Chủ nhật 06/10/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Truyền Thuyết Tổ Hát Bội Và Ngày Giỗ Tổ Ngành Sân khấu

Ở nước ta nghề nào cũng có Tổ. Người làm nghề nào, hằng năm đều có tổ chức lễ giổ Tổ của nghề đó. Ngành sân khấu cũng vậy, hằng năm tổ chức ngày truyền thống của ngành là 12 tháng 8 âm lịch, tức ngày giỗ Tổ Hát Bội. Đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam.
 Trước khi bàn về chủ đề trên, thiết tưởng cũng nên sơ lược đôi điều cần thiết về Tổ các ngành nghề để chúng ta cùng có khái niệm chung.

Ảnh minh họa (internet)

Ảnh minh họa (internet)

-Khái niệm về Tổ các ngành nghề:                              
 
Y kiến nhiều người cho rằng, Tổ của các ngành nghề dù là người thực hay nhân vật huyền thoại (vì chưa tìm được cư liệu đích xác) đều có nhiều đóng góp trong công cuộc dựng nước, giữ nước và phát triển xã hội qua nhiều thời kỳ trên nhiều lãnh vực.    
Quan niệm về Tổ nghề có nhiều cách hiểu khác nhau: Người có công phát minh, khai sáng nghề; người có công chỉ dạy, truyền bá nghề; người có công nâng cao, cải tiến nghề. Tất cả đều được hậu thế tôn xưng là Tổ nghề. Bởi vậy cùng một nghề mà có nhiều ông Tổ khác nhau. Ngày giỗ Tổ của nghề đó cũng không đồng nhất. Thí dụ: Nghề Thợ mộc có nơi thờ Tổ là ông Công Thâu Ban (Lỗ Ban), người nước Lỗ, thời Thượng cổ bên Trung Quốc; có nơi lại thờ Tổ là ông Ninh Hữu Hưng người thời nhà Đinh của nước ta. Ngành Nam Y Dược của nước ta thờ Tổ là Tuệ Tĩnh Thiền Sư, thời Lý, nhưng có một số nơi còn thờ ông Huỳnh Đế hay Biển Thước, Hoa Đà là những danh y của Trung Quốc. Một số nghề khác, ngày giỗ Tổ  tuỳ theo địa phương, tuỳ theo cách hiểu cũng không giống nhau.
 
Duy chỉ có ngành sân khấu gồm các bộ môn nghệ thuật như Hát Bội, Cải Lương, Ca Múa, Xiếc đều thống nhất lễ giỗ Tổ cùng một ngày. Đó là ngày 12 tháng 8 âl. Trải qua nhiều thế hệ, nhiều thăng trầm biến đổi của thời cuộc, ngày giỗ này vẫn không thay đổi. Các bộ môn nghệ thuật sân khấu đồng tình lấy ngày giỗ Tổ của Hát Bội làm ngày giỗ Tổ chung của ngành, vì Hát Bội là loại hình sân khấu lâu đời nhất của dân tộc.
 
Tuy nhiên, cho đến nay, cách hiểu về vị Tổ của Hát Bội, nói chung là của ngành sân khấu, cũng chưa thống nhất. Người ta thường nói Tổ Hát Bội là “Nhị vị ông Làng”, và cũng chưa thấy ai giải thích tại sao phải gọi như vậy. Chúng ta sẽ bàn về “Nhị vị ông Làng” ở phần sau.
 
Một số thư tịch (1) có đưa ra vài chứng cứ lịch sử rồi nói rằng Tổ Hát Bội là người thật của lịch sử. Còn về mặt dân gian theo đời sống tâm linh thì khác, giới nghệ sĩ sân khấu thờ Tổ của mình là các nhân vật mang tính huyền thoại. Điều đáng lưu ý là cả hai cách hiểu lịch sử và huyền thoại đều song song tồn tại cho đến nay, và đều có giá trị phổ biến ngang nhau. Xin tóm tắt hai cách hiểu đó như sau:
 * Truyền thuyết lịch sử (1)
                   -Về lịch sử có vài truyền thuyết kể rằng: Bà Phạm Thị Trân  sống vào thời nhà Đinh (968-980), quê ở Hồng Châu (Hải Hưng) là người giỏi múa hát nên được vị quan ở Hồng Châu tiến vào cung. Bà được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Ưu Bà để dạy cung nữ múa hát phục vụ trong cung đình và trong quân ngũ. Đồng thời với bà Phạm Thị Trân có hai ông Đào Văn Só và Đặng Hồng Lân cũng làm nghề ca hát. Ông Só dạy điệu bộ, ông Lân dạy các điệu hát. Hai ông Só và Lân vượt biển ra nước ngoài để trao đổi nghệ thuật. Trên đường về chẳng may bị đắm thuyền cả hai ông đều bị chết đuối ở ngoài khơi. Người đời sau tôn bà Phạm Thị Trân làm Tổ của hát Tuồng (tức Hát Bội). Hai ông Đào Văn Só và Đặng Hồng Lân cũng được coi như Tổ với danh gọi là “Nhị vị ông làng”.
 
-Sử sách có ghi hai trường hợp khác liên quan đến Hát Bội: Thời   vua Lê Long Đĩnh (1005-1009), có một kép hát người Tàu tên Liên Thủ Tâm (người nhà Tống), đến triều đình nước ta dạy cho cung nữ các điệu múa hát.
-Thời vua Trần Nhân Tông (1279-1293), tháng tư, năm At Dậu (1285), quân ta đại phá quân Nguyên Mông trên bến Hàm Tử. Trong số tù binh ta bắt được có Lý Nguyên Cát là một kép hát trong quân của Toa Đô. Nguyên Cát khéo múa hát nên được nhà Trần hậu đãi để dạy cung nữ điệu Hát Bội phục vụ cho cung đình.
-Cuối thế kỷ 16, từ xứ Đàng Trong trở vào vùng đất Nam Bộ, người đầu tiên truyền bá nghệ thuật Hát bội là Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ (1572 - 1634). Ông người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn (nay là Tĩnh Gia) tỉnh Thanh Hoá.
 
Danh sĩ Đào Duy Từ là người học rộng tài cao nhưng không được vua Lê chúa Trịnh trọng dụng, thậm chí bạc đãi thậm tệ chỉ vì ông là con của Đào Tá Hán giữ chức Quản giáp, chỉ huy đội ca múa trong đại nội mà tập đoàn phong kiến Lê Trịnh cho là “phường xướng ca vô loại”, bị cấm thi cử và tham gia chính sự. Phẫn chí, ông bỏ Đàng Ngoài (Lê - Trịnh) trốn vào Đàng Trong (chúa Nguyễn) được chúa Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng, và về sau ông trở thành đệ nhất Khai Quốc Công Thần của nhà Nguyễn. Ngoài tài kinh bang tế thế, ông Đào Duy Từ còn là một nghệ sĩ đa tài. Ông đã đem nghề nghiệp Hát Bội của ông cha dạy lại cho đội ca múa trong cung đình chúa Nguyễn từ điệu bộ, điệu hát đến sáng tác kịch bản, lời hát. (Có người nói, ông  là tác giả vở San Hậu gồm 3 hồi  đã trở thành vở tuồng thầy của Hát bội, cho đến nay vẫn còn biểu diễn tại các lễ hội Kỳ yên của đình làng Nam Bộ). Ong Đào Duy Từ cũng được coi là Tổ của ngành sân khấu.
Trên đây là vài dẫn chứng mang tính lịch sử về Tổ Hát Bội. Còn cách hiểu về mặt dân gian cũng rất phổ biến, nhất là trong giới nghệ sĩ sân khấu ít ai để ý đến lịch sử mà phần lớn căn cứ vào truyền thuyết. Do đó mà cách bố trí cho việc thờ Tổ và lời khấn trong ngày giỗ Tổ đều ăn khớp vào truyền thuyết của vị Tổ Hát Bội.        
 
