Thứ sáu 17/01/2025

NỘI DUNG CHÍNH

Sân khấu Long An – những chặng đường lịch sử

            Kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam 12 tháng 8 (Âm lịch)


              Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam năm 2024.


            Là vùng đất không những được biết đến là một trong những chiếc nôi của nền âm nhạc tài tử Nam Bộ, Long An còn là nơi sớm có nghệ thuật sân khấu truyền thống, mà những di tích và tư liệu lịch sử đã ghi nhận những hoạt động này từ cuối thế kỷ XIX, như: ở Cần Đước có gánh hát bội của Nguyễn Quang Đại lập ra ở xã Tân Lân, do ông Cả Cương chu cấp; của ông Huỳnh Văn Xem ở xã Mỹ Lệ; của ông Nguyễn Văn Nhị ở xã Long Sơn mà trường hát bội ở đây đã trở thành di sản ký ức, nay còn lưu lại địa danh Xóm Trường ở xã này; hay giai thoại về ông Huỳnh Duy Ngạn - người được xem là đã đặt nền móng cho nghề hát bội ở đất Tân An xưa, nay mộ phần vẫn còn ở xã Nhơn Thạnh Trung, thành phố Tân An... Sự hình thành nghệ thuật sân khấu truyền thống, mà cụ thể là hát bội và cải lương luôn gắn bó hữu cơ và khăng khít cùng với sự hình thành và phát triển của bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử mà đất Long An là nơi có mặt và truyền dạy của nghệ nhân nhạc sư Nguyễn Quang Đại, như một sự khởi đầu.
           Khi sân khấu cải lương chính thức ra đời ở Mỹ Tho (15/3/1918), Long An dù chưa có gánh cải lương nào, mà chỉ có gánh hát bội, nhưng là tỉnh sớm xây rạp cải lương tại tỉnh lỵ (TP.Tân An ngày nay) để đón các đoàn cải lương của Sài Gòn về biểu diễn.
           Trong những năm tháng chiến tranh, đất nước trong hoàn cảnh chia cắt, dù trong điều kiện tập kết ra miền Bắc hay hoàn cảnh ở lại miền Nam, biết bao thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân, những người hoạt động trên lĩnh vực sân khấu đã luôn đem hết nhiệt huyết, tài năng và cả tinh thần yêu nước, yêu nghề, đã cống hiến nghệ thuật và đóng góp vào lịch sử sân khấu nước nhà.
           Đặc biệt, hoạt động sân khấu kháng chiến đã có sự đóng góp vẻ vang của hai đoàn văn công Long An và Kiến Tường ra đời từ những năm Đồng khởi hào hùng (1960), đã bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử, đem tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa, vở kịch, trích đoạn cải lương... phục vụ sự nghiệp đấu tranh, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã để lại biết bao ký ức sâu sắc trong giới nghệ thuật và nhân dân, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
            Sau ngày thống nhất đất nước, tiếp tục phát huy truyền thống trong kháng chiến, hoạt động sân khấu, mà nòng cốt là Đoàn nghệ thuật Cải lương, Đoàn Xiếc, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh đã không ngừng vươn lên, lao động sáng tạo, đưa tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh nhà trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá, hội nhập và phát triển.
           Trong suốt cuộc thăng trầm ấy, sân khấu Long An đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ qua những vở diễn, những tác phẩm, những tên tuổi gắn liền với lịch sử sân khấu của cả nước. Từ sự khởi đầu truyền thống với thế hệ tiên phong, như: Nghệ nhân - nhạc sư Nguyễn Quang Đại - người có công lớn trong việc hình thành và phát triển loại hình nhạc Lễ, nhạc Tài tử Nam bộ và cả sân khấu hát bội; là nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Châu Thành) với kiệt tác “Dạ cổ hoài lang” được xem như một báu vật cho nền âm nhạc tài tử và cải lương Nam Bộ; là các trí giả, văn nhân, nghệ nhân Trần Phong Sắc (Tân An) và Lê Văn Tiếng (Thủ Thừa) - tác giả của tác phẩm xuất bản “Cầm ca tân điệu” gối đầu giường cho âm nhạc tài tử cải lương bấy giờ; là nhạc sĩ Ác-măng (Arment) Thiều (Tân Trụ) - người đột phá có tính cách mạng về khí nhạc trong đờn ca tài tử cải lương với việc đầu tiên sử dụng nhạc cụ guitare đưa vào cổ nhạc để guitare phím lõm có vị trí như hôm nay trong âm nhạc tài tử và cải lương trong hoạt động sân khấu; là những tài năng lớn của Long An rời quê lên Sài Gòn hoạt động, như đại danh cầm Văn Vĩ, Hai Biểu, Tư Huyện, Bảy Hàm, Ba Tu,..., các NS Út Bạch Lan, Minh Vương, Mỹ Châu..., và nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ khác, đã đóng góp vào sự phát triển rực rỡ của sân khấu cải lương miền Nam; là các thế hệ nghệ sĩ kháng chiến tài danh như Bảy Thỏ, Tám Tánh, anh Khá, anh Sa..., bằng tinh thần yêu nước, yêu nghề và tài năng nghệ thuật của mình, đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách hoàn thành nhiệm vụ được giao; là những tấm gương nghệ sĩ đã hy sinh anh dũng trên chiến trường khi