Thứ bảy 27/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Từ bến sông ấy Người đã ra đi…

     Kỷ niệm 112 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2023)
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, bến Nhà Rồng (quận 4, TP.HCM) có vị trí đặc biệt quan trọng. Chính nơi đây người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vào ngày 5/6/1911 đã xuống tàu Amiral Latouch Tréville bôn ba tìm đường cứu nước, để 30 năm sau Người trở về đưa đất nước, dân tộc đến độc lập, tự do. Kỷ niệm 112 năm ngày đáng nhớ ấy, tôi đã đến bến Nhà Rồng để ôn lại hành trình vĩ đại của Người.

Đoàn thanh thiếu niên phường Tân Định, quận 1 TP.HCM tham quan Bến Nhà Rồng.

Đoàn thanh thiếu niên phường Tân Định, quận 1 TP.HCM tham quan Bến Nhà Rồng.

Bình minh trên bến sông
     Bến Nhà Rồng được người Pháp xây dựng năm 1862. Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nơi đây được cải tạo làm Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến ngày 2/9/1979, nơi đây mở cửa đón khách tham quan trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tháng 10/1995, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được đổi tên thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM. Vào cái thời chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, nơi đây chưa có nhiều nhà cửa, chỉ là một bến sông cho tàu đậu. Bây giờ các công trình xây dựng 50 – 70 tầng đã mọc đầy hai bên sông. Phía bên kia kênh Bến Nghé, đường hầm Thủ Thiêm chui qua đáy sông Sài Gòn luôn tấp nập xe cộ. Xa hơn một chút, cây cầu Thủ Thiêm 3 dáng dấp hiện đại mới đươc khánh thành nối trung tâm thành phố với khu đô thị mới hiện đại Thủ Thiêm.
     Tôi đến bến Nhà Rồng sáng sớm ngày 6/6/2023, lúc mặt trời chưa mọc bên kia sông Sài Gòn. Các cụ già ở khu vực Khánh Hội mở máy hát để tập dưỡng sinh theo nhạc, rồi đứng ngắm bình minh trên bến sông. Cụ Nguyễn Văn Tư cho biết, thói quen tập dưỡng sinh và ngắm bình minh trên bến Nhà Rồng của các cụ đã có từ hơn 10 năm qua. Thỉnh thoảng sau giờ tập dưỡng sinh và ăn sáng, các cụ vào tham quan khu lưu niệm, mỗi lần như vậy lại phát hiện thêm điều lý thú về cuộc hành trình vĩ đại của Bác Hồ.
     Chưa đến giờ mở cửa khu bảo tàng, nhưng các công nhân CTy Công viên cây xanh thành phố đã bắt tay vào việc làm sạch đẹp nơi đây. Anh công nhân Nguyễn Thanh Hải (quê xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vừa chăm sóc cụm hoa tường vi trước sân, vừa cho tôi biết, ngày thường nơi đây luôn có nhiều khách đến tham quan, mấy hôm nay khách đến tham quan đông hơn bất thường. Anh và các đồng nghiệp phải đến sớm để bảo đảm cho khu di tích luôn sạch đẹp, xứng đáng với bảo tàng mang tên Bác Hồ. Tôi để ý trong khuôn viên bảo tàng có cây vú sữa và mấy cây bưởi, đang lúc cho trái, nắng sớm bên kia sông làm cây trái lung linh sắc nắng. Hẳn là những người quản lý khu di tích muốn gợi nhớ về cây vú sữa đồng bào miền Nam từng gửi tặng Bác Hồ. Còn cây bưởi gợi nhớ vườn bưởi bên nhà sàn Bác Hồ, ngày Bác ra đi nhà thơ Tố Hữu đã kêu lên “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai – Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài!” (bài thơ Bác ơi!).     
     Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
     Với hàng chục nghìn tư liệu, hiện vật, hình ảnh sưu tầm, trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM luôn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham quan, tìm hiểu nơi ghi dấu sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, nhất là vào dịp sinh nhật Bác và ngày Người ra đi tìm đường cứu nước. Khách đến tham quan để được tiếp lửa truyền thống, dâng hoa, báo công với Người.
      Đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, sau khi thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Minh, khách được hướng dân tham quan các phòng trưng bày theo các chủ đề, như: Thời thơ ấu và thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bước đầu hoạt động yêu nước và cách mạng (1890-1920); Chủ tịch Hồ Chí Minh đấu tranh bảo vệ và vận dụng sáng tạo đường lối của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, sáng lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam (1920-1930); Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công và lập nên nước Việt Nam Dân Chủ cộng hòa, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1930-1954). Cuối cùng là chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (1954-1969).
     Đúng 7h30, một đoàn thanh, thiếu niên gần 50 người đã đứng thẳng hàng trước cửa nhà bảo tàng. Các em, cháu đến từ phường 13, quận 4 TP.HCM. Cô gái Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Bí thư Đoàn TNCS HCM phường 13 – cho biết, hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Đoàn phường luôn tổ chức cho đoàn viên, học sinh trong phường đến tham quan khu bảo tang Bến Nhà Rồng để giúp các bạn trẻ hiểu biết thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc, về công lao vĩ đại của Bác Hồ. Do ngày hôm trước (5/6) có quá đông khách tham quan đến từ khắp nơi trên cả nước, nên Đoàn phường tổ chức đi tham quan vào ngày hôm sau (6/6) để các bạn nhỏ thoải mái hơn. Có mặt trong đoàn tham quan, cô học sinh nhỏ Lâm Mai Hương (lớp 6 Trường THCS Vân Đồn) cho biết, hầu như năm nào em cũng được nhà trường hoặc Đoàn trường đưa đi tham quan khu bảo tàng, có năm em đến đây 2 lần, có tổng cộng khoảng 10 lần em đã đến nơi đây và luôn học hỏi được những điều mới lạ về lịch sử, về công lao vĩ đại của Bác Hồ.
      Một đoàn khách khác đến từ Trường THCS Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà trường tổ chức cho cán bộ, giao viên đi tham quan, du lịch phương Nam, kết hợp học tập truyền thống cách mạng của các bậc tiền nhân và đã chọn Bến Nhà Rồng làm điểm dừng chân đầu tiên. Sau đó đoàn sẽ tiếp tục tham quan TP.Phan Thiết, Trường Dục Thanh nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từng dạy học; rồi trở về địa đạo Củ Chi – đất thép thành đồng trong đấu tranh chống ngoại xâm. Sau đoàn cán bộ, giáo viên đến từ Vĩnh Phúc là đoàn thanh, thiếu niến khác hơn 40 em đến từ phường Tân Định, quận 1 TP.HCM. Các em say sưa nghe chị hướng dẫn viên giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Các học trò nhỏ tỏ ra thú vị khi nghe người thuyết minh giới thiệu giai đoạn Bác Hồ hoạt động ở Paris, có cả mẫu viên gạch mà Bác từng nung để sưởi ấm giữa mùa đông giá lạnh nơi đất khách.