              * Truyền thuyết dân gian (2)
               Về truyền thuyết dân gian rất quan trọng đối với giới sân khấu. Chúng tôi căn cứ vào cách thờ Tổlời khấn trong ngày giỗ Tổ của gánh “Bầu Quế” (Chủ bầu là ông Phạm Văn Quế) hoạt động hồi thập niên đầu của thế kỷ XX và con cháu nối tiếp làm bầu đến trước Cách mạng tháng Tám 1945 tại vùng Tân An - Mỹ Tho, theo lời kể của con gái và cháu nội của ông Quế (3).
                Cách thờ cúng Tổ Hát Bội :
               Trên bàn hình chữ nhật để hai trang thờ:  Một trang lớn thờ Ông và một trang nhỏ thờ Bà. Trong trang lớn thờ Ông đóng ván ngang tạo thành ba bậc:
               Bậc 1 (trên cùng): thờ ba cốt tượng, tượng trưng cho tam vị Thánh Tổ là Tiên Sư, Tổ Sư và Thánh Sư.
               Bậc 2 (giữa): Thờ 12 cốt tượng nhỏ hơn, tượng trưng Thập Nhị Công Nghệ.
                Bậc 3 (dưới cùng): Thờ hai cốt tượng, tượng trưng Nhị Lang Đại Thần (Đào Hát Bội thường bế luân phiên hai cốt này ra sân khấu làm hài nhi).
 
Tất cả cốt tượng đều tạc bằng cây ngô đồng (cây vông già), mặt đẹp, đầu vấn khăn đỏ, mặc áo vạt khách xanh, quần lụa trắng, mang hia. Ngoại trừ hai cốt dưới cùng (Nhị Lang Đại thần) vấn khăn xanh (khăn xanh là điểm lưu ý, sẽ nói sau).
 
Bên phải trang lớn thờ Ông là một trang nhỏ thờ Bà với một cốt tượng nữ thần tạc bằng gỗ, mặt đẹp, đội khăn bông hoặc màu, mặc áo dài đỏ, quần lụa trắng, đeo nữ trang. Đó là bà Cửu Thiên Huyền Nữ. Phía trước hai khánh có hương đăng hoa quả. Phía dưới bàn thờ này có một lư hương để trệt trên đất, không cốt tượng cũng không bài vị. Đó là nơi thờ ông Ngỗ Nghịch chi Thần (sẽ nói sau).
 
Trong trang lớn thờ Ông có một hộp cây sơn đỏ, trong hộp đựng một dải lụa đỏ, viết chữ Hán màu đen. Dải lụa này gọi là Hàm Ân, nội dung ghi chức tước các vị Tiên Tổ và tên họ các vị Hậu Tổ, chỉ cách cúng tế và lời khấn cho ngày giỗ Tổ.
                Lời khấn ngày giỗ Tổ:
               “Đại Nam quốc, Giáp Dần niên, bát ngoạt, thập nhị nhựt, kim thần đệ tử Phạm Văn Quế, ngũ thập tuế, cư sở Bình Thanh thôn, Tân Thạnh huyện, Tân An phủ, Hội trưởng ca công, đồng ban đẳng khể thủ bá bái, cẩn dĩ hương đăng hoa quả, phù lưu thanh chước, thứ phẩm chi nghi, cẩn kiền cáo vu:
               Cung thỉnh
-     Cửu Thiên Huyền Nữ lịnh Bà.
-     Tiên Sư, Tổ Sư , Thánh Sư.
-     Thập Nhị Công Nghệ.
-     Nhị Lang Đại Thần.
-          Tiên Hiền Hậu Hiền, Tiên Giác Hậu Giác.
               Cảm ứng chứng miêng, đồng lai phối hưởng.
Cúc cung khẩn nguyện chư vị gia ban: toàn ban tự nam chí nữ, tự lão chí ấu, thanh sắc lưỡng toàn, tăng phước, tăng thọ, nhơn khương, vật thạnh, vạn sự hanh thông. Cẩn cáo”.
 
Tạm dịch: “Nước Đại Nam, năm Giáp Dần, tháng tám, ngày mười hai. Nay đệ tử tên Phạm Văn Quế, năm mươi tuổi, ngụ tại thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, (là) Hội trưởng ca công cùng toàn ban cúi đầu trăm lạy, kính cẩn có nhang đèn bông trái, trầu rượu và các lễ phẩm dâng lên:
Cung thỉnh:
-     Lịnh bà Cửu Thiên Huyền Nữ.
-     Tiên Sư, Tổ Sư , Thánh Sư.
-     Thập Nhị Công Nghệ.
-     Nhị Lang Đại Thần.
-     Tiên Hiền Hậu Hiền, Tiên Giác Hậu Giác.
Cảm ứng chứng miêng (minh) cùng về phối hưởng
Cúc cung khẩn nguyện chư vị ban cho: toàn ban từ nam đến nữ, từ già đến trẻ (được) thanh sắc lưỡng toàn, thêm phước thêm thọ, người yên vật thạnh, muôn việc suôn sẻ. Cẩn cáo.”
               Qua nội dung lời khấn hỗn hợp nêu trên, chúng ta có thể chia ra trong đó làm hai phần: phần thực tế gồm các vị Tam Vị Thánh Tổ, Thập Nhị Công Nghệ … .Và phần huyền thoại gồm bà Cửu Thiên Huyền Nữ và Nhị lang Đại Thần. Chúng ta thử phân tích từng phần để có khái niệm chung:
             a)-   Phần thực tế:
-     Tiên sư: là người thầy phát minh, khai sáng một nghề.
-     Tổ sư: là người trực tiếp dạy và quảng bá nghề.
-     Thánh sư: là người thầy dạy đạo đức, lập ngôn lập thuyết cho một nghề.
-     Thập Nhị Công Nghệ: là 12 ngành nghề của xã hội ngày xưa:
1.   Sĩ: học trò, chỉ chung những người học văn võ để ra làm quan và những người làm nghệ thuật.
2.   Nông: làm ruộng (nông nghiệp).
3.   Công: làm thợ (công nghiệp).
4.   Thương: buôn bán (thương nghiệp).
5.   Ngư: đánh cá (ngư nghiệp).
6.   Tiều: đốn củi (lâm nghiệp).
7.   Canh: trồng trọt (phần lớn là trồng dâu).
8.   Mục: chăn nuôi (phần lớn là chăn trâu).
9.   Y: chữa bệnh (chỉ chung Y Dược).
10.    Sư : pháp sư, tức phù thuỷ.
11.    Bốc: bói toán.
12.        Lý: phong thuỷ (chỉ chung thiên văn địa lý).
 
