Thứ sáu 26/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Ông ngoại tập tễnh

Vừa tan học, Bin ào ra cổng và cậu chợt sững người lại khi nhìn thấy ông ngoại đang đứng đợi.

Sự thực là Bin không thích ông ngoại đến trường đón cậu. Không thích một tí tẹo nào. Vì sao ư? Bởi vì ông ngoại được mệnh danh là “ông ngoại tập tễnh”. Chân trái của ông ngắn hơn chân phải dễ đến 2cm, cho nên khi ông đi, người cứ nghiêng về một phía, tập tà tập tễnh. Chẳng biết ai là người đầu tiên đặt cho ông cái biệt danh ấy. Chỉ biết cả nhà đều vui vẻ gọi ông là “ông ngoại tập tễnh” một cách trìu mến. Và ông cũng không phản đối điều ấy. Ông còn thường lấy tay xoa xoa vào cái chân trái ngắn hơn của mình, cười khà khà, bảo: Còn tập tễnh được là còn may lắm đấy! Lẽ ra cả cái chân này bị để lại chiến trường rồi kia!

          Chuyện cái chân trái ngắn hơn của ông, ông đã kể nhiều lần, nhưng Bin không thấy hào hứng lắm. Vì thế, cậu cũng chỉ nhớ mang máng. Đại loại là ngày xưa ông đi bộ đội, chiến đấu với bọn Mỹ rồi bị thương. Bin nghĩ, giá bị thương vào chỗ khác thì tốt hơn, ít nhất là chân cũng không bị ngắn đi, mỗi bước đi không bị tập tễnh khó nhọc, đỡ xấu biết bao nhiêu. Có lần, Bin thổ lộ với chị Phương ý nghĩ ấy, chị mắng luôn: “Em nghĩ hâm thế! Bị thương vào chỗ khác còn nguy hiểm đến tính mạng hơn nhiều. Ông ngoại tập tễnh thì đã làm sao? Còn  hơn ối kẻ lành lặn mà sống không tốt đẹp”. Chị Phương thì bao giờ cũng thế, nói cứ như sách vở, như cô giáo ấy. Có thế, chị ấy mới được làm lớp trưởng suốt tám năm liền.

          Chuyện cái chân tập tễnh của ông ngoại có thể không liên quan lắm đến Bin, nếu như ông không hay ra trường đón cậu. Bố mẹ bận đi làm, không thường xuyên đưa đón Bin được nên thường nhờ ông. Đã nhiều lần Bin đòi bố mẹ cho tự đi học, về học, nhưng bố mẹ chưa cho. Mẹ bảo Bin còn nhỏ, mới học lớp 1, đường đến trường lại nhiều xe cộ, nhỡ ra sang đường không cẩn thận, xảy ra sự việc gì đáng tiếc thì sao? Cho nên, hôm nào mẹ không đưa đón được thì đã có ông ngoại giúp. Có điều, ông ngoại không đi xe đạp, chẳng đi xe máy mà chỉ đi bộ. Với Bin, đi bộ cũng không sao, vì trường cách nhà chỉ chừng 1km. Nhưng đi bộ với ông ngoại thì chẳng thú vị chút nào. Bởi vì ông ngoại có đôi chân tập tễnh. Bao nhiêu là bạn cùng trường cứ tò mò nhìn theo dáng đi khổ sở của ông. Có bạn còn hỏi thẳng Bin: “Ông cậu bị làm sao mà chân cứ tập tà tập tễnh thế”, làm cho Bin thấy ngượng ơi là ngượng.

          Nhưng chẳng biết làm thế nào để ông không đi đón Bin nữa. Vì mẹ đã kiên quyết không cho Bin đi  một mình. Chiều nay, nhìn thấy ông ngoại mà Bin cảm thấy chán chán. Cậu cứ đứng ỳ ra một lúc trong sân trường, mãi đến lúc các bạn về đã vãn Bin mới chậm chạp lê bước ra. Ông ngoại trông thấy bin thì cười rõ tươi, không để ý đến vẻ mặt bí xị của cháu.

-         Nào, hôm nay ở lớp có gì thú vị không hả chàng trai? Ông hỏi.

Mọi hôm, Bin rất thích cách ông gọi mình là “chàng trai”, nhưng hôm nay thì cậu còn chẳng buồn nhếch mép. Bin ậm ờ không trả lời ông, mắt còn mải nhìn xem có bạn nào phát hiện ra “ông ngoại tập tễnh” đi đón mình không. Bin sợ các bạn cười vì cái chân khác thường của ông.

-         Bin này, ngày mai trường cháu ngoại khóa về lịch sử, đúng không?

Câu hỏi của ông làm Bin tròn mắt ngạc nhiên:

-         Sao ông biết cơ ạ?

