Thứ ba 03/12/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Chữ đâu nhiều vậy

nhà văn Võ Thúy Phượng và nhà  văn Nguyễn Xuân Đỉnh

nhà văn Võ Thúy Phượng và nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh

Hồ Khắc lớn lên ở miệt vườn – Bến Tre nhưng lại không có đất đai của riêng mình. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Khắc được một gia đình tốt bụng dưỡng nuôi. Nhưng nhà đó cũng nghèo lại đông con. Lúc nhỏ, Khắc phải đi giữ trâu mướn, lớn lên đi hái dừa, làm thuê đủ việc, giống mấy đứa con của nhà tía má nuôi… Tuy nghèo khó, vất vả, nhưng cả gia đình đều yêu thương Hồ Khắc. Tía má chưa hề đánh đòn hay mắng chửi Khắc bao giờ.
Anh Hai, chị Ba là bộ đội trong bưng. Còn lại nhà ba người con của tía má và Khắc. Tuy nhà ở vùng sâu và đất cằn cỗi không trồng lúa hay hoa màu gì được, vậy mà Hồ Khắc càng lớn, càng cao to, đẹp trai, vạm vỡ, khỏe mạnh, thành thử làm sao qua mắt đám lính Bình định nông thôn và mấy gã trưởng ấp, nên Khắc có tên trong bảng phong thần “đi lính Cộng hòa”.
Nhưng may mắn, có một đêm, anh Hai về thăm tía má, khi đi, anh mang theo Hồ Khắc vô bưng biền, theo quân Giải phóng luôn.
Cuộc sống quân ngũ mở ra bao điều mới lạ, khiến chàng trai quen cuộc sống vụ mùa như Khắc khá vất vả: Tất cả mọi việc phải khẩn trương, đúng giờ, bí mật, gọn gàng, ngăn nắp, dù đó là cái ba lô cá nhân của mình… Anh Hai gởi Hồ Khắc vô đơn vị Quân giới rồi anh về Miền Đông sau khi vỗ vai thằng em trai rằng: “Giải phóng gặp lại nghen em”. Khắc kịp bắt tay anh Hai lần đầu tiên trong đời - gọi là cái bắt tay của hai người đàn ông - mà rưng rưng chào anh… Quay mòng mòng với nội quy, quân phong, quân kỷ, khi đã tạm quen  Khắc mới nhớ tía má, nhớ ba đứa em, nhớ anh hai, nhớ xóm làng, vườn ruộng, nhớ bầy trâu của chủ. Tuy chủ ruộng giàu có, nhưng đối với Khắc rất khắt khe, cắc rắc. Có thằng con trai cỡ tuổi Khắc, nó cũng xéo xắc, làm tàng với đám con nít trong làng hết cỡ… đối với Khắc nó càng phách lối hơn. Nhưng bù lại, bầy trâu thì thương Khắc vô cùng. Chúng nó đi ăn tản lạc khắp nơi nhưng chưa khi nào ăn lúa người ta, cũng như chưa phá phách cây trái của nhà vườn nào. Cả bầy đi đâu không biết, chỉ cần Khắc huýt sáo ba tiếng dài là nó tề tựu về đầy đủ.
Có lần thằng con trai ông chủ cầm cọng roi da tính đánh Hồ Khắc, con trâu đầu đàn cúi mặt gần sát đất, cứ như vậy nó đi tới chỗ thằng chủ nhỏ. Tới sát mặt chủ nhỏ, bất ngờ nó hất cái mặt nó lên, hai con mắt như có lửa, cái đầu lắc lắc khoe cặp sừng đen bóng, cong vút. Con trâu cứ đứng như vậy trước mặt thằng chủ nhỏ khiến nó sợ điếng hồn, quăng cọng roi xuống đất, ù té chạy. Mới mấy bước nó sụp xuống vũng bùn trâu nằm, báo hại Hồ Khắc phải kéo nó lên, tắm cho nó gần hết buổi chiều. Nhờ vậy mà từ đó hai đứa thân nhau, thằng chủ nhỏ cũng không dám làm tàng với đám trẻ trong làng nữa…
