Thứ ba - 05/11/2024 17:15
TÂN TRỤ “DỌN ĐƯỜNG” PHÁT TRIỂN
Trung Dũng
Chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40 km, nhưng lại nằm kẹp giữa hai con sông Vàm Cỏ nên Tân Trụ đã mất đi lợi thế khi “bán đảo” này phải kết nối với các địa phương lân cận với 9 bến phà “đò giang cách trở”.
Làm gì, bắt đầu từ đâu giữa ngổn ngang trăm mối lo toan khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong khi với điểm xuất phát thấp; cơm áo gạo tiền của người dân và nguồn ngân sách của địa phương lại chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp... Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Trụ đã xác định rõ: phải dựa vào sức dân, lòng dân, phát huy truyền thống đoàn kết của quê hương, đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật cùng nhân dân để viết tiếp bài ca thắng trận trong thời kỳ mới.
Thực hiện “3 nhất” để mời gọi đầu tư
Thực hiện cải cách hành chính là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh; đơn giản hóa các thủ tục để mời gọi các doanh nghiệp về làm ăn với Tân Trụ nên cả hệ thống chính trị địa phương đã vào cuộc quyết liệt nhằm mục đích nâng cao chất lượng quản lý, điều hành công việc, phục vụ doanh nghiệp, phục vụ Nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung: Tân Trụ tập trung tạo sự chuyển biến rõ nét về phương thức giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm túc quy định về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc thực hiện quy định hành chính, tạo lòng tin cho doanh nghiệp, nhân dân khi đến liên hệ xử lý công việc hành chính.
Không ngừng tăng cường đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin vào giải quyết công việc hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua việc thường xuyên rà soát, đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…Từ đó Tân trụ đã tạo ra sự khác biệt về chất lượng cung cấp thủ tục hành chính cho doanh ngiệp và nhân dân.
Liên tiếp năm 2021,2022 Tân Trụ bứt phá dẫn đầu bảng xếp hạng của tỉnh về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp huyện (năm 2023 xếp hạng nhì). Kết quả trên đã minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng không ngừng và hướng đi đúng của huyện trong nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cùng với cải cách hành chính, với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ” và “Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ”, Cấp ủy chính quyền huyện Tân Trụ cũng đã tập trung các giải pháp thực hiện “nâng điểm” chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng của người dân). Ngoài quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ công chức thực hiện nghiêm quy chế, quy trình tiếp nhận, hồ sơ xử lý và trả kết quả bảo đảm nhanh gọn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Tân Trụ còn phân công công chức tiếp nhận, hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính và bố trí 1 cán bộ lãnh đạo thường xuyên trực tại bộ phận một cửa để theo dõi hoạt động và giải quyết ngay công việc cho người dân.
Đích thân chủ tịch UBND huyện ngoài duy trì lịch tiếp công dân (ngày 10,20 hàng tháng), ông còn duy trì trực tiếp đường dây nóng với công dân huyện Tân Trụ, người dân khi cần phản ánh những vấn đề gì bức xúc chỉ cần nhắn tin trước “Tôi là công dân Tân Trụ cần gọi chủ tịch phản ánh về vấn đề…”, ngay sau đó Chủ tịch huyện Tân Trụ sẽ gọi điện lại để tiếp công dân qua điện thoại.
Với nhiều biện pháp quyết liệt kể trên năm 2023, Tân Trụ dẫn đầu 15 huyện thị xã, thành phố trong tỉnh về “Kết quả khảo sát đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước cấp huyện thuộc tỉnh Long An”.
Xác định nâng cao Chỉ số năng lực cạnh (DDCI) là khâu đột phá có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, thời gian qua, huyện Tân Trụ cũng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, quyết liệt cải thiện thứ hạng chỉ số DDCI, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.
