíu của mình. Trưa, Hy vô rừng, chặt chặt, đẽo đẽo. Hai ngày sau nó làm xong cây đờn ghita. Cái thùng đờn chỉ nhỏ bằng thùng đờn mandoline, nhưng rất đẹp, tiếng kêu nghe rất thanh. Hy còn khắc khuôn mặt một cô gái mắt to, tóc dài bồng bềnh trên mặt thùng đờn. Ai mà nhìn vào cũng thấy cô gái như đang cười với mình. Hy quen với một người bạn Khơ-mer, anh đó đã tặng Hy bộ dây đờn. Đáp lại, từ mảnh bom máy bay, mảnh pháo, Hy làm nồi, chảo, chén, ca, đèn dầu tặng lại cho bạn…
Trong những bài báo Hy viết thu hoạch có một đoạn: “Gió ban chiều nhè nhẹ đưa mây về thăm mẹ hộ con mang lời con nhắn rằng: mẹ cứ yên lòng, con đã trở thành người chiến sỹ nhà báo rất vững vàng và vui nhộn”…
Anh chỉ huy vốn rất điềm tính, vậy mà cũng cười ra tiếng thiệt lớn:
-Người ta thường khoe: con đã trở thành người chiến sỹ dũng cảm và gan dạ, còn thằng Hy nó nói ngộ quá…
Anh lại cười…
Người cùng hy sinh với Hy Xếch là Ẩm. Ẩm quê ở vùng sông nước An Giang. Ẩm là người Việt gốc Khơ – me. Ẩm cũng vui tính lắm. Khá đẹp trai, mái tóc xoăn, trán vuông – đặc điểm nổi bật của con trai Khơ-me. Người Ẩm mảnh dẻ, khỏe khoắn. Chỉ cần mỗi ngày Ẩm ra suối độ nửa giờ là có cá đủ cho ba, bốn chục người ăn. Ẩm hát hay, múa dẻo. Tánh tình sởi lởi, gần gũi. Cả hai chàng nhà báo hy sinh khi đều chưa có bạn gái và cũng chưa kịp thân với cô bạn học nào trong lớp… Ngày tiễn hai bạn, cây đàn ghita nhỏ xíu được gửi theo, và mấy bạn nhà báo trẻ còn gửi cả cái giỏ đựng cá cho Hy Xếch và Ẩm trán vuông. Dù không mê tín, nhưng ai cũng muốn nói là: “Hy ơi, Ẩm ơi! Phù hộ cho lớp học nhé!”…
*   *
*
Lớp học tùy theo tình hình bom đạn của chiến trường mà linh động. Học trong căn cứ, học ở bìa rừng, học dưới hầm trú ẩn, và học lúc nấp dưới công sự…
Hôm nay lớp được lệnh hành quân. Chiến sĩ không biết nơi đến là đâu. Đó là nguyên tắc bí mật quân sự. Tới sáng mới hay mình ở khu rừng già. Có rất nhiều cây cổ thụ, nào cây sọ khỉ, cây dầu, gáo, cầy… Đám con gái nhà binh nhìn những cây phong lan bông thơm đặc khừ, bò bám quanh những thân cây lớn mà thèm… me, thèm ổi! Quản lý đám trẻ tưng tửng, hiếu động, phá phách như quỷ, anh chỉ huy phải nhắc nhở hoài:
- Nào đừng mơ mộng nữa, hãy bắt tay vào đào hầm, đào công sự, dựng trại làm lớp học đi… Xong rồi tôi cho các bạn đi hái bông, hái trái rừng… Mà ở đây là vùng bom tọa độ, không được chủ quan…
Nghe được đi hái bông, hái trái rừng ai cũng phấn khởi, đào đắp rất nhanh, kỹ càng, rất dày, rất chắc. Chưa xong hàng công sự thì trời đổ mưa lớn. Mưa rào rào trên lá, trên nóc chòi nilon. Gió quất ào ào, làm mấy tấm nilon hứng nước mưa kêu rộp roạp. Và mưa đến nỗi phải nói thật lớn mới nghe tiếng của nhau… Bỗng một anh lính hét thật to:
- Ê, có ai nghe gì hôn?
Tất cả im lặng. Sự im lặng như mọi lần chuẩn bị đối phó với pháo kích…
Nhưng không, mắt ai cũng như sáng lên. Gương mặt ai cũng hiện rõ sự vui mừng, ấm áp:
- Chuông chùa…
Đúng thật. Giữa tiếng mưa thật to, văng vẳng tiếng chuông chùa, hình như rất gần… Tất cả vỗ tay. Vài người nước mắt rưng rưng. Hình như quê nhà đang ở rất gần trong tiếng chuông chùa ấy…
Một chàng lính đọc nho nhỏ mà mọi người ai cũng lắng nghe:
- Hôm qua em đi chùa Hương, hoa cỏ còn mờ hơi sương, cùng thầy mê vấn đầu soi gương…
Tất cả lại vỗ tay ồn ào. Anh lính trẻ cao hứng, định đọc nữa, nhưng anh chỉ huy đã nhắc:
- Nhỏ tiếng thôi, muốn biệt kích nó hỏi thăm hả. Mai mốt bình yên về nhà, tha hồ mà mơ tiên…
Một cô gái bạo gan, xin phép:
- Anh chỉ huy ơi! Trời còn đang mưa, anh cho tụi em đi hái phong lan đi, tụi em hái nhanh lắm, được là về liền hà…
- Tụi em là mấy đứa?
- Dạ… hết đám con gái.
Cả bọn bụm miệng cười khúc khích khi nhìn thấy anh chỉ huy nhướng mắt vì cái chữ “hết đám con gái”.
Một cô lính thắt hai bím tóc nhanh nhẩu:
- Anh đừng lo, hồi nhỏ em leo hái dừa mướn, nên hổng sợ té đâu…
- Cô không sợ té, nhưng tôi sợ. Các cô có bề gì tôi lấy đâu ra người mà đền cho đơn vị của các cô.
Mệnh lệnh. Vậy là mấy cô lính trẻ đành nuối tiếc, nhịn thèm. Không dám giận nhưng thi thoảng mấy cô xì xầm:
- Anh chỉ huy mặt hiền khô mà làm bộ nghiêm thấy ghê…
- Xuỵt, bị kiểm điểm bây giờ. Anh ấy làm đúng rồi bà ơi…
Mưa rừng thật dai dẳng. Mưa từ sáng đến ba giờ chiều mới dứt hạt to. Còn những giọt rớt từ cây lá thì cứ triền miên, rỉ rả… Họp, anh chỉ huy sinh hoạt:
-Hầm hố đã xong, ngày mai ta học tiếp. Ở đây tuy rừng lớn nhưng gần Sóc của bà con Khơ-me, đặc biệt là gần một ngôi chùa. Tất cả phải chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, lúc nào cũng tâm niệm mình là bộ đội Cụ Hồ. Ngoài đội tiếp phẩm, không ai được ra khỏi cứ nếu không có phép của Ban chỉ huy.
Mới sáng sớm ngày thứ ba, có một sư tăng đến mời anh chỉ huy vào chùa. Cả lớp hồi hộp, đoán già, đoán non. “Không biết có tay tiếp phẩm nào ghẹo chọc nữ bổn đạo đây?”.
Anh chỉ huy vốn rất nghiêm khắc, ít cười, vậy mà khi ở chùa về anh tươi tắn, phấn khởi, làm chiến sỹ cũng vui lây.
-Trụ trì Chùa Chan Tra cho phép chúng ta vào chùa ở. Ông nói đang lúc mưa đậm, nếu có điều kiện cũng đừng nên để chiến sỹ vất vả quá. Dãy nhà ngang bốn căn, một căn dành cho nữ. Vì chùa toàn sư tăng nên các cô nữ của ta cần kỹ càng phơi phóng áo quần, thận trọng khi giao tiếp, không được lên chùa lớn. Tuy chùa không có sư cô, nhưng bổn đạo nữ đến chùa làm công quả thường ngày nên chiến sỹ nam cũng phải nghiêm khắc với bản thân, nghiêm khắc với cả đồng đội, sinh hoạt không được xô bồ.
Từ ngày có lớp học của bộ đội Việt Nam, tín nữ đến làm công quả cho chùa rất đông. Toàn là thiếu nữ Khơ me. Người nào cũng đẹp như tượng nữ thần Apsara. Đôi mắt của những chàng lính trẻ rất tinh tường, chỉ sang ngày thứ ba họ đã kháo nhỏ với nhau:
- Ê, hình như bữa nay thiếu nữ Khơ me ai cũng đẹp hơn hôm đầu tiên tụi mình tới đó…
Quả vậy. Độ rày các cô đến chùa với xà rông mới, áo mới, tóc đánh kiểu mới và mặt cô nào cũng trang điểm nhẹ nhàng. Tuy nhạt thôi, nhưng cánh lính trẻ nhìn là biết ngay. Không phải chỉ vì có mấy anh lính, mà chắc có điều gì trong chùa quan trọng đang diễn ra chăng…
Theo đề nghị của phía chùa, nhiều thiện nam tín nữ được cùng học phần toán cấp một, ghi chép với lớp. Còn phía ta, tùy theo trình độ của chiến sỹ được học với các sư tăng. Chương trình phổ thông của bạn cũng mười hai lớp như ta, nhưng họ đếm ngược – lớp mười hai là lớp một. Và cứ thế tốt nghiệp lớp một là hết phổ thông.

