Phượng không sợ chết. Chị chỉ lo và tủi. Lo vì không biết từ mai ai sẽ chăm ông ngoại, chăm mấy đứa em khi mà ba mẹ chị ngày nào cũng như ngày nấy ra đi từ tờ mờ sáng và đến tối mịt mới về. Còn tủi, nghĩ đến là chị nấc lên một hồi dài, nước mắt tuôn lả tả: trước khi chết chị không thấy được ba mẹ.
Chị sẽ giữ kín chuyện này, sẽ chết một mình nếu như trưa nay Phượng em không về kịp. Nhìn con em mặt mày đỏ lơ đỏ lửng, đang tu nước ừng ực sau khi vượt mấy cây số đường bộ từ trường tiểu học về nhà, chị không chịu được, chị chạy tới ôm nó, khóc ngon lành. “Phượng em ơi, mày đi kêu ba mẹ về đi, tao sắp chết rồi”.
Phượng em không biết mô tê gì hết, chỉ cảm thấy có một cái gì ghê gớm lắm đang xảy ra. Nó tất tả chạy qua mấy quãng đồng dưới cái nắng trưa gay gắt để tin cho ba mẹ.
Khi ba mẹ chị về tới nhà, bà con hàng xóm có mặt rất đông. Mọi người nhao nhao:
_ Vợ thằng Tàng, bây vào coi con Phượng nó làm sao mà cứ khóc bù non bù nước trong buồng, ai hỏi cũng không chịu nói, ai kêu cũng không chịu ra.
Mẹ chị vứt vội chiếc xe đạp cũ và chiếc nón lá xời giữa sân, lao vào với chị. Chị sà vào lòng mẹ, nức nở:
_ Mẹ ơi, con sắp chết rồi. Sáng nay ngủ dậy con thấy mình bị chảy máu quá trời. Tới bây giờ máu cũng còn chảy…
Chị ngừng nói, hức lên vài tiếng, ngước mắt nhìn đám người đứng ngoài cửa sổ, rồi ngại ngùng chỉ vào chổ kín của mình.
Hàng xóm được một trận cười nghiêng ngửa. Cha mẹ chị nhẹ người như trút được gánh lúa hàng trăm cân.
2. Sau trận “chết hụt” ấy, có đến vài tháng chị trốn biệt trong nhà, không dám đi đâu, kể cả đến lớp. Chẳng biết đứa nào thèo bẻo mà gần như cả trường không ai không biết chuyện của chị. Cô giáo đến vận động chị mấy bận rồi cũng chịu thua. Cha mẹ chị thì cũng không có nhiều thời giờ để mà khuyên chị mãi vì họ còn phải “đầu tắt mặt tối” với cái ăn cái mặc hàng ngày.
Chị nghỉ học, có lẽ người buồn nhất là tôi. Dù mỗi ngày phải chở chị gần chục cây số cả đi lẫn về trên chiếc xe đạp cũ kỷ nhưng tôi không chút phiền lòng. Trái lại, có chị, con đường đến trường của tôi như ngắn hơn, những vòng xe như bớt gập ghềnh hơn. Gọi là chị cho đúng vai vế. Thật ra, tôi và chị chỉ cùng một tuổi. Thậm chí, tôi còn được sinh trước chị vài tháng.
_ Tao không đi đâu. Không phải tao mắc cỡ. Mày thấy đó, nhà tao nghèo như vậy, ba mẹ tao cực như vậy. Tao phụ nhà một vài năm cho nhổ giò một chút rồi mượn giấy chứng minh người ta đi làm công nhân. Có như vậy mới mong nuôi mấy em tao ăn học đến nơi đến chốn được.
Đó là lần cuối cùng tôi đến nhà chị với ý định rủ chị đi học trở lại. Hoàn toàn không một chút bất ngờ khi tôi nghe một cô bé lớp 8 như chị nói ra những lời như thế. Xứ tôi nghèo, hầu như đứa trẻ nào cũng nhiều nỗi lo toan, cũng già trước tuổi. Tôi không nghỉ chơi với chị như lời doạ lúc đầu nếu chị không chịu đi học. Trái lại, tôi rất cảm thông cho chị.
