Thứ ba 03/12/2024

NỘI DUNG CHÍNH

NGƯỜI MANG TRÁI TIM ÂM NHẠC

NGƯỜI MANG TRÁI TIM ÂM NHẠC

NGƯỜI MANG TRÁI TIM ÂM NHẠC

Một sáng chủ nhật, cô Kim Huê dẫn cả đoàn cựu giáo chức ở phường Khánh Hậu, TP.Tân An, và rủ tôi cùng đi thăm một nhân vật mà họ ái mộ. Tôi cứ nghĩ, nhân vật ấy là người VN đầu tiên đỗ Tiến sĩ khoa Âm nhạc học với đề tài “Âm nhạc truyền thống VN” năm 1958, tại Pháp; là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa họcVăn chương Nghệ thuật châu Âu, thành viên Hội đồng quốc tế âm nhạc UNESCO, cũng là người VN đầu tiên được ghi danh và tiểu sử vào quyển Đại từ điển âm nhạc thế giới, giáo sư của rất nhiều trường đại học trên các châu lục; đã dự gần 200 liên hoan âm nhạc trên khắp thế giới và nhận rất nhiều giải thưởng, huân, huy chương cao quý trên thế giới và trong nước…”Đồ sộ”quá! Làm sao gặp được? Ai ngờ cô Kim Huê mới bấm chuông, người quản gia đã mở cổng ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh, và mời đoàn gần 20 người của chúng tôi vào nhà.

Ngôi nhà màu vàng, tường treo những đàn tranh, đàn tì bà và bức trướng thư pháp chép các bài thơ của ông xướng họa với khách đồng điệu. Rồi con người“đồ sộ”ấy với thần thái ung dung, đĩnh đạc trên chiếc xe lăn do người quản gia đẩy đi. Ông cười hồn hậu chào và mời mọi người ngồi vào chiếc bàn dài ở giữa nhà. Rồi như dòng suối mát, ông đã chảy hết mình trong nguyên một buổi sáng với chúng tôi.

 

      Hơn 50 năm trước, khi còn ở nước Pháp, Giáo sư Trần Văn Khê đã cùng nhạc sư Vĩnh Bảo hệ thống toàn bộ điệu thức đờn ca tài tử(ĐCTT) Nam Bộ vào một đĩa tư liệu rồi gởi đăng ký với UNESCO về một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của VN(vừa rồi đã được UNESCO cấp bằng công nhận ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại).Ông nói, ở Pháp, cứ đến Tết dân tộc mình là giờ giao thừa ông lại mặc áo dài khăn đóng, nhắm hướng quê nhà ở phương đông xuất hành. Đi đúng 100 bước là ông trở về xông đất nhà mình và “khai đờn”. Mỗi cây đàn ông dạo một khúc hơi Xuân để ru mình vào hồn thiêng dân tộc. Rồi với chất giọng Nam Bộ đặc sệt, ông tự bạch:

 

    -Tôi sanh ra trong một gia đình có bốn đời nhạc sĩ. Cụ cố tôi là Trần Quang Thọ, nhạc công Triều đình Huế.Cụ nội tôi là Trần Quang Diệm, biết đờn kìm, đờn tranh và giỏi đờn tì bà theo phong cách Thần kinh. Cha tôi là Trần Quang Triều, nghệ nhơn đờn ca tài tử, chơi được nhiều loại đờn, ngón sở trường nhứt của ông là đờn độc huyền(đàn bầu), đờn kìm(đàn nguyệt). Với cây đờn độc huyền, cha tôi còn chế ra cách lên dây mà ông gọi là dây Tố Lan, thuộc hò nhì, lấy chữ xự làm hò mà dây Tồn cao bằng giọng trầm, thường dùng để đờn các bản Văn Thiên Tường, Tứ đại oán. Cô Ba tôi là Trần Ngọc Viện, trước dạy nữ công tại trường Áo Tím, năm 1926, vì để tang cụ Phan Châu Trinh mà bị sa thải. Cô về quê lập gánh hát Đồng Nữ ban- diễn viên toàn con gái- hát gây quỹ ủng hộ cách mạng. Cô giỏi đờn tranh và đã truyền ngón đờn này cho tôi. Bên ngoại tôi, cụ cố Nguyễn Tri Phương, Khâm sai Kinh lược, tuyệt thực tử tiết khi Pháp chiếm đại đồn Kỳ Hòa. Cụ ngoại tôi-Nguyễn Tri Túc, sinh thời nuôi rất nhiều nhạcsĩ ĐCTT ở vùng Cần Đước, Long An. Cụ có hai người con là Nguyễn Tri Lạc và Nguyễn Tri Khương, cậu ruột tôi, đều rất giỏi nhạc lể và đờn ca tài tử, dạy tôi từ nhỏ đã biết đánh trống hát bội và trống nhạc lễ…

 

      Được “thai giáo”bằng lời ru tiếng hát của mẹ và những điệu đàn, điệu sáo của cậu, rồi vừa lọt lòng mẹ đã tiếp nhận một thế giới âm nhạc của bên nội và bên ngoại cùng đàn hát chào mừng. Vừa lên 10, ông và 2 em đã mồ côi cha lẫn mẹ. Bà con nội - ngoại chung sức nhau nuôi đàn cháu mồ côi ăn học và trưởng thành.