-          Tiên Hiền, Hậu Hiền, Tiên Giác, Hậu Giác: chỉ chung những bậc ông cha đi trước trong nghề, nay đã quá vãng.
               Nội dung phần thực tế không những dành cho ngành sân khấu mà bất cứ nghề nào dùng làm lời khấn cũng được. Cái hay của lời khấn này là nhớ ơn hết thảy Tổ Nghiệp của các nghề trong xã hội. Có người lý giải rằng Thập Nhị Công Nghệ là chỉ chung những người trong xã hội, tức khán giả.
 
b)-  Phần huyền thoại:
Huyền thoại về Tổ Hát Bội có nhiều ý kiến khác nhau, tất cả đều nghiêng về phần tâm linh. Sau đây là truỳên thuyết có ý nghĩa hơn cả, vì nó tương ứng với lời khấn nêu trên và nhất là nó gần gũi với những tập quán kiêng cữ trong gánh Hát Bội ngày xưa mà cho đến nay giới sân khấu vẫn còn giữ.
 
              -Bà Cửu Thiên Huyền Nữ: Thời thượng cổ nước Trung Hoa, bà Nữ Oa là cháu vua Viêm Đế, thấy thế gian lắm điều đau khổ, bà lên núi ẩn cư, mong tìm sự tĩnh lặng mà luyện phép thần thông để cứu nhân độ thế. Trong sự tĩnh lặng của núi rừng cũng có những âm thanh, hình ảnh riêng của nó. Giữa những đêm cô tịch, tai bà nghe chim kêu, vượn hú, gió thổi, suối reo; dưới nắng sớm bình minh, mắt bà chứng kiến cảnh rồng lượn, hổ vờn, công xoè, phụng múa … . Bà đẵn những khúc trúc dài ngắn, lớn nhỏ khác nhau, xoi lỗ thổi thành tiếng, nhại lại khúc nhạc thiên nhiên của núi rừng rồi chế tác thành phép Ngũ âm. Bà lặp đi lặp lại nhiều lần những thế võ, điệu múa của các loài điểu thú rồi tạo ra phép Tam Pháp. Bà luyện đá ngũ sắc để vá lại một tầng trời bị thủng. Ngọc Hoàng Thượng Đế xét công bà, phong cho bà chức Cửu Thiên Huyền Nữ.
               Thời Tam Hoàng (Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh Đế) rợ Xi Vưu làm loạn, vua Huỳnh Đế đánh dẹp nhiều phen không được, vua bèn lập bàn hương án cầu trời. Ngọc Hoàng Thượng Đế sai bà Cửu Thiên Huyền Nữ xuống thế dạy cho vua Huỳnh Đế phép Ngũ Âm và Tam Pháp. Vua Huỳnh Đế nhờ đó mà trừ được giặc Xi Vưu, đem lại thái bình cho bá tánh.
               Giới nghệ sĩ sân khấu những đời sau nhớ ơn bà Cửu Thiên Huyền Nữ tôn bà làm vị Tổ đầu tiên của ngành múa nhạc. Do đó mà trong lời khấn giỗ Tổ người ta nhớ đến bà trước tiên (như lờ khấn nêu trên).
            -  Nhị Lang Đại Thần:
               Chính truyền thuyết về ông Càn và Nhị Lang Đại Thần mới đúng là đối tượng thờ tự của giới nghệ sĩ.
               Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa có ba hoàng tử tên là Càn, Chơn và Chất là con của một ông vua (không rõ vua ở thời nào). Ba anh em rất thích ca múa nhạc, thường lén vua cha đến Bội đình xem hát. Mỗi lần rủ nhau, ba anh em hoàng tử ra ám hiệu bằng cách hút gió (huýt sáo) hoặc dùng mùi thơm của trái Thị mà báo tin.
               Một hôm, hoàng tử Càn (anh cả) bận việc học hành, hai hoàng tử em (Chơn và Chất) rủ nhau đến Bội đình xem hát. Hôm ấy Ban hát không diễn được vì trong tuồng hát thiếu hai vai kép con. Hai hoàng tử tình nguyện đóng hai vai này để buổi diễn được tiến hành. Sau buổi diễn mọi người nức nở khen ngợi hai hoàng tử diễn rất đạt. Trên đường trở về hoàng cung hai anh em bị một đám mưa to, quá lạnh nên phải tránh mưa vào một xó. Vua cha cho nội thị tìm kiếm khắp nơi. Sau cùng phát hiện hai hoàng tử  đã bị cảm hàn nặng, đưa về hoàng cung được mấy hôm thì hai hoàng tử qua đời.
Mặc dù được vua cha tấn phong ngôi Thái tử nhưng trong thâm tâm của Thái tử Càn không màng vinh hoa phú quí. Cái chết của hai em khiến chàng quá đau buồn. Càng thương hai em bao nhiêu chàng càng nhớ đến Bội đình bấy nhiêu. Dư âm của lời ca tiếng nhạc như thôi thúc chàng từ bỏ cung vàng điện ngọc, tìm đến cuộc sống phiêu bạt giang hồ.
               Rồi một đêm mưa buồn, buồn như đêm mưa mà hai em chàng vĩnh viễn ra đi, chàng quyết định trốn khỏi hoàng cung, đi theo tiếng gọi của lòng mình.
               Ra sống ngoài dân dã, chàng tập hợp ca công, nhạc công và những người yêu thích nghệ thuật, lập nên một gánh hát đi hát dạo khắp nơi. Bỏ ngôi vua thật, cam tâm làm vua giả nhưng chưa phải là điều mà chàng hoàn toàn thoả mãn. Điều tâm đắc của chàng có lẽ là làm được bầu gánh hát dạo và nhất là đào tạo được một số học trò để kế thừa cho nghiệp cầm ca.
          Năm tháng trôi qua, chàng đã quen dần với cuộc sống ăn quán ngủ đình, gạo chợ nước sông, hoà mình với mọi người trong xã hội, nhờ vậy mà gánh hát của chàng gây được nhiều cảm tình với khán giả, nhất là giới bình dân lao động. Đặc biệt trong đó có “Bà Hàng Gánh”, một phụ nữ mua gánh bán bưng mà lại là Mạnh Thường Quân của gánh hát.
               Kinh tế của ngành sân khấu luôn phụ thuộc vào hai mùa mưa nắng trong năm. Mùa nắng thì khô ráo, sạch đẹp, mọi lễ hội được luân phiên tổ chức, nhờ vậy mà các gánh hát được biểu diễn thường xuyên, đời sống của nghệ sĩ cũng nhờ đó mà tương đối khấm khá. Qua mùa mưa, nhất là những tháng mưa dầm, có khi mười hôm chưa diễn được một suất. Nhiều gánh hát thường bị “rã gánh” vào mùa này. Gánh hát của ông Bầu Càn (tức Thái tử Càn) cũng không nằm ngoài quy luật đó.
               Có một năm vào mùa mưa bão, thiên tai bỗng dưng đổ ập xuống. Nhiều cơn bão dữ nối tiếp đi qua, lũ lụt hung hãn tràn về, sinh hoạt của các ngành nghề hầu như bị tê liệt hoàn toàn, gánh hát của ông Bầu Càn là nạn nhân trước tiên của tai trời ách nước!
               Bà Hàng Gánh, người mến mộ nghệ thuật và giàu lòng nhân ái, luôn gắn bó với nghệ sĩ trong mọi tình huống. Với đôi gióng trên vai, bà luôn chân buôn tảo bán tần, dầm mưa lội nước, vậy mà cũng không sao giải quyết nổi cho hàng chục miệng ăn trong gánh hát. Đào kép là đệ tử của ông Bầu, họ rất thương thầy, thương chủ nhưng đứng trước hoàn cảnh bi đát ấy họ không còn chịu đựng nổi cái đói hoành hành, đành gạt nước mắt chia tay sư phụ để lên đường … tha phương cầu thực! Thế là … rã gánh!
               Vì lòng tự trọng, ông Bầu không cam tâm để bà Hàng Gánh nuôi mình. Thừa lúc bà đi bán dạo, ông Bầu tom góp y trang râu mão để vào hai trái bầu thúng rồi lặng lẽ gánh đi, tìm nơi tá túc.
               Hình ảnh “người gánh bầu” và “người bầu gánh” tuy ngữ nghĩa khác nhau nhưng giờ đây đối với Thái tử Càn chỉ là một. Trên vai của vị Thái tử phải là “một gánh giang sơn” nhưng giờ đây lại là “một gánh hát”!
               Đi trong mưa dầm nước ngập lại thêm bụng đói chân run, đã mấy lần ông Bầu khuỵu chân té quị rồi cố gượng đứng lên tiếp tục cuộc hành trình không định hướng.
          Sau mấy ngày đường mà vẫn chưa tìm được nơi tá túc, toàn thân ông đã rã rời vì đói lạnh. Ông cố lê từng bước trên đường ngập nước mong đến chỗ gò cao tạm nghỉ chân. Một lần nữa ông quị xuống vì kiệt sức. Gánh hát - tức hai trái bầu thúng - tuột khỏi vai ông rồi trôi theo dòng nước. Ông cố gượng bò lên gò cao, tựa lưng vào cây ngô đồng, đôi mắt đờ đẫn nhìn theo “tài sản” trôi đi càng lúc càng xa. Tim ông đau nhói, đôi mắt từ từ khép lại rồi lịm dần. Trong hơi thở mệt nhọc, ông phều phào gọi tên hai em. Bỗng mũi ông cảm nhận mùi hương của quả Thị, tai ông nghe tiếng hút gió đâu đây. Ông mừng quá, mở to đôi mắt gặp được hai em Chơn và Chất. Ba anh em ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi, nước mắt đầm đìa rồi cùng rủ nhau đến Bội đình xem hát. Trên môi ông nở nụ cười mãn nguyện.
 
