Thứ ba 19/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Ba cái mới trên văn đàn Long An năm qua

Văn đàn Long An năm qua có gì nổi bật? Có thể trả lời ngay rằng, đó là sự kiện hai tác giả văn học được trao giải thưởng Nguyễn Thông, tiến sĩ ngữ văn Phan Văn Tường, người có nhiều bài nghiên cứu phê bình có giá trị về văn đàn Long An. Và nhà thơ Trần Ngọc Hưởng. Cả hai hiện cùng công tác tại trường cao đẳng sư phạm Long An.

Còn gì nữa không? Còn. Nhưng trong bài viết này, người viết không có ý định đưa ra những nhận định về các sự kiện nổi bật của văn đàn Long An năm qua, một việc làm đòi hỏi phải phát hành các phiếu thăm dò ý kiến các hội viên. Tác giả bài này xin giới thiệu ba tác giả mà với nhận xét chủ quan, có những cái mới. Như là một cuộc rong ruổi trên văn đàn Long An vậy.

Một là Trần Ngọc Hưởng.

Anh vừa trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Như vậy là cho tới thời điểm này Long An đã có ba hội viên Hội nhà văn Việt nam. Nhà thơ Trần Ngọc Hưởng hiện công tác tại trường cao đẳng sư phạm Long An.Thơ anh được cả nước biết đến với giọng thơ mộc mạc mà sâu lắng, giản dị mà không dễ dãi. Đọc thơ anh ta có cảm tưởng như đang được trở về miệt vườn Nam bộ, đi trong một khu vườn đầy hoa trái với những giọng nói Nam bộ thầm thì đâu đó. Tôi đã đọc một số bài viết về thơ anh của các nhà phê bình văn học có uy tín, tất cả đều dành cho thơ anh một tình cảm yêu mến, trân trọng. Khác với chất giọng Nam bộ tài hoa ở thơ Thu Nguyệt, hoặc sự tinh tế có ảnh hưởng giọng điệu miền ngoài  như là “ Tay em năm ngón dẫu mềm/ Vẫn e chưa đủ dịu êm khi cầm” (Con tem quân đội) của thơ Đinh thị Thu Vân, thơ Trần Ngọc Hưởng đi thẳng vào tình cảm của người đọc bằng một thứ ngôn ngữ bình dị đã được anh làm óng ánh hơn lên bằng chất thơ của riêng anh.

Hai là Nguyễn Thị Tuyết Mai với các giải thưởng văn xuôi của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong cuộc vận động sáng tác trên phạm vi toàn quốc. Nguyễn Thị Tuyết Mai đã in một tập văn xuôi ở nhà xuất bản Kim Đồng, tập “ Lối đi dưới lá”. Chị đã làm ngạc nhiên cho nhiều người vốn quen đọc thơ chị, những bài thơ giàu cảm xúc in rải rác đây đó từ trung ương xuống địa phương, khi bỗng nhiên chị “trình làng” hàng loạt sáng tác văn xuôi, rồi là giải thưởng văn xuôi, rồi một truyện ngắn của chị, truyện ngắn "Cha con" còn được Nhà hát kịch tuổi trẻ ( Hà nội) dựng thành kịch, vở "Màu của trái tim", rất đươc giới trẻ yêu thích . Đây là cái mới thứ hai.

Hiện chị là giáo viên dạy Anh ngữ của trường trung học cơ sở Cần Đốt-Long An. Nhà cũng gần trường, một khu vực gần vùng đất trũng nổi tiếng Đồng Tháp Mười. Hàng năm, vào mùa nước nổi, đậm đặc trong gió là mùi vị phù sa từ Đồng Tháp Mười đưa về, thứ phù sa đem từ những miền đất xa xôi thượng nguồn sông Mê Kông chưa một lần chị được biết. Không gian ấy, ngọn gió ấy luôn gợi  cho chị mơ tưởng về một chuyến phiêu lưu kỳ thú tìm về cội nguồn phù sa, sự khao khát bao giờ cũng kết thúc bằng sự tuyệt vọng trước bức tường của đời sống thường nhật. Sự tuyệt vọng nghệ sĩ. Sự tuyệt vọng đã trở thành bức xúc. Kết quả là những bài thơ, những câu chuyện  trong trẻo được viết ra với đầy ắp những xao xuyến khôn nguôi.