_ Chứ hổng phải chị nghỉ học đặng mai mốt lấy chồng sớm à?
Tôi lủi thủi ra về sau khi để lại câu đùa gượng gạo nên lòng cũng chẳng thấy vui chi.
3. “Cơm cha cơm mẹ không bằng cơm nhà máy xí nghiệp à nghen”. Người làng, ai cũng quở thế mỗi bận chị về thăm nhà. Quả vậy, bây giờ, chị trổ mã con gái đẹp chưa từng thấy. Da trắng, môi hồng, tóc thề đen mượt. Bạn học chị chắc có nhiều đứa khó mà nhận ra con “Phượng si đa” ngày nào nếu có dịp gặp lại. Đến tôi_một thằng em họ_lớn lên cùng chị, chở chị đến trường ròng rả 7, 8 năm trời cũng ngỡ ngàng sau vài ba năm không gặp thường xuyên.
Biết tôi có khiếu văn chương, chị đến nhờ tôi viết dùm lá đơn gởi cho chương trình “Đồng hành cùng đồng bào nghèo” của đài truyền hình tỉnh. Số tiền chị kiếm được mỗi tháng đều gởi về để mẹ nuôi em và thuốc thang cho ông ngoại. Vậy nên, mái nhà lá dừa mục nát vẫn xiêu vẹo trên nền đất cũ, chỗ ngoại chị nằm khi nắng khi sương. Chị muốn có một cái nhà khô ráo, sạch sẽ để ông ngoại, ba mẹ và mấy đứa em chị có được giấc ngủ ngon lành trong những đêm mưa.
Khoảng nửa năm sau khi chị gởi lá đơn đó, đại diện uỷ ban xã dẫn một đoàn người lạ đến nhà chị. Họ chụp hình, quay phim, hỏi chuyện người này người nọ. Khi ra về, họ hứa sẽ sớm quay lại để đáp ứng niềm mong mỏi của gia đình chị.
Ngày đài truyền hình xuống làm lễ trao nhà, chị xin nghỉ làm để về cơm nước phụ mẹ, để thỏa nỗi háo hức được xem ngôi nhà mới của mình đẹp như thế nào. Thấy chị đẹp, mấy anh trẻ trẻ trong đoàn có người buông lời chọc ghẹo. Chị mắc cỡ, càng mắc cỡ càng đẹp lạ. Đôi má ửng hồng không biết vì nắng trưa hay vì một chút xao động nào đó trong lòng.
Cuối tuần, tôi về nhà thì chị đã đi. Tôi hãnh diện thầm khi thấy ngôi nhà mới toanh mọc ở xứ nghèo này có công của mình một phần trong đó. Mẹ hỏi tôi có xem chương trình “ Đồng hành cùng đồng bào nghèo” trên đài truyền hình hay không. Tôi bảo không xem nhưng nhà chị Phượng được tặng nhà thì tôi có biết. Mẹ bảo không phải mẹ nói điều đó mà muốn hỏi tôi có thấy cái anh chàng hay cầm cái “mọt lưa” giới thiệu người này người nọ hay không? Tôi cười, giải thích với mẹ anh ấy là người dẫn chương trình nổi tiếng, còn cái đen đen anh ta cầm là cái micro chứ không phải “mọt lưa” như mẹ nói. Mẹ cười cười, rồi nói tiếp, tao nghe nói thằng đó có tình ý với con Phượng. Ngay ngày hôm sau là nó trở xuống mua thật nhiều quà, rồi còn xin đưa con Phượng lên chổ con Phượng làm nữa chứ. Cả xóm này ai cũng mừng cho nó. Tôi ậm ừ vài tiếng, rồi bỏ ra sau nhà, nhảy đùng xuống sông, cố xua cơn nóng nực bất chợt trong lòng.