Bin ngạc nhiên là đúng. Vì cô giáo mới dặn cả lớp rằng sáng mai có giờ ngoại khóa về lịch sử. Cả lớp tập trung ở sân trường. Nhà trường có mời một anh hùng đến kể chuyện chiến đấu. Cả lớp Bin háo hức lắm. Ai cũng muốn chiêm ngưỡng một anh hùng bằng xương bằng thịt ở ngoài đời. Thậm chí bọn con trai mê siên nhân còn bàn nhau tìm sổ mang đến xin chữ ký của anh hùng. Nhưng Bin chưa kể mà sao ông lại biết được nhỉ?

 

Nghe Bin thắc mắc, ông ngoại cười tủm tỉm:

 

-         Ừ, ông biết chứ!

Bin cũng chẳng thắc mắc thêm nữa. Cậu còn đang mãi nghĩ đến ngày mai. Không biết người anh hùng đó như thế nào nhỉ? Chắc phải to lớn, phải có sức mạnh phi thường thì mới diệt được bao nhiêu là kẻ thù. Ước gì mai sau lớn lên, mình cũng trở thành một anh hùng…

Sáng hôm sau, Bin háo hức đến trường thật sớm. Sân trường được trang hoàng thật đẹp. Từng dãy ghế nhựa kê ngay ngắn theo từng lớp. Trên phía khán đài cờ hoa rực rỡ. Âm nhạc vang lên hùng tráng làm ai cũng thấy phấn chấn. Đến giờ tập trung, sau hồi trống của bác bảo vệ, học sinh ùa cả xuống sân, nhanh nhẹn xếp hàng. Háo hức nhất vẫn là lũ con trai. Chúng cứ ngóng mãi về phía phòng họp hội đồng nhà trường vì đoán là vị anh hùng đang ngồi ở đó. Bin cũng thấy hồi hội. Cậu mong người anh hùng đó xuất hiện càng nhanh càng tốt.

Và rồi giây phút được mong chờ nhất cũng tới. Cô hiệu trưởng trịnh trọng giới thiệu nhân vật chính của buổi giao lưu ngoại khóa về lịch sử. Bin tròn mắt, kinh ngạc đến vô cùng khi thấy người bước ra sau lời giới thiệu của cô hiệu trưởng là ông ngoại tập tễnh của mình. Có điều, hôm nay ông mặc quân phục, trên ngực lấp lánh bao nhiêu là huân, huy chương. Nhìn ông lạ hẳn. Nhưng cái dáng đi tập tễnh thì không lẫn được. Ông bước đến bục nói chuyện, bắt đầu câu chuyện về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, về những tháng ngày chiến đấu gian khổ giữa chiến trường khốc liệt của ông và biết bao đồng đội… Ông kể về “lai lịch” vết thương nơi đùi trái, khiến ông phải đi tập tễnh. Đó là hôm đơn vị của ông đụng độ ác liệt với kẻ thù. Rất nhiều đồng đội của ông đã hy sinh. Còn ông bị thương nặng, được đưa về tuyến sau. Giữa chiến trường, thiếu thốn đủ bề, thuốc men không có nên vết thương của ông ngày càng nặng, đến nỗi suýt phải cưa chân. Ông bảo, hiện tại, trong đùi ông vẫn còn nhiều mảnh đạn, cứ mỗi khi trở trời là đau nhức… Cũng sau những trận chiến đấu ác liệt ấy, đơn vị ông có nhiều người được phong anh hùng. Và cũng nhiều người vĩnh viễn nằm lại chiến trường…

Nghe ông kể chuyện chiến đấu, có bạn xuýt xoa thán phục, có bạn rơm rớm nước mắt. Nhất là nghe đến đoạn những đồng đội của ông ngã xuống… Bin thấy mấy bạn xung quanh thì thào khen ông dũng cảm quá. Một mình ông đã tiêu diệt biết bao kẻ thù, bất chấp đạn bom, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ… Không có những anh hùng như ông,  làm sao đất nước có được hòa bình?

- Ông tớ đấy! Đấy là ông ngoại tớ đấy! Bin tự hào nói với các bạn ngồi cạnh.

- Cậu sướng thật, có ông là một anh hùng! Một bạn nói với Bin như vậy.

          Bây giờ thì Bin thấy sung sướng thật. Cậu say mê ngắm và nghe ông kể chuyện, cứ như lần đầu tiên được thấy ông. Và Bin thấy tự hào về ông biết bao. Cậu còn thấy yêu đôi chân tập tễnh của ông quá! Chứ sao nữa, vì đó là đôi chân của một anh hùng!

Nguyễn Thị Việt Nga

Theo TC VNLA 10/2013

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 47

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 45


Hôm nayHôm nay : 6994

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 261482

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8719583