Thứ năm 12/09/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Theo dấu chân Võ Văn Kiệt

      Trải qua cuộc đời làm cách mạng với nhiều cương vị khác nhau, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại những thành quả to lớn cho đất nước, cho nhân dân. Với miền Tây Nam bộ, nơi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh ra và trưởng thành trong đấu tranh cách mạng, ông cũng để lại nhiều dấu ấn, góp phần đưa vùng đất “Chín Rồng” vượt qua đói nghèo, “bay” lên cùng cả nước. Dấu chân ông đã in đậm trên khắp đồng bằng và nơi nào cũng để lại tình cảm sâu đậm và lòng biết ơn sâu sắc.

Một lần về thăm huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, tôi thật sự ngạc nhiên khi biết rằng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, đã có thời gian làm Bí thư Huyện ủy Hồng Dân lúc ông mới 24 tuổi. Khi ấy huyện này có tên  Phước Long. Vì quá cảm phục người tiền nhiệm của mình là đồng chí Trần Hồng Dân đã hi sinh anh dũng trong một trận đánh không cân sức với quân Pháp, Bí thư Huyện ủy Võ Văn Kiệt đã đề nghị đổi tên Phước Long thành huyện Hồng Dân nhằm thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng từ tấm gương của người bí thư huyện anh hùng. Dù thời gian làm bí thư huyện Hồng Dân chỉ kéo dài vài năm (1946 – 1947), nhưng những đóng góp và tình cảm của ông Sáu Dân (bí danh của ông Võ Văn Kiệt) với vùng đất này còn in đậm mãi về sau. Đây là vùng đất vốn không thể canh tác lúa được, người dân rất nghèo. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, theo chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tỉnh Minh Hải đã thực hiện ngọt hóa quản lộ Phụng Hiệp, ngăn mặn giữ ngọt, xẻ kênh, rửa phèn cho “cánh đồng chó ngáp”, kết nối với chương trình ngọt hóa Bán đảo Cà Mau, đã làm thay đổi cơ bản vùng đất này.
       Ghé thăm Nhà Truyền thống của huyện Hồng Dân, tôi thật sự xúc động khi nghe người thuyết minh giới thiệu một kỷ vật thể hiện tình cảm sâu đậm của ông Võ Văn Kiệt với người dân nơi đây. Trong một lần đi công tác ở Nhật Bản, Thủ tướng Võ Văn Kiệt được chủ nhà tặng một máy siêu âm xách tay hiện đại để phục vụ thăm khám sức khỏe cho cá nhân Thủ tướng. Về nước, ông Sáu Dân đã tặng chiếc máy cho huyện Hồng Dân giúp bao người dân nghèo trị bệnh không phải mất tiền và cũng không phải mất công đi xa ra tận TP.Bạc Liêu hay TP.HCM điều trị bệnh như trước. Chiếc máy quý hiếm mang tên “Ông Sáu Dân” đã nhiều năm hoạt động hết công suất, cứu chữa bao người, sau khi hết hạn sử dụng đã được bảo quản và trưng bày tại Nhà Truyền thống huyện Hồng Dân như một di vật vô giá thể hiện tấm lòng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với quê hương thứ hai của mình.
        Tại nhà của ông Nguyễn Văn Chung (Hai Chung) ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang hiện vẫn còn lưu giữ bộ ván gỗ ông Võ Văn Kiệt lúc làm Phó Thủ tướng đã nằm ngủ. Chuyện bắt đầu từ cuối những năm 1970, khi rầy nâu liên tục phá hoại mùa màng ở Tiền Giang và các tỉnh miền Tây, đời sống người nông dân khốn khó vì mất mùa. Từ mấy hạt lúa giống kháng rầy được Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân tăng, ông Hai Chung đã trồng thử nghiệm và nhân giống trên 3 hecta ruộng nhà. Trong vòng 3 năm sau đó, ông đã sản xuất được hơn 60 tấn lúa giống kháng