Thứ năm - 05/10/2023 09:51
ĐỒNG THÁP MƯỜI HUYỀN THOẠI
Cách đây 75 năm, chiến thắng trận Mộc Hóa lẫy lừng đi vào điện ảnh, thơ nhạc - bản anh hùng ca của “Nam Bộ thành đồng, đi trước về sau” đi vào lịch sử như là một trong những điểm son chói lọi trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, càng làm giàu thêm chất huyền thoại của vùng đất bưng biền này.
1. Bề dày lịch sử - văn hóa đất bưng biền
Dù đã sáng rõ hơn nhưng không biết có phải là ngọn tháp canh thứ 10 của Thiên Hộ Dương dựng lên để canh phòng chống giặc Pháp (1864-1866)hay ngọn tháp thứ 10 sau 9 tháp khác của văn hóa Khmerhay là phế tích của công trình có 10 bậc thang (kiểu như tam cấp) mà lưu dân người Việt đã gặp trên bước đường khẩn hoang? Chỉ biết rằng tên gọi Đồng Tháp Mười đã có từ trước và được sử dụng phổ biến từ khi Võ Duy Dương kháng chiến ở đây, rồi người Pháp sử dụng chính thức trên Công báo Nam Kỳ thuộc Pháp, ngày 17/4/1866.
Khảo cổ học khẳng định rằng nơi đây từng là địa bàn của một nền văn minh Óc Eo một thời rực rỡ,rồi lụi tàn trong lòng châu thổ thấp và từ đó trải qua giấc ngủ dài trong sự hoang vắng không bóng người hàng nhiều thế kỷ mà Châu Đạt Quan, sứ thần Trung Hoa trong Chân Lạp phong thổ ký, thế kỷ XIII, rồi Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, thế kỷ XVI đã ghi lại điều đó, để rồi ông cha ta đến đây trong dòng chảy Nam tiến, mà Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí cho biết là đến thời Gia Định phủ (1698-1802) đã có người buôn bán qua Rạch Chanh, một ít làm ruộng kiểu “đao canh hỏa nậu” ở Bát Đông, giao dịch thổ sản ở bờ sông Bát Chiêng (Kiến Tường).
Từ Bắc Chiêng - mà có người cho rằng là được nói trại từ từ ngữ Khmer, rồi đến Mộc Hóa xuất hiện chính thức trên Công báo Nam Kỳ thuộc Pháp với tư cách là một đơn vị cấp tổng vào năm 1867, thuần Việt hơn nhưng cũng chưa có lời giải thích thỏa đáng.
Ngay từ cuộc chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh, đây từng là nơi tụ nghĩa đảng Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn. Vị trí chiến lược tiền tiêu của Mộc Hóa nên triều Nguyễn lập thủ sở Tuyên Oai ở đây để trấn giữ biên giới. Thiên hộ Dương - Đốc binh Kiều lập căn cứ chống Pháp ở Đồng Tháp Mười, cho xây đồn Tuyên Oai ở Gò Bắc Chiêng (chợ Kiến Tường ngày nay), đồn tả (ở Tân Thạnh) gây cho người Pháp tổn thất nặng nề, không những làm cho Mộc Hóa - Đồng Tháp Mười hội nhập trọn vẹn hơn vào dòng chảy lịch sử dân tộc mà còn là kinh nghiệm đầu tiên về xây dựng căn cứ địa kháng chiến trên vùng đất bưng biền.
Đây là nơi ẩn dật đợi thời cơ của lực lượng cách mạng Tân An, Chợ Lớn, Gia Định sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (11-1940), lập ra căn cứ Mớp Xanh - Bo Bo làm tiền đề cho khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945.
Khẩu thần công ở tiền sảnh Bảo tàng Long An được đưa về từ Đồng Tháp Mười mà các chiến sĩ Chi đội 14 gọi là “Cà nông Minh Mạng” gợi nhớ một thời hào hùng “nóp với giáo, mang ngang vai” “đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” bằng trận đánh đầu tiên mở màn 9 năm kháng chiến chống Pháp trên vùng Đồng Tháp Mười anh dũng ngày 16/5/1946 ở Cả Nổ (Mộc Hóa), làm cho Đồng Tháp Mười trở nên đầy chất bi hùng, bởi đánh giặc trong thời hiện đại bằng súng thần công có lẽ chỉ có ở vùng đất này và có lẽ cũng là tiếng súng cuối cùng của những khẩu thần công lịch sử ở nước ta.