làm nhiệm vụ như: Lê Hoài, Hà Mạnh Đức, Hai Ròm..., với những tác phẩm kịch nói như Trăng lên khỏi núi, Dậy lửa (của Nguyễn Vũ), Bám đất giữ làng (của Trần Ngọc), Dòng máu (của Phạm Ngọc Truyền), Lòng dân (của Nguyễn Văn Xe), Máu rơi bám đất (của Hà Mạnh Đức), Lá cờ giải phóng, Hồi trống đất (của Nguyễn Hữu Thường), Tô thuốc độc, Cô Điền (của Thanh Châu), v.v ..., bên cạnh những tiết mục múa như Giải phóng quân nhập thành, Những búp măng non, Xây làng chiến đấu, Trái lựu đạn gỗ, Ong vò vẽ đánh Mỹ, v.v... đều là những tác phẩm tiêu biểu của sân khấu kháng chiến Long An - Kiến Tường, góp phần to lớn vào nhiệm vụ động viên, tuyên truyền phong trào cách mạng. Và biết bao tài năng tiếp nối của ngày hôm nay đã và đang đạt được nhiều giải thưởng cao quý, được Nhà nước vinh danh bằng những danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú ..., với những tác phẩm sân khấu cải lương đi cùng năm tháng, như: Trận tuyến thầm lặng, Cánh hoa trong bão táp, Quán rượu Năm Hưng, Quán đợi chờ, Hoa của đất, Mùa hè ở biển, Yêu nhau thật lòng, Chỉ còn là kỷ niệm, Giọt đắng, Người đánh rơi hạnh phúc, Giọt đắng, Lửa Thần, Võ Văn Tần - một dấu son, Thấy Ba Đợi, Cuộc đời của mẹ.... và nhiều tác phẩm khác nữa, đến nay vẫn còn in đậm trong ký ức của bao thế hệ mộ điệu.
         Là bộ môn nghệ thuật sân khấu hiện đại có tuổi đời muộn hơn các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, nhưng họat động xiếc có mặt ở Long An từ năm 1982 chính là sự khác biệt, tạo ra sự phong phú trong hoạt động sân khấu so với các địa phương khác trên cả nước, cùng với những tiết mục ảo thuật sinh động và ấn tượng, là những tiết mục xiếc có tính sáng tạo nghệ thuật cao, đầy tính hấp dẫn, như: Đế thang uốn dẻo trên thang, Đạp vật trên chân, Lắc vòng, Dây thép dốc đi xe một bánh, Hải Âu, Sức mạnh đôi tay, Nhào lộn trên sào, Dây thép cao, leo cột đôi, Đạp chân, Uốn dẻo, Thăng bằng trên chồng ly, Thăng bằng trên ống lăn, Tung hứng tập thể, Đến kiếm, Thăng bằng đôi, Đế thang, Đế thống…, Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh với câu lạc bộ hát bội phục vụ trong các lễ hội truyền thống, tiếp tục giữ hồn cho lọai hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này, còn dàn dựng nhiều tác phẩm kịch nói, chương trình biểu diễn nghệ thuật, sân khấu hóa đương đại, như: Nàng Thơm, Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Sáng mãi ngôn lửa hồng, Âm vang Kinh Bùi - Hào khí Tháp Mười, Mộc Hóa – Dấu son lịch sử … và nhiều tác phẩm khác nữa, …, Tất cả đã để lại yêu thương và ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và trong đời sống xã hội. Và nhất là biết bao nghệ sĩ chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp khác, đang ngày đêm cống hiến âm thầm nhưng đầy tâm huyết cho sự nghiệp sân khấu. Đó thực sự là những bông hoa rực rỡ làm nên vườn hoa nghệ thuật của nước nhà.
          Trong những năm gần đây, dù trong bối cảnh chung gặp rất nhiều khó khăn, Long An vẫn nỗ lực liên tục đăng cai tổ chức hai cuộc Liên hoan cải lương toàn toàn quốc vào năm 2018 và 2021 mà ở đó, bên cạnh sự thành công của công tác tổ chức là những tác phẩm đạt giải cao, những nghệ sĩ sân khấu tỉnh nhà khẳng định tài năng và để lại dấu ấn nghệ thuật trong lòng công chúng, sự lan tỏa của hai cuộc liên hoan này không chỉ trở thành sự kiện văn hóa các năm này của tỉnh nhà, mà còn chính là một điểm sáng về sân khấu cả nước. Và hiện nay, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An đang tích cực dựng vở diễn mới để chuẩn bị tiếp tục tham gia Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2024 tại thành phố Cần Thơ.
          Đặc biệt, sau nhiều cống hiến trên lĩnh vực sân khấu truyền thống, năm 2023, 04 nghệ sĩ cải lương của Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ sĩ nhân dân là Nghệ sĩ Hồ Ngọc Trinh và danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ sĩ ưu tú là nghệ sĩ Vương Sang, nghệ sĩ Vương Tuấn và nghệ sĩ Võ Thành Sang. Đó thực sự là động lực và niềm tin cho thế hệ tương lai trong hoạt động nghệ thuật sân khấu tỉnh nhà.
         Tự hào với truyền thống và với thành quả đạt được, với tâm huyết nghề nghiệp, nỗ lực tự thân và sự năng động sáng tạo, chúng ta tin tưởng rằng hoạt động sân khấu tỉnh nhà sẽ gặt hái thêm những thành tựu mới./.
          Nguyễn Tấn Quốc
   
 
Từ khóa: kỷ niệm, sân khấu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 62

Máy chủ tìm kiếm : 37

Khách viếng thăm : 25


Hôm nayHôm nay : 879

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 127330

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 11032526