Chủ nhật - 08/10/2023 09:59
Nghệ nhân Phan Văn Phấn - NGƯỜI BẮC CẦU CÓ TÂM
Võ Văn Huy
Ông Phan Văn Phấn là hội viên (HV) Chi hội Văn nghệ Dân gian (VNDG) Việt Nam tỉnh Long An, HV Chi Hội VNDG thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (LHVHNT) tỉnh Long An, người mà giới văn nghệ sĩ Long An thường gọi thân mật là “chú Sáu Phấn”. Chú là thành viên cao tuổi nhất của Chi hội, nhưng là người viết khỏe và viết ở nhiều lĩnh vực nhất. Hiện “gia tài” của chú đã có trên 10 tác phẩm được in thành sách ở các lĩnh vực văn xuôi, thơ, khảo cứu; trên dưới 50 bài ca vọng cổ cùng 4 kịch bản cải lương. Nhưng đáng kể nhất vẫn là về lĩnh vực VNDG với các tác phẩm tâm đắc: “Trò chơi dân gian Nam bộ”, “Nông ngư cụ Nam bộ với ca dao tục ngữ” hay hiện tại quyển “Truyền thuyết dân gian về Miễu Bà Cố” đang được hoàn thành những trang cuối.
Năm 2006, chú Sáu Phấn gia nhập Chi hội VNDG của địa phương sau khi đã viết một số tác phẩm thuộc các lĩnh vực như thơ, văn xuôi, bài bản vọng cổ, kịch bản cải lương,v.v... Thời điểm đó chú đã 69 tuổi và được xem là hội viên “trẻ” nhất của Chi hội. Nhưng ở cái tuổi gần “thất thập cổ lai hy” đó, chú lại mới chọn viết một đề tài đầy “đam mê”, để bắt đầu một hành trình không ít vất vả.
Chú Sáu Phấn chia sẻ: “Bị vì bây giờ tụi nhỏ nó không còn thấy nữa, mất hết rồi. Cái cày, cái bừa, cái trục, cái lọp, cái phản, cái lưỡi hái, cái cộ,v.v... không còn nữa, họ làm bằng máy hết rồi. Tôi muốn sưu tầm ngay lúc còn sưu tầm được, sợ nó mất luôn rồi lúc đó thì không biết làm sao”.
Vậy là ròng rã gần 3 năm trời chú cố níu kéo hình ảnh những con trâu, cái cày, cái bừa, cái trục,v.v... đang từng ngày mất đi bằng cách đi chụp ảnh, ghi chép, hệ thống với hy vọng góp chút công sức, làm chiếc cầu nối liền không gian nông thôn xưa với những lớp trẻ sau này. Bởi với những phương tiện hiện đại đang phát triển từng ngày, chắc chắn các thế hệ tương lai sẽ không hiểu được ngày xưa ông cha mình đã vất vả thế nào để làm làm ra hột lúa.
Thực tế đúng như những gì chú lo lắng, nhiều nông ngư cụ vẫn còn được sử dụng hoặc đây đó vẫn còn được lưu giữ trong dân gian, nhưng khá nhiều nông ngư cụ đã mất và chỉ còn lại trong ký ức của chú. Cho nên cái nào còn thì chú chụp ảnh, cái nào không còn buộc chú phải cố vẽ lại hoặc nhờ người vẽ theo trí nhớ của mình.
Chú cho biết, hễ nghe ở đâu có lưu giữ những thứ thuộc nông ngư cụ xưa thì dù xa mấy chú cũng tìm đến cho bằng được, nhưng nhiều khi phải vất vả đi bằng nhiều phương tiện mới tới nơi, thì thứ cần tìm đã mất rồi.
Hình ảnh cái cày, cái bừa, cái cộ đập lúa,v.v... cùng với cảnh lam lũ sớm hôm trên đồng của người nông dân đã ăn sâu vào ký ức chú từ nhiều chục năm trước. Để rồi khi lớn lên, rời xa ruộng đồng, nhưng cái mùi gốc rạ tháng chạp tỏa hương ngọt ngào, lẫn trong cơn gió chướng của làng quê nghèo bên ngoại, mỗi bận bãi trường vẫn theo chú đi gần suốt chặng đường đời, giờ đây nó đã thôi thúc chú bước tiếp, như một bận tìm về.