* * *
Dù khó khổ, bom đạn thù như cơm bữa, nhưng cứ mỗi mùa mưa, đám lính trẻ lại háo hức, nôn nao trong ngóng một phép màu… Riêng mùa mưa năm nay, lính Quân giới được ưu tiên, tập trung về tiểu đoàn để tập huấn kỹ thuật bảo quản vũ khí, hóa chất, cũng để học văn hóa ba tháng. Cánh lính trẻ mười tám, đôi mươi quên ngủ, quên ăn, ước gì thời gian chạy qua nhanh để tới ngày nhập học. Họ to nhỏ kháo nhau:
- Nghe đâu cô giáo còn nhỏ tuổi lại rất đẹp…
Trong số lính của Tiểu đoàn tới học bảo quản vũ khí, có mấy cô gái dường như ai cũng kiệm lời. Chỉ đến khi văn nghệ các cô mới trổ tài. Cô nào hát cũng hay, giọng trong vắt, múa điệu múa Răm-vông Kampuchia tuyệt vời. Trong số lính nữ đó có cô giáo dạy chữ. Hồ Khắc muốn biết cô giáo quê ở đâu, học có nhiều lớp chưa? Khắc đem ý nghĩ này nói với thằng bạn thân là Tư Vĩ. Vĩ nói tưng tửng:
- Học nhiều lớp hay không,cần biết làm gì? Nếu cô giáo mà học hết lớp tám trên mười, tụi mình học theo cũng lết luôn… lo chi cô học nhiều hay ít?!...
- Chà, chưa biết cô giáo mình là ai mà ngó bộ cậu binh chằm chặp rồi hà…
Hôm khai giảng lớp văn hóa, mới bốn giờ sáng trực thăng Mỹ đã quần đảo, xiết riết vùng rừng đó. Chúng bắn pháo sáng, hỏa châu… bắn vài loạt rốc két, nhưng chỉ chấm tọa độ bom nên tới chín giờ sáng chúng đi hết. Trinh sát báo là không có biệt kích. Lớp học được mở chỉ với tấm bảng đen vừa một người vác, để dựa gốc cây, học viên lấy ba lô làm bàn viết, ngồi kế hầm hố trú ẩn…
Cả lớp hướng lên cô giáo. Hồ Khắc nhìn như thôi miên. Ôi trời! Bộ đồ bà bà đen bó sát người. Cô đẹp như tiên nữ. Tóc đâu mà dài như gió, chấm gót chân. Ở rừng mà má thắm, môi hồng... Cô giáo cất tiếng làm Khắc giật mình quay về thực tại…
- Thưa các chú, các đồng chí cùng các anh chị, với lớp học này, chắc mình cố gắng viết đúng chánh tả, làm phép tính ở bậc tiểu học thiệt rành trong ba tháng… rồi tính nữa… À, xin lỗi tôi quên giới thiệu về mình: Tên tôi là Ngọc Đình – lính của ban Chính trị Tiểu đoàn…
Vào giờ học, mọi người đều chăm chú viết chính tả, Ngọc Đình thấy có một anh ngồi im không viết. Khi nộp bài thì người đó cũng nộp.  Cô giáo không nói gì, cô nghĩ: “Thôi, mới buổi học đầu tiên đừng nồ, làm anh ta mắc cỡ”. Vì ở nhiều lớp học khác, cô giáo Ngọc Đình cũng có gặp trường hợp từa tựa như vậy. Cô im lặng quan sát Hồ Khắc, và theo kinh nghiệm của cô thì hơn chín chục phần trăm là Hồ Khắc chưa biết chữ. Lúc chép câu hỏi toán, Tư Vĩ hỏi:
- Sao cậu ngồi chơi không, hổng chép gì hết vậy?
Hồ Khắc mặt đỏ rần như ăn ớt. Biết nói sao đây? Chơi thân đã lâu mà…Tư Vĩ không biết Khắc… mù chữ. Mà cũng lạ ghê, từ hôm vô học tới giờ mình nộp giấy trắng không mà cô giáo không nói gì, cũng không quở phạt?!...
