Thứ ba 19/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

TẾT NÀY TÔI NHỚ MỘT NGƯỜI

TẾT NÀY TÔI NHỚ MỘT NGƯỜI

TẾT NÀY TÔI NHỚ MỘT NGƯỜI

1. Thế là ông đã yên nghỉ hơn 100 ngày qua bên người bạn đồng hương Sơn Nam mà sinh thời, họ là một cặp đồng sinh, nay lại đồng thác về bên nhau trên đất Bình Dương. Tang lễ của ông được Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM tổ chức tại Nhà tang lễ Thành phố. Tôi nhớ mãi câu cuối của bài điếu văn:“Kiên Giang là một con người sống rất tử tế”qua giọng đọc của người chủ lễ tang chùng xuống như đang khóc.

2. Vâng, một câu thôi cũng đủ nói lên tính cách của nhà thơ, nhà báo, soạn giả Kiên Giang-Hà Huy Hà(sau đây gọi tắt tên ông là KG). Ông sống rất tử tế với mọi người. Đám tang ông có đông đảo các tổ chức văn học, nghệ thuật và nhà thơ, nhà văn, nhà báo, ca sĩ, nghệ sĩ cải lương… từng được ông dìu dắt lên đỉnh nghệ thuật. Có mặt tại nhà tang lễ đêm cuối, tôi thấy đã quá khuya mà nhiều ca sĩ, diễn viên vừa rời điểm diễn đã đến viếng ông, như ca sĩ Hương Lan đến với một bình lan Hồ điệp trắng tinh khiết, ca sĩ hải ngoại Phương Dung mà ông gọi“Nhạn Trắng Gò Công” trên vòm trời ca nhạc Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước-đến với 1 vòng hoa khóc ông. NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc ngồi bên cỗ quan ông cho đến sáng hôm sau. Điếu văn của Ban lễ tang có nhắc 2 soạn giả tài danh Hà Triều, Hoa Phượng là học trò của KG từ khi cả 2 còn chân ướt chân ráo từ chiến khu chống Pháp rừng U Minh mon men lên Sài Gòn tìm kiếm KG, rồi cùng KG và Sơn Nam chung 1 gác trọ, chia nhau từng bữa cơm nghèo…Kịch bản cải lương của họ đều được KG chỉnh sửa, nâng lên bằng chất thơ cho mượt mà và trữ tình hơn.Tuy nhiên, chưa bao giờ KG nhận mình là“sư phụ”của 2 soạn giả nổi tiếng ấy. Ít nhất trong đời ông cũng đã đỡ đầu cho hàng chục người bước vào làng văn, làng báo, sân khấu cải lương mà ai còn nhớ hay đã quên, ông không cần biết.

Soạn giả Kiên Giang (Ảnh:internet)


    3.Trước khi mất chưa đầy một tuần lễ, KG ghé nhà tôi ở chơi qua đêm. Ông kể vài kỷ niệm về cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người mà năm 1973 tôi đã gặp tại“Thảo lư Mây Tần”của ông ở Thủ Thiêm, Sài Gòn. Chiều ấy, một ông lão nhỏ người, ốm yếu, tóc bạc phơ, mặc áo bà ba trắng, quần dài đen, tay cầm cây đờn gáo, được KG chở về nhà bằng xe máy. Ông lão vừa leo lên gác nhà đã ngồi xuống và đờn ngay bản Dạ cổ hoài lang; vừa kéo đàn vừa gật gù với cảm xúc. Đó chính là ấn tượng của tôi về hình ảnh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) vẫn tươi nguyên tới giờ. KG kể: năm 1963, ông cùng nhạc sĩ Út Trong tổ chức đêm văn nghệ tại rạp Quốc Thanh, Sài Gòn và rước cụ Sáu Lầu ở Bạc Liêu lên. Tại đây nhạc sĩ Sáu Lầu biểu diễn đờn cò bản Dạ cổ hoài lang, được trợ giúp 14.000đ, đủ cho cụ chữa trị cườm mắt. Lần khác, năm 1973, KG tổ chức mừng thọ cha đẻ bản Dạ cổ hoài lang tròn 80 tuổi, tại nhà nhạc sĩ Út Trong. KG và Sơn Nam cùng tổ chức nội dung lễ chúc thọ; Út Trong đàn minh họa bản Dạ cổ hoài lang và đánh dấu sự phát triển về lối ca trữ tình bản nhạc này lên nhịp 8- 16-32, có đàn minh họa. Nghệ sĩ kiêm soạn giả Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) kể lại quá trình hòa nhịp của bản vọng cổ vào sân khấu cải lương sau thời điểm Nam kỳ bị khủng hoảng kinh tế, rồi khẳng định: Bản vọng cổ là một bản dân ca miền Nam. Nhà văn Sơn Nam nói thêm:“Miền Nam với đồng ruộng bao la, sông rạch chằng chịt như mạng nhện, nên cuộc hành trình của bản vọng cổ cũng nương theo cánh buồm, mái chèo và bước khẩn hoang đi sâu vào vùng hẻo lánh nhứt để trở thành khúc ca tâm tình của dân ruộng rẫy. Với bao nhiêu loại nợ chất chồng, thuế thân, nạn điền binh v.v…đã làm cho người nông dân nghèo đói, còng lưng gục xuống trong những mái nhà lá, chòi rơm. Bản vọng cổ khi ấy vừa than thân trách phận, vừa tố cáo ngầm mọi tai ách bất công xã hội của  thời bấy giờ. Bản vọng cổ gắn liền với tâm tình của người dân miền Tây lúc đó càng trở thành tiếng ca máu thịt khắp Nam Kỳ lục tỉnh, có sức sống lâu bền là lẽ đương nhiên”. Lần thứ 3(1974) KG lại tổ chức cuộc giao lưu với cụ Sáu Lầu tại rạp Quốc Thanh với sự tham dự của những người nhờ có bản Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu mà có danh, có tiền. Mọi người đã quyên góp giúp cụ Sáu Lầu có đủ tiền để sửa chữa căn nhà tre lá mối mọt. “Năm 1974, ông chủ nhiệm báo Tin Sáng- dân biểu đối lập Ngô Công Đức trên đường đi Thụy Điển, có ghé Moskva-thủ đô Liên Xô lúc đó. Tại đây ông Đức gặp Cao Kiến Thiết, con trai cả bác Sáu Lầu, làm Tham tán Sứ quán VNDCCH. Sau khi biết rõ nguồn cơn cha mình, anh Thiết có gởi tiền quan Pháp cho ông Đức mang về cho bác Sáu Lầu. “Sau ngày giải phóng, tao-KG xưng hô thân mật với tôi- có gặp Cao Kiến Thiết, Giám đốc Sở Ngoại vụ, và Cao Văn Bỉnh, phụ trách Phòng nghệ thuật Sân khấu TP.HCM, là con trai cả và con trai thứ của bác Sáu Lầu, mới hay 2 con trai bác Sáu đi kháng chiến từ Cách mạng tháng Tám 1945”-KG nói.


