Thứ năm - 14/09/2023 08:00
THỦY ĐẠO TRƯỜNG SA
Thủy đạo Trường Sa là đội binh bảo vệ các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thời chúa Nguyễn. Trong Việt sử cương giám khảo lược (1876), Nguyễn Thông gọi đảo Hoàng Sa là Vạn lý Trường Sa: “Vạn lý Trường Sa thuộc đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đi thuyền theo hướng Đông chạy ra, chỉ khoảng 3 ngày đêm là đến nơi. Nước Đại Việt Nam ta xưa thường chọn những đinh tráng ở hai hộ An Hải và An Vĩnh làm đội Hoàng Sa để thu lượm hải sản, mỗi năm cứ tháng hai ra đi, tháng tám trở về”.
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về.
Đài tưởng niệm Đội Hoàng Sa Kiêm Quản Bắc Hải trên huyện đào Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Nửa năm trời lênh đênh trên biển cả, đa số những người trong đội Trường Sa mấy khi trở về nên ở đây có tục lập mộ gió và “Khao lề thế lính” nhằm gởi chút niềm hy vọng cho người ra đi còn may mắn được trở về. Trong cuộc mở cõi đất phương Nam, lưu dân có gốc gác vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi đến khai phá đất Long An, thỉnh thoảng cũng về thăm quê hương cũ. Có người nhiều năm không trở lại. Có người mất tích trên biển, nhiều năm không thấy trở lại, gia đình làm lễ tang, lập mộ gió. Họ vẫn không quên những người tử nạn trên biển mà linh hồn còn trôi dạt đâu đó, dù là những ngư dân hay những lưu dân đi tìm đất sống hoặc những người lính đi làm nhiệm vụ bảo vệ hải đảo xa xôi... Họ xác tín rằng ông cha mình đã theo quân Thủy đạo Trường Sa. Tín ngưỡng cúng Thủy đạo Trường Sa vì vậy được hình thành, trước đây vẫn còn khá sâu đậm, nghi thức tương tự như cúng các vị tiền bối xiêu mồ lạc mả. Khi giỗ kỵ những người bất hạnh ấy, con cháu mời các vị Thủy đạo Trường Sa về phối hưởng.
Chúng tôi có dịp tiếp cận đám cúng việc lề của dòng họ Lê ở ấp 4, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức. Họ Lê gốc ở miền Bắc, di cư vào Đà Nẵng thời Hậu Lê. Năm 1720, ông Lê Văn Hy và anh em theo đường biển vào cửa Soài Rạp, rồi ngược sông Vàm Cỏ Đông vào đây khai phá. Theo phả đồ, kể từ thủy tổ Lê Văn Hy, đến nay, họ Lê đã có 11 thế hệ định cư ở Thanh Phú. Trong cuộc khẩn hoang gian khổ ấy, có người trong họ đã bị cọp ăn thịt, nên trong đám cúng việc lề của họ Lê luôn có đĩa thịt heo sống đặt ngoài vườn để cúng chúa sơn lâm. Theo gia đình, lệ cúng ngày 22 tháng Giêng là ngày giỗ của một vị tổ trong họ, từng làm đến chức Tổng đốc thủy đạo Trường Sa, chết trên biển không tìm thấy xác. Để tưởng nhớ, gia tộc lập ngôi mộ gió, trong có thi thể bằng sáp, hiện còn ở ấp 4, xã Thanh Phú. Trong nhiều nội dung tín ngưỡng đan xen vào nhau của tục cúng việc lề: Trước là cúng việc lề, sau là sẵn cúng đất, cúng cô hồn, cầu an dòng họ, chúng tôi đặc biệt chú ý nghi thức cúng cô hồn. Ngoài các lễ vật cá lóc nướng trui, cháo ám rau luộc, gạo, muối, trầu cau, thủ vĩ lợn, rượu, nước… là chiếc tàu tống có hình nhân và súng thần công. Trước đây, việc hành lễ do thầy pháp điều khiển, nay người ta phát lại băng ghi âm lời xướng tụng của thầy pháp để mọi người theo đó thực hiện nghi thức cúng. Khởi lễ, sau 3 hồi trống và 3 hồi chiêng, người chủ lễ rót rượu vào ly ở các bàn, thắp 3 cây nhang lớn ở bàn thờ Tổng đốc thủy đạo Trường Sa, thắp 3 cây nhang nhỏ ở những bàn còn lại rồi vào bàn thờ chính quỳ xuống khấn vái cung thỉnh Tổng đốc thủy đạo Trường Sa, các vị tướng quân, cửu huyền thất tổ, âm binh thủy bộ… về nhậm lễ và bảo hộ cho bổn tộc được bình an. Cuối cùng là nghi thức đưa tàu tống ra sông mang ý nghĩa tống phong, tống ôn hay để tiễn đưa tổ tiên về cõi âm, “Nam tiến và Bắc hồi”, gợi nhớ cảnh vượt biển vào Nam lập nghiệp và quay thuyền về thăm quê hương bản quán, kết thúc lễ cúng.
Chưa thể khẳng định thủy tổ họ Lê ở Bến Lức là người của đội hải binh Trường Sa hay là cư dân bỏ xác trên đường biển trong cuộc Nam tiến nhưng phải chăng ngôi mộ gió ở ấp 4 xã Thanh Phú, tục cúng thế, hình nhân trên những chiếc bè mang tính chất của tục tùy táng, pháp sư hành lễ với đầy đủ nghi thức cúng Thủy đạo Trường Sa như xướng, tán, thỉnh, ca ngợi công đức, mời thủy tổ là ông Tổng đốc Thủy đạo Trường Sa về dự lễ… trong lễ cúng Việc lề họ dòng Lê phảng phất đâu đó bóng dáng của tục cúng “Khao lề thế lính”, một lễ thức của cư dân vùng biển với tín ngưỡng thờ chiến sĩ trận vong, ở đây là những người lính đi làm nhiệm vụ ở đảo Hoàng Sa thuở trước mà cư dân gốc Ngũ Quảng ở ấp 4 xã Thanh Phú mang vào Nam trong hành trang văn hóa của mình. Dù biểu hiện bên ngoài có vẻ “mê tín dị đoan”, hủ tục, tầm thường, nhựng dưới góc nhìn tín ngưỡng, lịch sử và văn hóa, đó là biểu hiện đức hiếu nghĩa tổ tiên, nỗi hoài nhớ cố hương và ý thức giáo dục hậu thế của lưu dân Nam bộ; là tâm thức của cư dân chủ nhân vùng đất mới mà cha ông của họ là nguồn nhân lực của hải đội Hoàng Sa (hay Thủy đạo Trường Sa) do chúa Nguyễn và sau này là triều Nguyễn thành lập để thực thi quyền làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của quốc gia Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước./.
Nguyễn Tấn Quốc