Thứ tư 26/03/2025

NỘI DUNG CHÍNH

SOẠN GIẢ NGUYỄN MINH TUẤN VÀ CHUYỆN “VỀ QUÊ NGOẠI”

Soạn giả Nguyễn Minh Tuấn

Soạn giả Nguyễn Minh Tuấn

       VIỆT SƠN


     Soạn giả Nguyễn Minh Tuấn




Nếu ai đã biết soạn giả Nguyễn Minh Tuấn thì khi gặp lại anh, sẽ dễ cảm nhận nơi anh một tình cảm dạt dào, chân thật và gần gũi. Sự cảm nhận này không chỉ có ở giới văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh mà cả ở lãnh đạo tỉnh, các tầng lớp nhân dân yêu mến các tác phẩm của anh. 
Do có hẹn trước nên soạn giả Nguyễn Minh Tuấn – nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Long An tiếp chúng tôi tại CLB Hưu trí tỉnh Long An, nơi anh đang làm việc với chức danh Phó chủ nhiệm CLB. Vẫn với phong cách nhẹ nhàng, trầm lắng pha lẫn chút thật thà, chất phác. Chuyện chưa bắt đầu nhưng nhìn vào mắt anh, tôi đã thấy nước mắt anh rưng rưng, tôi hỏi chuyện gì vậy anh? Anh nói, cứ mỗi lần hễ ai hỏi, hoặc ai nhắc đến chuyện mất mát đau thương có thật ở đình Mương Trám, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức là anh không thể cầm được nước mắt. Anh nhớ lại, vào cuối năm 1968 đầu năm 1969, anh về đây công tác thì anh gặp ông Tư Chiểu – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Ông Tư Chiểu kể cho anh nghe chuyện xảy ra vào năm 1964 khi bộ đội Long An đánh trận càn Mương Trám. Trận chiến xảy ra ác liệt, sau đó giặc càn quét xóm làng bằng các loại phương tiện chiến tranh hiện đại, trong đó có máy bay trực thăng. Cũng thời điểm ác liệt này, có một người mẹ bám trụ giữ làng, bà ở đây với con gái và con rể cùng là bộ đội địa phương. Máy bay giặc đã càn quét lần lượt bắn chết con rể, rồi con gái bà… Đau thương trùm phủ lấy đau thương, bà không còn nước mắt để khóc nữa khi nhìn đứa cháu ngoại chỉ trong một ngày mà phải mồ côi cả cha lẫn mẹ! Bà lấy vải thô chít lên đầu cháu mình 2 vành khăn trắng…. Câu chuyện là vậy và nó đã theo anh cho mãi đến hôm nay. Anh cho biết, đến cuối năm ấy anh đã viết xong bài “Về quê ngoại”. Nhưng bài hát ấy được cất vào ba lô theo anh trên những nẻo đường hành quân, cũng chính thời gian này anh tích lũy cho mình những vần, điệu, những hình ảnh thực tiễn, sống động... Để rồi sau này, năm 1988 anh được mời về Bến Lức sáng tác cho huyện, bài “Về quê ngoại” được đem ra, trau chuốc, mài dũa lại… Vậy là viên ngọc sáng hình thành, đứa con tinh thần dưỡng nuôi bấy lâu nay được tái sinh và không chỉ bà con xã Thạnh Lợi, Bến Lức, Long An mà cả nước đón nhận yêu thương.
 Không khó hiểu vì sao bài ca này được công chúng đón nhận, chúng ta có thể cảm nhận điều này qua câu: “Trời ơi, trong một giờ mà đau thương trùm phủ lấy đau thương, ngoại xé góc vải thô chít lên đầu con 2 vành khăn trắng. Từ đó ngoại cưng, ngoại yêu cháu mồ côi của ngoại…”. Anh kể, gia đình anh không phải là gia đình tài tử cải lương, chỉ có ông bác biết đờn cò và đờn độc huyền. Và vùng này lúc bấy giờ phong trào đờn ca tài tử cũng không mạnh. Nhưng với lòng đam mê, cộng với chút năng khiếu sẵn có, anh đã tự học, tự mày mò rồi học qua những nghệ nhân trong và ngoài xã… Vậy là dần dần anh đã đờn được nhiều loại nhạc cụ như đờn Măn-đô-lin, ghita, violon, kìm… và chơi được gần như tất cả những bài bản tài tử, cải lương.
Nhưng khi nói đến Nguyễn Minh Tuấn là người ta nhớ đến anh với vai trò soạn giả nhiều hơn. Dường như việc sáng tác đã ăn vào máu huyết của anh ngay từ lúc còn nhỏ. Khi đó, năm 1967 gia nhập Đoàn Văn công Long An, lúc này ông Tư Bạch - Trưởng Ban Tuyên huấn Long An thường hay đến đoàn thăm anh em nghệ sĩ, ông cũng hay động viên anh em sáng tác trong đó có Minh Tuấn để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Khi anh bước chân vào Đoàn Văn công thì soạn giả Huyền Nhung, nhạc sĩ Thành Sơn cũng đã gia nhập đoàn trước đó vài năm, cũng hay động viên anh sáng tác. Chính từ sự động viên này mà anh bắt đầu tập tành sáng tác, với các bài bản vắn rồi dần lên các bài bản lớn và bài vọng cồ.
