Thứ bảy 20/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Nghệ thuật truyền thống: Vất vả truyền nghề

Các nghệ sĩ hát bội TPHCM với trích đoạn tuồng trong chương trình Dòng nghề tâm sự. Ảnh: An Dung

Các nghệ sĩ hát bội TPHCM với trích đoạn tuồng trong chương trình Dòng nghề tâm sự. Ảnh: An Dung

Không như bộ môn nghệ thuật cải lương có trường lớp đào tạo và tiêu chí tuyển sinh hàng năm, nghệ thuật truyền thống hát bội và múa rối nước muốn đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế thừa phải dựa trên quá trình truyền nghề dân gian, không theo sách vở. Người đi trước phải trực tiếp truyền lại cái hay, cái đẹp, những kỹ xảo, kỹ thuật đặc trưng của nghề cho người đi sau, qua giờ học và những buổi biểu diễn thực tế.

Truyền nghề kiểu dân gian

Để tránh sự mai một của nghệ thuật múa rối nước, với quyết tâm phục hồi 17 trò cổ của rối nước trên nền nhạc Bắc, Đoàn Nghệ thuật Múa rối thành phố đã mời giảng viên là những nghệ sĩ có tên tuổi của nghệ thuật múa rối từ Hà Nội vào TPHCM đào tạo tay nghề cho diễn viên trẻ. NSƯT Đỗ Thị Mùi cho biết: “Vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn thu nhập không cao nên trong nhiều năm qua có rất ít người theo nghề. Thế nên, chúng tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi và sự yêu nghề của các diễn viên múa rối nước miền Nam. Các em năng động và nỗ lực rất nhiều trong tập luyện, tiếp thu tốt kỹ thuật biểu diễn của 17 trò cổ”. Đây là một cách góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc. Những lớp học có ý nghĩa như thế này rất hiếm khi được tổ chức ở cả hai miền Nam - Bắc.

Riêng với nghệ thuật tuồng cổ hát bội, hơn 10 năm qua, Nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM đã tận dụng tối đa lực lượng diễn viên trẻ tại chỗ để nâng cao chất lượng nghề. Nhà hát đã liên tục mở các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn để diễn viên trẻ được nâng cao tay nghề, thông qua bảng phân vai, diễn viên trẻ sẽ học nghề trực tiếp với từng diễn viên kỳ cựu.

NSƯT Ngọc Nga chia sẻ: “Từ nhiều năm qua, nhà hát cố gắng duy trì các lớp đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ kế thừa chất lượng. Trong đó, nội dung giảng dạy xoay quanh từng vai diễn cụ thể, để các em có thể nhanh chóng nắm bắt những kỹ thuật, kỹ xảo, tiểu tiết đắt giá trong diễn xuất. Bên cạnh đó, các em được học trực tiếp cách xử lý tình huống kịch, cách ca, diễn, hóa trang… rất căn bản và cũng rất đặc trưng của nghề. Qua đó các em có thể thay vai của các nghệ sĩ thành danh một cách tự tin, chất lượng”. Kiểu truyền nghề trực tiếp và có hiệu quả này đã giúp Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM có được một đội ngũ nghệ sĩ trẻ kế thừa có triển vọng.

Tuy nhiên, do đặc trưng riêng của hai loại hình nghệ thuật này: không có trường lớp đào tạo, chỉ truyền nghề theo phương pháp dân gian, nên thực tế cũng có những hạn chế nhất định. Đôi khi việc truyền nghề được thực hiện theo cảm tính của người dạy. Vì không có giáo trình, khuôn mẫu nhất định, nên nếu không biết phát huy và chọn lọc các diễn viên trẻ - thế hệ kế thừa rất dễ bị ảnh hưởng, bị ẩn sau cái bóng của người đi trước, không tạo được dấu ấn riêng biệt.

Chế độ đãi ngộ lạc hậu

Để có thể an tâm theo nghề, đa số diễn viên đều có thêm nghề tay trái hoặc có sự hỗ trợ của gia đình, bởi thu nhập của nghề này rất thấp. Với một suất diễn kéo dài từ 2 đến 3 giờ, thu nhập của một diễn viên hát bội đóng vai chính chỉ 100.000 đồng, diễn viên đóng vai phụ chỉ nhận được phân nửa. Mức bồi dưỡng biểu diễn này được áp dụng từ hơn 10 năm nay, hiện nay đã quá lạc hậu.

Để việc giữ gìn và phát triển bộ môn nghệ thuật cổ truyền dân gian như hát bội, múa rối nước… rất cần chính sách đãi ngộ nghề truyền thống để giúp diễn viên, nghệ sĩ an tâm đầu tư và chăm chút chuyên môn nhiều hơn, cũng như thu hút giới trẻ tham gia.

Thời gian gần đây, có tín hiệu vui, hai bộ môn này đang được sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước. UBND TPHCM, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã cấp kinh phí đào tạo để Đoàn Nghệ thuật Múa rối TPHCM mạnh dạn tổ chức lớp học truyền nghề cho diễn viên trẻ. Nhà hát Nghệ thuật hát bội cũng có kế hoạch đào tạo và đang chờ được xét duyệt kinh phí. Đây là việc làm cần thiết để công tác đào tạo đội ngũ kế thừa đạt hiệu quả, qua đó mới bảo tồn, gìn giữ và phát huy được nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 67


Hôm nayHôm nay : 2330

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 196564

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8654665