Thứ bảy 14/12/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Kỷ niệm không quên

Ns Trịnh Hùng (Nguồn: internet)

Ns Trịnh Hùng (Nguồn: internet)

Ngày ấy xảy ra cách nay đã 48 năm ( 1967 – 2015 ), thời gian gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng trong tôi vẫn còn nhớ rất rõ tiếng bom gầm, đạn xé, tiếng kêu la í ới của các thành viên trong chuyến giao liên từ Y4 về R năm ấy….

Thực hiện chủ trương của Ban tuyên huấn TW Cục Miền Nam đưa các hoạt động văn hóa, văn nghệ cách mạng đến với các chiến sỹ và đồng bào ở các vùng địch tạm chiến, các ấp chiến lược xôi đậu ( có nghĩa ban ngày địch quản, ban đêm cán bộ, du kích vô làm chủ ) nhằm vận động, tuyên truyền cách mạng với đồng bào ở các nơi ấy.
     Thực hiện chủ trương trên, Đoàn văn công giải phóng Miền Nam lúc bấy giờ đang ở chiến khu Tây Ninh được chia làm nhiều đơn vị nhỏ ( gọi là văn công xung kích ) đi xuống các chiến trường để đem lời ca, tiếng nhạc đến với mọi chiến trường của vùng đất Nam Bộ. Một thì đi xuống các tỉnh Miền Tây Nam Bộ, nhóm thì đi xuống Đồng Xoài, Phước Long, nhóm khác thì đi về Y4 ( còn gọi là đặc khu Sài Gòn Gia Định ), trong nhóm đi xuống Y4 có anh Thanh Hiền, anh Quang, anh Lượng, chị Bích Thủy, chị Kim Chi, chị Thu Dung, chị Kim Điệp, anh Chín Ảnh, anh Phạm Minh Tuấn, chị Cúc… cùng một số các anh, chị em và đương nhiên, trong đó có tôi, nhạc công đàn violon của đoàn.
      Chuyến công tác ấy, đội văn công xung kích đã gắn bó với vùng đất Củ Chi, Hố Bò, Địa Đạo Phú Hòa Đông, xã Bình Mỹ A, Bình Mỹ B cặp theo sông Sài Gòn, bên kia là huyện Bến Cát – Bình Dương.
     Đội văn công xung kích của đoàn Văn công giải phóng Miền Nam đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đội đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ văn nghệ cho bộ đội, cho nhân dân, kể cả nhân dân trong ấp chiến lược ở bên huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương với nhiều chuyến vượt sông Sài Gòn đầy mai rủi và hiểm nguy.  May mà không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra bởi hàng đêm trực thăng Mỹ - ngụy luôn bay tuần tra, soi đèn theo dọc sông Sài Gòn để ngăn chặn sự thâm nhập của cán bộ, bộ đội cách mạng về với nhân dân hiện còn sống trong vùng địch tạm chiếm .
     Nhưng rồi, cái gì đến thì cũng đến. Một ngày của tháng 5 năm 1967 trên vùng đất xã Bình Mỹ A nơi đội văn công xung kích làm cơ sở để bám trụ hoạt động, một trận càn của quân Mỹ - ngụy đã diễn ra rất ác liệt. Nhưng trước sự chống trả kiên cường của quân và dân xã Bình Mỹ, trần càn đã kết thúc trong ngày. Tuy nhiên, trước khi rút quân, bọn chúng để lại một tốp lính nằm phục kích ven bờ ấp chiến lược Bình Mỹ A…
     Đến chiều cùng ngày khi nghe im tiếng súng thì đồng chí cán bộ xã nằm chung hầm bí mật với chị Điệp ( diễn viên múa đội văn công xung kích thuộc đoàn văn công giải phóng Miền Nam ) mở nắp hầm bí mật và chui lên. Thật chẳng may hầm bí mật nằm trong đội hình của tốp lính phục kích của địch và những tiếng súng nổ cùng với những tiếng gào thét inh ỏi của bọn lính và đồng chí cán bộ xã Bình Mỹ cùng chị Điệp đã nằm xuống mãi mãi ở đất Bình Mỹ - Củ Chi – Tp HCM.
     Chuyện kể chưa dừng lại ở đây, vì còn một câu chuyện cũng đầy nước mắt của gia đình và những đồng đội vào thời kỳ ấy của 48 năm về trước….
          Sau chuyến đi cơ sở, đem văn nghệ cách mạng đến với đồng bào với bộ đội ở Y4, đội văn nghệ xung kích đã hoàn thành nhiệm vụ sau mấy tháng trời bám trụ ở cơ sở để hoạt động .
        Đội xung kích lần lượt được bố trí trở về R.Trong chuyến đi do trạm giao liên dẫn đường về lại R, trong đoàn đi thì có nhạc sỹ Vĩnh Bảo, anh Chín Ảnh và tôi là 03 người ở tiểu ban văn nghệ R, cùng với một số cán bộ khác được đều động về R năm ấy.
      Riêng nhạc sĩ Vĩnh Bảo là cán bộ văn nghệ ở miền Bắc được chi viện cho Miền Nam ( ở tiểu ban văn nghệ TW Cục Miền Nam ). Anh là người sống giản dị, gần gũi với mọi người, anh luôn được bạn bè, đồng chí, đồng đội trong cơ quan quý mến.
