Thứ sáu 29/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Văn nghệ Long An với giải thưởng Nguyễn Thông

Lễ trao giải thưởng VHNT Nguyễn Thông lần 3

Lễ trao giải thưởng VHNT Nguyễn Thông lần 3

Bằng vốn kiến thức địa lý khác nhau của mỗi người, có thể ai đó vẫn chưa biết nhiều về Long An. Mảng đất ấy tầm vóc thế nào, đất và người nơi đó ra sao? Thế nhưng thông qua con đường văn học nghệ thuật, sự biểu cảm của trái tim, người ta dù nước lã người dưng, dù chân mây góc biển ít nhiều cũng hiểu được nhau.

Không biết chính xác từ bao giờ, nhưng chắc chắn là phải từ những năm tháng cả nước mình chung lòng đánh Mỹ, và từ sau khi Bác Hồ kính yêu tặng cho quê hương này tám chữ vàng thì câu ca dao hiện đại “Long An trung dũng kiên cường, Toàn dân đánh giặc, mượn xuồng không cho” xuất hiện để từ đó cả nước biết đến Long An.

Tôi thật tự hào với câu ca dao hiện đại ấy! Mặc dù bốn từ cuối của câu bát “mượn xuồng không cho” hơi có “vấn đề”. Có phải người dân Long An hẹp hòi, nhỏ mọn lắm chăng? Không! Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, tất cả đều tập trung cho công cuộc đánh giặc, giữ quê, giành độc lập. Mọi chiến thuật, chiến lược đều phải tính toán kỹ càng. Mọi nhân lực, vật lực cũng phải tự lo, tự đảm bảo thì sẽ không  dễ dàng trao cho người khác “vật bất ly thân” trong đời sống gian khổ của mình.

Chiếc xuồng trên chiến trường vùng sông nước thời đó quả là cực kỳ quan trọng. Không có chiếc xuồng thì làm sao “Có anh du kích dũng cảm kiên cường, lẫn ánh trăng mờ băng lửa đạn qua sông” (Vàm Cỏ Đông: thơ của Hoài Vũ, nhạc của Trương Quang Lục). Thiếu một chiếc xuồng có thể ảnh hưởng đến cả một đội hình, một thế trận.  Cũng không chỉ vào thời ấy, mà chiếc xuồng đã trở nên quan trọng từ trước đó rất lâu. Bởi chiến công “Lửa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa” của Nguyễn Trung Trực, người con của Long An đã làm nên sử tích trên chính dòng sông quê hương mình cũng bằng những chiếc xuồng con bé bỏng mà đánh chìm chiến hạm Étxpêrăng của Pháp. Tôi cũng tin chắc rằng cả những dân ấp, dân lân, những nghĩa sĩ Cần Giuộc cũng đã từng “Một trận nghĩa đánh Tây, …” bằng những chiếc xuồng trên sông, rạch.

Câu ca dao hiện đại ấy đã và sẽ tồn tại để người ta ít nhiều cũng biết đến Long An. Thật vậy, cho đến bây giờ, khi bè bạn tứ xứ gặp nhau, khi trà dư tửu hậu, nhắc đến Long An ai cũng ngâm nga câu ca dao ấy. Đằng sau nụ cười tuy có chút vẻ khôi hài, nhưng lại ẩn chứa một sự trân trọng, một tình cảm đầy ắp tính thân thiện.

Hiểu về Long An như thế cũng là đầy đặn lắm rồi! Đây là một quê hương giàu truyền thống đã góp phần làm phong phú cho đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Đặc biệt là từ khi có Hội.

Đến ngày một, tháng ba, năm hai ngàn lẻ chín này sẽ là ngày kỷ niệm hai mươi bảy năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An, gọi tắt là Hội Văn Nghệ, nay là Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Long An. Nhìn lại hai mươi bảy năm qua, Hội đã có nhiều thay đổi về quy mô, số lượng hội viên, nhân sự lãnh đạo và hoạt động của Hội cũng ngày càng hoàn thiện hơn.

Hiện nay Hội đã có 08 chuyên ngành trực thuộc: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian, Điện ảnh - Truyền hình và Kiến trúc. Với tổng số hội viên là 306, trong đó 99 hội viên trung ương, 104 hội viên là đảng viên, 05 nghệ sĩ ưu tú, 04 nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc và 02 nghệ sĩ được tôn vinh của thế kỷ XX. Nhìn lại những ngày đầu thành lập Hội chỉ hơn hai mươi hội viên, không có hội viên trung ương, cơ sở vật chất  nghèo nàn, nhất là trụ sở làm việc. Hiện nay Hội đã có hầu hết những gì cần thiết, từ trụ sở, phương tiện làm việc, phương tiện đi lại và bộ máy Hội ngày càng đi vào nề nếp và quy củ. Đây là niềm vui của những văn nghệ sĩ, của những người làm công tác quản lý Hội từ sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân tỉnh và các sở ban ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, là một tổ chức có vai trò tập hợp, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ sáng tạo và thăng hoa bằng tài năng, trí tuệ của mình.