Năm 2000 Tuyết Mai  dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần 6 tại Hà Nội. Lần đầu tiên cô giáo Tuyết Mai đến Hà Nội, thủ đô của văn chương nghệ thuật. Lạ lẫm và thích thú.Tuyết Mai cùng một người bạn cứ đi miên man theo những con phố nhỏ mong tìm thấy bóng những cây sấu già trong thơ Xuân Diệu. Chị đi trong không gian thơ Xuân Diệu.

Thứ ba là Võ Mạnh Hảo với những bài thơ nghiêng về tim tòi các hình thức thể hiện. Võ Mạnh Hảo làm thơ từ lúc còn đang là sinh viên đại học. Lúc ấy anh đã cộng tác một một vài tờ báo trên thành phố Hồ Chí Minh. Lúc Đinh Thị Thu Vân giới thiệu Võ Mạnh Hảo với tôi, Hảo còn quá trẻ và tôi cũng chưa được đọc của Hảo. Cảm tưởng đầu tiên đó là  một anh chàng sinh viên yêu văn học. Lần đầu tiên đọc Hảo trên Văn nghệ Long An tôi thực sự thích thú. Thơ Hảo có vẻ khác hẳn với những “đàn anh, đàn chị”. Cảm xúc của Hảo nghiêng về một hướng khác, đang cố gắng tìm ra một cách đi của riêng minh. Hẳn nhiên bây giờ người làm thơ nhiều, thơ xuất bản nhiều.Vượt lên được trước những cái “nhiều” ấy, có một chỗ đứng riêng cho mình là một con đường gian nan. Hảo đã xuất bản hai tập thơ ở một nhà xuất bản có uy tín, tức là làm thơ tạm gọi là có “ thâm niên”. Bất ngờ với tôi là Hảo đã trở thành phóng viên của Báo Long An. Tôi lo ngại rằng các bản tin, các bài phóng sự, phỏng vấn nóng hổi tính thời sự sẽ cuốn anh đi. Nhưng đó chỉ là những lo ngại vu vơ. Tôi đã  từng đặt Hảo một bài phỏng vấn cho tờ nội san của cơ quan. Bài phỏng vấn rất chuyên nghiệp, được nhiều người tìm đọc. Sau này tôi có đọc một đôi bài báo khác của Hảo và tự nhiên có một cảm tưởng, Hảo mê làm báo.Vậy thì số phận những ý thơ nung nấu của Hảo sẽ ra sao. Nhà thơ Trần Quốc Toàn hiện đang công tác tại tạp chí Thế Giới Mới, một lần trong lúc trò chuyện tôi có hỏi ông rằng, ông làm báo, lại làm văn, ông thấy văn như thế nào? Trần Quốc Toàn trả lời liền, tôi thấy văn sao dài quá, cái gì cũng phải nói dài. Khác với báo, phải ngắn, gọn. Tôi chưa có dịp hỏi Hảo một câu tương tự như thế. Bỗng một hôm Hảo nói với tôi sắp in một tập thơ nữa. Tôi thật sự thú vị. Với tôi,  đây cũng là một cái mới. Võ Mạnh Hảo vẫn làm báo và vẫn làm thơ. Chúng ta sẽ được đọc những bài thơ thú vị với những tìm tòi không mệt mỏi của Hảo. Và những bài báo nóng hổi tính thời sự của Hảo.

Hào Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 56


Hôm nayHôm nay : 8418

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 173906

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8320316