Sau một thời gian ở Đoàn Văn công Long An, anh được cử lên R – Trung ương cục miền Nam, học khoa cải lương, do đạo diễn Bích Lâm và tác giả Nguyễn Vũ trực tiếp giảng dạy. Có thể nói từ bước ngoặc này mà nghề viết của anh bắt đầu vững vàng, chuyên nghiệp hơn. Nhưng anh cũng tự nhận thấy rằng, chỉ sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước thì việc sáng tác của anh mới thăng hoa và đạt nhiều kết quả như lòng anh hằng mong ước. Chúng ta có thể thấy các bài ca cổ của anh đã đi vào lòng người như: Về quê ngoại, Người khải đàn ở Thành Nam, Nhớ em miền quê biển, Về giữa mùa thơm, Hoa thủy cúc, Bức tranh quê…. Và còn rất nhiều bài trong số khoảng 200 bài ca anh sáng tác từ trước đến nay được công chúng gần xa đón nhận.
Bên cạnh đó, anh còn sáng tác kịch bản cải lương, với kịch bản đầu tay “Hai mãnh tình quê” vào năm 1990, sau đó là “Phố an cư”, “Nghĩa sĩ Cần Giuộc”.v.v… Các kịch bản này anh viết chung với soạn giả Đăng Minh và đều đạt giải cao cấp khu vực cũng như ở các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, được các đài PTTH trong nước dàn dựng phát sóng. Soạn giả Minh Tuấn còn cho biết, phần lớn các bài ca cổ, tài tử hay kịch bản cải lương đều nghiêng về ngợi ca quê hương, đất nước, ngợi ca tình yêu lứa đôi, nhưng tình yêu trong các phẩm của anh không ủy mị, đau thương, tuyệt vọng mà nó luôn tươi sáng, rạng rở, đôi khi có chút ưu buồn nhưng cũng như đêm tối rồi cũng qua đi, để vầng dương thêm rạng ngời sắc thắm. Anh thường tâm niệm rằng mình có được như ngày nay là nhờ bao lớp người đi trước đã dạy dỗ, nâng đỡ mình, thậm chí có nhiều người là thầy, là bạn là đồng nghiệp của mình đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Vì vậy, anh sáng tác là để trả nợ với những người đi trước, trả nợ với quê hương đất nước để hôm nay mình có cuộc sống yên vui hạnh phúc. Có thể nói, nội dung tác phẩm thế nào thì con người ngoài đời của  anh như vậy. Nguyễn Minh Tuấn hiền lành, chất phác, sống yêu thương và chan hòa. Vì vậy, không chỉ giới văn nghệ sĩ trong tỉnh Long An mà có thể nói cả khu vực nhiều người yêu mến anh, xem anh như người bạn, người thầy tâm huyết với nghề. Các nghệ sĩ, trong đó có tác giả, soạn giả, nghệ nhân tài tử hay nghệ sĩ cải lương có dịp đi ngang qua Long An ghé vào thăm anh. Có những người đến thăm anh chỉ uống vài chung trà rồi vội vã ra về nhưng cũng có nhiều người ở chơi vài ngày, rồi cùng hòa ca tài tử cải lương thâu đêm, suốt sáng.
Cố soạn giả Thanh Hiền, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Tây Ninh, có lưu bút về soạn giả Nguyễn Minh Tuấn như sau: “Tôi gần gũi tác giả Nguyễn Minh Tuấn từ những năm 1966 - 1967. Thời gian này Minh Tuấn đờn Măn-đô-lin và sau đó qua đờn cổ nhạc, anh cũng từng làm diễn viên ca múa, kịch tổng hợp nhưng năng khiếu chính là nhạc công của đoàn Văn công. Minh Tuấn rất thích viết nên soạn giả Thanh Hiền nhiều lần động viên tập viết và mạnh dạng viết nhiều thì sẽ quen. Soạn giả Nguyễn Minh Tuấn từng lăn lộn ở chiến trường, tay súng tay đàn. Anh có nhiều bải viết đã từng gây cảm xúc cho người đọc người nghe, như bài: “Về miền đất mới” có câu: “Tràm lượn theo con nước nổi đang dâng, ngăn con sóng cho ấm lòng từng bông lúa trổ”…. “Lúa Trường Hưng vào mùa gặt mới, lả ngọn oằn bông trên sông nước Tháp Mười”. Hoặc như bài “Về quê ngoại” có câu: “Thương cháu có chồng xa, trái bần chua ngoại cũng gởi ý là để cho con đỡ nhớ quê nhà”.
Có thể nói trong thời kỳ chiến tranh thì soạn giả Nguyễn Minh Tuấn với tay súng - tay đàn, còn ngày nay thì anh với tay viết – tay đàn. Quả đúng như vậy, anh cho biết hiện nay anh cũng thường hay viết bài ca để tham dự các cuộc liên hoan trong và ngoài tỉnh. Song song đó các CLB Đờn ca tài tử thường hay mời anh đờn giao lưu. Không chỉ vậy, các cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ, hay tài tử cải lương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thường mời anh tham gia làm giám khảo. Anh cho biết hiện mình vẫn còn nặng nghiệp cầm ca, như kiếp con tằm phải nhả tơ cho đến cuối cuộc đời./.
                                                                                                           Việt Sơn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 19

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 18


Hôm nayHôm nay : 1485

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 616354

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12015248