Giấc mơ đẹp trong phút giây hấp hối đã đưa ông về cõi vĩnh hằng! Hôm ấy là ngày 12 tháng 8 âm lịch trong một mùa bão lũ thê thảm u buồn!
 
Sau mấy ngày tìm kiếm, bà Hàng Gánh bỗng bắt gặp hai trái bầu thúng trôi lềnh bềnh trên dòng nước. Biết ông Bầu gặp chuyện chẳng lành, bà liền ngược dòng chảy tìm đến “gò cây vông”, thấy ông Bầu tựa lưng vào gốc ngô đồng, mắt vẫn mở, miệng còn nở nụ cười tươi. Khi xem kỹ lại thì ông đã chết tự bao giờ. Bà Hàng Gánh quá đau lòng, nhẹ tay vuốt mặt cho ông nhắm mắt. Bà lục lọi hai đầu thúng của mình, chẳng còn gì là ngon cả, chỉ còn sót lại nửa xấp bánh tráng trắng và mấy táng đường. Bà đem hai vật này cúng bái với tất cả lòng thành rồi lau nước mắt đi tìm người lo hậu sự cho một nghệ sĩ đã gục ngã bên đường. Nhưng khổ thay! Tai trời ách nước đâu chỉ riêng ai, biết bao người cũng đang trong cảnh màn trời chiếu nước! Bi đát hơn, rủi có người thân qua đời trong cơn bão lũ, họ đành phải “quàn” quan cữu lủng lẳng trên cây, chờ nước rút … thì làm sao họ giúp được cho bà! Thôi thì bà tự lo liệu. Cũng may, thân cây ngô đồng có một cái bộng, bà đưa thi hài ông bầu vào “ngồi” gọn trong bộng cây; đoạn, bà xé khăn đội đầu của mình ra làm hai mảnh, một mảnh đắp mặt cho ông bầu, mảnh còn lại bà chít lên đầu của mình làm khăn tang để gọi là an ủi linh hồn người quá cố khỏi tủi lòng. Bà cạy lấy mảnh vỏ cây đậy kín miệng bộng. Lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa, bà lạy vĩnh biệt ông bầu rồi quảy gánh ra đi ….
 
                                            xxx
          
Truyền thuyết trên đây tương ứng mật thiết với những tập quán kiêng cữ trong gánh Hát Bội. Chúng ta thử lần lượt nêu ra mấy trường hợp điển hình:
               Giới Hát Bội nhớ ơn Thái tử Càn, người thầy cũng là người chủ (bầu gánh) đầu tiên dạy nghề và dẫn dắt việc làm ăn cho họ, nên họ tôn làm Tổ sư  của ngành sân khấu. Bởi vậy trong khánh thờ Tổ bậc trên cùng thờ ba vị Đức Thầy thì ông Càn ngồi giữa (Tổ sư). Ông Càn còn được gọi một cách tôn kính và thân mật là ông “Cựu”. Trên sân khấu cũng như ngoài đời khi nói đến tiếng “càn” và “càng” thì nghệ sĩ Hát Bội đều cữ tên mà nói trại đi là “cờn” để tỏ lòng tôn kính vị Tổ sư của mình.
               Về Nhị Lang Đại Thần tức hai hoàng tử Chơn và Chất (em thái tử Càn), nghệ sĩ tôn làm hai vị thần lớn (Đại thần) chứ không coi là Tổ nhưng cũng được phối tự trong trang thờ Tổ, thờ ở bậc dưới cùng. Người ta nghĩ rằng, hai vị này chết lúc còn quá trẻ nên đầu cốt tượng chỉ vấn khăn xanh như đã nói ở trên, chứ không vấn khăn đỏ như các vị Tổ khác. Và hai vị này trước khi chết có đóng vai “kép con” trên sân khấu nên lớp tuồng nào có sanh nở đào hát thường bế cốt tượng của hai vị (luân phiên) ra sân khấu làm hài nhi. Hình ảnh nầy dễ gây ấn tượng cho khán giả, có lẽ vì vậy mà người đời nói Tổ Hát Bội là hai vị nầy, chứ không biết vị Tổ sư là ông Càn ngỗi ở giữa, bậc trên cùng.
            Còn tại sao gọi hai vị là “Lang” thì có người giải thích: Lang nghĩa là hoàng tử con vua. Cách gọi này bắt chước theo thời đại Hùng Vương, con trai của vua Hùng gọi là “Quan Lang” hoặc “Lang” như Lang Liêu chẳng hạn. Theo Hán Việt  Từ Điển của Đào Duy Anh thì chữ “Lang” có nghĩa là con trai, đàn ông, chức quan. Nên Nhị Lang Đại Thần có thể hiểu là hai vị Thần Lớn, trai trẻ; hoặc hai vị Thần Lớn (gốc là) hoàng tử.
               Người ta thường nói Tổ Hát Bội là “Nhị Vị Ông Làng” hay “Ông Làng” mà không có dẫn chứng hay giải thích cụ thể tại sao gọi như vậy. Theo chúng tôi thì có thể vì các lý do sau đây:
1.      Chữ Hoàng (hoàng tử), chữ Lang và chữ Làng có cùng một vần nên nói trại từ Hoàng và Lang thành Làng.
2.      Hai cốt tượng Nhị Lang Đại Thần mặc áo dài xanh, vấn khăn xanh giống như cách ăn mặc “áo dài khăn đóng” của hương chức làng xã ngày xưa mà người ta gọi là “ông Làng” rồi nói Tổ Hát Bội là “ông Làng”.
3.      Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị  của Huỳnh Tịnh Của (xb. năm 1885) thì chữ “Làng” (làng xóm) là chữ Nôm viết giống y như chữ “Lang” (lang miếu) là chữ Hán (       ) nên Lang cũng đọc là Làng và ngược lại. Có thể là như vậy chăng?
 
