Thứ ba 19/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Thêm một huy chương vàng cho Hồ Ngọc Trinh

Thêm một huy chương vàng cho Hồ Ngọc Trinh

Thêm một huy chương vàng cho Hồ Ngọc Trinh

Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 vừa kết thúc. Chiếc huy chương vàng (HCV) duy nhất của Đoàn Nghệ thuật cải lương (NTCL) Long An thuộc về diễn viên trẻ Hồ Ngọc Trinh. Chỉ là thêm một HCV trong “bộ sưu tập” huy chương dày cộm của cô. Năm nay mới 28 tuổi, nhưng Ngọc Trinh đã nổi tiếng trên sân khấu cải lương cả nước và là nghệ sĩ cải lương đồng bằng duy nhất không chịu thua kém về tài năng và thu nhập so với các nghệ sĩ cải lương tài danh ở TP.HCM. Dù đã rất nổi tiếng nhưng Ngọc Trinh không rời bỏ đoàn cải lương “tỉnh lẻ” Long An để đi theo những lời mời gọi hấp dẫn ở TP. HCM như nhiều nghệ sĩ đã làm. Cô đang giữ vẹn lòng chung thủy với nơi đã tạo bệ phóng cho mình bay cao trên bầu trời nghệ thuật.

Cô gái quê đi “thử hài”

       Thuở ấy Đài PTTH Long An tổ chức cuộc thi “Tiếng hát cải lương truyền hình” hai năm một lần (chỉ kéo dài được một thời gian, đến năm 2003 thì chấm dứt). Cô gái chân quê Hồ Ngọc Trinh từ huyện Mộc Hóa đi về TP.Tân An “thử hài” và đoạt ngay danh hiệu cao nhất giải. Mà Ngọc Trinh đến với cuộc thi “Tiếng hát cải lương truyền hình” năm 2001 của Đài PTTH Long An là hoàn toàn tình cờ, ngẫu nhiên, theo sự “rủ rê” của bạn bè. Lúc đó cô nghĩ là đi cho vui, để biết TP.Tân An chứ không hi vọng đoạt giải. Đến trước khi đi thi, Ngọc Trinh hầu như chưa biết gì về hát cải lương. Vốn thích ca hát, khi còn học ở trường Ngọc Trinh có tập tành hát nhạc. Nghỉ học sớm ở nhà phụ gia đình, Ngọc Trinh tiếp tục sinh hoạt văn nghệ ở địa phương, nhưng chỉ là ca nhạc. Thỉnh thoảng cô cũng tham gia hát ca ở các kỳ lễ, hát phục vụ đám cưới. Thấy bạn bè hát cải lương, cô cũng thích, nhưng chỉ bắt chước hát theo cho vui. Đến giữa năm 2001, lúc chưa tròn 17 tuổi, tình cờ Ngọc Trinh thấy Đài PTTH Long An thông báo cuộc thi “Tiếng hát cải lương truyền hình”. Cô không hề nghĩ là mình sẽ đi thi, mà biết hát hò gì ra hồn đâu để đi thi. Mấy người bạn của Ngọc Trinh lại gợi ý cô nên đi thi vì cô có chất giọng rất mùi, thích hợp với bài vọng cổ. Nghe bạn bè khuyên bùi tai, rồi cũng muốn có dịp đi chơi TP.Tân An một chuyến, Ngọc Trinh đã đăng ký dự thi. Chỉ có hơn một tháng ngắn ngủi cho Ngọc Trinh tìm thầy thọ giáo để hát bài vọng cổ cho đúng điệu, đúng nhịp để khi thi không bị “quê”.

 

 