*   *
*
Ở vùng này chỉ có bom tọa độ của máy bay Mỹ chứ chưa có các binh chủng khác, nên lớp học đóng quân khá lâu. Ngày 31 tháng 8 năm 1970, đơn vị được lệnh trở về căn cứ chuẩn bị Lễ Quốc Khánh. Hơn năm tháng, hôm nay cánh lính nữ mới được diện kiến vị trụ trì chùa. Ông dáng người tầm thước, mặt rộng, trán vuông, mắt hơi  xếch. Có lẽ do cặp mắt xếch và cái trán vuông của ông nên mọi người nhìn thấy như đã quen ông lâu lắm rồi. Và hình ảnh Hy Xếch, Ẩm trán vuông như đang đứng trước mặt mọi người. “Đúng là Hy Xếch và Ẩm trán vuông đang phù hộ anh em mình”. Vị trụ trì gần gũi ấy nhìn rất phúc hậu. Ông nói tiếng Việt cứ như… người Việt:
- Thưa anh em bộ đội, hôm nay anh em trở về căn cứ tôi thật tiếc, nhưng không thể chần chừ e lỡ việc của anh em. Xin thay mặt chư tăng Chùa Chan Tra cùng bổn đạo vùng này cảm ơn bộ đội đã giúp nhiều việc cho chùa. Những trận bom tọa độ vừa qua nếu không có bộ đội giúp đỡ chúng tôi sẽ tổn thất rất lớn. Chỉ việc xây nhiều hầm, khi máy bay oanh tạc chia nhau nấp rải rác, đã bảo tồn được lực lượng thanh niên của chùa, bà con bổn đạo không còn tình trạng chết chùm nữa. Hôm nay bộ đội cứ về đơn vị, tôi xin mời cả lớp Báo sáng ngày 3 thánng 9 đến chùa dự lễ. Mong bộ đội nhận lời mời của chùa. Vì chùa có một niềm vui bất ngờ rất quí tặng cho bộ đội…
Ngừng giây lâu, rồi vị trụ trì nói tiếp, giọng trầm ấm đầy sự trang trọng, tha thiết gần như muốn khóc:
-Thưa anh em bộ đội. Tuy tôi ở chùa nhưng cũng là người ly hương, xa xứ và cũng có nhiều tâm sự như các anh chị vậy. Thời gian được sống gần bộ đội Việt Nam tuy ngắn ngủi, nhưng tôi và các chư tăng, ngoài học chữ còn học được nhiều điều nhân nghĩa ở đời của bộ đội… như chịu đựng gian khổ, thiếu thôn, thương yêu nhau thật lòng, không vị kỷ cá nhân. Bộ đội rất thương dân, không hề phân biệt dân nước nào… Học tập bộ đội, chùa đã cùng tín đạo xây nhiều hầm trú ẩn kiên cố, đào giao thông hào nhiều ngả từ chùa ra suối, ra rừng phòng khi bất trắc. Tôi vô cùng cảm ơn bộ đội Việt Nam, mong đừng có bất trắc gì, chúng ta sẽ hoan hỉ gặp nhau vào sáng ngày Mùng 3 tháng 9.
Một thời gian dài đóng ở chùa Chan Tra, lính nam, lính nữ của mình được bà con nhân dân quý mến, được nhiều bạn trẻ cảm tình. Trong đó có những chàng trai cô gái có tình cảm đặc biệt với nhau. Đó là động lực thúc đẩy trai gái cố gắng học tập, nên chỉ hơn năm tháng mà có người đã viết thơ cho người mình thích được rồi. Tất nhiên phần chánh tả chưa chuẩn, nhưng người đọc cũng hiểu liền…
Tuy ban chỉ huy luôn nhắc nhở về quân phong, quân kỷ, nhưng khổ nỗi trái tim nó đâu có cái ngăn kỷ luật, đâu có quan điểm quần chúng nên chuyện thương thầm nhớ trộm của tuổi trẻ vẫn cứ là muôn thuở… Ngay như anh chỉ huy cũng có một cô giáo Khơ me đẹp như tiên nữ, tặng anh chiếc khăn quấn cổ mùa đông do tự tay cô dệt. Mỗi người đều có một người bạn thân. Thấy tình hình không ổn lắm về mặt quan hệ tình cảm, trên tiểu đoàn cho rút quân về gấp, tới nơi khác làm lễ bế giảng… Nhưng sẽ trở về chùa theo lời mời của vị trụ trì.