Các tục kiêng cữ khác cũng liên quan đến truyền thuyết trên, như: Nghệ sĩ Hát Bội đều cữ mang guốc vông vì cốt Tổ được tạc bằng cây vông, tức cây ngô đồng. Điều nầy ứng với chuyện của Thái Tử Càn khi chết không có đất chôn, được bà Hàng Gánh “mộc táng” vào bộng cây vông nên nghệ sĩ đời sau dùng cây nầy tạc tượng Tổ để thờ.
               Trong gánh Hát Bội cấm hút gió và cũng không được đem trái Thị vào. Nghệ sĩ cho rằng mùi thơm quả Thị và tiếng hút gió là “ám hiệu” khiến các vị Tổ rủ nhau … bỏ đi, không ai phù hộ đào kép. Nghệ sĩ cũng cữ cho tiền ăn mày vì họ nghĩ là tiền bối của họ (học trò của ông Bầu Càn) đã có lúc phải “tha phương cầu thực”. Ngược lại, anh em “cái bang thứ thiệt” cũng không bao giờ xin tiền nghệ sĩ. Cũng có người biện sự rằng: Tổ Hát Bội, Tổ Ăn Cướp và Tổ Ăn Mày là ba anh em ruột (!). Vì vậy mà bọn “tặc phỉ có tổ” không bao giờ dám “đón” ghe hát. Ghe Hát Bội khi chèo đến khúc sông rạch vắng vẻ phải bơn trống để đánh động cho “người anh em” biết mà … rút lui. Theo lời truyền khẩu của các nghệ sĩ tiền bối thì đã có nhiều lần ghe hát có bơn trống mà bọn giang tặc vẫn ngoan cố đâm xuồng ra đón đường “ăn hàng”. Sau đó bọn chúng bị tóm cả lũ (!). Thực ra, bọn cướp ngày xưa luôn cho mình là hậu duệ của các “anh hùng Lương Sơn Bạc”, cướp của người giàu giúp cho người nghèo, nên bọn chúng không bao giờ cướp những kẻ nghèo (mà kẻ nghèo có gì để cướp?) như ăn mày hay những người tha phương cầu thực như nghệ sĩ. Nếu kẻ cướp nào vi phạm cái “tôn chỉ” đó thì phải rước lấy tai hoạ (!?).
 
Riêng bà Hàng Gánh tuy không được thờ trong trang Tổ nhưng nghệ sĩ luôn coi bà như ân nhân, tôn tặng bà danh hiệu “Phiếu Mẫu” (người đàn bà nuôi cơm Hàn Tín thuở hàn vi) nhang khói hàng đêm. Các gánh hát lưu diễn doanh thu mà ngày xưa gọi là “đi hát giàn” có bán vé thì mỗi chiều trước khi bán vé, bầu gánh lo sẵn trầu cau, bánh nước cúng vái bà Hàng Gánh tại phòng bán vé trước rạp hát để bà phù hộ cho được đông khán giả. Đến ngày giỗ Tổ (12/8 âl), nghệ sĩ đặt riêng một bàn thờ bà (cũng tại phòng vé), trên bàn có một bài vị nhỏ viết hai chữ Hán “Phiếu Mẫu”. Ngoài vật cúng thông thường còn thêm bánh tráng trắng nhúng nước và đường táng, lại có thêm một đôi gióng thúng nhỏ (bằng cái cân tiểu ly của thợ bạc) để kỷ niệm nghề mua gánh bán bưng của bà.
                 Bánh tráng trắng (loại nhúng nước) và đường táng là hai vật phẩm dâng cúng không thể thiếu trong ngày giỗ Tổ, được cúng ở hai vị trí có ý nghĩa: trước trangTổ và bàn thờ bà Hàng Gánh. Giới nghệ sĩ quan niệm rằng, bánh tráng đường là hai món hàng cuối cùng còn sót lại của bà Hàng Gánh để tiễn ông Tổ ra đi vĩnh viễn sau mấy ngày đói lạnh vì thiên tai.          
 
               Truyền thuyết về ông Ngỗ Nghịch chi thần :                                
 
Như trên đã nói, phía dưới bàn thờ Tổ có thêm một lư hương nữa để trệt là nơi thờ ông Ngỗ Nghịch, nghệ sĩ còn gọi là “ông Nhỏ” hay “ông Dưới”. Ông Ngỗ Nghịch là ai? Tên gì? Tại sao phải thờ?
Theo truyền khẩu của các nghệ sĩ tiền bối thì ông Ngỗ Nghịch tên là Tràng. Ông Tràng có thân hình cao lớn, nước da ngăm đen, có búi tóc, mặt mày dữ tợn nhưng tánh nết rất hiền lành, ngay thẳng, ít nói. Ông đi theo gánh hát chỉ biết khiêng rương, vác tráp và làm mọi công việc nặng nhọc thay cho bầu gánh và đào kép, ai sai bảo gì ông cũng làm, chưa được lên sân khấu lần nào. Hàng đêm ông ngủ với manh chiếu rách trải dưới bàn Tổ để nhường chỗ ngủ cho người khác. Nằm dưới bàn thờ Tổ nên ông lo đốt nhang Tổ cả ngày lẫn đêm.
 
Một hôm gánh hát diễn tuồng có vai quỉ mà diễn viên đóng vai này bị bịnh đột xuất. Ông Tràng xin ông Biện tuồng cho ông đóng vai quỉ thế diễn viên bịnh. Biết ông chưa lên sân khấu lần nào mà đòi hát nên từ bầu gánh tới đào kép đều không nín được cười, vì họ cho rằng ông lao công già này cũng bị … bịnh! Riêng ông Biện tuồng điềm tĩnh suy nghĩ: vai quỉ không có lời văn, chỉ có gầm hét. Ông ngắm nghía mặt mày, tướng vóc của ông Tràng rồi gật đầu chấp thuận cho hát. Ông Tràng mừng quýnh mặc liền bộ quần áo dành cho quỉ rồi bước ra sân khấu nói với khán giả:
               Thưa cô bác, tuồng hôm nay có tui hát, đóng vai quỉ. Trong cô bác có ai yếu bóng vía, yếu tim hay mang thai, xin hãy về nhà trước. Nếu ở lại coi hát rủi có gì xảy ra thì đừng trách tui không nói trước.
               Khán giả cười ầm lên, vì gánh hát diễn tại đây cả tháng rồi, họ biết rõ ông lao công già này không biết hát mà nay lại có lời hăm doạ như vậy thì rõ là ông ta bị  … bịnh nặng!
               Biết loại mặt quỉ vằn vện khó vẽ và vẽ rất lâu nên ông Biện tuồng hối thúc ông Tràng nhờ người khác vẽ hộ. Ông Tràng không chịu và nói để tự mình vẽ lấy. Tuồng diễn đến lớp có quỉ xuất hiện, ông Tràng mới đến bàn thờ Tổ là nơi có để sẵn mấy cái thố đựng bột màu vẽ mặt, hai tay ông chụp vào mấy cái thố này rồi bôi trét vào mặt. Mặt ông tức thì trở nên dữ tợn lạ thường. Ông bước ra sân khấu hét to một tiếng vang động cả một vùng, tóc xoã bỗng dựng đứng lên, hai mắt to như hai quả trứng lộ ra, lưỡi thè dài khỏi ngực, miệng mọc ra hai cái răng nanh nhọn và dài cả gang tay, trông vô cùng kinh khủng! Những người được ông cảnh báo trước mà vẫn coi thường ở lại xem, kẻ thì bị sẩy thai, người thì chết ngay tại chỗ!
               Xong vai diễn , ông Tràng vào hậu trường chúi đầu dưới bàn thờ Tổ (nơi ông ngủ hàng đêm) rồi chết luôn tại đó.
 