Cho đến trướcchiến thắng trận Mộc Hóa (18/8/1948), Mộc Hóa từng là căn cứ địa đầu tiên của các cơ quan Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Tổng hành dinh Khu 7 và các đơn vị bộ đội, đóng ở vùng Bắc Chan (nay thuộc xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường), trước khi rút về khu vực kinh Dương Văn Dương (7/1946) - thủ đô kháng chiến lừng danh của Nam Bộ thành đồng:
“Ai về thăm bưng biền Đồng Tháp
Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp”
(Tố Hữu, Ta đi tới, Tập thơ Việt Bắc, 1954)
2. Đi vào thơ nhạc và khơi nguồn cho điện ảnh cách mạng
Hiện thực phong phú, giàu chất anh hùng cách mạng của vùng đất Đồng Tháp Mười là hấp lực kỳ lạ đối với văn nghệ sĩ cách mạng mà bài thơ Cửu Long Giang của Nguyễn Bính (1918 - 1966) đăng lần đầu tiên trên báo Tổ quốc của Khu 8 vào năm 1950 đã nhắc đến chiến công trận Mộc Hóa của Tiểu đoàn 307. Rồi nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí (1917 - 1980) phổ nhạc mang tên Tiểu đoàn 307 và được giới thiệu trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Nam Bộ vào đêm 01/10/1950. Và khi giọng ca của NSND Quốc Hương - người được cho là tựa như một lựa chọn định mệnh, ngân lên đầy chất hùng tráng, hào khí lạc quan với cả niềm xúc động và tự hào trên Đài Tiếng nói Việt Nam sau năm 1954, thì sự lan tỏa và sức lay động của Tiểu đoàn 307 càng thêm mạnh mẽ rộng rãi trong cả nước, nhất là bộ đội, dân quân, quần chúng cách mạng, góp phần thôi thúc thanh niên ra trận.
Tiểu đoàn 307 được Giải thưởng âm nhạc văn nghệ Cửu Long năm 1952, đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam, trở thành ca khúc cách mạng có sức sống mãnh liệt đi cùng năm tháng. Từ bài thơ đến bài hát là một bản hùng ca chiến đấu, mang khí phách dân tộc, mang hồn thiêng sông núi, ngợi ca tinh thần hy sinh cao cả của các chiến sĩ, truyền thống anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, quân dân Mộc Hóa - Đồng Tháp Mười, Long An - Khu 8 nói riêng, dù rất đỗi quen thuộc nhưng mỗi khi vang lên luôn lay động lòng người bởi tính tráng ca như một hồi kèn xung trận, vẫn thôi thúc giục giã quân dân ta trong suốt 75 năm qua, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang
..................................................................
Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa vang tiếng đồn với trận La Bang
Ngày 16/10/1947, Tổ Nhiếp ảnh Vệ Quốc đoàn Khu 8 được thành lập tại Trại Lòn, xã Nhơn Ninh (nay thuộc huyện Tân Thạnh), rồi phát triển thêm bộ phận điện ảnh với những cán bộ đầu tiên là Khương Mễ, Mai Lộc, Lê Hưng, Vũ Sơn ... mang tên Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh, đã ghi hình trực tiếp làm nên những thước phim quí giá trận Mộc Hóa để chúng ta hôm nay được xem những hình ảnh chân thật và đầy sinh động về trận đánh lịch sử này.
Sống trong thời đại ngày nay thật khó có thể hình dung thế hệ ông cha ta ở Đồng Tháp Mười làm điện ảnh cách mạng đã phải khắc phục khó khăn như thế nào không có phòng lạnh nên nảy sinh sáng kiến đóng một cái hộp bằng gỗ đựng chậu thuốc và guồng quấn phim, rồi ướp nước đá xung quanh để hạ nhiệt độ xuống 180C (tiêu chuẩn để đảm bảo phim không chảy, hình ảnh mịn màng); dùng ghe để cơ động tránh địch, vừa làm buồng tối, vừa đưa dụng cụ tráng phim ra vùng địch hậu để lấy nước ngọt; cải tạo máy ciné Kodak box thành máy in phim hoàn chỉnh để chiếu... Và còn rất nhiều những câu chuyện về những khó khăn gian khổ như thế nhưng nhiệt huyết cách mạng đã vượt lên tất cả để bộ phim Trận Mộc Hóa ra đời và công chiếu ra mắt nhân dân xem vào đêm 24/12/1948, tại Câu lạc bộ quân nhân Khu 8 bên bờ kinh Dương Văn Dương (nay thuộc xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) theo chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn. Chiều hôm ấy, hàng ngàn chiếc xuồng bơi tất tả như bay trên các dòng kênh đến điểm chiếu bóng, người xem chen kín một quãng dài trên dòng kinh lịch sử này, đến mức người đứng ngoài xé vách để xem cho thỏa mãn khi lần đầu tiên được xem bộ phim. Sự kiện này làm xôn xao đến tận thành phố Sài Gòn: “Giữa Đồng Tháp Mười nước mặn, đồng chua, Việt Minh làm được phim thì không có cái gì họ không làm được”.
Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, từ khi ông cha ta đến vùng đất này trong dòng chảy Nam tiến cho đến khi Mộc Hóa - Kiến Tường trở thành những đơn vị hành chính miền biên viễn thiêng liêng của Tổ quốc, là một tiến trình kết tinh của mồ hôi, xương máu, trí tuệ của nhiều thế hệ tiền nhân. Các thế hệ nơi đây hoàn toàn có thể vinh dự và tự hào khi sống trên mảnh đất có một bề dày lịch sử, từng xuất hiện con người hàng nghìn năm trước, trải qua nền văn minh Óc Eo rực rỡ, tạo lập cơ đồ trong thời đại Hồ Chí Minh, và sẽ vĩnh viễn sống trong lịch sử dân tộc không chỉ vì quá khứ mà còn tự khẳng định đúng là kẻ kế thừa tinh anh của quá khứ từ hôm nay.
Ảnh: Dâng hương dịp kỷ niệm 75 năm chiến thắng trận Mộc Hóa.
Nguyễn Tấn Quốc