rầy và tình nguyện biếu không cho nông dân trong vùng, góp phần đẩy lùi nạn rầy nâu phá lúa. Bí thư Thành ủy TP.HCM lúc đó là ông Võ Văn Kiệt rất thú vị về chuyện nhân lúa giống của ông Hai Chung được dựng phim tài liệu phát trên Đài Truyền hình thành phố và ông đã đích thân tìm đến Chợ Gạo thăm “vua lúa giống”. Tại đây, ông Sáu Dân đã ra tận ruộng, xắn quần lội xuống ruộng sâu để xem cách ông Hai Chung nhân giống lúa và xem những người nông dân cấy lúa theo phương pháp mới. Sau đó ông Kiệt đã mời ông Hai Chung về thành phố hướng dẫn nông dân ngoại thành trồng lúa theo cách tiên tiến. Ông Sáu Dân đã “trả công” cho ông Hai Chung bằng 2 con heo giống quý của nước Pháp tặng ngành nông nghiệp thành phố.
       Từ 2 con heo giống ấy, ông Hai Chung đã lập trang trại nuôi heo và nâng dần đàn heo lên hàng ngàn con, trở thành trang trại heo tư nhân lớn nhất miền Tây Nam bộ, mỗi năm cung cấp hàng ngàn heo giống cho cả vùng. Khi đã ra nhận công tác ở Hà Nội, trong một lần đi công tác ngang Tiền Giang, ông Sáu Dân đã ghé thăm và ngủ lại nhà ông Hai Chung. Ông Kiệt rất vui khi tận mắt chứng kiến trang trại nuôi heo bề thế, hiện đại của ông Hai Chung xuất phát từ 2 con heo giống ban đầu được ông gửi tặng. Ông Sáu Dân và ông Hai Chung đã thức đến tận khuya để trao đổi về kinh nghiệm trồng lúa, nuôi heo theo hướng hiện đại, an toàn, giúp người nông dân thoát nghèo, trở nên khá giả trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
       Lần ấy, sau khi rời khỏi nhà ông Hai Chung, ông Sáu Dân đã vào thăm, khảo sát vùng Đồng Tháp Mười thuộc ba tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp. Vùng đất rộng lớn từng được gọi là “cánh đồng hoang” này đã không biết bao nhiêu lần đón ông Sáu Dân về cùng chính quyền và người dân nơi đây viết tiếp câu chuyện huyền thoại cho vùng đất. Trước năm 1975, vùng đất rộng hơn nửa triệu hecta này còn hoang sơ, thường xuyên ngập sâu trong nước lũ, nên được gọi là “cánh đồng hoang”. Vùng Đồng Tháp Mười có lẽ sẽ còn tiếp tục là “cánh đồng hoang” nếu ông Võ Văn Kiệt không quyết liệt cho triển khai các dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp cho cả vùng; bàn biện pháp “đánh thức” vùng đất hoang; thực hiện chương trình chinh phục vùng Đồng Tháp Mười. Bà con vùng Đồng Tháp Mười vẫn còn nhớ như in hình ảnh Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường xuyên về đây chỉ đạo thực hiện chương trình khai hoang vùng đất. Năm 1984, tuyến kênh Trung Ương hoàn thành dẫn nguồn nước ngọt từ sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười về sông Vàm Cỏ Tây để rửa phèn cho cả vùng. Rồi hàng trăm, hàng ngàn kênh mương lớn nhỏ khác tiếp tục được các địa phương đào để rửa phèn, cải tạo đất… “Cánh đồng hoang” Đồng Tháp Mười từng bước biến thành cánh đồng lúa trĩu hạt, góp phần vào việc cung cấp lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Để ghi nhớ những đóng góp của ông Sáu Dân với vùng đất Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã đặt tên Võ Văn Kiệt cho con đường dài hơn ba mươi cây số xuyên Đồng Tháp Mười từ bờ sông Tiền thuộc huyện Thanh Bình đến huyện Tân Hồng giáp ranh với tỉnh Long An.