Giới nghệ sĩ Hát Bội tiền bối xét thấy ông Tràng có công với nghề nghiệp luôn ở dưới bàn Tổ lo nhang đèn và chết vì nghệ thuật nên tôn ông làm Thần. Nhưng vì vai diễn của ông trước khi chết đã gây tai hoạ cho một số người nên gọi ông là “Thần Ngỗ Nghịch”. Họ cũng coi ông là thầy của những vai  tướng võ. Và họ cũng rất sợ “Ông Nhỏ” này hơn là các vị Tổ lớn thờ trên trang, vì có người nói rằng, nghệ sĩ nào làm việc gì thiếu minh bạch mà dám thề “Tổ vật” thì chính “Ông Nhỏ” … ra tay!
               Tuy lời khấn ghi trong Hàm ân không có đề cập chức danh ông Ngỗ Nghịch, nhưng đến ngày giỗ Tổ hoặc những buổi biểu diễn người ta không bao giờ quên van vái ông. Mỗi lần nghệ sĩ đốt nhang đều phải đốt ba cây: một cho trang Bà, một cho trang Ông và một cho ông Ngỗ Nghịch (dưới bàn Tổ).
 
xxx
                
               Có người nói kiểu ví von nhưng nghĩ lại cũng … có lý: Lịch sử và truyền thuyết ví như thức ăn chính và gia vị. Thức ăn chính mà thiếu gia vị thì mất thơm ngon, còn lịch sử mà không truyền thuyết đi kèm thì thiếu hấp dẫn.
Thật vậy, truyền thuyết thì luôn luôn hấp dẫn và dễ gây ấn tượng, còn lịch sử thì khẳng định giá trị về mặt khoa học và thực tế. Tuy nhiên, có những truyền thuyết mang tính giáo dục nhằm đề cao tinh thần tự tôn dân tộc như chuyện Con Rồng Cháu Tiên; tuổi trẻ chống ngoại xâm như Thánh Gióng; đề cao lao động sáng tạo như thần Kim Quy .v.v… thì ta không thể tách rời ra khỏi lịch sử được, vì đó là kết tinh của nền văn hoá bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Hay những truyền thuyết về Tổ các ngành nghề nhằm đề cao đạo lý Uống nước nhớ nguồn, Tôn sư trọng đạo thì ta cũng nên trân trọng giữ gìn để giáo dục cho hậu thế./-
                                                            
1.- Sách tham khảo về truyền thuyết lịch sử:
-          Đại Nam Quốc Am Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của
-          Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh
-          Việt Nam Sử  Lược của Trần Trọng Kim
-          Các vị Tổ  Ngành nghề Việt Nam của Lê Minh Quốc
2.- Viết theo lời kể  về truyền thuyết Dân gian của các cố nghệ sĩ Hát bội: Năm Thơ, Sáu Vịnh  (Cần Đước -Long An), Nhưng Hiến, Bảy Thàng (Tân Trụ-LA), Sáu Nay, Bầu Thôn (TX.Tân An), Tư Tần, Bảy Y (Mỹ Tho-Tiền Giang) v.v…
3.-Về cách thờ Tổ và lời khấn: Viết theo lời kể của Bà Phạm Thị Nhiều (1905-1997),ngụ tại ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An là con gái thứ 8 của ông Phạm Văn Quế. Và của hai bà Phạm Thị Quờn (1917), bà Phạm Thị Năm (1922), hiện còn sanh tiền, địa chỉ : 208, đường Nguyễn Đình Chiểu ,phường 3, TX Tân An (Long An) là cháu nội của ông  Phạm Văn Quế.
                 
Ảnh minh họa (internet)

CÁCH TỔ CHỨC LỄ GIỖ TỔ HÁT BỘI
 
          Ngày xưa, khi Hát bội còn là một nghệ thuật sân khấu thời thượng của vùng đất Nam Bộ thì ngoài việc hát cúng đình theo mùa lễ hội, các gánh hát thường xuyên đi “hát giàn” bán vé doanh thu hằng đêm, hết bến (1) này dời qua bến khác. Bởi vậy, một nghệ sĩ hành nghề lâu năm có thể giỗ Tổ ở ba, bốn chục địa điểm khác nhau, vì đang hát tại đâu thì giỗ ở đó. Nghệ sĩ lấy gánh hát làm nhà, sân khấu gắn liền với áo cơm của gia đình họ. Bầu gánh tổ chức ăn cơm tập thể, gọi là “cơm quân” hay “cơm hội”. Những đêm có hát thì đào kép có lãnh lương còn không hát thì bầu gánh phải nuôi cơm đào kép, kể cả gia đình họ. Lương đêm gọi là “tiền cữ”, hát cữ nào lãnh tiền cữ đó. Tiền cữ thì căn cứ vào trình độ nghệ thuật, thường thì chia ra 4 bậc: Lồng (2) nhứt, lồng nhì, lồng ba và chạy hiệu (3).
               Cuộc sống mang tính tập thể thì giỗ Tổ cũng tập thể. Trước hết là chọn địa điểm để giỗ, bầu gánh và đào kép hội ý chọn một ngôi đình có võ ca rộng hoặc nhà lồng chợ sạch đẹp, đông dân cư, ít lầy lội, nơi đất cát càng tốt, vì ngày giỗ Tổ 12 tháng 08 âm lịch là mùa mưa. Kế đến là chi phí cho lễ giỗ. Bầu gánh và đào kép lựa thứ hát đông khán giả, doanh thu khá, dành trọn thứ hát để mua sắm đồ cúng tế, nghĩa là tất cả không lãnh tiền cữ.
               Trước ngày giỗ khoảng 3, 4 hôm, bầu gánh và đào kép lo làm thư  mời. Thư mời viết tay được in trên ổ xu xoa hoặc bột nếp nhồi dẻo (4). Đối tượng khách là ban Hội hương các đình gần đó, những vị mạnh thường quân của gánh hát, thương gia, quan chức làng tổng .v.v…
 
 
1.     Bến hát là bến ghe hát đậu để hát ở võ ca đình hay bến chợ.
2.     Lồng nhứt, lồng nhì … được hiểu là “khung lương”
3.     Những vai quân sĩ cầm cờ hiệu chạy theo hỗ trợ cho vai chính.
4.     Chọn vài người viết chữ tốt, viết chữ đậm bằng mực nước, úp thư mới viết còn ướt vào mặt ổ xu xoa (hoặc bột nếp nhồi dẻo) cho “ăn” chữ ngược vào xu xoa rồi vuốt tờ giấy trắng vào xu xoa cho ăn chữ xuôi qua giấy. Thế là “in” xong 1 tấm, Vuốt được 3,4 tấm thì mực lu, cắt bỏ lớp mặt xu xoa để in cái mới, Bột nếp thì nhồi ít cái cho mực cũ lẫn vào trong, khỏi cắt mặt.
 
