Thứ sáu 26/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Có một trận “Điện Biên Phủ” bên sông Vàm Cỏ Tây

Những tháng đầu năm 1954, quân và dân cả nước hướng về Điện Biên Phủ, chia lửa cùng Điện Biên Phủ. Trong những ngày này, bên bờ sông Vàm Cỏ Tây đã diễn ra một trận đánh lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Long An: trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố. Chiến thắng Miễu Bà Cố đã góp phần làm phá sản kế hoạch của Pháp muốn bình ổn miền Nam, buộc chúng phải phân tán lực lượng, không thể dồn lực lượng ra miến Bắc, góp phần hỗ trợ cho chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Trận “Điện Biên Phủ” bên sông Vàm Cỏ Tây cũng có một Phan Đình Giót, tuy anh không hi sinh thân mình để lấp lỗ châu mai.

        Chia lửa cùng Điện Biên Phủ

 

       Tháng 5/1953 Pháp cử tướng Hăng-Ri Na-Va (Henri Navarre) sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Với mục đích “uốn nắn lại tình hình Đông Dương”, xoay chuyển tình thế trong một thời gian ngắn, tướng Hăng-Ri Na-Va đã đề ra kế hoạch Na-Va với 2 bước căn bản, mà mấu chốt là tập trung  được một lực lượng cơ động lớn, ổn định miền Nam để tiến công ra miền Bắc nước ta, tiến công chiến lược trên chiến trường chính, buộc Việt Minh phải chấp nhận điều đình theo những điều kiện của Pháp.

       Nắm được ý đồ của đối phương, thực hiện chủ trương của Phân liên Khu miền Đông về việc kềm chân và làm tiêu hao sinh lực địch, mở rộng căn cứ địa cách mạng, phối hợp với chiến trường trong cả nước, Tỉnh ủy Tân Mỹ Gò (Tân An – Mỹ Tho – Gò Công) đã đưa bộ đội chủ lực tỉnh thọc sâu những vùng địch tạm chiếm, đồng thời hỗ trợ các địa phương mở ra những vùng giải phóng mới. Ngày 22/2/1954 Ban chỉ huy Tiểu đoàn 309 đã đưa Đại đội 939 về cùng phối hợp với lực lượng địa phương quân Vàm Cỏ (Tân Trụ và Châu Thành ngày nay) tấn công tiêu diệt đồn Vĩnh Công. Nhận định đối phương sẽ đổ quân càn quét lại, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 309 nhanh chóng vạch ra phương án tác chiến. Ngoài lực lượng Đại đội 939, địa phương quân Vàm Cỏ, ta còn điều thêm Đại đội 941 của Tiểu đoàn 309 từ Đồng Tháp Mười xuống. Đúng như dự tính của ta, khoảng 10 giờ ngày 24/02/1954 đối phương cho 2 cánh quân từ hai hướng Tầm Vu và Vĩnh Công tiến vào khu vực xã Hiệp Thạnh. Ta nhanh chóng triển khai lực lượng phục kích, chặn đánh.

       Trong lúc trận chiến đang diễn ra ác liệt thì một cánh quân khác thuộc Tiểu đoàn 502 BVN và Đại đội 14 Tân An của địch từ Kỳ Son theo lộ 12 tiến vào Phú Ngãi Trị. Ban chỉ huy Tiểu đoàn đã nhanh chóng đưa ra phương án đối phó mới - Trung đội C - Đại đội 939 cùng trợ chiến tiểu đoàn đánh chính diện, Đại đội 941 và địa phương quân Vàm Cỏ đánh sườn Nam đội hình địch, Trung đội A và B - Đại đội 939 đảm nhiệm khóa đuôi và tấn công vào sườn Bắc đội hình địch. Đúng kế hoạch đã định, khi địch cách mặt trận chính diện - dưới chân Cầu Biện Trẹt khoảng 200 m, các đơn vị vũ trang của ta đồng loạt xuất kích, trận chiến diễn ra trên một diện rộng, trong đó khu vực Miễu Bà Cố là nơi diễn ra trận đánh giằng co ác liệt nhất, chính tại nơi đây ta đã tiêu diệt và làm bị thương một lực lượng lớn quân địch.