Vài tháng sau, chị lên chổ trọ tìm tôi. Chị bảo: Tao không biết tính sao nữa. Ảnh nói ảnh thương tao thật và muốn cưới gấp vì ảnh cũng đã có tuổi rồi. Ảnh nói ảnh sống một mình dưới thị xã, cưới nhau rồi tao về cơm nước cho ảnh chứ không đi làm công nhân nữa. Ảnh sẽ thay tao chăm lo cho nhà tao. “ Sao chị lại hỏi tôi?”. Vì tao sợ mình làm sai. Vì tao tin mày. “Chị có yêu người ta không?” Chị không trả lời. Nhưng nhìn vào đôi mắt chị, tôi hiểu chị đang nghĩ gì, tôi biết có một cái cân đang nặng trĩu trong lòng chị. Biết thế nên tôi gật đầu. Gật đầu để chị không còn lấn cấn. Gật đầu để chị đi lấy chồng.
4. Ông ngoại trở bệnh vào giữa vụ cấy lúa mùa. Mẹ đưa ông lên bệnh viện tỉnh, ghé qua nhà bảo chị nói với chồng một tiếng rồi chạy ra chạy vào với ông. Chồng chị là người hiểu biết nên không lấy đó làm điều khó khăn. Nhiều lần anh đưa tiền bảo với chị ông cần gì cứ mua cho ông, anh có nhiều việc chỉ có thể đến thăm ông được vào ngày cuối tuần, nếu rảnh.
Ngày mai là chủ nhật, thằng Út được nghỉ nên chiều nay nó bắt xe đò lên ở với ông. Ông cầm tay chị thều thào:
_Làm vợ người ta sao mà bỏ đi suốt vậy con. Người ta thương thì để cho người ta thương, chứ đừng nên ỷ lại.
Chị dặn thằng Út đôi việc rồi về cho ông yên dạ, mặc dù bây giờ đã muộn và trời đang chuyển mưa.
Mưa như trút nước khi chị về đến cổng. Không muốn làm phiền chồng, chị tự mở khoá dẫn xe vào nhà. Đầu tóc rũ rượi, chị đứng chết trân trước cảnh tượng mà chị không thể nghĩ tới sau khi đẩy cửa phòng khách: Chồng chị đang làm trò đồi bại với một người khác. Trên màn hình của chiếc ti vi 41 inch đặt giữa phòng là một cảnh đồi bại khác với những hành động dã man và tiếng rên xiết rợn người được cặp loa đặt âm tường phóng đại hết cỡ. Chị lấy hết can đảm chỉa tay về phía hai người đang trần truồng như nhộng: “ Ra khỏi nhà tôi ngay”. Bạn tình của chồng chị luống cuống vớ chiếc khăn trải bàn quấn ngang mình. Còn anh ta thì không một mảnh vải che thân, thản nhiên quay về phía chị, gằng giọng: “Khôn hồn thì im lặng và ngoan ngoãn sống với tôi. Còn không thì ra khỏi đây ngay”. Một đợt sấm chát chúa nổ vang trời. Chồng chị đây sao? Người dẫn một chương trình truyền hình nhân đạo nổi tiếng với giọng nói giàu cảm xúc đây sao? Người nói yêu chị thật lòng và muốn chia xẻ cùng chị mọi khó khăn mà như thế này sao? Không chút do dự, chị đâm đầu vào cơn mưa. Vỡ nát!
5. Sau đợt thực tập ở đài truyền hình tỉnh, tôi tranh thủ về nhà trước khi quay lại trường. Lần này thì gặp chị, ở đầu đường vào làng. Mới bước qua tuổi đôi mươi mà trông chị tiều tuỵ quá. Gương mặt ủ dột khiến cho đôi mắt của chị vốn buồn lại càng buồn hơn. Chỉ một điều không thay đổi là cách gọi mày xưng tao giòn rụm như thể những ngày xưa cũ, như thể đã chưa trải qua những thay đổi lớn lao nào đó trong đời. Tôi thương chị quá, đắn đo không biết phải nói như thế nào về những điều mà chị nên biết.
