Thứ tư - 20/09/2023 12:26
CỘT MỐC SỐNG BIÊN CƯƠNG
Khi những tia nắng cuối ngày nhẹ nhàng dát vàng lấp lánh trên mặt sông Cái Cỏ, đội hình chúng tôi về đến vị trí cột mốc 230/7(3), thuộc địa bàn ấp Láng Biển, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, điểm cuối cùng của chặng tuần tra hôm nay. Mệt mỏi rã rời sau một ngày di chuyển trong nền nhiệt oi nồng cuối mùa khô cả trên bộ và dưới sông, nhưng khi ngồi bên cột mốc, được trò chuyện cùng con người đã đi vào lịch sử vùng đất này, từng đường gân thớ thịt, từng mạch máu trên cơ thể những người lính quân hàm xanh bỗng trở nên dịu dàng thư thái, nguồn năng lượng trong chúng tôi như được tái tạo.
Nơi đây là điểm bắt đầu của Kênh 79, con kênh có vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn. Chính từ ngã ba sông này, nước ngọt từ thượng nguồn dòng Mê Kông hùng vĩ bên đất nước Chùa Tháp theo con kênh biên giới Cái Cỏ chảy về. Bao nhiêu năm rồi, dòng nước trong xanh của Kênh 79 đã rửa phèn, tưới mát cho hàng ngàn héc ta đồng đất thuộc các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Thạnh Hoá, tỉnh Long An, trước khi hòa vào dòng Vàm Cỏ Tây, xuôi về miền hạ.
Tại vị trí này, đường biên giới chạy xuôi theo hướng Tây - Tây Nam qua giao điểm trung tuyến dòng chảy hai con kênh nên nơi đây được cắm ba mốc phụ, chất liệu bê tông cốt thép, ở ba đỉnh tam giác hay nói chính xác hơn biên giới được xác định bởi mốc phụ ba cùng số. Bên đất Campuchia, ở bờ Bắc kênh Cái Cỏ cắm mốc 230/7(1). Hai mốc còn lại được cắm ở hai bên bờ Kênh 79, thuộc hoàn toàn địa phận nước ta.
Khác với vị trí mốc 230/7(2) ở bờ Đông Kênh 79 được bao bọc bởi hàng lan can ống tuýp sắt ống tròn, bờ kè kiên cố, khuôn viên thoáng đãng rộng rãi. Đây là điểm “check in” lý tưởng cho những người muốn lưu giữ kỷ niệm nơi vùng sâu biên giới. Bởi khi xây dựng cột mốc này, ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc đã có ý tưởng về một địa điểm “view” du lịch, trong tương lai. Vị trí cột mốc 230/7(3) ở bờ Tây được đặt trong khu vườn cây trái sum suê của gia đình chú Hai Hưng Điền với những trái tim giàu lòng nhiệt huyết ngày đêm canh giữ.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình chú Hai từ vùng Tuyên Thạnh, Mộc Hóa lên đây lập nghiệp khi vùng đất này còn hoang vu với bạt ngàn lau sậy, năng lác và cả những “miểng trái” còn sót lại trong chiến tranh. Đường đi lại không có, phương tiện di chuyển chỉ bằng những chiếc xuồng ba lá hay những chiếc ghe, những tàu đò chở vật tư hàng hóa. Vợ chồng chú chọn miếng đất khá bằng phẳng đầu vàm làm nơi dựng nhà và khai khẩn ruộng rẫy. Biết bao nhiêu mồ hôi công sức, thậm chí cả máu và nước mắt đã đổ trên những luống cày để có được mảnh ruộng phẳng lì, mảnh vườn tốt tươi màu mỡ.
Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, gia đình chú Hai cùng những hộ dân ở dọc bờ kênh quyết tâm “bám trụ đến cùng”, cùng bộ đội giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Tuy có đôi lúc phải lui lại tuyến sau để phòng thủ và bảo toàn lực lượng trong chiến thuật, nhưng khi tạm yên tiếng súng, gia đình chú Hai lại trở về với mảnh vườn, thửa ruộng để canh tác và khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia.
Đầu những năm 2000, khi ấy đường tuần tra vẫn chưa có, tình hình an ninh trật tự nơi vùng biên vẫn còn bất ổn, cuộc sống gia đình chú Hai còn khá chật vật. Rồi người vợ hiền của chú mang trọng bệnh. Tiền của trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi. Chú Hai phải bán lần lần từng thửa ruộng để thuốc thang, chạy chữa cho vợ, nhưng cuối cùng dì Hai cũng không qua khỏi.
Lo liệu vẹn toàn cho người bạn đời mồ yên mả đẹp, chú Hai lần lượt thu xếp cho bốn người con, ba trai một gái mỗi người một mảnh đất, một thửa ruộng ra ở riêng. Còn phần mình, chú vẫn ở lại căn nhà lưu giữ đầy kỷ niệm của một thời gian khó. Khu vườn cặp bờ kênh biên giới được vợ chồng chú cải tạo nhiều năm nên đậm chất phù sa, trồng cây gì cũng đều tươi tốt. Những cây thanh long, mít, ổi, sầu riêng… được bàn tay người nông dân tần tảo sớm hôm chăm sóc nên ra trái đều và thơm ngon nức tiếng. Bấy nhiêu cùng vài ba mẫu ruộng liền kề quanh nhà cũng đủ cho chú sinh hoạt trong tuổi già.
Mấy năm trở lại đây, căn bệnh run run hai bàn tay khiến cho mọi sinh hoạt của chú có đôi phần khó khăn. Nghe người ta mách, thay vì ăn cơm chú chuyển qua ăn đậu phộng để trị bệnh. Mấy người con năn nỉ mời chú đến nhà họ trong nội địa ở cùng cho tiện bề chăm sóc nhưng chú không chịu đi. Chú muốn phần đời còn lại của mình được sống trọn vẹn trên đường biên, khi nằm xuống được đặt bên cột mốc. Thương chú, cứ mỗi dịp cuối tuần, con cháu lại sum vầy khiến cả khu vườn ríu ran tiếng hát.
Khi đội tuần tra của chúng tôi quây quần xung quanh, đôi mắt chú Hai bỗng ánh lên niềm xúc động. Bên cột mốc, trong bóng chiều đang lặng thầm buông xuống, chúng tôi lại được chú kể cho nghe những câu chuyện của một vùng biên giới, của một thời chiến tranh loạn lạc, của những con người gian khổ hi sinh, kiên cường bám trụ đường biên giữ đất đai Tổ quốc. Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua vậy mà chú Hai vẫn còn nhớ như in từng câu chuyện. Giọng người già chậm rãi, những chi tiết đan cài vào nhau khiến cho bức tranh biên cương trải mấy mươi năm trở nên sống động như hiện ra trước mắt lớp người trẻ tuổi.
Trong ánh hoàng hôn đang buông xuống mỗi lúc thật gần, bên “cột mốc sống biên cương”, chúng tôi chợt thấy mình bé nhỏ…
Nguyễn Hội