Để thu hút các doanh nghiệp về Tân Trụ, UBND huyện đã triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, bình đẳng cho các doanh nghiệp. Hàng năm, huyện tổ chức gặp mặt các doanh nhân, doanh nghiệp; tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp, trực tiếp giải đáp những thắc mắc về nhiều lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, môi trường, thủ tục hành chính…Qua đó, địa phương kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Một trong những giải pháp tích cực được huyện Tân Trụ thực hiện nhằm nâng cao chỉ số năng lực canh tranh là đã thực hiện rút ngắn các thủ tục hành chính, cán bộ giải quyết công việc hiệu quả, thân thiện... đã nhận được sự quan tâm, đánh giá tốt của doanh nghiệp và nhân dân. Nhờ vậy, năm 2023, Tân Trụ xếp hạng nhất trong số 15 huyện, thị xã thành phố trong tỉnh về xếp hạnh Chỉ số DDCI.
Diện mạo mới cho hạ tầng công nghiệp
Song song với cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, của doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực canh tranh, Tân Trụ cũng đã dồn sức phát triển cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới, phát triển các khu, cụm công nghiệp. Huyện đã tập trung mọi nguồn vốn đầu tư cùng với đoàn kết, huy động sức dân. Đến nay, 90% các tuyến đường trục xã, trục ấp, ngõ xóm, trục chính nội đồng được đầu tư xây dựng đồng bộ; với 345 tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa với chiều dài 198,5 km. Các tuyến đường rộng 2,5m trước dây đang được nâng cấp lên chiều rộng 5 m và nhựa hóa (mỗi xã ít nhất có 2 tuyến). Hiện toàn huyện đã nâng cấp 23/25 tuyến với tổng kinh phí 130 tỷ đồng từ vốn ngân sách và nhân dân đóng góp (vốn ngân sách 80%).
Ngoài ra, huyện đang tập trung thực hiện công trình trọng điểm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra đó là tuyến đường ven sông Vàm Cỏ Tây kinh phí 180 tỷ đồng kết nối Tân Trụ với thành phố Tân An. Cùng với khi đường tỉnh 827E (Quốc lộ 50B) hoàn thành kết nối với huyện Tân Trụ thì mạch máu giao thông giữa huyện và các địa phương bạn sẽ cùng hòa nhịp, xóa thế cô lập về giao thông của Tân Trụ trước đây, đưa địa phương “cất cánh” cùng bạn bè.
Huyện thuần nông Tân trụ cũng đang hình thành nên một diện mạo mới của huyện công nghiệp khi Dự án khu công nghiệp An Nhựt Tân đang tái khởi động lại. Mang đến cơ hội việc làm cho hàng ngàn người dân địa phương, đời sống, văn hóa cũng được ngày càng được nâng cao, hiện đại hơn. Bộ mặt của huyện Tân Trụ cũng sẽ thay đổi tốt đẹp, ngày càng khang trang hơn, tạo mối liên kết, phát triển với các KCN lân cận và các vùng kinh tế trọng điểm khác. Ngoài dự án trên, với môi trường đầu tư thuận lợi, huyện Tân Trụ đang dần thu hút nhiều dự án triển khai trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đang hình thành 2 cụm công nghiệp đang xúc tiến đầu tư, đang phác thảo nên hình dáng của một huyện nông thôn mới nâng cao văn minh hiện đại.
Kết hợp thực hiện chỉnh trang đô thị, xúc tiến đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, logistics tạo động lực phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại. Sự hiện diện của các công ty thương mại Điện máy xanh, Bách hóa xanh, San Hà food…đã và đang góp phần làm cho bộ mặt Tân Trụ trẻ trung và tưới rói hơn lên. Cùng với sản phẩm du lịch nông thôn mới “Tân Trụ quê hương em” sẽ đưa du khách đến thăm quê hương Tân Trụ, viếng thăm khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, nơi ghi dấu công lao Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, trải nghiệm các làng nghề truyền thống dệt chiếu An Nhựt Tân, làng nghề làm trống Bình An, làng nghề làm bánh tét Mỹ Bình...
Phát truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương đang chung sức đồng lòng xây dựng quê hương, biến khát vọng của các thế hệ cha anh trở thành hiện thực trên quê hương Tân Trụ thân thiện nghĩa tình, giàu đẹp văn minh./.
Trung Dũng