Nghe thuyết minh chủ đề “Miền Nam trong trái tim Người”.

Miền Nam trong trái tim Người
     Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.HCM (Bến Nhà Rồng) có 1 trệt, 2 lầu. Năm nay bảo tàng chỉ mở cửa cho tham quan tầng trệt và lầu 1, còn lầu 2 đang sửa chữa, nâng cấp. Gian chính của tầng trệt đặt bàn thờ Bác Hồ, là nơi khách tham quan dâng hương cho Người. Cũng tại tầng trệt, chủ đề “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” được trưng bày đậm nét với tấm ảnh bất hủ “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” và hình ảnh 54 dân tộc anh em sống hoà thuận trên đất nước Việt Nam. Khách tham quan như còn nghe vang vọng lời Bác năm nào “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi!”.
      Kề bên là phần trưng bày “Bác Hồ và miền Nam” với bức tượng “Bác Hồ và bác Tôn” thật gần gũi, thân thiết. Rất nhiều khách tham quan dừng lại khá lâu tại gian trưng bày hình ảnh mấy chục đền thờ Bác Hồ được nhân dân miền Nam xây dựng nên, trong đó có những đền thờ được làm trong giai đoạn chiến tranh, trước mắt quân thù. Đó là hình ảnh hoà thượng Thích Pháp Lan cùng ngôi chùa Khánh Hưng (phường 11, quận 3, TPHCM) do ông trụ trì đã tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ cùng lúc với lễ truy điệu diễn ra ở Hà Nội (ngày 9/9/1969) ngay trước mắt chính quyền Sài Gòn. Đó là đền Bác Hồ ở xã Long Đức, TP.Trà Vinh được nhân dân xây dựng lên sau ngày Bác Hồ qua đời 2/9/1969, vị trí chỉ cách đồn bót của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vài trăm mét. Trong chiến tranh, ngôi đền đã nhiều lần bị bom đạn của đối phương tàn phá, sau mỗi lần như vậy, người dân Long Đức lại góp tiền của và công sức xây lại ngôi đền mới, lần sau khang trang hơn lần trước. Và mấy chục ngôi đến khác ở Sài Gòn, Tiền Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau… Tình cảm thiêng liêng hướng về Bác Hồ đã tiếp thêm động lực cho nhân dân miền Nam vượt qua hi sinh, gian khổ, đấu tranh đến thắng lợi hoàn toàn.    
     Sau khi được lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử hào hùng của dân tộc và công lao vĩ đai của Bác Hồ, học sinh Lâm Mai Hương (Trường THCS Vân Đồn, quận 4 TP.HCM) chia sẻ: “Em cảm thấy rất tự hào về những gì Bác Hồ và ông cha ta đã làm được cho dân tộc, cho đất nước. Sau những giờ học trên lớp và trong sách vở, những trải nghiệm thăm bảo tàng càng giúp em hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp, những hy sinh, công lao to lớn của Bác qua những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật sống động. Từ đó càng giúp em biết trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống hôm nay và tự nhũ phải cố gắng học tập, phấn đấu thật tốt để xứng đáng với sự hi sinh của cha ông”.
      Càng về sáng, khu bảo tàng càng đông khách đến tham quan. Các đoàn viên, đội viên sau khi tham quan còn tổ chức sinh hoạt, vui chơi trên sân bảo tàng, làm cho nơi đây thật sự nhộn nhịp như ngày hội. Nhiều khách lớn tuổi đi dạo dọc bờ sông Sài Gòn, nơi năm nào người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã bước lên con tàu Latouche Tréville để bắt đầu cuộc hành trình vĩ đại. Dòng sông Sài Gòn uốn lượn ra biển Đông, mặt sông vào mùa mưa sóng tung trắng xoá như đã từng bồi hồi đưa tiễn Bác vào cuộc hành trình dài 30 năm để con cháu có biển rộng sông dài như ngày hôm nay!

Kỳ Duyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 30


Hôm nayHôm nay : 5282

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 269596

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8727697