Tiếng Tư Vĩ lại nhắc:
- Sao hổng chép đi ông tướng?!...
Hồ Khắc biết không thể giấu được nữa, nói nhỏ bên tai Tư Vĩ:
- Nói thiệt nghen… Tui… đâu có biết chữ nào…
- Cái gì?... Sao cậu ca vọng cổ đủ thứ bài vậy? Đừng có làm biếng rồi nói dóc nghen!...
- Chuyện dốt chữ đẹp đẽ gì mà nói dóc. Được cái, nghe bài ca một hai lần là tui thuộc tuốt. Tui ca theo la – dô đó. Nghe cậu đọc cửu chương mà tui thuộc rồi, hết chín khổ luôn…
Tư Vĩ nhìn Hồ Khắc nghi ngờ:
- Dóc tổ! Tui học ngày học đêm cả nửa tháng nay còn lượng sượng, chưa thuộc suông. Còn cậu học hồi nào mà thuộc hết?
- Đã nói rồi, là nghe cậu học mà. Cậu lầm lớn rồi. Tui học với cậu. Mấy lúc  tình hình êm, không có giặc càn, cậu nằm kế bên đọc ầm ĩ, vậy là tui thuộc. Cảm ơn nghen, hi hi.
Hồ Khắc ngạo Tư Vĩ, cười nhe răng, nhưng ngay lập tức thì thào:
- Nè, Tư Vĩ… Có điều… học cửu chương làm cái gì mà cậu siêng quá vậy?
Lần này thì Tư Vĩ tin Hồ Khắc dốt chữ thiệt. Vĩ muốn nói câu gì đó khôi hài, nhưng nghĩ thương bạn, anh điềm đạm cắt nghĩa:
- Thuộc cửu chương để làm toán, làm tính, phép tính nào cũng xài cửu chương được hết. Rồi để coi số trên các loại vũ khí… ví lại nhiều thứ khác nữa.
Hồ Khắc gật gật đầu, như hiểu ra đôi chút:
- Vậy cậu tỉ dụ một hai cái cho tui đi…
- Dễ thôi! Hàng ngày cậu cũng có áp dụng mà… Như mấy tay trực nhựt, bửa củi bự quá, cậu nói nó làm ba bảy hăm mốt… Rồi xuồng chở vũ khí đi cách cự li mười – mười lăm thước…
Hồ Khắc đập hai bàn tay lên đùi cái bốp, nằm ngửa trên sạp, dang hai tay thẳng ra, vừa cười vừa nói:
-Ôi, thần trâu ơi. Dễ vậy mà Khắc tui có biết gì đâu…. Vĩ ơi! Nói về chữ nghĩa, cậu đáng là hàng thừa tướng của tui đó…
- Nói tầm xàm, còn cô giáo Ngọc Đình là gì?
- Ờ há… Tui lỡ lời…
Ở rừng mưa lạ lắm, cứ đủ cỡ, đủ kiểu. Mưa không hề biết cái cực khổ, vất vả của bộ đội ta. Mưa bấc, mưa phùn, mưa cám, mưa bụi, mưa rả rích. Kiểu mưa giông ngọn cây rừng nằm đổ rạp, lạnh thấu xương… công sự ngập nước, áo quần phơi chẳng khô…
Chiến dịch đánh địch cấp trên phát động thi đua nước rút hết đợt này, cày đợt khác. Vì vậy lớp học văn hóa của Quân giới cũng phải: Ban đêm đi kiểm tra hầm hố, che chắn kho bãi giúp bên vận tải bảo quản đạn dược, thuốc thang, y cụ… Ban ngày tới sau chín giờ sáng lớp mới được tập trung… Giặc đánh cứ đánh, pháo bầy, bom tọa độ cứ thả, cứ bắn đều đều… Trong rừng, mọi sinh hoạt của bộ đội vẫn cứ giờ giấc, nề nếp, kỷ luật quân đội, nguyên tắc bí mật vẫn giữ vững, và thực hiện hàng ngày. Trong đó, có chương trình của các lớp đào tạo nhiều ngành nghề vẫn cứ tiến hành…
Học được ba ngày, cô giáo đề nghị:
- Hai anh Hồ Khắc với Tư Vĩ, sau giờ chiều học chuyên môn xong, ở lại học thêm với tôi… Hai anh thấy được không ạ?