     Ở đơn vị, tôi là đứa em nhỏ nhất trong cơ quan nên được anh Bảo thương nhiều và được nghe anh kể về những kỷ niệm trong những năm tháng anh học âm nhạc ở Liên Xô và cũng thường được nghe anh tâm sự về những mối tình còn dang dở của anh thời trai trẻ mà anh vẫn còn lưu luyến, nhớ nhung…. Với khẩu hiệu thời ấy : “ Tất cả vì Miền Nam ruột thịt – Tấc cả cho tiền tuyến ” anh đã tự nguyện vào Nam chiến đấu, đi xuống chiến trường Y4….
     Để rồi, mấy ngày đầu chuyến đi về R suôn sẻ nhưng đến ngày…. Sau khi leo lưng chừng đồi, giao liên cho đoàn dừng lại để ăn cơm trưa và sau đó sẽ tổ chức cho Đoàn vượt sông Sài Gòn tiếp tục đi về căn cứ của trạm giao liên (Bến sông có tên là bến “ Nha Thức ”).
      Trong lúc ăn cơm trưa, tôi thấy NS Vĩnh Bảo ăn rất khỏe và anh đã ăn hết phần cơm chiều của mình. Tôi hỏi: “ Sao anh không để dành chiều ăn? ” Anh Bảo trả lời “Chiến tranh mà cậu, lúc nào ăn được là cứ ăn để dành làm chi ”.
      Xa xa chúng tôi nghe tiếng vọng vang rền của bom B52, giao liên ra lệnh đi tiếp khoảng nữa giờ sau đoàn đi đến bến sông, mọi người cởi quần áo, súng đạn, ba lô và cho vào bọc nilon để chuẩn bị vượt sông….
     Xa xa, rồi lại nghe gần, rồi thật gần tiếng máy bay bà ( máy bay trinh sát L19 của địch )đang quần thảo ngay tại bến sông nơi đoàn chuẩn bị vượt qua.
     Trước tình hình trên, chỉ huy giao liên ra lệnh cho mọi người tìm hầm trú ẩn nằm rãi rác ở bờ sông vì lúc này máy bay trinh sát đã bắn pháo hiệu tại bến sông và tiếng máy bay F105 gầm rú trên đầu…
     Bom hanpal nổ đùng đùng, lửa khói mù mịt ở bên kia sông cách bờ bên này khoảng chừng bốn, năm chục mét. Tiếng rít rợn người khi lao xuống thả bom của F 105 nghe thật khủng khiếp, kế tiếp là những tiếng nổ vang trời, sáng cả một góc rừng, cây lá đổ ầm ầm trên đầu vì chúng dùng bom chụp.
     Sau một hồi quần thảo thả bom đến lượt chúng dùng súng máy bắn loạn xạ ở khu vực bến sông Nha Thức, anh em chúng tôi mỗi người mỗi kiểu, tung lên khỏi hố công sự và chạy ngược lên phía đỉnh đồi. Sau gần 30 phút, chúng tôi dừng lại điểm quân vì khi ấy máy bay địch đã đi xa…
     Anh em chúng tôi đi xuống bờ sông, vừa đi vừa kêu tên những người còn vắng mặt sau khi hợp quân trên đỉnh đồi….Và một cảnh tượng thật đau lòng khi chúng tôi phát hiện NS Vĩnh Bảo ngồi gục dưới công sự ngay bờ sông Sài Gòn, anh giao liên nắm vai lắc lắc thì NS Vĩnh Bảo đã hy sinh rồi ….Chúng tôi xúm lại kéo anh Bảo lên khỏi công sự thì phát hiện một vết thương xuyên thủng từ phía lưng lên phía trước bụng của anh Bảo, trông thật đau lòng.
     Lúc này đã xế chiều, trời bỗng dưng lại đỗ mưa, chắc ông trời cũng động lòng rơi lệ trước cái chết của người nhạc sỹ, người chiến sỹ cách mạng đã hy sinh vì dân, vì nước.
     Chúng tôi đặt anh Bảo trên tấm võng dù và lấy tấm nilon che lên thi thể anh ngay bờ công sự và đoàn vội vã qua sông để tiếp tục cuộc hành quân về căn cứ dưới trời mưa ngày càng nặng hạt…
      Sáng hôm sau , trạm giao liên tổ chức một nhóm cán bộ, chiến sỹ cùng với tôi và anh Chín Ảnh trở lại bến Nha Thức để chôn cất anh Bảo.
      Sau khi qua sông, mỗi người mỗi việc chúng tôi đã chôn cất anh Bảo nằm trên triền đồi  cặp sông Sài Gòn tại bến Nha Thức…
      Là người trong cuộc đã 48 rồi, tôi vẫn không thể nào quên giây phút của trận bom năm ấy, trận bom của F 105 của Mỹ ngụy đã cướp đi người anh, người đồng chí , người nhạc sỹ Việt Nam quê ở Hà Nội, người thầy mà tôi luôn kính trọng.
      Xin thắp cho anh, một nhạc sỹ, một người anh hung dân tộc Vĩnh Bảo một nén hương lòng của thằng em đã cùng anh và đồng đội chịu trận bom đạn năm ấy….
      Mong  rằng ở nơi xa kia, anh mãi an nghỉ giữa lòng đất Mẹ!

NS Trịnh Hùng

Theo Tạp chí Văn nghệ Long An 04/2015

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 10


Hôm nayHôm nay : 2932

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 75194

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10820417