Thứ bảy 27/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG VIỆC VẬN DỤNG “ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM” VÀO THỰC TIỄN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CỦA TỈNH LONG AN

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng vào tháng 2 năm 1943. Đây là văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa. 80 năm trôi qua, nhưng những giá trị cốt lõi của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vẫn giữ nguyên sức sống và tiếp tục giữ vai trò định hướng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.
Năm 1943, trước yêu cầu của tình hình cách mạng trong nước, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo “Đề cương về văn hóa Việt Nam” và Đề cương này được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương, họp từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 2 năm 1943. Tuy được soạn thảo ở dạng đề cương và trong hoàn cảnh Đảng ta hoạt động bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện tiếp cận và nghiên cứu sâu sắc các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam, nhưng “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã chỉ ra được những vấn đề cơ bản của cách mạng văn hóa Việt Nam, thể hiện tầm nhìn, tư duy lý luận, khả năng đúc kết thực tiễn và sự quan tâm của Đảng ta đối với văn hóa. “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa và coi văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa); phân tích rõ mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế và chính trị; đồng thời chỉ ra ba nguyên tắc cơ bản của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam trong giai đoạn này là: Dân tộc hoá (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hoá Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hoá (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hoá phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); Khoa học hoá (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hoá trái khoa học, phản tiến bộ).
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn và ý nghĩa lịch sử sâu sắc, là bản tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng; là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, định hướng tư tưởng, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Ðảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, tiến lên xây dựng chế độ mới, nền văn hóa mới. Sự ra đời của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng Việt Nam; trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân ta, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ tích cực tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa đất nước ngày càng phát triển trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những quan điểm cốt lõi của Đề cương đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, nhất là quan điểm về vai trò của con người trong xây dựng văn hóa; về mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế và chính trị; về ba nguyên tắc: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa”. Trong suốt 80 năm qua, trên cơ sở những quan điểm cốt lõi của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, qua từng giai đoạn lịch sử, Đảng ta đã vận dụng, kế thừa, bổ sung, phát triển các giá trị cốt lõi ấy để từng bước hoàn thiện đường lối văn hóa của Đảng.
Quán triệt những nội dung cốt lõi của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” và các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Long An tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển văn hóa. Ngay từ những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ tỉnh Long An vừa tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, vừa chú trọng việc xây dựng đời sống văn hóa. Nhiều văn bản chỉ đạo về văn hóa được ban hành trên cơ sở cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương vào tình hình thực tế địa phương, thể hiện nhận thức đúng đắn của cấp ủy về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa và sự cấp thiết phải phát triển văn hóa bên cạnh việc phát triển kinh tế. Trong những năm tiếp theo, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa sát với tình hình thực tế địa phương, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 23-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận khác về văn hóa và Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đây là các nghị quyết tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng về vai trò quan trọng của văn hóa bên cạnh việc phát triển kinh tế và xây dựng Đảng; trong đó đặc biệt nhấn mạnh vị trí trung tâm, vai trò quyết định của yếu tố con người trong xây dựng và phát triển văn hóa.
Đến năm 2023, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 4/1/2023 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; xây dựng và triển khai chuyên đề năm 2023 của tỉnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Long An”. Nghị quyết số 51-NQ/TU được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và những kết quả đạt được, hạn chế, khuyết điểm sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Nghị quyết số 51-NQ/TU tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa, mối quan hệ của văn hóa với kinh tế và chính trị; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Đó là sự kế thừa, vận dụng những nội dung cốt lõi của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vào thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An.
Chính nhờ vận dụng linh hoạt, cụ thể hóa kịp thời những nội dung cốt lõi “Đề cương về văn hóa Việt Nam” và các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, tỉnh Long An đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trên lĩnh vực này. Việc xây dựng con người và môi trường văn hóa trong chính trị, kinh tế và các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được chú trọng. Các hoạt động văn hoá - văn nghệ của tỉnh ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, sáng tạo thêm nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng nhân cách và đạo đức, lối sống trong nhân dân. Những kết quả đó đã tạo nền tảng tinh thần vững chắc, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị- xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm qua ổn định; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội ngày càng hoàn thiện, an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ nhằm tiếp tục vận dụng, cụ thể hóa “Đề cương về văn hóa Việt Nam” và các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, đó là phải xây dựng con người phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế và chính trị; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự tham gia của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực cho xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế./.

Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 39

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 37


Hôm nayHôm nay : 5207

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 269521

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8727622