 
 
          -    Khuya mùng mười: Mộc dục, Phục y;
-         Tối mười một: Cúng chay;
-         Sáng mười hai: Cúng mặn;
               Ba ngày trên đây là ngày của tháng 8 âm lịch.
 
Khuya mùng mười: Sau khi vãn hát, những người nam lớn tuổi như bầu gánh, nhưng tuồng, biện tuồng … lo làm lễ Mộc dục và Phục y, nói dễ hiểu là “tắm Ông và thay khăn áo mới”, đào kép trẻ không được đến gần. Trang Tổ và các đồ tự khí đã được sơn hoặc chùi lau sạch sẽ, dùng vải sạch che kín trước bàn Tổ để làm nơi “tắm Ông”. Các cốt tượng được thỉnh ra để trên mâm đồng, cởi bỏ áo khăn cũ, dùng một bông huệ trắng nhúng vào thau nước sạch có pha hương liệu, quét phớt nhẹ toàn thân cốt tượng cho sạch bụi, thay khăn áo mới. Lễ tắm Bà cũng làm như vậy nhưng do các bà lớn tuổi phụ trách. Tắm xong, các cốt tượng được thỉnh để vào khánh cho đúng vị trí của mỗi vị, cúng trà, bông, bánh, trái là xong hai lễ, bỏ màn che trang thờ xuống.
             Sáng mười một: Chị em phe đào đi chợ mua đồ để tối cúng chay như: nấu chè, trà, bánh, trái cây, bông, nhứt là bánh tráng trắng (loại nhúng nước) và đường táng là hai vật phẩm không thể thiếu. Người nam lớn tuổi hướng dẫn kép trẻ lo trang hoàng rạp hát, sắp xếp bàn ghế dành cho khách mời…. Việc “đặt bàn” rất quan trọng, những người nam lớn tuổi lo che “bàn kín” đặt dưới bàn thờ Tổ là nơi thờ Ông Ngỗ Nghịch chi Thần. Phía trước bàn Tổ để 2 ghế đôn 2 bên làm bàn thờ cho Ông Địa (mặt Gia quan) và Ông Hổ (mặt cọp). Từ trong bàn Tổ nhìn ra, lốt Ông Địa để phía trái, lốt Ông Hổ để phía phải theo nguyên tắc “Đông Gia Tây Hổ” (Đông vi tả, Tây vi hữu – hướng đông bên trái, hướng Tây bên phải). Bàn Ông Hổ cắm thêm một nhánh cây có lá tươi tượng trưng “rừng” cho hổ. Một bàn hình chữ nhựt khác được nối theo chiều dọc giữa bàn Tổ tạo thành hình chữ “T” để làm bàn Hội Đồng Ngoại (xin xem sơ đồ), đầu trong giáp với bàn Tổ, đầu ngoài giáp với sân khấu. Đầu trong để một khung giấy hồng đơn viết 2 chữ Nho “Hội Đồng” ở giữa, 4 góc viết 4 chữ “Cung Thỉnh Chư Vị”. Hai bên bàn Hội Đồng Ngoại để các bài vị nhỏ, viết họ tên các nghệ sĩ bậc thầy quá cố (1). Tại phòng bán vé phía trước rạp hát lập 1 bàn thờ Bà Hàng Gánh, 1 bài vị nhỏ viết 2 chữ Nho “Phiếu Mẫu” và làm 1 đôi gióng gánh nhỏ (bằng cái cân tiểu ly thợ bạc) để bên cạnh bài vị. Xong mọi việc, chờ tối lại cúng chay.
 
Tối mười một: Đêm nay dành trọn cho lễ cúng nội bộ, không có hát bán vé nhưng khán giả có thể vào rạp tự do xem “hát bầu” tức hát cúng Tổ.
 
 
 
          Mọi việc chuẩn bị xong, đến 6 giờ chiều, tất cả nam nữ trong gánh hát ăn mặc đẹp đẽ, nghiêm túc; Bầu gánh, Nhưng tuồng, Biện tuồng và nghệ sĩ nam lớn tuổi mặc áo dài khăn đóng. Chiếc chiếu lạy được trải trên sân khấu trước bàn Hội Đồng ngoại, một chiếc chiếu khác trải bên phải gần đó, để sẵn các nhạc cụ. Các vật cúng chay dọn đầy đủ lên các bàn thờ. Riêng hai món bánh tráng nhúng và đường táng đặc biệt dâng cúng trước bàn thờ Tổ và bàn thờ bà Hàng Gánh ở phòng bán vé.
            Khoảng 7 giờ tối bắt đầu vào lễ. Nhưng tuồng, Biện tuồng hầu hai bên bàn Tổ phía trong. Hai người cầm sẵn dùi chuông đồng (nhỏ) và dùi trống lịnh (trống cái). Bầu gánh quỳ trên chiếu lạy, quay mặt vô bàn Hội Đồng ngoại – cũng là quay mặt vô bàn Tổ – Các nhạc công sẵn sàng các nhạc cụ của mình (như đờn cò, kìm, tranh, gáo…) trong khi toàn thể nam nữ nghệ sĩ khoanh tay đứng hầu hai bên theo nguyên tắc “nam tả nữ hữu”. Ông Nhưng tuồng khởi đánh 3 hồi chuông bõ thêm 3 dùi; Tiếp đến ông Biện tuồng đánh 3 hồi trống lịnh, cũng “lợi” 3 dùi. Ông Bầu gánh rót 3 chung rượu, đốt 2 cây nến lớn đỏ, đốt 3 cây nhang lớn. Các ông Nhưng, Biện và người lớn tuổi đốt nhang các bàn thờ và các bài vị. Nhạc công đem giá và trống chiến đến chiếu lạy, Bầu gánh cầm 2 roi trống để ngang trán, quỳ xá 3 xá rồi trịnh trọng đánh bài “Tiếp giá thỉnh Tổ” theo kiểu 3 hồi 9 chặp (2).
 
 
1.     Bài vị nhỏ viết trên giấy hồng đơn cỡ 03cm x 20cm dán vào 1 nan tre, cắm lên lõm chuối hoặc bặp dừa sạch làm chân đế. Đốt nhang cho bài vị cũng cắm vào lõm chuối.
2.     Ba hồi chín chặp gồm:
-         1 hồi “Rắc dăm” (tang trống) và 3 chặp bơn (đánh giữa mặt trống);
-         1 hồi “Ráng biên” (bìa mặt trống) và 3 chặp bơn;
-         1 hồi “Điểm mặt” (giữa mặt trống) và 3 chặp bơn;
Người xưa quan niệm các số lẻ 3, 9… là số thuộc dương. Ba hồi chín chặp là tượng trưng “Dương thạnh”. Còn từ ngoài dăm trống đến biên trống rồi vào giữa mặt trống, ý nghĩa từ ngoài gom vào là Đại Lợi (Tự ngoại chí trung vi đại lợi).
 