_ Mày hay quá hen. Đã là người nổi tiếng rồi.
Tôi giương mắt nhìn chị, tỏ vẻ không hiểu.
_ Thì cái tập truyện “Mười hai bến nước” của mày đó. Truyện nào cũng hay mà buồn. Chỉ có điều đời người con gái bây giờ đâu chỉ có mười hai bến nước đó đâu. Ít nhất cũng còn một bến nữa mà tao cập phải. Cũng buồn.
Câu nói của chị, gương mặt buồn của chị xui tôi nhớ đến chuyện không hay về chồng chị xảy ra trong đợt thực tập vừa rồi.
Là người được chồng chị hướng dẫn, không muốn anh ta nghĩ rằng mình có ý nhờ cậy, nên tôi không vội nói ra mối quan hệ giữa chị và tôi. Sau buổi liên hoan tiễn các sinh viên thực tập về trường, chồng chị đưa tôi về nhà. Căn nhà trọ bé xíu giữa lòng thị xã mà tôi thuê một mình suốt đợt thực tập. Chồng chị hỏi tôi sau này định làm ở đâu. Anh nói đài mình cũng đang cần người nhưng mà không quen biết thì khó chui vào lắm. Nếu muốn thì anh sẽ nói cho một tiếng. Đây là cơ hội tốt cho những ai mới ra trường, nhưng không phải là người ưa dựa dẫm nên tôi không mặn mà với thông tin này lắm. Với lại tôi đang nôn nóng đi ngủ để khuya này còn đón chuyến xe sớm nhất về quê. Nên tôi đuổi khéo anh bằng cách giả đò uể oải nằm thẳng cẳng dưới nền. Như chỉ chờ có thế, anh vội ngã vào người tôi. Dù khá bất ngờ, song tôi vẫn giữ được bình tĩnh, yêu cầu anh ta ngừng ngay trò điên khùng đó. Anh hiện nguyên hình là một tên biến thái không còn thuốc chữa, quấn chặt lấy tôi: “Chiều anh đi, rồi cưng sẽ được nhận vào bất cứ phòng nào cưng muốn”. Gom hết sức lực còn lại, tôi co gìo đạp thẳng vào hạ bộ và đẩy anh ta ra khỏi cửa. Không hiểu sao ngay sau đó tôi liền nghĩ đến chị. Và khóc, ngon lành!
_ “Những gì từ trên trời rớt xuống sớm muộn cũng bay về trời. Hạnh phúc chỉ bền vững khi ta tự tạo, đừng mong ai mang đến cho mình”_ Chị lặp lại câu thoại trong một truyện ngắn của tôi, đôi mắt buồn không thôi dõi về phía trời xa giăng đầy sương sớm_ Tao không còn sống với anh ta nữa. Bến nước đó không dành cho tao.
Tuồng như chị đã biết điều chị cần phải biết. Nên tôi im lặng. Chỉ còn một điều đặc biệt quan trọng, điều mà tôi tin chắc rằng chị không thể nào biết được, điều mà được ghi rõ trong “Luật hôn nhân gia đình” của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam*. Nhất định tôi phải nói với chị điều đó. Nhưng không phải bây giờ. Lâu rồi chúng tôi mới cùng nhau bước lại con đường ngai ngái mùi nước đái trâu này. Con đường mà ròng rã 7, 8 năm trời, tôi_ một thằng em họ 4,5 đời gì đó của chị_ đèo chị đến lớp. Tôi muốn để những ký ức êm đềm xoa dịu nỗi đau trong chị. Hơn nữa, mọi lời nói lúc này đều vô nghĩa vì tôi biết lòng chị đang gió thổi tơi bời.
Chị còn rất trẻ. Mới ngoài hai mươi. Rồi gió sẽ dịu dàng.
* Theo Điều 10, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời. |
Lê Minh Tú
Theo VNLA XUÂN 2013
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 17
Hôm nay : 1588
Tháng hiện tại : 14862
Tổng lượt truy cập : 10760085