Thứ tư - 11/10/2023 20:21
Nghiên cứu - ĐỜN CA TÀI TỬ THUỘC LĨNH VỰC NÀO?
Tác giả: TS Đỗ Quóc Dũng
Có quan điểm cho rằng: “Đờn ca Tài tử” (ĐCTT) thuộc lĩnh vực Văn nghệ Dân gian hơn là Sân khấu Cải lương và nên bàn giao ĐCTT cho Chi hội Văn nghệ Dân gian quản lý hoặc chăm sóc sinh hoạt. Đó là quan điểm đáng quan tâm và cần phân tích làm rõ, nhằm tìm ra những căn cứ cơ bản về bản chất của loại hình. Đặc biệt, khi ĐCTT đã được Tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2013.
Quan điểm nêu trên là một ý kiến mới. Khi chúng ta đưa ra một ý kiến hay quan điểm mới về vấn đề nào đó, cần phải xem xét cơ sở lý luận và thực tiễn để đi đến kết luận khoa học. Trước tiên, khi chúng ta muốn nhận định, đánh giá thực chất của vấn đề hay nghiên cứu về một sự vật, hiện tượng nào đó phải tìm hiểu bản chất và quy luật tồn tại, phát triển của nó để đưa ra những luận chứng kết luận khoa học. Kế đến, nghiên cứu mối quan hệ vận động của sự vật, hiện tượng đó trong lĩnh vực nào với tính cá biệt hay phổ biến. Muốn vậy, chúng ta cần xem xét trên nền tảng khoa học, tức trên cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề.
Cơ sở lý luận: ĐCTT là một loại hình ca nhạc truyền thống của Nam Bộ. Về thuộc tính, ĐCTT vừa có tính chất dân gian vừa có tính chất bác học - hàn lâm. Tính dân gian là hình thức sinh hoạt rộng rãi trong cộng đồng như ở nhiều lễ hội, phong tục, đình đám, tiệc tùng… Tính bác học là hình thức sinh hoạt thính phòng (giống như nhạc phương Tây), nó có một dòng nhạc chính thống đầy đủ yếu tố bản sắc dân tộc (không vay mượn hay lai tạp), có một hệ thống cấu trúc lớn trong loại hình âm nhạc Ngũ cung Việt Nam (hệ thống 10 loại bài bản – 20 bài bản Tổ). Nghĩa là, ĐCTT là một hình thức diễn tấu diễn xướng (tức có người ca, người đờn thực hiện một loại bài bản của nhạc Tài tử); Nhạc Tài tử là một dòng nhạc đặc thù của Nam Bộ (nhạc không có lời ca) được sinh ra từ nhạc Lễ Nam Bộ, mà nhạc Lễ Nam Bộ được sinh ra từ nhạc Ngũ cung Việt Nam (nhạc Cung đình Huế - quốc nhạc – bác học). Qua đó cho thấy, ĐCTT có nguồn gốc âm nhạc bác học với yếu tố: có hệ thống cấu trúc và tính thính phòng (văn nghệ dân gian không có hai yếu tố này). Như vậy, bản chất của ĐCTT được khẳng định là dòng nhạc bác học; còn hình thức diễn tấu diễn xướng là tính dân gian (trừ hình thức thính phòng) và sau năm 1975 đến nay được ngành chức năng quản lý và định hướng hoạt động.
Cơ sở thực tiễn: Khi ĐCTT phát triển lớn mạnh và rộng khắp Nam Bộ thì nó phát sinh hình thức mới là Ca ra bộ (khoảng cuối thế kỷ XIX). Sau đó, từ Ca ra bộ phát triển thành Hát chặp có tính chất sân khấu (thoại kịch), với tiết mục đầu tiên “Bùi Kiệm đi thi” của tác giả Trương Duy Toản. Từ tiết mục này, tác giả đã kéo dài ra thành vở Cải lương “Kim Vân Kiều” dựng cho gánh hát Thầy Năm Tú và ra mắt vào ngày 15/3/1918 tại Mỹ Tho. Từ lâu (khoảng thập niên 1950), Sân khấu Cải lương không còn giới hạn ở phạm vi Nam Bộ, mà đã được Nhà nước công nhận là Cải lương Việt Nam. Như vậy, Cải lương hình thành ban đầu là nhờ từ hình thức ĐCTT, mà Hát chặp là gạch nối của mối quan hệ giữa ĐCTT và Sân khấu Cải lương. Khi Cải lương phát triển thành loại hình nghệ thuật tổng hợp, nó dung nạp nhiều bộ môn nghệ thuật khác cả nội và ngoại. Nghĩa là, Cải lương tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật của nhân loại (nhạc và phương pháp xây dụng kịch bản cả phương Tây và Đông) để làm nét độc đáo riêng của mình. Đó cũng là quy luật phát triển trong giao lưu và tiếp biến văn hóa nghệ thuật, là quy luật tiến hóa của mọi thời đại, mọi quốc gia – dân tộc. Tuy nhiên, Cải lương là nghệ thuật tổng hợp nhưng vẫn lấy dòng nhạc Tài tử làm nền tảng, Vọng cổ nhịp 32 là “linh hồn” của các vở diễn. Cải lương nhờ nhạc Tài tử phát triển ca kịch đa dạng về hình thức và phong phú về tính chất (hỉ, nộ, ái, ố, bi, hài…), vì mỗi bài bản (thể điệu) có tính chất riêng để phù hợp với nhân vật và tình huống kịch.
