Thứ bảy 14/12/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Nhạc sĩ Lê Phương: trái tim mang nhịp trầm lặng lẽ

Nhạc sĩ Lê Phương: trái tim mang nhịp trầm lặng lẽ

Nhạc sĩ Lê Phương: trái tim mang nhịp trầm lặng lẽ

“Có vẻ như cả biển trời náo nhiệt, cả thế giới ồn ào xôn xao sôi động ngoài kia chẳng hề hấn gì với một trái tim mang nhịp trầm lặng lẽ” là lời cảm nhận khó quên nhất mà nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, người bạn, người đồng nghiệp đã viết về nhạc sĩ Lê Phương trong lời giới thiệu tập nhạc “Hương đêm” của nhạc sĩ.
Tôi ghé thăm nhạc sĩ Lê Phương vào một buổi chiều oi bức. Vợ nhạc sĩ ra mở cửa. Con Sol cứ hục hặc lao ra ngoài. Đứa cháu nội xinh xắn chào khách rồi đi ra sau nhà. Nhạc sĩ siết chặt tay tôi trong bàn tay gầy guộc.  Những ngón tay tài hoa chầm chậm buông. Tôi nghe trong cái chầm chậm ấy đằm sâu bao điều muốn chia sẻ, trao gởi. Nhìn bức chân dung của nhạc sĩ Lê Phương trên tường, cũng là bức nhạc sĩ đã chọn làm bìa đĩa CD năm 2010, thấy thời gian sao mà đuổi bắt con người ghê quá.
Nhạc sĩ Lê Phương tên thật là Lê Hữu Phước, sinh ra nơi “thắm bao nghĩa tình đẹp thành phố thanh long” - Châu Thành, Long An. Từ năm 1977, nhạc sĩ công tác tại Đoàn Ca múa nhạc, sau đó tốt nghiệp chuyên ngành Cao đẳng sư phạm sáng tác tại nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. Đến 1987 thì về công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật. Dù đang bệnh, nhưng cứ kể tới đâu, nhạc sĩ lại lấy ra từ đầu giường mình mấy tấm hình. Tôi không khỏi ngậm ngùi khi nhìn hình ảnh nhạc sĩ trên sân khấu những ngày hoàng kim của Đoàn ca múa nhạc hay ngày thành lập chi hội Âm nhạc vào năm 1987.
Trong gia tài ngoài 100 ca khúc đậm chất dân ca Nam bộ, “Mùa lúa quê tôi” là dấu ấn khó quên trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Lê Phương. Khi viết xong ca khúc này, nhạc sĩ có gửi cho một người bạn công tác ở Đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh,  ngoài việc được chọn để dạy hát trên đài (với khoản nhuận bút ba mươi bảy đồng lúc bấy giờ) tình cờ ca sĩ Nhã Phương đã thể hiện ca khúc này. Hơn 30 năm, nhạc sĩ vẫn đang liên lạc những người bạn của mình để tìm và lưu lại bản thu âm gốc ngày ấy.
Tên tuổi nhạc sĩ Lê Phương còn gắn với nhiều tác phẩm nổi bật khác như: Khúc tình ca quê hương-Giải đặc biệt viết về Long An-Cuộc thi sáng tác ca khúc đồng bằng sông Cửu Long, Mặn và ngọt, Về lại Tháp Mười, Hương Đêm …
Chỉ tiếc trong 11 ca khúc được nhạc sĩ chọn ghi âm năm 2010 cho CD “Tình khúc Lê Phương” lại không có ca khúc “Dại khờ” với phần lời rất thú vị của một lúc bất chợt làm thi sĩ, thấp thoáng nét đa tình “thánh thiện” của người nhạc sĩ
Yêu em như sóng dại khờ
Sóng xô bờ cát, cát chờ đợi ai
Đêm đêm nghe gió thở dài
Nhớ thương mòn mỏi tháng ngày qua đi
Thương thầm một mối tình si
Tim ta thánh thiện cũng khi dại khờ ...
Đến giờ, thế giới ngoài kia vẫn chẳng hề hấn gì với trái tim nhạc sĩ.
Ban công vàng nắng đã vắng đi những chiều “tay ba, tay tư”, mồi đạm bạc và không gian bao la quyện tiếng hát mượt mà của Thùy Dương “Nắng xôn xao trên đường phố thênh thang. Về Long An ai có về Long An…”
Đã vắng đi những sáng cà phê cùng bạn bè, vắng đi những tin nhắn rủ rê. Người nhạc sĩ cao gầy thanh thoát có đôi  mắt trăng sao, giọng nói ấm và những câu bông đùa ý nhị, người bạn đa cảm, người anh thân thiện, người chú hiền lành của chúng tôi đã không qua được cơn bạo bệnh. Những ngày trên giường bệnh, nhạc sĩ luôn đón chúng tôi bằng nụ cười hiền và cái bắt tay chầm chậm buông đầy gửi gấm. Cái bắt tay ấy, nhạc sĩ ơi, cái bắt tay chầm chậm và cái buông tay đầy vương vấn, đã khiến chúng tôi nặn lòng lắm ngay cả giây phút ấy và sẽ mãi về sau…
Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 10


Hôm nayHôm nay : 3185

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 75447

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10820670