 4. Sáng hôm sau tôi đi cùng KG lên nhà GS.TS Trần Văn Khê ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.Vị Viện sĩ thông tấn Hàn lâm khoa học Văn chương-Nghệ thuật châu Âu ở tuổi 95(lớn hơn KG 8 tuổi) mà còn rất minh mẫn, thông tuệ, dừng ngang bữa ăn trưa, vui vẻ lên phòng khách tiếp chúng tôi.“Khi còn sống ở Pháp, tôi đã nghe danh và đọc một số tác phẩm của nhà thơ. Từ lâu tôi đã ngưỡng mộ nhà thơ”-Trần Văn Khuê bắt tay KG và nói một cách lịch lãm. KG nói nhún nhường:“Xin cảm ơn Giáo sư. Tôi cũng rất ngưỡng mộ Giáo sư từ thời kháng Pháp”. Trần Văn Khê: “Vâng, hồi đó tôi và Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiễng, Mai Văn Bộ cùng đạp xe từ Hà Nội về Nam, đi tới đâu bọn tôi cũng kêu gọi cứu đói đồng bào Hà Nội mà khi học ở Đại học Y khoa Đông Dương-Hà Nội, tôi đã thấy xác người chết đói nằm la liệt bên đường. Vào Sài Gòn, chúng tôi lập đoàn văn nghệ đi biểu diễn tại nhiều nơi ở miền Đông, miền Tây để vận động cứu trợ đồng bào miền Bắc bị quân phiệt Nhật và thực dân Pháp vơ vét hết lúa gạo mà đói”. (Im lặng đầy cảm xúc). Một lúc sau, 2 cụ già cùng tản mạn chuyện đời, chuyện văn thơ, ca dao tục ngữ Nam bộ và đọc cho nhau nghe những bài thơ tâm đắc của mình. KG thì làm đủ thể loại thơ, còn Trần Văn Khê chỉ sở trường về thơ Đường luật.


       Thấy đã lấy nhiều thời gian của chủ nhà, KG bèn chống gậy đứng lên rồi nắm lấy bàn tay mềm mại của vị Giáo sư đại lão đang ngồi trên chiếc xe lăn, giọng trầm ấm:“Tôi đi TP.HCM chuyến này là để in tập thơ cuối đời mình để tạ ơn đời; tôi sẽ giành 500 tập in giấy đẹp nhứt để tặng cho tất cả thân hữu và em út ở trong và ngoài nước”. GS. TS.VS Trần Văn Khê nở nụ cười thật đôn hậu: “Xin chúc nhà thơ mãn nguyện!”.

        Không ngờ đó là lần gặp gỡ đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của KG với Trần Văn Khê. Chỉ không đầy một tuần lễ sau, bên cỗ quan tài của nhà thơ, vị Giáo sư đại lão đã ngồi trầm ngâm như một bậc hiền triết trên chiếc xe lăn, tay tì lên đầu gậy, hướng cái nhìn lên chân dung nhà thơ được phóng lớn đặt trước cỗ quan tài với ánh mắt trĩu nặng niềm thương tiếc. 


      Trong không khí thiêng liêng của ngày Tết Ất Mùi 2015, xin thắp nén tâm hương tưởng nhớ người thầy, người anh khi tại thế đã sống rất tử tế mà tôi vô cùng kính mến!

QUANG HẢO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 68

Máy chủ tìm kiếm : 41

Khách viếng thăm : 27


Hôm nayHôm nay : 5273

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 170761

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8317171