 

      Năm 20 tuổi, đang học Y khoa Hà Nội, chàng sinh viên Trần Văn Khê đã cùng các bạn Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng cất tiếng hát“Lúc quê hương cần người/ Dứt là tơ vương/ Giã trường lên yên…”- xếp bút nghiên lên yên xe đạp trong lúc bọn giặc Pháp, Nhật cướp hết lúa gạo làm cho đồng bào miền Bắc phải chết đói. Họ đạp xe xuyên Việt, lấy lời ca tiếng hát vận động đồng bào cứu đói.Về đến Sài Gòn, họ lập gánh hát lưu động đi khắp miền Tây hát các bài ca của Lưu Hữu Phước tuyên truyền cho phong trào“Thanh niên Tiền phong”và quyên góp tiền mua gạo gởi ra cứu đói đồng bào miền Bắc. Họ lập nhóm“Huỳnh Mai Lưu”(Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước)để thổi bùng ngọn lửa Cách mạng tháng Tám bằng lời ca tiếng hát. Cách mạng tháng Tám vừa thành công, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Huỳnh Văn Tiểng đã ký bổ nhiệm Trần Văn Khê làm Nhạc trưởng Cộng hòa vệ binh. Sau khi đưa vợ con tản cư về Vĩnh Long để mình rảnh tay“theo việc binh đao”bằng điệu đàn, tiếng hát, Trần Văn Khê cùng Lưu Hữu Phước đặt ra các điệu kèn ta cho quân đội để thay các điệu kèn Tây. Rồi Lưu Hữu Phước đi làm thuốc súng, chế lựu đạn với Nguyễn Mỹ Ca tại Hỏa Lựu (Rạch Giá) để đánh giặc. Trần Văn Khê tiếp tục đi khắp miền Tây Nam bộ xây dựng các đội quân nhạc, phổ biến nhạc ta thay nhạc Tây, mở các buổi ca nhạc vận động toàn dân, toàn diện kháng chiến và quyên góp tiền mua sắm thuốc men, dụng cụ cho các đơn vị quân y. Sau đó, Trần Văn Khê về hoạt động nội thành với kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Mai Văn Bộ. Trần Văn Khê được phân công viết cho các tờ báo tiến bộ Thần Chung, Việt Báo, Sông Hương, Mai …Năm 1948, nhóm kháng chiến tại thành bị lộ, Trần Văn Khê bị bắt giam khám Catinat cùng giáo sư Nguyễn Văn Hiếu(sau này là Bộ trưởng Văn hóa). Ra tù, thấy mình không có khiếu cầm súng giết giặc, mà chỉ có thể phụng sự Tổ quốc bằng âm nhạc, Trần Văn Khê liền lên đường sang Pháp, bắt đầu chặng đường dài công phu học tập, nghiên cứu âm nhạc dân tộc, tạo nên một sự nghiệp đồ sộ hằn dấu ấn âm nhạc truyền thốngVN tỏa sáng trên trường quốc tế.

 

     Nhiều người nói ông là “ông già có sức hấp dẫn”. Không là đoàn nghiên cứu sinh để làm luận án Tiến sĩ hay nhà nghiên cứu âm nhạc, hay những học trò đến thọ giáo, chúng tôi vẫn được ông đưa vào thế giới âm nhạc đầy mê hoặc của ông. Nào âm nhạc thế giới, âm nhạc truyền thống VN…Ông còn ngâm thơ và minh họa bằng miệng các loại nhạc cụ cổ và làn điệu dân ca ba miền, đặc biệt là các điệu thức ĐCT. Bất chợt ông cười, gật gù: “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn. Tôi rất thích câu thơ đó của Nguyễn Duy”. Từ khi chiếc lá đời ông rụng về cội, ông hạnh phúc nhất là được sống trong chiếc nôi dân tộc, nói tiếng nói mẹ đẻ. Tuy đi lại phải có xe lăn, song ông vẫn dạy nhạc cho một số trường đại học và cả tiểu học ở TP.Hồ Chí Minh. Có người cắc cớ hỏi ông:“Nếu mổ trái tim Trần Văn Khê ra thì sẽ thấy gì?”.Ông cười hóm hỉnh:“Chắc chỉ có hai chữ Âm nhạc”.

 

     Thật đúng là con người mang trái tim Âm nhạc có khác!

 

Quang Hảo

Theo TC VNLA Xuân 2014

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 19

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 16


Hôm nayHôm nay : 1414

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 14688

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10759911