Cả hai anh lính đồng thanh “Dạ được” mà mặt đỏ bừng, không biết có phải mắc cỡ hay vì điều gì khác, nhất là Khắc…
Thương cô giáo Ngọc Đình quá. Có hai học trò mà cô phải dạy thêm hai môn, lại vừa vở lòng, vừa toán tiểu học. Khi cô giáo cầm tay tập viết chữ cho Hồ Khắc, có lúc Khắc thở mạnh, tay lóng ngóng không cầm viết được, cứ ngẩn ngơ vì mùi tóc của cô giáo… Cô giáo vẫn cứ vô tư, kiên trì luyện cho Khắc viết từng chữ một. Khắc đã vậy, Tư Vĩ cũng không hơn gì mấy. Tuy biết chữ, biết số,nhưng khi sắp các bài toán thường trớt quớt, hàng số không ngay nhau, nên cô giáo cũng phải uốn nắn, viết cho rõ, sắp cho ngay hàng cộng, trừ, nhân, chia…
Trong một ca gác đêm, Hồ Khắc thấy trong chòi cô Ngọc Đình còn sáng đèn, lại có tiếng gì kêu lạch cạch liên tục. Tò mò, Hồ Khắc ghé mắt nhìn vô, thấy cô giáo đang gõ. Trời, cô giáo gõ máy đánh chữ! Cái máy đánh chữ này giống cái ở nhà ông chủ ruộng mà Khắc đã thấy. Nhưng ông chủ đánh cạch cạch chậm rì, chớ đâu có giống như cô giáo. Cổ đang khỏ giống như bắp rang lúc tới lửa nó nổ vậy. Bỗng Hồ Khắc tròn mắt, nhìn gần như đứng tròng khi cô Ngọc Đình rút xấp giấy trong máy ra, gỡ từng lớp giấy can màu xanh, cả rừng chữ hiện trên mặt giấy pơ-luya mỏng tang, màu trắng… Khắc phục thầm: “Trời ơi! Chữ đâu mà nhiều quá vậy?... Mình phải ráng mà học cho cô giáo đỡ vất vả…”. Nghe Tư Vĩ nói, đêm nào cô giáo cũng đánh công văn tới hai, ba giờ khuya… Dần dần, Khắc tới chỗ cô giáo, phụ xếp, đóng công văn, nói chuyện cho cô vui, nhưng trong sâu thẳm tâm tư thì Khắc nhớ mùi thơm trên tóc cô Ngọc Đình, nhớ hơi thở phập phồng trên khuôn ngực khi cô choàng tay sau lưng Khắc, cầm tay tập cho Khắc viết chữ…
Cứ mãi mơ mộng chuyện tiên nương, Hồ Khắc chưa hỏi chuyện sao trong máy cô giáo có nhiều chữ mà Khắc chưa học…
Tiếng là học ba tháng, nhưng tình hình tiền phương ác liệt nên mới hai tháng lớp học phải bế giảng. Lúc đó, Hồ Khắc mới viết chữ hơi vững, chánh tả thì còn mịt mù… mây nước…
Khắc nói với Tư Vĩ:
- Ê, cậu học số thấy sao? Chớ hổng hiểu chữ đâu mà cô giáo biết quá trời? Mà ngộ thiệt nghen, cô dạy tui có hai mươi bốn chữ cái với sáu con dấu, thêm dấu chấm than, chấm hỏi… vậy mà cổ đánh máy, chữ ra công văn cả xấp, cả xấp… đọc sao cho hết?!...
Năm sau về lại, cũng mùa mưa rừng rả rích… Cô giáo Ngọc Đình ngậm ngùi, nước mắt lưng tròng vì mất một anh học trò Hồ Khắc chân chất, siêng năng, dễ thương. Và cho đến lúc hy sinh vẫn không hiểu sao chữ đâu mà cô giáo biết nhiều quá vậy?...

Võ Thúy Phượng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 21


Hôm nayHôm nay : 1621

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 14895

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10760118