Thứ bảy 14/12/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Nhớ anh Khương Minh Ngọc

Nhà văn Khương Minh Ngọc cùng anh chị em văn nghệ sĩ Long An- năm 1982.

Nhà văn Khương Minh Ngọc cùng anh chị em văn nghệ sĩ Long An- năm 1982.

Anh Khương Minh Ngọc là chủ tịch đầu tiên của Hội Văn học Nghệ thuật Long An, hồi ấy thường gọi là Hội Văn Nghệ. Anh là người quê gốc Tiền Giang, huyện Chợ Gạo, tham gia kháng chiến trên địa bàn Long An, trở thành cán bộ của Long An, sau đó tập kết ra Bắc.
Ở miền Bắc, anh công tác tại đài tiếng nói Việt Nam, sau chuyển sang cơ quan hoạt động Văn hoá nghệ thuật của trung ương. Vào khoảng năm 1980, anh được tỉnh uỷ Long An mời về thành lập Hội văn học nghệ thuật. Tình hình hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh vào thời điểm này đã có những phát triển đáng chú ý. Lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật, phần chủ yếu là anh, chị em viết báo viết văn của tỉnh được tập hợp về Ty Văn hoá Thông tin (sau này là Sở Văn hoá Thông tin) sinh hoạt trong biên chế của Phòng Văn nghệ thuộc Ty. Những anh, chị em này trước đó đều đã có tác phẩm được giới thiệu ở các báo, sách của Trung ương, đã giành được các giải thưởng văn học có uy tín của địa phương và trung ương. Lực lượng nòng cốt là cán bộ kháng chiến ra, từ bên  dân chính đảng và tỉnh đội.

Ty Văn hoá lúc ấy xuất bản Tạp chí Văn Nghệ Vàm Cỏ, ra tháng/kỳ. Anh Khương Minh Ngọc khi về Long An ở chung với anh chị em thuộc biên chế của Tạp Chí. Anh cũng không giấu giếm ý định thành lập Hội Văn học Nghệ thuật trên cơ sở lực lượng của Tạp Chí Văn nghệ Vàm Cỏ. Ngày ấy tất cả anh chị em sáng tác biên tập của Tạp Chí đều ở chung trong ngôi nhà số 57 Nguyễn Huệ, chật chội nhưng ấm cúng. Vừa là nơi ở, nấu nướng ăn nghỉ, vừa là nơi làm việc. Thậm chí có cặp tân hôn, do không có nhà riêng, mà làm sao có nổi nhà riêng, cũng ở chung, được phân cho … 04 mét vuông, vừa đủ kê cái giường chiếc, vách liếp tre mỏng tanh. Vậy mà cũng thành một gia đình hạnh phúc cho mãi tới khi ngôi nhà ấy được phá đi để xây Viện kiểm sát bây giờ.

Anh Khương Minh Ngọc  ở chung với anh em văn nghệ trong ngôi nhà chật chội ấy. Lúc đầu anh tính nhờ một người trong cơ quan nấu cơm ăn chung, cho đỡ cực phần đi chợ, nhưng sau anh thấy cũng phiền cho anh em, nên tự lực một mình. Một ông già đầu tóc bạc trắng lụi hụi cơm nước một mình nghĩ cũng tội, nhưng biết  sao bây giờ. Trong căn nhà chật chội ấy là một đại gia đình gồm nhiều gia đình nhỏ, có những sinh hoạt, lo nghĩ, vui mừng rất riêng  tư. Anh Ngọc cảm nhận được cái hạnh phúc riêng tư nhỏ nhoi ấy của anh chị em, nên sau cùng đã cương quyết không ăn chung với ai. Cũng như mọi người, anh được phân chia một khoảnh không gian chật hẹp vừa làm việc vừa nghỉ ngơi, nấu nướng ăn uống. Mãi sau này tỉnh uỷ mới kiếm được cho anh một nơi ở đàng hoàng hơn, tuy hơi xa, nhưng thuận tiện cho công việc.

KHƯƠNG MINH NGỌC (1920 - 1994)

 

Bút danh khác: VÂN DU

Họ và tên khai sinh: Lê Ngọc Quới. Sinh ngày 22 tháng 10 năm 1920. Quê quán: xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Mấtngày 23 tháng 5 năm 1994.

