Thứ năm 12/09/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Soạn giả Diệp Vàm Cỏ và ân tình với Bình Phước

BPO - Lịch sử đấu tranh oai hùng của quê hương Bình Phước là nguồn cảm hứng để nhiều soạn giả viết nên những bài ca chạm đến trái tim người thưởng thức. Diệp Vàm Cỏ là một trong những soạn giả đã tạo ấn tượng trong lòng khán, thính giả khi có những bài ca vọng cổ đặc sắc, đong đầy tình cảm về mảnh đất Bình Phước anh hùng.

Soạn giả Diệp Vàm Cỏ (phải)

Soạn giả Diệp Vàm Cỏ (phải)

Đa phần khán, thính giả hâm mộ nghệ thuật cải lương đã quá quen thuộc với cái tên Diệp Vàm Cỏ qua những bài ca vọng cổ và tân cổ giao duyên từ hơn 30 năm qua. Tên thật của ông là Bùi Văn Diệp (SN1958), quê quán xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Diệp Vàm Cỏ là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Long An từ tháng 9-1995 (đã nghỉ hưu từ đầu năm 2019). Đam mê văn chương từ thuở nhỏ nên từ năm 1982 ông đã sáng tác thơ cho Tạp chí Văn nghệ Long An. Từ tháng 3-1986, ông chuyển sang viết bài ca vọng cổ và kịch bản cải lương. Tuổi thơ gắn liền với dòng sông Vàm Cỏ nên ông chọn bút danh Diệp Vàm Cỏ.

Đến nay, ông đã viết hàng trăm bài ca vọng cổ, nhiều kịch bản cải lương được phát sóng trên đài phát thanh - truyền hình các tỉnh khu vực Nam bộ. Những bài ca vọng cổ và tân cổ giao duyên do Diệp Vàm Cỏ viết phần tân nhạc nổi tiếng với những phong cách khác nhau từ trữ tình đến hài hước như: Em sẽ về đâu, Tình bậu muốn thôi, Yêu em như thuở binh nhì, Tình đầu nho nhỏ, Ký ức hoa đào, Kẹt tên, Bao giờ anh đau khổ (Hãy đến với em), Bếp lửa người S’tiêng, Bằng lăng tím... Đặc biệt, trong chuyến thực tế sáng tác tại Bình Phước vào năm 2002, ông đã sáng tác 4 bài ca vọng cổ: Bên dòng suối Lam, Sắc màu Bình Phước, Bằng lăng tím, Bếp lửa người S’tiêng như ân tình mà soạn giả gửi tặng người và đất Bình Phước. Cả 4 bài đã được dàn dựng phát sóng phục vụ khán, thính giả gần xa.

Nhắc đến Bình Phước, soạn giả Diệp Vàm Cỏ không khỏi xúc động khi nhớ về lần đầu tiên đến vùng đất đỏ miền Đông mà trước đây ông chỉ biết qua sách vở, phim ảnh. Ấn tượng ban đầu chính là màu đất đỏ và màu xanh của những rừng cao su, đó là nguồn cảm hứng để ông sáng tác bài Sắc màu Bình Phước.

Hiện soạn giả Diệp Vàm Cỏ thực hiện niềm đam mê của mình với công việc sáng tác nhạc bolero, vọng cổ và kịch bản cải lương. Ông vừa hoàn thành kịch bản cải lương Hồng nguyệt tửu. Đồng thời, ông còn thực hiện những MV trên kênh YouTube “minhhat minhnghe” do chính ông sáng tác và thể hiện với tâm niệm: “Tôi ca không hay, tôi viết bài nghe cũng dở, chỉ có tấm lòng xin gởi đến mọi người”. Ông mong muốn trở lại Bình Phước để có thêm những sáng tác đầy ý nghĩa dành tặng miền quê đất đỏ nghĩa tình này.

Nghe kể về những năm tháng chiến đấu của quân và dân ta tại núi Bà Rá, cùng với cảm xúc trước sự phát triển của Phước Long, ông đã viết bài Bằng lăng tím. Bài ca được nghệ sĩ Châu Thanh thể hiện và sau đó nhiều nghệ sĩ ưu tú như Kim Tử Long, Trọng Phúc, Lê Tứ trình bày trên sóng phát thanh, truyền hình của BPTV. Bài ca còn được nhiều thí sinh lựa chọn trong các cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, Đường đến danh ca vọng cổ...

Khi đặt chân lên Bom Bo và nghe bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo, soạn giả Diệp Vàm Cỏ đã có nhiều ý tưởng cho việc sáng tác của mình. Đồng thời, được tiếp xúc với đồng bào S’tiêng, ông đã cho ra đời bài Bếp lửa người S’tiêng. Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước (trước đây) dàn dựng, phát sóng do nghệ sĩ ưu tú Lê Tứ và Hà Như thể hiện tác phẩm. Chính ca khúc này đã đưa tên tuổi của 2 nghệ sĩ Lê Tứ, Hà Như đến gần hơn với công chúng và được người hâm mộ thêm yêu mến. Nghệ sĩ ưu tú Cẩm Tiên cũng đã thể hiện bài ca này rất thành công.

Soạn giả Diệp Vàm Cỏ còn sáng tạo thể điệu lý sông Vàm. Ông chia sẻ: Năm 2005, tôi tìm ra ý để viết bài tân cổ Điệu lý cho nhau. Nghĩa là mình muốn dành tặng mọi người một giai điệu nào đó, tôi nghĩ đến cái tên sông Vàm nên quyết định chỉnh sửa đôi chút phần tân nhạc bài Thanh long mùa trái ngọt đã viết từ năm 1987 và viết lời mới thành bài Điệu lý cho nhau. Trong bài có đoạn: “Tôi đứng đây nghe tim mình lệ ứa, mà viết cho ai một điệu lý sông Vàm”... Từ đoạn nhạc trong bài tân cổ này, ông đã đặt tên là Lý sông Vàm. Điệu lý đã được các soạn giả cổ nhạc tận dụng đưa vào trong sáng tác của mình và các nghệ sĩ rất yêu thích. Điệu Lý sông Vàm của ông đã được hát trên quê hương Bình Phước qua bài ca cổ Đồng Xoài trong trái tim anh của tác giả Hàn Giang do 2 nghệ sĩ ưu tú Kim Tiểu Long và Thu Vân thể hiện trên sóng BPTV.

 

Lâm Hữu Tặng

Theo Bình Phước online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 39

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 35


Hôm nayHôm nay : 3544

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 109685

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10333771