Thứ sáu 19/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

"Một phút một thời": Một tín hiệu vui

Xây dựng câu chuyện từ giấc mơ của người tử tù (ông Nhân) và tình huống kịch được đan xen giữa cái thật, cái giả qua đó dù tiếng khóc hay tiếng cười cũng gây cho người xem nỗi nhói đau tê buốt, bởi tất cả đều góp phần dự báo một hậu quả không thể tránh khỏi, bản án nghiêm khắc nhất dành cho tên tội phạm: tử hình.

 Và nguy hại hơn nữa kèm theo cái chết của người cha mang tội danh tham nhũng còn là sự hư đốn băng hoại đạo đức nghiêm trọng của những đứa con; một thế hệ trẻ vốn trước đây được cưng chiều, học hành đầy đủ trong một gia đình giàu có!

Hệ lụy tất yếu đó cũng là lời tố cáo mạnh mẽ quyết liệt của vở diễn “Một phút một thời” (tác giả: Khưu Ngọc, đạo diễn Huy Phong) được sân khấu kịch thể nghiệm thuộc Trung Tâm Văn hóa tỉnh Long An ra mắt khán giả trong tỉnh vào đêm 13/7/2011. Với đề tài chống tiêu cực phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống mang tính thời sự nóng bỏng, đấu tranh không khoan nhượng với cái ác, cái xấu, cái thoái hóa tham nhũng làm hại dân, nghèo đất nước, vở diễn được dàn dựng nghiêm túc, có cố gắng tìm tòi sáng tạo với phong cách riêng, cho dù thủ pháp thể hiện vẫn khó tránh khỏi đôi chỗ cần trao đổi thêm. Điều quan trọng đáng ghi nhận hơn cả chính là “Một phút một thời” thật sự tạo được ấn tượng đẹp về sân khấu kịch nói, một loại hình tưởng chừng bị bỏ quên ngay tại tỉnh nhà của chúng ta – một tỉnh giáp với thành phố Hồ Chí Minh vốn được coi là “thánh đường” của kịch nói. Do vậy, thành công của đêm diễn có ý nghĩa thật đáng trân trọng.

Tất nhiên sự thành công của một vở diễn được cộng hưởng ăn ý với nhiều nhân tố như: tác giả, đạo diễn, diễn viên vv… Nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không có tham vọng đi sâu vào phân tích giá trị nghệ thuật toàn vở diễn mà chỉ muốn gợi hướng suy gẫm về một vấn đề duy nhất đó là: diễn viên,

Cũng giống như diễn viên của Đoàn cải lương hay Đoàn xiếc, chắc hẳn chúng ta còn nhớ nhiều năm trước đây đã có không ít diễn viên kịch nói chọn mảnh đất Long An bước vào nghề và cũng từ đây dần dần tài năng nghệ sĩ của họ được tỏa sáng. Nhưng rồi sau đó, do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân cốt lõi là đất diễn chật hẹp, suất diễn ít ỏi dẫn tới thu nhập quá thấp không đáp ứng nhu cầu cuộc sống và nhất là nỗi đam mê khao khát được bay cao bay xa phục vụ thường xuyên cho đông đảo công chúng, nên các nghệ sĩ của chúng ta dù sâu nặng nghĩa tình với Long An đến mấy vẫn đành phải chuyển đi nơi khác mà điểm đến thường là thành phố Hồ Chí Minh và họ đã đúng. Tại “thánh đường” này tên tuổi của họ ngày càng được chói sáng. Đó là điều tốt lành. Riêng Long An cũng có quyền tự hào là cái nôi cung cấp nhiều diễn viên ngôi sao cho cả nước.

Thời ấy đã qua và sau thời gian im lặng khá dài, đến bây giờ xem vở diễn “Một phút một thời” chúng tôi vui mừng tin chắc rằng: Một lực lượng diễn viên kịch nói mới đã tái hình thành ở tỉnh ta đó là: Huy Phong, Kim Phượng, Minh Khánh, Tất Hậu …  Trong số các diễn viên này, có em đã được đào tạo trường lớp hẳn hoi hoặc chưa qua trường lớp nhưng điểm gặp chung nhất của các em là biết phát huy cao nhất năng khiếu của mình cộng với lòng say mê nhiệt tình sân khấu nên đã tỏ rõ bản lĩnh tự tin, biết cách linh hoạt sáng tạo để làm chủ vai diễn, làm chủ sàn diễn. Nhất là ở vở diễn “Một phút một thời” như đã nói ở phần đầu, tình huống kịch được đan xen giữa cái thật, cái giả làm cho tâm lý tính cách của từng nhân vật phải thường chuyển biến trái chiều nhau nên đòi hỏi người diễn phải nắm chắc ý tưởng của kịch bản và nhập vai đến quên mình thì sự hóa thân vào nhân vật mới mong đạt được thành công. Thật đáng mừng, Huy Phong, Kim Phượng, Minh Thành, Tất Hậu …,  nhất là Kim Phượng đã làm được điều đó và nếu theo dõi kỹ chúng ta không khó nhận ra các em đã có một đêm diễn cống hiến hết mình cho nghệ thuật sân khấu.

Từ cố gắng ấy, có thể nói “Một phút một thời” đã mở ra một tín hiệu vui về lực lượng diễn viên kịch nói đang trưởng thành ở tỉnh ta. Tuy nhiên, nhìn về thời gian trước, muốn giữ được các nghệ sĩ này gắn bó phục vụ lâu dài cho tỉnh nhà, họ cần được chăm chút ưu đãi về chế độ để có thể phấn khởi an tâm phục vụ. Bên cạnh đó, Trung tâm văn hóa cũng cần được hỗ trợ kinh phí để giữ vững sự ổn định lệ kỳ những đêm diễn nhằm tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề để tiến dần lên Sân khấu Kịch Long An. Từ đó sẽ có đủ tầm chẳng những thường xuyên tổ chức lưu diễn phục vụ đến khắp nhân dân trong tỉnh mà còn mở rộng biểu diễn giao lưu với các tỉnh bạn trong và ngoài khu vực. Đây sẽ là chất men gây kích thích tạo ra nguồn cảm hứng dồi dào cho người nghệ sĩ tận tụy lao động sáng tạo nghệ thuật, đồng thời còn là động lực kết dính người nghệ sĩ với mảnh đất đã chắp cánh cho họ phát huy tối đa tài năng của mình bằng tất cả nghĩa  tình yêu thương gắn bó.

Có được như vậy, chúng ta có quyền lạc quan hy vọng rằng, từ tín hiệu vui hôm nay Sân khấu Kịch Long An phía trước sẽ là điểm sáng hấp dẫn góp phần không nhỏ làm phong phú giàu có hơn các loại hình nghệ thuật của tỉnh.

Kha Tuấn

Theo Tạp chí Văn nghệ Long An tháng 8/2011

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 34

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 33


Hôm nayHôm nay : 5708

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 189918

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8648019