Tập kết ra Bắc (1954); nhiều năm công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Văn nghệ, Nxb Văn học, Nxb Giải phóng, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Từ 1980 là Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Văn nghệ tỉnh Long An.

TÁC PHẨM: Tiếng hát đêm khuya (truyện, 1936); Đứa con (tiểu thuyết, 1951); Một sợi dây gút (truyện, 1956); Sự tích trái sầu riêng (truyện thiếu nhi, 1959); Cuộc gặp gỡ bất ngờ (truyện, 1973); Bữa cơm chiều 30 Tết (truyện ngắn, 1973); Truyện ngắn Khương Minh Ngọc (1994).

Buổi chiều anh Khương Minh Ngọc thường ngồi uống rượu một mình bên chiếc bàn dài đặt ở gian sau nơi có một khoảng trời nhỏ hình vuông đủ để nhìn thấy những đám mây buổi chiều lang thang. Những lúc mưa, một phần mặt bàn bị ưới do gió thổi mạnh. Chẳng hề gì, có vẻ anh Ngọc lại thích như thế. Anh yêu thiên nhiên. Chiếc bàn có lẽ được làm từ một vỏ thùng đựng đạn pháo  từ hồi chiền tranh, dấu vân gỗ bị những vết đinh đóng để lại dấu đen loang lổ. Cái dáng lưng hơi khom khom của anh, cặp kính cận dày cộp bên chiếc bàn ấy trở thành một kỷ niệm khó quên. Tại chỗ ngồi ấy, những lúc vui vẻ, anh thường kể cho chúng tôi nghe về chuyện văn chương, về tính tình và cách làm việc của những nhà văn, những nghệ sĩ lớn của đất nước. Đôi khi còn nhắc đến một vài tên tuổi  nhà văn nước ngoài, thường là những nhà văn Pháp chứ không phải nhà văn xô- viết. Qua những buổi nói chuyện ấy, anh đã khơi dậy mạnh mẽ những hoài bão trong chúng tôi, những người viết trẻ, đầy nhiệt huyết, mơ mộng, nhưng thiếu một môi trường tương tác trong sáng tác. Những buổi “ hầu chuyện” anh như thế chúng tôi học được biết bao điều, về nghề nghiệp, về thái độ ứng xử với bè bạn văn chương, nhiều thứ lắm. Cũng qua những câu chuyện của anh, tôi được biết lúc ấy anh đang dịch cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Ba Lan, thông qua bản dịch trung gian Pháp ngữ. Mặc dù công việc chuẩn bị cho ra đời một tổ chức nghề nghiệp, biết bao nhiêu chuyện từ lớn tới nhỏ,  thậm chí ngày chủ nhật cũng có thư mời làm việc. (thời ấy chưa có điện thoại di động). Nhưng anh vẫn không bỏ được chuyện văn chương. Anh rất thích tác giả này, chỉ tiếc là anh phải đọc đọc qua một ngôn ngữ trung gian. Tôi không còn nhớ tên tác giả, nhưng ngày ấy, nói chuyện về cuốn tiểu thuyết đang dịch, anh say sưa lắm. Thực ra hồi ấy dịch để chơi là chính, việc in ấn, nhất là sách dịch khó khăn lắm, không như bây giờ. Anh nói, anh dịch tới đâu là viết liền ra giấy, không phải dùng đến từ điển. Anh thông thạo Pháp ngữ.

Cũng từ căn nhà 57 Nguyễn Huệ chật chội, anh bàn bạc, họp hành và bộ máy điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tương lai dần hình thành. Một bữa anh đi đâu về, bỗng lớn tiếng gọi tôi lại bên cái bàn làm bằng  thùng chứa đạn pháo ấy, và nói:

- Mua cho tao xị rượu nghe mậy.

Chưa bao giờ  anh nói với tôi theo cách nói như vậy, cách nói của người cha đối với con cái, như trong một gia đình. Thường chúng tôi vẫn gọi anh là anh, và xưng em. Thực ra tuổi anh lúc ấy đã cao, gọi là chú có khi còn hơi ngượng. Nhưng ngay từ ngày đầu gặp gỡ, anh đã nói: Mấy ông cứ gọi mình là anh, không chú bác gì hết. Văn nghệ sĩ phải gọi nhau là anh em cho nó trẻ. Chúng tôi thực hiện theo “ chỉ dụ” của anh.

