Thứ sáu 03/05/2024

NỘI DUNG CHÍNH

PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ: CÀNG NGHE CÀNG QUÁ “ĐÔ

           Cao Thoại Châu

Vượt ra ngoài ngoài ranh giới vùng miền bằng một cách vượt ngoạn mục, Phương ngữ Nam bộ ngày càng không còn xa lạ ở miền Bắc mà không nên quên số người quê miền Bắc vào Nam sinh sống ngày một đông trở thành một nhân tố làm đẹp thêm cho cái “cành” này của “cây” tiếng Việt.
        Vậy phương ngữ Nam bộ có những đặc điểm gì?
          1. Giàu hình tượng, cụ thể:
          Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày luôn có mặt hình tượng cụ thể: “Uống mật gấu, dai như trâu đái, tức hơn bò đá, nhát như thỏ đế, ăn như xáng múc, làm như lục bình trôi, quá trời quá đất v.v.. Đến việc lấy vợ chồng, bên cạnh bao nhiêu từ ngữ hoa mỹ như kết duyên, kết tóc xe duyên, kết bạn trăm năm …, người ta vẫn thêm một từ rất chi bất ngờ, đến mức ngạc nhiên “đụng”. “Tôi đụng má nó trong một chuyến đi buôn”, thật giàu hình tượng.
          Sông ngòi chi chít và không chỉ có tên gọi chung như sông, ngòi, mương, máng … mà còn thêm rạch, xẻo, xép, ngọn, rọc, dớn, láng, lung, bung, búng, bưng, biền, đưng, đầm, đìa, trấp, vũng, trũng, rỏng, tắc, gành, xáng, v.v.. Về sự chuyển động của dòng nước, người ta còn thêm nhiều từ ngữ khác như: Nước ròng, nước kém, nước trồi, nước dềnh, nước sụt, nước giựt, nước bò, nước nhảy, nước đứng, nước nằm, nước chừng, nước nhửng, nước ương, nước chết, nước sát, nước rặc, nước quay v.v.. Với những phương tiện đi lại trên sông nước, phương ngữ tỏ ra có khả năng diễn đạt nhưng khái niệm đa dạng, nào là ghe bầu, ghe bầu nóc, ghe be, ghe cà vom, ghe chài, ghe cui, ghe cửa, ghe giàn, ghe hầu, ghe lồng, ghe lườn, ghe ngo, vỏ lải, tắc rán, tam bản, ba lá v.v…
          Rồi đến các loại động vật sống ở sông nước cũng thật nhiều loại, phân biệt nhau rất tỉ mỉ, chẳng hạn con tôm có: tôm bạc, tôm càng, tôm châm, tôm chấu, tôm chì, tôm gọng, tôm hùm, tôm kẹt, tôm lóng, tôm lứa, tôm mắt tre, tôm quỵt, tôm rồng, tôm sắc, tôm sú, tôm thẻ, tôm tích, tôm tu, tôm vang, v.v..
          Trong phương ngữ Nam Bộ tính cụ thể không làm nghèo đi tính khái quát trừu tượng vốn có của ngôn ngữ, ngược lại, chúng được phát triển song song. Ví dụ, để miêu tả lớp trẻ em hư hỏng, lạc loài, không cần phải dài dòng liệt kê các chi tiết tính cách của nó, mà chỉ dùng hai tiếng “bụi” và “đời” rất ư nôm na quen thuộc, kết hợp lại thành một từ “bụi đời” là có đủ sức vừa cụ thể hóa vừa khái quát hóa cái khái niệm phức tạp nói trên.
          2. Giàu tính cường điệu và khuếch đại.
          Tính cường điệu trong phương ngữ Nam bộ thật bất ngờ, thú vị: Cao trật ót – cao ngất nghểu đến mức phải ngẩng cổ nhìn thẳng lên làm cho gáy cổ như bị gập lại; no lòi bản họng – đã no tràn ra ngoài miệng rồi, có đâu ăn thêm vào được nữa; đói queo râu – đói mờ mắt là chuyện bình thường có tính lô gíc, nhưng mà liên hệ đến bộ râu thì một lần nữa cái cụ thể nằm trong sự khái quát; “Tức cành hông, rầu thúi ruột, sợ thót dái, cay té đái, muồi rụng rún” … đều như thế. Khi nói đến mức độ của cái nghèo, tiếng Việt phổ thông có các từ: nghèo xơ xác, nghèo rớt mồng tơi, nghèo không có đồng xu dính túi…phương ngữ Nam bộ còn thêm “nghèo mạt rệp”, và bất ngờ thay “nghèo không có đồng xu cạo gió, nghèo không có hột thóc nhổ râu, nghèo cháy nóp …”  thì thật là nghèo hết biết, mà vẫn đượm vẻ lạc quan hóm hỉnh.
          Trong ca dao dân ca Nam Bộ, tính khuếch đại được vận dụng phổ biến, có phần táo bạo, gây nhiều cảm xúc:
          Anh than như một tiếng nát miễu xiêu đình.
          Cây huệ kia đang xanh lại héo, cá ở ao huỳnh vội xếp vi.
         