Điều đáng nói là sau khi sưu tầm, ghi chép, chú đã chọn cách trình bày cho cuốn sách của mình bằng hình thức rất độc đáo. Đó là ngoài lời lẽ bình dị để mô tả những nông ngư cụ bên những hình chụp hoặc hình vẽ, chú còn minh họa bằng những câu ca dao, tục ngữ nói về các nông ngư cụ đó. Việc sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp và viết thành sách về các nông ngư cụ đã lần lượt mất đi trong buổi giao thời, đối với một nghệ nhân lớn tuổi đã khó, thì viết quyển sách ấy bằng hệ thống các câu ca giao tục ngữ nói về chính các nông ngư cụ ấy còn khó hơn bội phần.
Ông Võ Trường Kỳ, Chi hội trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Long An cho biết: “Hồi đó sách nói về ca dao tục ngữ nó hiếm lắm, mà ảnh đi tìm sách mua, rồi đi điền dã mà không phải ở trong tỉnh, ảnh còn đi các nơi ở miền Tây nữa. Mà quí ở chổ là không chỉ viết, tả bằng văn xuôi các nông ngư cụ, ảnh còn minh họa bằng ca dao tục ngữ mới là độc đáo chứ. Cho nên sau khi viết xong cuốn “Nông ngư cụ Nam Bộ với ca dao tục ngữ” thì Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đã trao cho ảnh giải A, giải thưởng mà ngay cả những anh em nghiên cứu chuyên nghiệp ở hội Trung ương cũng chưa làm được”.
Cùng với giải thưởng, chú còn được vinh dự kết nạp vào Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Long An vào năm 2008. Cũng với tác phẩm này, chú còn được nhận Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông lần thứ VI – 2022.
Kể từ đó, trên tay của các độc giả trẻ là quyển sách có tên “Nông ngư cụ Nam bộ với ca dao tục ngữ” mà ở đó, hàng trăm nông ngư cụ quen thuộc đã bao đời gắn bó với người nông dân đất Nam bộ được sưu tập, mô tả từng chi tiết, từng cách thức sử dụng,v.v... Và đặc biệt là được sự hỗ trợ rất đắc lực bằng một loại công cụ văn học dân gian gần gũi khác đó là ca dao tục ngữ. Có thể nói chính ca dao tục ngữ, loại hình văn học dân gian từng đúc kết và lưu giữ các giá trị văn hóa trong lao động cũng như trong đời sống, đã góp phần giúp những hình ảnh các nông ngư cụ thời trước trở nên dễ hình dung hơn, dễ nhớ hơn đối với người đọc sau này.
Chọn cách diễn đạt đầy sáng tạo qua các câu ca dao tục ngữ, hình ảnh và công dụng của các nông ngư cụ đã gắn bó bao đời với ông cha dù đã mất đi nhiều, nhưng nó vẫn rất dễ hình dung, dễ hiểu và dễ nhớ cho cả những ai chưa từng nhìn qua các dụng cụ này trong thực tế. Cuốn sách “Nông ngư cụ Nam Bộ với ca dao tục ngữ” như “chiếc cầu” nối liền đôi bờ, cho tuổi trẻ hiện tại và tương lai đến gần hơn với không gian xưa đầy những di sản đã gắn liền với đời sống, lao động sản xuất.
Chú Sáu Phấn viết trong lời nói đầu cuốn sách:“Trên bước đường sưu khảo, bản thân tác giả không phải là nhà nghiên cứu chuyên ngành, cho nên dù rất nhiều tâm huyết nhưng lực bất tòng tâm, vì thế không sao tránh khỏi sơ sót”. Dù rất khiêm nhường, nhưng với tác phẩm độc đáo này, chú là người “bắc cầu có tâm”, nên chiếc cầu dẫu có đôi chút “lắt lẻo gập ghềnh”, tác phẩm “Nông ngư cụ Nam bộ với ca dao tục ngữ” của nghệ nhân Phan Văn Phấn vẫn là phương tiện nối liền hiện tại, tương lai với không gian đầy di sản của quá khứ.
Võ Văn Huy