Xách chai đi mua rượu cho anh, lại mua tời hai xị, vượt hẳn mọi lần là một xị, tôi nghĩ thầm, hoặc là anh có khách, hoặc là anh đang nổi hứng về chuyện gì.

Nhìn tôi đặt chai rượu lên chiếc bàn gỗ, anh nói:

- Ngồi đây uống rượu vời tao nghe.

Thì ra mọi công tác chuẩn bị cho ra mắt ban chấp hành lâm thời của Hội Văn học Nghệ thuật Long An cơ bản đã hoàn tất, đã được cấp trên thông qua. Cơ cấu tổ chức cũng cơ bản được thông qua. Vấn đề chọn được ngày lành tháng tốt. Tôi sắp lên đường nhập học tiếp sau đợt nghỉ hè, anh muốn thông báo trước cho tôi hay, và dặn, tạm thời không được nói cho ai biết, không cần thiết. Tôi hứa với anh không nói cho ai biết thông tin này, cho đến khi BCH lâm thời chính thức ra mắt.

Tôi không thể quên hình ảnh anh, tấm lưng hơi khom, cặp kiếng cận dày cộp, trong tay ôm sấp báo Văn Nghệ Long An, nét mặt đầy phấn khích phấn khích, đi đến một vài cơ quan trong tỉnh, vốn là nơi thân quen của anh, tặng báo. Đó là những ngày đầu Báo Văn Nghệ Long An ra mắt, chính thức thay thế Tạp chí Văn nghệ Vàm Cỏ. Tờ báo Văn Nghệ Long An lúc ấy, bên cạnh các chuyên mục như mọi tờ báo văn nghệ, còn có chuyên trang văn học nước ngoài do chính anh trực tiếp phụ trách,thường xuyên giới thiệu các truyện ngằn hay của thế giới.

Mới  đó mà đã gần 30 năm.

Rồi tới một ngày… có ai đó, đến nay tôi cũng không còn nhớ, đưa cho tôi một xấp giấy viết tay được photo. Chữ của anh Khương Minh Ngọc. Nhưng càng đọc tôi càng ngạc nhiên.Nội dung là bản điếu văn dành cho anh Khương Minh Ngọc với đầy đủ tiểu sử và bề dày hoạt động cách mạng được liệt kê. Anh Ngọc mất rồi ư? Nhưng chữ viết điếu văn cho anh mà giống y hệt chữ anh vậy? Tôi điện thoại hỏi thăm, lại càng ngạc nhiên khi biết anh đang mạnh khoẻ, đang nằm nhà… dịch sách. Sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy. Thì ra, chính anh chứ không ai khác, tự viết điếu văn cho mình trong lúc mình đang còn làm việc. Thật không thể tin nổi. Về việc này khi anh mất, tôi có viết về anh và công bố chi tiết “ bản điếu văn tự viết” của anh khiến nhiều bạn bè của anh, cả nhà thơ Cù Huy Cận, lúc ấy đang phụ trách UBLHVHNT toàn quốc, cũng rất quan tâm. Nhà thơ Huy Cận điện hỏi thăm, xác minh sự việc trước khi gửi thư chia buồn bà quả phụ Khương Minh Ngọc vẫn trú ngụ tại cư xá phường 4, Tân An.

Anh Khương Minh Ngọc, nhà văn lão thành Khương Minh Ngọc là thế đây. Công lao của anh đối với giới sáng tác VHNT tỉnh nhà là điều chúng ta luôn nhờ mãi. Nhân đại hội Hội Liên Hiệp văn học nghệ thuật tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015, xin có  vài dòng về anh, coi đây như một nén nhang thắp cho anh, nhà văn, vị chủ tịch đầu tiên của Hội Văn học Nghệ thuật Long An. Trước thềm  Đại hội Hội LHVHNT Long An./.

Tân An, ngày 30 tháng 8 năm 2010

Hào Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 24


Hôm nayHôm nay : 2699

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 74961

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10820184