        Kết quả sau nhiều giờ chiến đấu ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, tại khu vực Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị mà trọng điểm là ở khu vực Miễu Bà Cố ta đã tiêu diệt được 145 tên địch, bắt sống 123 tên, thu hơn 200 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng khác.

      Chuyện bất ngờ trong ngày kỷ niệm

 

       Đúng 60 năm sau ngày diễn ra trận đánh Hiệp Thạnh – Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố, ngày 22/2/2014, tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm trận chiến thắng. Trước đó, vào năm 2010, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Tiểu đoàn 309 về những thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, trong đó nổi bật nhất là trận thắng Hiệp Thạnh – Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố. Bia chiến thắng cũng đã được dựng lên tại nơi diễn ra trận đánh hào hùng năm xưa.

       Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An – ông Đỗ Hữu Lâm nhấn mạnh: “Chiến thắng Miễu Bà Cố năm 1954 là chiến công đầy vẻ vang của quân dân, Đảng bộ Châu Thành nói riêng và Long An nói chung trong lịch sử kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của tỉnh nhà, đáp Lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị kháng chiến của Trung ương Đảng, là thành quả của tinh thần đoàn kết cao độ, ý chí chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta…. Chiến thắng Miễu Bà Cố đã giúp ta mở rộng vùng giải phóng, tạo ra thế và lực mới trên chiến trường địa phương, khiến cho địch phải hoang mang, lo sợ, co cụm cố thủ trong các đồn bót. Cùng với chiến trường Nam bộ, chiến thắng Miễu Bà Cố đã góp phần làm phá sản kế hoạch Na-Va của Pháp muốn bình ổn miền Nam nhanh chóng, buộc chúng phải phân tán lực lượng, không thể tiến hành xây dựng một khối quân sự chủ lực mạnh, góp phần hỗ trợ cho chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng…”.

       Có khá nhiều cựu chiến binh Tiểu đoàn 309 có mặt trong ngày kỷ niệm, hầu hết họ đều ngoài 80 tuổi. Thật bất ngờ, một người trong họ - cựu chiến binh Nguyễn Văn Hinh, 84 tuổi – đã gửi cho Chủ tịch UBND tỉnh Long An một “bức tâm thư”. Bức thư kể về một câu chuyện rất thú vị liên quan tới trận đánh Miễu Bà Cố mà trong các bài diễn văn không đề cập đến. Ông Hinh đề nghị: Bên cạnh ý nghĩa chiến thắng hào hùng, lịch sử cũng nên ghi nhận sự hi sinh của chiến sĩ trong trận Miễu Bà Cố, nhất là khi sự hi sinh đó thật tiêu biểu, đáng khâm phục. Ông Hinh thậm chí còn đề nghị bổ sung vào văn bia được tạc tại Bia chiến thắng Miếu Bà Cố một cái tên GIANG THỌ KIM.

       Phan Đình Giót ở Long An

 

       Ngày 13/3/1954, quân ta tiến công và chiếm được cứ điểm Him Lam, dấu mốc quan trọng trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Trận đánh này gắn liền với cái tên Phan Đình Giót, người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai của địch để cho quân ta tiến công. Trước đó hơn nửa tháng, vào ngày 24/2/1954, tại một nơi rất xa Điện Biên Phủ, bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, trong một trận đánh “chia lửa cùng Điện Biên Phủ”, cũng có một chiến sĩ hi sinh không kém phần oai hùng.