       Thuở ấy, nhiều đài truyền hình ở miền Tây tổ chức cuộc thi hát cải lương hàng năm. Các ca sĩ, kể cả chuyên nghiệp và “thợ đi thi” (nhiều người tuy không theo nghề, nhưng quanh năm đi “săn” giải các cuộc thi), nhiều nghệ sĩ đến từ TP.HCM, tranh nhau thi tài. Vì quanh năm đi thi hát, nên hầu hết họ đều biết mặt và hiểu “rơ” của nhau, khán giả cũng “nhẵn mặt” các thí sinh thi hát, vì thường xuyên thấy họ xuất hiện trên truyền hình, như Thành Nu (An Giang), Thạch Tiên (Sóc Trăng), Đức Duy (Long An), Minh Kha (Tây Ninh), Hải Long (TP.HCM), v.v. Năm ấy, khi vào cuộc thi, Thạch Tiên (Sóc Trăng) có phần tự tin mình sẽ đoạt HCV, vì qua theo dõi các đối thủ cùng dự thi, anh thấy họ đang không có phong độ tốt nhất, còn anh đã dày công tập luyện suốt mấy tháng qua. Thế nhưng, khi vào vòng sơ loại, Thạch Tiên và các thí sinh “gạo cội” khác bỗng bất ngờ trước sự xuất hiện của một thí sinh nữ lạ hoắc, “mặt búng ra sữa”, nhưng có giọng ca rất đặc biệt, truyền cảm, tuy nhịp nhàng chưa thật chắc, tên là Hồ Ngọc Trinh, thí sinh của tỉnh chủ nhà. Qua vòng sơ khảo, đi tiếp vào trong, Ngọc Trinh vừa tập ráp với dàn đờn, vừa tranh thủ luyện thêm tay nghề, kể cả việc học “cấp tốc” một vài bài bản cải lương khác để “rủi” vô được tới vòng chung kết thì có cái để thi (ban tổ chứ qui định ở vòng chung kết thí sinh vừa hát bài vọng cổ, vừa phải hát một bài bản khác). Cứ thế, với chất giọng thổ trầm buồn, nhịp nhàng càng lúc càng chắc, giọng ca ngọt ngào, Ngọc Trinh đã thể hiện phần thi của mình thật xuất sắc trong đêm chung kết xếp hạng, vượt qua tất cả những nghệ sĩ già dặn khác, đoạt HCV của giải. Người viết đã hỏi soạn giả Kha Tuấn – chi hội trưởng Chi hội Sân khấu thuộc Hội VHNT Long An, thành viên Ban giám khảo “Tiếng hát cải lương truyền hình Long An 2001” – rằng liệu có sự ưu ái nào chăng dành cho “gà nhà” Hồ Ngọc Trinh. Anh Kha Tuấn trả lời rằng, hoàn toàn không có chuyện chấm điểm thiên vị, tuy Ngọc Trinh còn yếu về nghề, nhưng bù lại cô có chất giọng rất đặc biệt, đi sâu vào lòng người, lay động tình cảm người nghe. Lúc đó trong ban giám khảo có người quả quyết rằng, nếu Ngọc Trinh đi theo nghiệp cải lương, chắc chắn cô sẽ còn tiến xa hơn rất nhiều. Lời tiên đoán đã được kiểm chứng là chính xác chỉ sau có vài năm. Những người lãnh đạo Đoàn NTCL Long An lúc đó đã để ý đến cô gái quê đoạt HCV tiếng hát cải lương truyền hình. Mấy tháng sau, Ngọc Trinh được mời về đoàn để thử việc, tuy cô chưa đủ tuổi đi làm theo qui định về lao động. Vừa tập việc, Ngọc Trinh vừa được lãnh đạo đoàn tạo điều kiện cho đi dự các lớp đào tạo ngắn hạn về ca diễn, tài năng của cô có cơ hội để bộc lộ nhanh chóng. Với nội lực dồi dào, lòng say mê nghề nghiệp, được NSUT Hữu Lộc – trưởng đoàn NTCL Long An – và vợ là NSƯT Ánh Hồng tận tình dìu dắt, chỉ sau vài năm Hồ Ngọc Trinh đã đứng vững trên sân khấu chuyên nghiệp và trở thành đào chánh của đoàn.  