Hội đã có được một khối lượng tài sản nghệ thuật là những tác phẩm đã được những thế hệ nhân sĩ, văn nghệ sĩ qua các thời kỳ chống phong kiến, thực dân, đế quốc truyền thụ và gởi gắm lại. Đó là, những áng văn bất hủ của Nguyễn Đình Chiểu với “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, đến những bài thơ “Anh đứng giữa Tháp Mười” của Lê Anh Xuân, “Qua sông vàm Cỏ” của Giang Nam, “Vàm Cỏ Tây” của Chế Lan Viên, với “Vàm Cỏ Đông” nhà thơ Hoài Vũ và nhạc sĩ Trương Quang Lục đã làm nên một bản tình – sử ca, đầy chất lãng mạn và tính anh hùng còn sống mãi trong lòng người dân Long An.

Sau hơn ba mươi năm đất nước thanh bình, cùng với những thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống vật chất mà nhân dân Long An đã đạt được thì đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà cũng gặt hái khá nhiều những thành công trên lĩnh vực đời sống tinh thần. Đó là những tác phẩm, những công trình có chất lượng nghệ thuật khắc họa chân dung đất và người Long An với truyền thống đấu tranh, đánh đuổi giặc ngoại xâm và xây dựng bảo vệ tổ quốc.

Ở giai đoạn này cũng đã có khá nhiều những tác phẩm tạo được dấu ấn. Về văn học, Hội đã xuất bản được hai đầu sách là “Long An Văn 30 năm” và “Long An Thơ 30 năm”, đây là một sự tuyển chọn, tập hợp hàng trăm truyện ngắn, bút ký, thơ là những tác phẩm tiêu biểu, nổi bật, có giá trị nghệ đã được các văn nghệ sĩ sáng tác ở giai đoạn 1975 – 2005, có những tác phẩm đã đạt giải qua các cuộc thi trong tỉnh và khu vực. Ở lĩnh vực này độc giả không thể quên được những cây bút - những văn sĩ, thi nhân đã trở nên quá thân thuộc như Đinh Thị Thu Vân, Hào Vũ, Cao Thoại Châu, Trần Ngọc Hưởng, Hoàng Đỗ, Mặc Tuyền, Nguyễn Thị Tuyết Mai… Đặc biệt, nhà thơ Đinh Thị Thu Vân với bài thơ “Một ngày ta ngoái lại” một lần nữa đã khẳng định mình trong làng thơ Việt Nam khi tác phẩm của nữ thi nhân được bình chọn là một, trong một trăm bài thơ hay của thế kỷ XX do Trung tâm Doanh nhân Việt Nam tổ chức.

          Sau những ca khúc của các bậc đàn anh, đàn chị đã ăn sâu vào tâm thức nhiều thế hệ như “Vàm Cỏ Đông”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”… thì một số nhạc sĩ của Hội hôm nay đã khiến người nghe phải nhớ đến: “Mùa lúa quê tôi” của nhạc sĩ Lê Phương, “Về Cần Đước” của nhạc sĩ Lê Ngọc Ẩn, “Khúc hát quê hương” của nhạc sĩ Trịnh Hùng, “Nợ nhau nửa điệu lý qua cầu” của nhạc sĩ Bửu Thiết…

Sân khấu đồng bằng, thế mạnh là cải lương và bài ca vọng cổ. Chi hội sân khấu đã có một lực lượng tác giả, diễn viên khá hùng hậu để kịp cho ra đời những kịch bản cải lương, những bài ca vọng cổ đáp ứng nhu cầu biểu diễn của Đoàn nghệ thuật cải lương Long An và sóng phát thanh, phát hình của các đài trong và ngoài tỉnh. Nhiều soạn giả, tác giả, nghệ sĩ được giới mộ điệu biết đến như Kha Tuấn, Hữu Lộc, Ánh Hồng, Đoàn Dự, Nguyễn Minh Tuấn, Diệp Vàm Cỏ, Việt Sơn, Hồ Ngọc Trinh…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Kiệt, Hồng Hải là những bậc đàn anh đi trước đã dày công gầy dựng phong trào nhiếp ảnh Long An ngày một phát triển tốt đẹp. Gần đây lĩnh vực nhiếp ảnh tiếp tục ăn nên làm ra với nhiều tác phẩm, nhiều nghệ sĩ được giải cao qua các cuộc thi từ cấp tỉnh đến khu vực và cả quốc tế nữa. Những khoảnh khắc tưởng chỉ có thể xuất hiện trong nháy mắt nhưng qua tay người nghệ sĩ tài hoa điều ấy đã trở thành vĩnh hằng. Đó là những hình ảnh, những chân dung hi hữu của “Má Hai anh hùng” của Nguyễn Lành, là “Vết của biển” của Phạm Tên, là “Mùa Thu hoạch” của Tô Châu, là “Bác Hai” của Duy Bằng, “Thị xã Tân An” của Tôn Thất Hùng..