Theo kế hoạch độc ác của bọn giặc là đánh phá ta vào những ngày lễ lớn. Chùa Chan Tra nằm giữa phần đất biên giới Campuchia – Việt Nam cũng bị khoanh vùng. Vậy là ngày 2 tháng 9 năm 1970, bộ đội ta làm lễ giỗ một năm ngày Bác Hồ ra đi, giỗ tổ chức dưới hầm. Mặt đất rung rinh oằn mình, cây lá và mọi vật đều như giận dữ, căm hờn sự tà ác của máy bay xâm lược. Trái tim mọi người đau nhói khi hướng về chùa Chan Tra đang bị bom dội ầm đùng. Nỗi lo lắng, thương cảm hiện rõ trên nét mặt của ban chỉ huy.
Trời mới tờ mờ sáng, được phép của Ban chỉ huy Tiểu Đoàn, cả lớp trở lại chùa. Ngôi chùa không sao. Nhưng cây cối quanh chùa xơ xác, hai am nhỏ bên chùa sụp đổ, cây cổ thụ bị tróc gốc, gãy ngọn tan tác. May mà không ai bị thương. Mỗi người lính trong lớp học ấy nghe tim mình thắt lại khi nhìn vào từng vật, từng cảnh bị tàn sát bởi bom đạn…
Buổi lễ chùa thật hoành tráng, nghiêm trang, có chút gì mờ ảo trong khói hương nghi ngút. Nữ bộ đội, và tín nữ của chùa đều được lên chánh điện dâng hương. Nhiều tiếng lao xao:
-Bữa nay Lễ gì của nhà Phật vậy? Không phải lễ tắm Phật cũng không phải lễ Vu Lan?
Mọi tiếng nhỏ to im bặt khi vị trụ trì leo lên chiếc ghế bậc thang. Vì công việc này thường là do các chư tăng làm. Hôm nay, đích thân trụ trì thực hành chắc có điều gì hệ trọng lắm đây. Lên tới đỉnh bàn thờ bằng đá, tự tay ông  mở tấm vải điều vàng ra, hai tượng Phật ngự trên tòa sen, chiều cao hơn một thước, ngang chiếm cả căn giữa chánh điện. Mọi người dụi mắt mấy lần. Ông Phật Như Lai bên phải. Ông Thánh bên trái. Phật mặc áo Phật. Còn ông Thánh thì mặc áo trắng, cổ đứng. Gương mặt cũng hiền như Phật vậy. Ủa, mà ở Chùa thì đâu có Thánh. Giọng vị trụ trì rưng rưng đầy xúc động…
-Tôn kính Đức Phật toàn năng, đức Thánh Hồ Chí Minh. Hôm nay Chùa Chan Tra tổ chức mừng Quốc Khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và… một năm ngày viên tịch của Đức Thánh Hồ Chí Minh.
Tiếng xì xào, rồi râm ran, rồi ồn ào ngay giữa chánh điện:
- Ôi, Cụ Hồ!
- Bác Hồ!
- A di đà Phật! Bác Hồ kìa…
Vị trụ trì vẫn trang nghiêm đầy xúc động:
- Đệ tử nguyện cầu hai vị Phật và Thánh toàn năng chứng giám, phù hộ cho thế giới chóng hòa bình. Đây cũng là món quá quý xin tặng bộ đội Việt Nam.
Xong lễ dâng hương, anh chỉ huy trao cho trụ trì chùa một số tiền:
- Đây là tấm lòng của chúng tôi, mong chùa không từ chối. Qua nhiều trận bom bắn phá, chùa cần tu bổ lại.
- Nhưng bộ đội lấy tiền đâu mà ủng hộ chùa…?
- Là tiền của chùa đó chứ. Mấy tháng anh chị em làm công quả rồi ăn cơm chùa nên số tiền còn lại chúng tôi không chi tiêu mà góp lại cho chùa…
Không thể chối từ lòng tốt của bộ đội, trụ trì chùa đành phải nhận. Trước khi chia tay trụ trì chùa ngậm ngùi:
-Tuy là Phật pháp vô biên, nơi đâu cũng là đất Phật, nhưng tôi luôn nhớ mình là người Việt Nam. Cha tôi là liệt sỹ thời chống Pháp, mẹ hi sinh khi tiếp đạn cho tiền phương…
Vâng! Còn ngôi chùa của ông ngự trên đất Campuchia nhưng là cơ sở hợp pháp cách mạng đã nhiều năm qua. Cũng chỉ có ông mới dám thỉnh Thánh Hồ về. Chứ chùa Khơme trước giờ chỉ có Phật và Thần thôi…

Võ Thúy Phượng

Theo VNLA XUÂN 2013

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 31


Hôm nayHôm nay : 5597

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 171085

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8317495