          Ra về ruột nọ quặn đau
          Sắc sâm mà uống mấy tàu chưa nguôi.
          3. Dí dỏm, hài hước, khỏe khoắn.
Người dân đồng bằng Nam Bộ sống lạc quan, sôi nổi, cởi mở, thích trẻ trung, dí dỏm. Phải chăng trên bước đường “tha phương cầu thực”, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt buổi đầu rồi cuộc sống đã bù đắp lại cho họ những thành quả: Đủ ăn đủ mặc, của dư của để, giao lưu gần xa, giải trí du hí với những sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân gian, lòng người cùng thiên nhiên và cảnh vật phơi phới, mỗi ngày một vui hơn. Người ta gọi nhau, nói với nhau một cách tao nhã là “bạn rượu”, thân mật bình dân hơn là “bạn nhậu”, “bợm nhậu”, vẫn chưa dừng, phải thêm cái tên “bạn ve chai” hay “hội ve chai” mới chịu. Tỏ tình với người yêu là chuyện tế nhị, bay bướm, thế mà lời lẽ thật hồn nhiên, ngộ nghĩnh:
          Con ếch ngồi dựa góc bừng
          Nó kêu cái quệt biểu ưng cho rồi (ca dao)
          Cô gái nào nghe mà chẳng cười, chẳng thấy…thương. Tính hài hước, dí dỏm trong phương ngữ Nam bộ đi đôi với tính giản dị, mộc mạc, gây nên cái cười, cái vui tự nhiên, thoải mái:
          Hột châu nhỏ xuống kẹt rào
          Thò tay em lượm, phụ mẫu chào, em buông (ca dao)
          4. Giàu biểu cảm
          Ạch đụi, xịch đụi, lụi đụi, lụi hụi … cái vần “ui” với dấu nặng ấy có vẻ gì như vất vả nặng nề! Lại còn nhấn mạnh bằng cách láy có thêm tiếng “cà” nghe càng trắc trở, chậm chạp: cà ạch cà đụi, hoặc lúi húi lụi hụi, lúi đúi lụi đụi
          Để chỉ mức độ cao, đã có những từ như: rất, lắm, quá, vô cùng, hết chỗ nói… nhưng phương ngữ này vẫn tạo thêm nhiều từ riêng của mình để lột tả hết ý mình muốn nói: “quá tay, quá sá, quá trời quá đất, quá cỡ thợ mộc, hết sảy, tản thần, tràn đồng, tùm lum tà la, tứ tung binh tàng …”. Tương đương với hai từ “mềm xèo” và “mềm nhũn”, phương ngữ Nam bộ có thêm các từ “mềm èo, mềm ẻo, mềm lũn, mềm lụn, mềm mủm, mềm múm, mềm mụm, mềm múp, mềm mụp, mềm xủm, mềm xúm, mềm xụm….” Những tính từ khác như trắng, giòn, ngay, thẳng…cũng đều có thể gắn thêm nhiều phụ tố chỉ mức độ như trường hợp trên: ngay đơ, ngay tán tàn …
          Để chỉ khái niệm “thấm thoát, mới đó mà…”, phương ngữ này có rất nhiều từ đồng nghĩa như: lúi húi, lụi hụi, lụi đụi, lớ quớ, lầy quầy, lần quần, lẩm rẩm, léo téo, léo xéo, lẹt xẹt…. Thậm chí “xớ rớ đã đến tuổi lấy chồng rồi”. Từ “khỏi” được dùng dưới dạng phong cách địa phương có thể tạo ra một sức biểu cảm mạnh hơn so với “không cần”, “chả cần”:
          - Cháu định về bển bàn chuyện giúp bác Tư...
          - Khỏi.
          Từ cảm: Ở đầu câu có các từ: Chèn ơi - chèn đét ơi, mèn ơi - mèn đét ơi, ác hôn, úy, ậy... Ở cuối câu thì có các từ: nghen - nghén, hen - hén, héo, é, á, mừ, đa, cà, nà, hà, há, lận. Mỗi từ mang một sắc thái tình cảm riêng. Vận dụng từ cảm cho đúng chỗ có khi khó hơn các loại từ khác.
          - Trời đất quỷ thần! Nhiều quá há.
          - Mèn ơi! Nhiều quá hà.
          - Con hổng có ăn mừ, nó ăn á.
          5. Bình dân, giản dị, mộc mạc.
          Trong phương ngữ Nam bộ, kẻ có học, người thất học, kẻ giàu người nghèo, khác nhau ở tri thức, tiền của, không khác nhau ở cách nói. Cốt cách vẫn là tính bình dân, giản dị, mộc mạc.
          Anh về em nắm vạt áo em la làng
          Phải bỏ chữ thương chữ nhớ giữa đàng cho em
          Chỉ sơ sơ đã thấy Phương ngữ này có những nét độc đáo của người khẩn hoan : Thoải mái, không câu nệ, hoạt kê, nghĩa khí và hào phóng … người thế nào thì ngôn ngữ thế ấy./.
 
 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 31

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 30


Hôm nayHôm nay : 154

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 30277

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8793197