      Cựu binh Nguyễn Văn Hinh (nguyên Tiểu đội phó Tiểu đoàn 309, hiện ngụ tại TX.Gò Công – Tiền Giang) nhớ lại: “Tiểu đội của chúng tôi chiến đấu tại khu vực Miễu Bà Cố, nơi mà chiến sự diễn ra ác liệt nhất. Trong tiểu đội có chiến sĩ Giang Thọ Kim, năm đó 20 tuổi, quê huyện Cai Lậy (thuộc Tiền Giang ngày nay) chiến đấu rất kiên cường. Kim đã dũng cảm nổ súng thu hút hoả lực của đối phương về phía mình, giúp cho đồng đội tiêu diệt địch. Không may, Kim bị trúng đạn trọng thương. Nằm trên tay tôi, đồng chí Kim chỉ kịp thều thào “Anh Hinh ơi, cho tôi xin được vào Đảng”, rồi tắt thở. Trận đánh kết thúc, chúng tôi chôn vội đồng chí Kim gần Miễu Bà Cố rồi vội vã hành quân”. Theo ông Hinh, Giang Thọ Kim là chiến sĩ duy nhất hi sinh trong trận đánh, lại hi sinh rất hào hùng, vẻ vang, vì vậy lịch sử cần ghi nhận gương hi sinh để giáo dục cho đời sau. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ, Tiểu đoàn 309 rời bến phà Cao Lãnh, tập kết ra miền Bắc. Đến năm 1960 ông lên đường trở về miền Nam chiến đấu trong Đoàn 559 Trường Sơn. Ông đã tham gia giải phóng Đà Nẵng và tiến về giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Mãi gần đây ông mới có dịp về thăm chiến trường xưa Miễu Bà Cố và thấy cần phải làm một cái gì đó cho người đồng đội liệt sĩ Giang Thọ Kim.

        Liệt sĩ “ĐỒNG CHÍ KIM”

 

        Theo những bậc cao niên sống gần miễu Bà Cố, sau khi trận đánh Hiệp Thạnh – Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố kết thúc, họ thấy có một ngôi mộ mới đắp sơ sài, các du kích xã nói đó là mộ “đồng chí Kim” lính Tiểu đoàn 309. Bà con đắp lại ngôi mộ cao ráo hơn và quen gọi là mộ “đồng chí Kim”. Trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố tiếp tục là vùng chiến sự ác liệt, nhiều người dân phải di tản ra vùng ngoài, bỏ hoang ruộng vườn. Ngôi mộ “đồng chí Kim” cũng bị bỏ hoang, ít người còn nhớ tới. Sau ngày miền Nam giải phóng, bà con trở về ruộng vườn, cất bốc ngôi mộ đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vàm Cỏ. Ông Trần Văn Phải, một người dân trong vùng cho biết, những người cất bốc nghe nói đó là mộ “đồng chí Kim”, ngoài ra không biết gì thêm, vì vậy mà ngôi mộ trong Nghĩa trang Liệt sĩ được ghi “Liệt sĩ ĐỒNG CHÍ KIM”, không có tên tuổi, đơn vị, quê quán, năm hi sinh… Anh Văn Công Hạnh – quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Châu Thành - cho biết, ngôi mộ “Liệt sĩ ĐÔNG CHÍ KIM” là 1 trong 1.414 ngôi mộ liệt sĩ vô danh trong nghĩa trang.

        Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành và tỉnh Long An có lẽ đã không biết về câu chuyện “Liệt sĩ ĐỒNG CHÍ KIM” nên trong ngày lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận Hiệp Thạnh – Phú Ngãi Trị - Miếu Bà Cố vừa qua, không thấy nhắc đến tên Giang Thọ Kim trong các bài diễn văn chính thức. Hàng trăm quan khách đã đến viếng Bia chiến thắng tại khu vực Miễu Bà Cố, hàng ngàn người đã về thị trấn Tầm Vu dự mít tinh thật long trọng. Tôi đã đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Châu Thành khi buổi lễ đang diễn ra ở Tầm Vu, một thoáng ngậm ngùi khi chứng kiến ngôi một “Liệt sĩ ĐỒNG CHÍ KIM”, người chiến sĩ duy nhất hi sinh trong trận đánh, lặng ngắt nhang khói.

       Cũng giống như người cựu binh Nguyễn Văn Hinh, người viết bài này mong muốn ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Long An sớm xác minh tính xác thực của câu chuyện, để trên mộ bia của người chiến sĩ hi sinh trong trận đánh lớn nhất cuộc kháng chiến chống Pháp tại tỉnh Long An, có đầy đủ tên tuổi, quê quán, đơn vị, ngày hi sinh, thay vì là liệt sĩ vô danh “ĐỒNG CHÍ KIM”. Và để sau này khi ta kể cho con cháu nghe về trận chiến Hiệp Thạnh – Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố, câu chuyện sẽ đầy đủ, hào hùng và nhân văn hơn, như nó đã từng!

Nguyễn Phấn Đấu

Theo TCVNLA 06/2013

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 34


Hôm nayHôm nay : 2647

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 257135

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8715236