      Có duyên với các cuộc thi 

       Trong hơn 10 năm qua Ngọc Trinh đã dự khoảng hai chục lần các cuộc thi hát, cuộc liên hoan, hội diễn ở đồng bằng, khu vực và toàn quốc, và lần nào cũng đoạt giải cao. Một năm sau ngày đoạt HCV ở tỉnh Long An, Ngọc Trinh rụt rè về sân chơi lớn ở TP.HCM để thử sức trong cuộc thi hát cải lương giải Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền và đoạt ngay huy chương bạc. Năm 2003, tại giải Bông Lúa Vàng do Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức, cô đoạt giải thí sinh nhỏ tuổi nhất có giọng hát hay nhất. Năm sau, tại sân chơi cấp toàn quốc, cô đoạt huy chương đồng tiếng hát dân ca các dân tộc toàn quốc 2005. Cũng trong năm ấy, cô đoạt giải A đờn ca tài tử khu vực phía Nam. Ngọc Trinh chính thức gây tiếng vang trong giới sân khấu cải lương chuyên nghiệp cả nước ở kỳ thi Chuông Vàng Vọng Cổ  năm 2006 do Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức. Tại cuộc thi danh giá được nhà đài quảng bá rầm rộ này, Ngọc Trinh thật sự chinh phục ban giám khảo và khán giả truyền hình. Thế nhưng HCV đã không thuộc về cô, vì theo thể lệ nghiệt ngã của cuộc thi, giải thưởng do khán giả bình chọn, mà quê hương Long An của cô thì quá xa xôi, heo hút, vì vậy mà cô chỉ đoạt huy chương bạc trước sự tiếc nuối của người hâm mộ. Ngọc Trinh chính thức đóng dấu tên mình vào giới sân khấu cải lương chuyên nghiệp cả nước với HCV giải triển vọng Trần Hữu Trang 2007. Nhờ qua các cuộc sát hạch nghiệt ngã của giải thưởng danh giá này, được bậc thầy về cải lương là NSƯT Bạch Tuyết truyền dạy từng miếng nghề, Ngọc Trinh như thấy mình lột xác hoàn toàn trong những lần một mình đứng trên sân khấu lớn, trước mặt ban giám khảo toàn là những nghệ sĩ lớn, trước mặt hàng ngàn khán giả. Nhờ đó, ở Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009, cô đoạt HCV một cách thuyết phục. Còn HCV ở Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 có lẽ là sự hoàn thiện một tên tuổi có thể sánh ngang các nghệ sĩ tài danh khác trong làng sân khấu cải lương cả nước.

 

 

      Giọng ca truyền cảm và có chiều sâu

      Tuổi thơ của Hồ Ngọc Trinh gắn liền với vùng Đồng Tháp Mười một năm bốn tháng nước nổi, với dòng sông chở nặng phù sa sớm chiều xuôi ngược, với những cánh cò, những điệu hò mái dài văng vẳng trên sông rạch... Những câu hò, điệu lý, bài ca vọng cổ cứ nhẹ nhàng, tự nhiên thấm sâu vào tiềm thức của cô bé Ngọc Trinh. Để sau này khi lớn lên, mỗi khi Ngọc Trinh cất tiếng hát là âm thanh ngọt ngào, sâu lắng cứ tuôn trào như thể nó là hơi thở, là máu thịt, là nhịp đập trái tim của cô. Như bao người sinh ra trên đất miền Tây Nam bộ, Ngọc Trinh từ trong vô thức đã chịu ảnh hưởng của dòng nhạc tài tử - cải lương, kể cả máu mê ca hát và ước vọng trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Không có gì khó hiểu khi Ngọc Trinh luôn hóa thân rất thành công vào các vai diễn có số phận buồn như: Anh Thư (trong vở Lời thề trước miễu), Cau (Hương cau xa xứ), Út Hồng (Phố an cư – HCV Hội diễn toàn quốc 2012), cô Năm Điền (Nghĩa sĩ Cần Giuộc – HCV Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp 2009), Lan (Ánh sáng phù du), Mộng Cầm (Hàn Mạc Tử), Anh Thư (Gương đời sáng mãi), Lan (Khoảng khắc tình yêu)... Cô cũng đã thử vào các vai gai góc, trí tuệ hơn và cũng gặt hái nhiều thành công, như Lý Chiêu Hoàng (HCV giải Trần Hữu Trang 2007), Thị Lộ (Rạng ngọc Côn Sơn), Thảo (Hoa tình nở muộn), Phàn Lê Huê (Thoại Ba Công Chúa)... Cùng với sàn diễn, Ngọc Trinh còn chinh phục giới mộ điệu cải lương khi cô xuất hiện với tần suất rất cao trên cải lương video, cải lương truyền hình, chương trình Vầng trăng cổ nhạc, phim truyện cải lương, Nghệ sĩ tri âm, sân khấu từ thiện... Ngọc Trinh không chỉ “nhẵn mặt” các đài truyền hình trong vùng, mà còn thường xuyên là “khách quen” của Đài Truyền hình TP.HCM và các đài ở miền Đông Nam bộ như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai... Chỉ với “một nhúm” tuổi đầu mà cô đã tham gia quay và thu hơn 100 bài vọng cổ, tân cổ giao duyên và khoảng 30 tuồng cải lương, hầu hết đã được phát rộng rãi trên các đài truyền hình. Tuy từ khi vào nghề đến nay Ngọc Trinh chỉ đầu quân cho duy nhất Đoàn NTCL Long An, nhưng hầu hết các nam diễn diên cải lương có tên tuổi cả nước đều là bạn diễn của cô, từ Vương Tuấn, Vương Sang ở Long An, cho tới những nghệ sĩ tên tuổi ở miền Tây và TP.HCM như NSƯT Trọng Hữu, Hoàng Nhứt, Kim Tử Long, Tấn Giao, Vũ Luân, Lê Tứ ... Hát cặp với ai Ngọc Trinh cũng “cháy” hết mình, nhưng theo nhận định của những người trong nghề, Ngọc Trinh thích hợp đóng cặp với Vũ Luân và Lê Tứ hơn cả, bởi họ cùng có giọng hát trầm buồn phù hợp với Ngọc Trinh.