      Nếu như ở Đồng Tháp Mười có con đường dài rộng mang tên Võ Văn Kiệt thì ở vùng Tứ giác Long Xuyên (thuộc 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ) cũng có con kênh rộng dài mang tên Võ Văn Kiệt để ghi nhớ công lao ông Sáu Dân với công cuộc đánh thức vùng đất này. Tứ giác Long Xuyên rộng khoảng nửa triệu hecta, là vùng đất trũng, được ví như "túi phèn" của đồng bằng, cuộc sống người dân bao đời nghèo khổ. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khởi xướng dự án khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên với hệ thống kênh T4, T5 và T6 tháo chua rửa phèn, thoát lũ ra biển Tây, làm cho vùng đất hồi sinh, trở thành một trong 2 vùng trọng điểm sản xuất lúa của miền Tây. Trong hệ thống kênh nói trên, kênh T5 là bề thế và quan trọng nhất giúp cải tạo vùng đất chết. Con kênh dài gần 40 cây số này đã được các địa phương vùng Tứ giác Long Xuyên chọn để đặt tên Võ Văn Kiệt, đồng thời xây dựng công viên tượng đài và đặt bia tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngay đầu tuyến kênh tại xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bên dưới tượng đài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là tấm bia ghi dòng chữ: “Người nhớ đất để sống. Đất nhớ người có tên. Người nhớ người dẫn lối. Uống nước nhớ nguồn là đạo lý của ông cha ta... Ông đã ghi dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam bộ. Người dân gọi đó là dấu ấn Võ Văn Kiệt. Kinh Võ Văn Kiệt nối tiếp kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc".
       Trong ký ức của người dân hai bên đầu cầu Mỹ Thuận thuộc huyện xã An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) và xã Tân Hòa (TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) vẫn còn in đậm hình ảnh ông Sáu Dân xuống xe từ bên ngoài công trình để đi bộ vào thăm dự án cầu Mỹ Thuận đang vươn dài ra giữa sông. Tháng 5/2000, dù đã nghỉ hưu, không còn là Thủ tướng, nhưng ông Sáu Dân vẫn được mời lên vị trí trang trọng nhất trong lễ thông xe cầu Mỹ Thuận, tạo bước ngoặt đột phá về hạ tầng giao thông cho miền Tây Nam bộ. Nhiều người vẫn còn lưu giữ tấm hình ông Sáu Dân cười vui rạng rỡ giữa những người dân các tỉnh vùng Tây Nam bộ đến xem công trình cầu Mỹ Thuận đông vui như ngày hội. Sau cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ cũng đã được bắc trên Quốc lộ 1 nối đôi bờ sông Hậu. Ngày nay từ TP.Cần Thơ về Cà Mau, hầu hết các phương tiện đều chọn cách đi trên con đường Quản Lộ - Phụng Hiệp vì đường ngắn hơn nhiều so với đi trên Quốc lộ 1, mặt đường cũng mới nâng cấp phẳng phiu, xe chạy rất êm. Người dân các huyện Phước Long, Hồng Dân,… của tỉnh Bạc Liêu cũng chọn đi trên con đường này vì những tiện lợi ấy. Vào thời ông Sáu Dân làm Thủ tướng, từ Cần Thơ về Cà Mau chỉ có con đường độc đạo Quốc lộ 1 vừa hẹp vừa xấu. Chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khởi xướng dự án về một tuyến đường song song với Quốc lộ 1 về tận Cà Mau và được những người kế nhiệm ông hiện thực hóa một cách tốt đẹp. Đường Quản Lộ – Phụng Hiệp dài gần 120km chạy qua bốn tỉnh Hậu GiangSóc TrăngBạc Liêu và Cà Mau, bắt đầu tại TP.Ngã Bảy và điểm cuối là TP.Cà Mau đã giúp phá thế độc đạo của Quốc lộ 1 và rút ngắn được hơn 40 cây số từ Cần Thơ đi Cà Mau. Không chỉ giúp việc đi lại thuận lợi hơn nhiều so với trước, tuyến đường còn thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nơi con đường chạy qua, trong đó có huyện Hồng Dân nơi ông Sáu Dân từng là Bí thư Huyện ủy và tỉnh Bạc Liêu nơi ông có mấy năm làm lãnh đạo.