Mối quan hệ giữa ĐCTT và Cải lương: ĐCTT ban đầu hình thức diễn tấu diễn xướng mang tính chất không chuyên nghiệp (tức không lợi nhuận), nhưng khi nó phát triển đi vào Cải lương thì mang tính chuyên nghiệp. Nghĩa là ĐCTT nhờ Cải lương làm mảnh đất để phát triển từ không chuyên trở thành chuyên nghiệp, mà vẫn giữ được cái gốc không bị lai tạp. Cải lương nhờ nhạc Tài tử mà phát triển đa dạng về hình thức, phong phú về tính chất ca kịch. Nếu không có nhạc Tài tử thì không có Cải lương; nếu không có Cải lương thì nhạc Tài tử khó phát triển, theo quy luật khép kín. Như vậy, mối quan hệ giữa ĐCTT và Cải lương là quan hệ tương tác và gắn bó, nói nôm na là mối quan hệ “họ hàng” (cùng hệ thống cấu trúc của nhạc Ngũ cung Việt Nam). Đây là mối quan hệ có tính biện chứng giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại; nhạc Tài tử là yếu tố truyền thống, Cải lương là hiện đại; yếu tố hiện đại (Cải lương) kế thừa phát triển trên nền tảng của yếu tố truyền thống (nhạc Tài tử). Nghĩa là yếu tố truyền thống là cái trục cho yếu tố hiện đại phát triển mà không mất gốc, yếu tố hiện đại buộc yếu tố truyền thống phải phát triển (tính triết học Mác-Lênin).
Về khái niệm dân gian: Dân gian là một không gian rất rộng lớn, trong đó có con người sống và hoạt động; nhưng từng không gian có giới hạn trong mỗi cộng đồng dân tộc. Nghệ thuật là do con người sáng tạo từ quá trình lao động tích lũy. Vì vậy, mọi loại hình nghệ thuật đều xuất phát từ dân gian. Nói cách khác, dân gian là mảnh đất sinh sản ra nghệ thuật ban đầu, qua quá trình phát triển nhất định thì từng loại hình thành bác học, chuyên nghiệp… Như khoa học xuất hiện cũng từ dân gian, từ công cuộc tổng kết ở thực tiễn thành hệ thống tri thức về những định luật, cấu trúc, và cách vận hành của thế giới tự nhiên, được đúc kết thông qua việc quan sát, mô tả, đo đạc, thực nghiệm, phát triển lý thuyết bằng các phương pháp khoa học. Do vậy, văn nghệ dân gian là một khái niệm rất rộng, bao quát nhiều loại hình, thể loại nghệ thuật mà con người đã sáng tạo qua các giai đoạn lịch sử. Ngày nay, văn nghệ dân gian thường lưu giữ những loại hình, thể loại nghệ thuật xa xưa (như trò chơi, phong tục, hò, lý, hát ru…) hơn là những loại hình nghệ thuật hiện đại. Xét cho cùng về nhiều thể loại nghệ thuật dân gian như hò, lý, hát ru… ở Nam Bộ; Hát xẩm ở Bắc Bộ; hát Bả trạo, Bài chòi ở Trung Bộ… âm nhạc đều là thành viên của nhạc Ngũ cung Việt Nam. Tuy vậy, các thể loại vừa nêu vẫn mang tính dân gian, không phổ biến trong lĩnh vực chuyên nghiệp (bác học). Còn ĐCTT qua cơ sở lý luận và thực tiễn đã rõ.
Thay lời kết
ĐCTT luôn gắn bó với cộng đồng Nam Bộ, về nghệ thuật thì chỉ gắn bó với Cải lương nhiều và lâu nhất. Từ sau năm 1975 cho đến nay, ĐCTT được ngành văn hóa quản lý, trực thuộc các Chi hội Sân khấu Cải lương trong hoạt động chuyên môn, chưa có tỉnh – địa phương nào đưa ĐCTT vào Văn nghệ Dân gian trong hoạt động chuyên môn. Điều này đã được thống nhất của ngành văn hóa và Hội Sân khấu từ trung ương đến địa phương. Văn hóa là sự tôn trọng tự do chính kiến, phát hiện những vấn đề mới có tính thiết thực với cuộc sống; nếu quan điểm ấy thật sự có tiện ích, sẽ được giới chuyên môn hay ngành chức năng lưu tâm xem xét. Quan điểm “Đờn ca Tài tử thuộc lĩnh vực nào?” cũng là một chính kiến để chúng ta cùng suy ngẫm.
Đỗ Dũng