Mỹ thuật có số hội viên không đông lắm, nhưng tên tuổi của các họa sĩ Nguyễn Đức Lưu, Nguyễn Hữu Phương, Nguyễn Ngọc Trãi… cũng đã luôn thể hiện được thế mạnh của mình qua các lần tham gia triễn lãm tranh của khu vực. Nét cọ của họ đầy sự sự quyến rũ!

Long An là một tỉnh nằm trong khu vực công nghiệp trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ của Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy du khách muốn xuôi về miền châu thổ hiền hòa này đều phải ngang qua Long An. Chắc chắc ai cũng có lần nhìn nhà cao, phố đẹp; nhìn những công trình biểu tượng cho sức sống và tinh thần của người dân Long An. Đó là những thành quả khả quan mà vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Kiến trúc Long An đã có 20 công trình được tôn vinh, trong đó có các công trình tầm cỡ như: Bệnh viện đa khoa Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Hội trường Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An... Tên tuổi của các Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng, Lưu Đình Khẩn, Trần Kim Lân,..…. là niềm tự hào của ngành kiến trúc Long An.

Hằng năm chi hội Điện ảnh – Truyền hình đều có tham dự và đạt giải thưởng, tuy không cao (từ Huy chương bạc đến bằng khen) ở các lần Liên hoan Truyền hình toàn quốc qua các phim phóng sự, tài liệu… cũng đã thể hiện được sự lớn mạnh của đội ngũ và bản lĩnh nghề nghiệp của hội viên.

Văn nghệ dân gian là một chi hội được sanh sau, đẻ muộn nhưng đã sớm trưởng thành với nhiều công trình sưu tầm từ phong tục tập quán đến thơ, ca, hò, vè. Những con người mang tâm hồn văn nghệ sĩ đã thật tâm huyết tìm về với truyền thống, quyết chắc lọc gìn giữ những tinh hoa của cha ông truyền lại cho hôm nay và mai sau. Hằng ngàn câu hò,vè, điệu lý; hằng ngàn câu hát đưa em tưởng đã mai một nay được chăm sóc bảo tồn. “1000 câu hát đưa em” là cuốn sách được xuất bản năm 2007 của nhạc sĩ Trịnh Hùng qua nhiều năm sưu tầm bền bĩ nhằm giới thiệu cho chúng ta và thế hệ mai sau hiểu được thơ, ca, hò, vè của ông cha ta trên đất Long An.

Chính từ những đóng góp to lớn ấy của giới văn nghệ sĩ cho sự nghiệp văn học nghệ thuật tỉnh nhà mà giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Thông được khai sinh vào năm 2000 và được định kỳ xét trao giải bốn năm một lần. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An về việc nhìn nhận, trân trọng công lao đóng góp của các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. Giải thưởng mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Thông nhằm tôn vinh và học tập gương sáng người con ưu tú của Long An, đã có nhiều công lao đóng góp cho dân tộc trong lịch sử nước ta ở cuối thể kỷ XIX.

Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Thông ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của giới văn nghệ sĩ và tạo sự đồng thuận của công chúng, góp phần đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học nghệ thuật đi vào cuộc sống một cách sinh động, hiệu quả và khơi nguồn cho mọi sự sáng tạo.

Đến nay, giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Thông đã được xét trao hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 15.10.2001, lần thứ hai vào ngày 15.7.2005, tổng cộng đã có 66 tác giả (trong đó có 04 đồng tác giả) gồm 57 tác giả trong tỉnh và 09 tác giả ngoài tỉnh được xét.

Năm nay cũng là năm mà giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Thông đến kỳ xét trao giải lần thứ ba. Hội đang triển khai, chuẩn bị cho việc xét trao giải lần này nhằm tiếp tục duy trì và không ngừng nâng cao về qui mô và giá trị của giải thưởng, tạo được niềm tin cho giới văn nghệ sĩ và nhân dân.

Hai mươi bảy năm, từ ngày thành lập Hội đến nay sự trưởng thành đã và sẽ không dừng lại ở một thời điểm nhất định nào. Nghĩa là Hội sẽ còn tiếp tục phấn đấu hơn nữa để hoàn thiện mình theo xu thế phát triển chung. Giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà thật vô cùng hạnh phúc khi có được giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Thông, tuy mang tầm cỡ địa phương nhưng thật sự vô cùng  danh giá. Đây sẽ là nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho các văn nghệ sĩ tỉnh nhà tiếp tục cống hiến cho đời, cho sự nghiệp văn học nghệ thuật, tạo ra những tác phẩm xứng tầm thời đại, không chỉ trên quê hương Long An với tám chữ vàng chói lọi “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” mà còn xứng tầm với cả nước và có thể xa, rộng hơn nữa.

NSNA Nguyễn Lành
Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Long An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 30

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 29


Hôm nayHôm nay : 4466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 280650

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8427060