        Mỗi lần có dịp đến TP.Cần Thơ, tôi thích đi trên con đường mang tên Võ Văn Kiệt dẫn từ sân bay Cần Thơ vào trung tâm thành phố. Tôi thích con đường vì nó rộng và đẹp, ở chính giữa (dải phân cách) và hai bên đường trồng nhiều hoa, nhà cửa 2 bên được xây dựng khang trang đẹp mắt. Tôi thích con đường còn bởi nó mang tên một người mà tôi rất ngưỡng mộ, người đã có nhiều công lao giúp phát triển vùng Tây Nam bộ nói chung và TP.Cần Thơ nói riêng. Chính quyền và người dân TP.Cần Thơ thật có lý khi chọn đặt tên Võ Văn Kiệt cho con đường đẹp nhất thành phố nhằm tỏ lòng biết ơn ông Sáu Dân từng rất quan tâm đến sự phát triển hạ tầng giao thông của thành phố. Không chỉ trên bộ, ông Sáu Dân đã nhiều lần đi xuồng máy trên sông Hậu và trên kênh Quan Chánh Bố để tìm cách khơi thông giao thương đường thủy từ Cần Thơ ra biển lớn. Kết quả là công trình cải tạo kênh Quan Chánh Bố giúp tàu trọng tải lớn vào được Cảng Trà Nóc của TP.Cần Thơ và tạo tiền đề cho sự ra đời Cảng Cái Cui sau này, giúp hàng hóa ở Cần Thơ và toàn vùng Tây Nam bộ lưu thông nội địa và xuất khẩu một cách thuận lợi hơn nhiều so với trước...
       Tháng 6/2008, trái tim lớn Võ Văn Kiệt đã ngừng đập! Cùng với cả nước, người dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long rưng rưng nước mắt tiễn đưa người con tiêu biểu của quê hương về nơi an nghỉ sau cùng. Ông đã làm quá nhiều việc ích nước lợi dân, người dân Vũng Liêm đã thay mặt nhân dân cả nước làm khu tưởng niệm để ghi nhớ công lao của ông. Năm 2012, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại huyện Vũng Liêm hoàn thành, trở thành điểm đến yêu thích của du khách và người dân trong và ngoài địa phương. Từ lúc có Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thanh thiếu niên trong vùng có điểm đến học tập truyền thống, tưởng nhớ, học hỏi tấm gương đạo đức của tiền nhân. Trẻ em cũng được cha mẹ dẫn đến vui chơi ngày nghỉ cuối tuần. Những người lớn tuổi thì viếng Khu lưu niệm Thủ tướng, rồi uống trà, kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng… Các đôi uyên ương cũng hay đến đây chụp ảnh cưới vì trong khu lưu niệm phong cảnh rất đẹp, hữu tình. Đây cũng là nơi cho các cụ già, cháu thiếu niên và các tầng lới nhân mỗi sáng tập thể dục, chơi thể thao...
      Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn mong muốn làm được nhiều việc để đất nước phát triển, để người dân cả nước được sống yên vui, hạnh phúc. Nay Thủ tướng đã đi xa, hẳn lòng ông đã thanh thản khi quê hương Vũng Liêm của ông đang cùng cả nước phát triển từng ngày; các thế hệ đi sau ngày càng giỏi giang, tiến bộ, khuôn mặt luôn tự tin, rạng ngời mỗi khi họ vào viếng khu lưu niệm mang tên ông! Theo dấu chân Võ Văn Kiệt, các thế hệ tiếp nối ở đồng bằng đang ngày đêm ra sức thực hiện ước mơ còn dang dở của ông – đưa vùng đất hào phóng, nghĩa tình, thủy chung, giàu tiềm năng này phát triển giàu đẹp, đi lên thịnh vượng!

Bửu Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 35

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 34


Hôm nayHôm nay : 2776

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 108917

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10333003