      Một tấm lòng chung thủy 

      Nói về Hồ Ngọc Trinh, những người trong nghề còn trân trọng cô ở chuyện sống có trước có trước có sau, giữ vẹn lòng thủy chung. Không như bao người đi trước, sau khi đã thành tài danh họ thường về chốn “phồn hoa đô hội” Sài Gòn để hành nghề, bỏ đoàn hát nơi đã giúp mình nên danh phận. Ngọc Trinh vẫn bám lại Đoàn NTCL Long An, nơi đã giúp cô đến với nghề và chắp cánh cho cô bay cao, bay xa. Cô sẵn sàng từ chối những sô diễn thù lao 10 triệu đồng để ở nhà cùng Đoàn NTCL Long An đi vùng sâu, vùng xa diễn phục vụ bà con nghèo với tiền cát sê 300 ngàn đồng.  

 

       Dù còn rất trẻ, nhưng Ngọc Trinh cũng bắt đầu “tổng kết” cuộc đời ca hát của mình. Tháng 8/2010 cô đã cho ra đời album đầu tay "Dòng sông tình mẹ" nói về những kỷ niệm tuổi thơ với quê hương, với dòng sông thơ ấu, với người mẹ chắt chiu nuôi con khôn lớn. Tháng 4/2011 Ngọc Trinh tiếp tục cho ra đời album vol.2 có chủ đề "Một chút tâm tình" gồm 10 bài tân cổ, ca cổ của NSUT Viễn Châu, nói lên tâm sự nỗi niềm của cô đào trẻ với khách mộ điệu bốn phương. Ngọc Trinh xuất thân trong gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng cô may mắn có được những người thầy lớn giúp cô lớn lên trong nghề. Đầu tiên là vợ chồng NSƯT Hữu Lộc – Ánh Hồng, tiếp đến là NSƯT Bạch Tuyết, rồi “ông vua vọng cổ” NSƯT Viễn Châu, người đặt tựa cho chủ đề album thứ hai của Ngọc Trinh. Ở album DVD vol 1 với chủ đề ''Dòng sông tình mẹ'', Ngọc Trinh được NSƯT Hữu Lộc viết riêng bài ca “Dòng sông tình mẹ” để làm chủ đề cho album, cùng 7 bài hát khác là khúc tự sự mang âm hưởng đồng quê trữ tình, sâu lắng, như: Về miền Tây, Không bao giờ quên anh, Nỗi lòng xa xứ, Mưa bong bóng... Ở album vol.2, NSƯT Viễn Châu đã viết riêng cho cô “đệ tử” vùng Đồng Tháp Mười một số bài hát, cùng với những bài hát ưng ý mà ông đã viết trước đó, hợp thành chủ đề ''Một chút tâm tình'' trong album ca cổ mà theo giới chuyên môn đánh giá là sản phẩm thuộc loại chất lượng, hoành tráng nhất so với những album cùng loại trong thời gian gần đây.

Kỳ Quan

Theo VNLA XUÂN 2013

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 48


Hôm nayHôm nay : 7762

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 173250

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8319660