 
 
Đánh xong, giá trống lui ra, ông Bầu gánh quỳ đọc lời khấn (xem lời khấn trang 5), đọc đến 2 chữ cuối “Cẩn cáo” thì người đánh trống gài vĩ vô bài Hạ để dàn đờn phục vụ cho lễ cúng. Khấn xong, Bầu gánh lạy 4 lạy, lui ra, kế đến là Nhưng tuồng, Biện tuồng, rồi lạy theo thứ tự tuổi tác, mỗi người lạy 4 lạy. Riêng bàn thờ Phiếu Mẫu (bà Hàng Gánh) đặt riêng ngoài phòng bán vé phía trước, nghệ sĩ có thể lạy hay xá cũng được. Ban nhạc luân phiên lạy sau cùng, vì trong lúc hành lễ, nhạc công phải luôn tay phục vụ cho lễ cúng được nghiêm trang, ấm áp.
               Đối với gánh lớn loại “đại ban” tài chánh dồi dào thì trong lễ cúng chay đêm 11/8 có thêm phần nhạc lễ, trò lễ và đào thài. Tất cả đều do nghệ sĩ trong gánh đảm trách, cũng cử hành 3 lễ như cúng đình: Sơ hiến lễ, Á hiến lễ và Chung hiến lễ (tuần hương, tuần rượu và tuần trà). Phần nầy nếu có, được tiếp ngay sau khi Bầu gánh đọc lời khấn và lạy xong. Còn các gánh nhỏ loại trung hay tiểu ban thì chỉ có “hát bầu”.
               Hát bầu tức hát để hầu Tổ, cúng Tổ, không có kịch bản cũng không có hoá trang, phục trang; Đào kép để mặt thiệt, mặc quần áo thường, chỉ choàng ngoài một áo hát loại dài như long bào, xỉ xắn … cho có lễ. Mỗi người, sau khi xá Tổ ra sân khấu hát một bài ngắn, nội dung và âm điệu mang tính vui vẻ, xây dựng như hát Nam Xuân lúc đi thi; Hát bài Nhịp Ba lúc xem phong cảnh; Hát Khách lúc đi trấn nhậm … Hát xong, xá Tổ, lui vào để người khác tiếp tục. Sau cùng, toàn ban ngồi lại trên sân khấu liên hoan tiệc chay (trà, bánh, trái cây, chè ngọt) chuyện trò vui vẻ. Các người lớn tuổi thức suốt đêm lo nhang khói.
 
Sáng mười hai: Mọi người dậy sớm lo dọn dẹp sạch sẽ, nấu nướng các thức cúng mặn cho ngày giỗ chánh và phục vụ khách mời. Gánh loại “đại ban” thì cúng 1 heo trắng, 1 heo quay hay nhiều hơn tuỳ ý, còn các gánh trung, tiểu ban thường cúng 1 heo trắng hay gà vịt. Con heo trắng (mướn làm) cạo sạch lông, để ráo nước, khiêng để trên bàn nhỏ đặt trước bàn Hội Đồng ngoại, đầu quay vô. Bầu gánh cử hành một lễ đơn giản gọi là lễ Trình Sanh (trình con vật cúng còn tươi sống), đốt nhang, lạy 4 lạy rồi cho khiêng con heo xuống để ra thịt, nấu nướng. Lấy một miếng thịt heo sống để cúng trong bàn kín, tức bàn thờ ông Ngỗ Nghịch chi Thần. Nếu địa điểm giỗ Tổ là đình, miễu thì hai lễ cúng chay và cúng mặn đều có “mâm kiếng” cho vị Thần sở tại. Sau khi các thức cúng mặn dọn lên đầy đủ trên các bàn thờ thì bắt đầu vào lễ. Các nghi thức cúng của đêm 11 (cúng chay) được tái diễn y hệt, chỉ khác là không có hát hầu mà  có hát thật để phục vụ khách mời.
 
Sau lễ cúng, khoảng 10 giờ sáng thì mời khách nhập tiệc. Đào kép ăn mặc sạch đẹp lo “chạy bàn” phục vụ khách. Bầu gánh không quên mời khách ở lại xem hát. Trước khi biễu diễn một trích đoạn của kịch bản, thường các gánh có phụ diễn vài nghi trong lễ đại bội như Tứ Thiên Vương, Đứng Cái, Gia Quan Tấn Tước để chúc lành, chúc phúc cho địa phương và khách mời. Phía khách mời thì tuỳ tâm ủng hộ bằng “bao thư” bao nhiêu cũng được vì buổi diễn nầy hoàn toàn miễn phí.
Đôi điều cảm nghĩ:
              Về phương diện vật chất, cả một tập thể gánh hát mà tổ chức lễ giỗ Tổ như trên, nếu so sánh với nghề khác, tập thể khác thì chi phí quá khiêm nhường. Nhưng cái khiêm nhường đó không phải năm nào cũng có được. Một nghệ sĩ hát dạo suốt cả cuộc đời mà có được cái giỗ Tổ khiêm nhường đó cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì sao? Vì rằng thực tế quá phũ phàng! Những gánh hát dạo gần đến ngày giỗ Tổ phải lắm phen điêu đứng vì mưa bão. Cảnh mưa dầm nước lụt kéo dài nhiều ngày trong tháng 8 âm lịch, có lắm khi mười hôm chưa diễn được một suất; Gánh hát nào không bị “rã” mà còn gượng được thì cũng trong tình trạng sống dở chết dở, thiếu thốn mọi bề, thậm chí cơm còn không đủ ăn thì có tiền đâu để giỗ Tổ. Bởi vậy, ai đó đã phải nát lòng thốt ra hai câu thơ rất chân thật mà cũng rất đau lòng:
Quanh năm khóc mướn gần xa,
Mười hai tháng tám thì ta khóc mình;
               Phải! Cái khóc mướn là cái khóc để có tiền mà sống; cái khóc lúc nhập vai trên sân khấu, đó là cái khóc giả. Còn cái khóc “mười hai tháng tám” mới là cái khóc thật, khóc thật cho mình mà cũng khóc cho vị Tổ nghề của mình đã ngã gục bên đường vào ngày nầy giữa mùa bão lũ xa xưa!
               Cùng chung” số kiếp con tằm”, chúng ta ước mong sao đến ngày giỗ Tổ là dịp tốt để anh em nghệ sĩ ngành sân khấu, không phân biệt bộ môn, không kỳ thị cũ mới, gặp gỡ nhau để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ niềm vui nỗi buồn cho nhau trong tinh thần đoàn kết và thông cảm, để cùng chung lòng hợp sức xây dựng ngành sân khấu nước nhà ngày càng hoàn chỉnh hơn, tốt đẹp hơn.
 
          Ngoài ra, chúng tôi cũng xin các đồng nghiệp vui lòng bổ sung cho những gì thiếu sót trong tài liệu giỗ Tổ. Với ước nguyện nhỏ nhoi: Hằng năm chúng ta có được một lễ giỗ Tổ khiêm nhường vật chất nhưng thấm đậm nghĩa tình.   Ngần ấy đối với chúng ta cũng đầy đủ lắm rồi./.
  

Đỗ Văn Đồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 20


Hôm nayHôm nay : 1513

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 33108

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10504154