Thứ năm 19/09/2024

NỘI DUNG CHÍNH

12 tác phẩm vào chung khảo xếp giải Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL lần thứ VI năm 2017 tại Long An

12 tác phẩm vào chung khảo xếp giải Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL lần thứ VI năm 2017 tại Long An

12 tác phẩm vào chung khảo xếp giải Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL lần thứ VI năm 2017 tại Long An

Căn cứ vào tổng số điểm của Ban Giám khảo vòng chung khảo, Ban Tổ chức Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL lần thứ VI năm 2017 tại Long An đã chọn ra được 12/34 tác phẩm vào xếp hạng.
Vannghelongan xin được giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm vào vòng xếp hạng trước khi công bố thứ tự xếp giải chính thức là 15 ngày. Nếu có ý kiến phản hồi xin quý bạn đọc gởi văn bản phản hồi đến Ban Tổ chức Cuộc thi theo địa chỉ:
- Ban Tổ chức Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL năm 2017
Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Long An,
số 44 Nguyễn Huệ, Phường 1, TP Tân An, tỉnh Long An
Hoặc theo địa chỉ mail:
hoivhnt@longan.gov.vn
Nếu sau 15 ngày kể từ ngày đăng tác phẩm, không có ý kiến phản hồi, Ban Tổ chức sẽ công bố kết quả xếp giải và tiến hành tổ chức Lễ Tổng kết trao giải thưởng Cuộc thi.
 
Tác phẩm có mã số: 022
Đau đáu sông mẹ!
 
Trong một thời gian dài vừa qua, tôi thấy nhiều bà, chị tuy tất bật nấu nướng lo bữa cơm chiều nhưng vẫn sắp xếp sao cho kịp đến 7 giờ tối là rảnh rang bật ti vi xem phim "Cô dâu 8 tuổi". Tôi không thích xem phim này vì dù cho đạo diễn và diễn viên hay ho cỡ nào nhưng chắc chắn kịch bản có vấn đề, không thể có một bố cục hoàn chỉnh vì quá dài. Nhưng tôi rất thông cảm với các bà, chị, không bài bác, chê bai gì họ vì đó cũng là một gu xem phim. Cũng như tôi cách đây hơn 10 năm, dù vợ gọi dùng cơm, tôi cũng kêu chờ một lát hoặc bỏ hẵn bữa để xem bộ phim "Mekong ký sự". Đây là bộ phim tài liệu truyền hình dài  nhất Việt Nam (92 tập) do Hãng phim Đài Truyền hình TP HCM thực hiện. Nhưng hết lần này tới lần nọ thấy tôi cứ lần lữa, gí mắt vào màn hình ti vi, vợ tôi cũng tò mò ngồi xem thử một vài đoạn. Thế rồi chẳng bao lâu sau, vợ tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của tôi một là xem phim xong hãy ăn cơm hoặc ăn cơm trước rồi xem. Vợ tôi nói phim hay quá, xem phim mà như đi du lịch miễn phí với nhiều người nào là nhà báo, nhà văn, nhà khoa học... Bởi phim đề cập khá tỉ mỉ về nhiều góc cạnh của sông Mekong, từ thiên nhiên cho đến làng mạc, thành phố, các dân tộc, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc... Người xem ai cũng hiểu biết thêm được nhiều thứ về một trong những dòng sông lớn nhất thế giới, nhất là đối với người ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vì gần gũi với mình, hơn nữa là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ sông Mekong. Nhưng ngày nay, nếu còn sống, ắt cố Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc (chủ biên và đạo diễn phim) sẽ thực hiện một bộ phim dài tập khác với tựa đề "Tân Mekong ký sự" bởi sông Mekong ngày nay có quá nhiều thay đổi!
Là người ở ĐBSCL nên tôi quan tâm đến sự thay đổi của sông Cửu Long, phần cuối của sông Mekong khi chảy vào địa phận Việt Nam và trước khi ra biển.
Có thể xuất xứ ban đầu của tên gọi "Cửu Long" là  phiên âm theo tiếng của dân tộc khác nhưng từ khi được giải thích tên gọi ấy là "9 con rồng", người Việt Nam đã hình tượng hóa một hợp lưu rất quan trọng ở ĐBSCL mà khi ra biển có đến 9 cửa sông dù số 9 ở đây không nên hiểu "cứng nhắc" là 9 (đơn vị). Tôi rất đồng tình với tác giả TTT khi tạp chí Kiến thức ngày nay đăng bài của anh cách nay khá lâu (số 695 ngày 1/12/2009), rằng là: "sông đổ ra biển theo nhiều nhánh, thuở đó không ai đếm được bao nhiêu, nên cứ gọi là chín (cửu), đó là con số tròn đầy, viên mãn, rồi dần dần tên gọi đó  được ghi vào sách vở và truyền lại đến ngày nay…". Dù ngày nay "Cửu Long" chỉ còn "Bát Long" (cửa Ba Thắc đã bị bồi lấp), hoặc chỉ còn Thất Long" (cửa Ba Lai có đập chắn ngang) thì nghĩa khái quát của từ "Cửu Long" vẫn không thay đổi.
Cách đây khoảng 4 năm, tôi và các bạn tôi khi đến thành phố Châu Đốc có đến tham quan công viên 30/4 cặp bờ sông cùng có tên Châu Đốc, ngang Thành ủy. Gần đấy là ngã ba sông - nơi sông Châu Đốc chảy ra sông Hậu. Trong khi nhiều người mãi mê chụp ảnh gần tượng 2 con cá ba sa đang quẩy mình trên sóng nước ở giữa công viên, tôi lần dò xuống các bậc thềm dẫn xuống sông. Lúc ấy đang vào mùa khô, khi đứng ở bậc thềm sát mép nước nhìn lên mặt đường, chí ít cũng phải trên 3 mét. Kè đá dọc bờ sông trông như bức tường thành cao. Nghe nói vào mùa nước lũ, mặt nước ngấp nghé công viên. Tôi còn nửa tin nửa ngờ nhìn quanh quất thì bắt gặp ngấn nước màu vàng nhạt nằm ngang với mặt đường in trên kè đá dọc bờ sông. Từ ngấn nước đến mặt đường cách nhau chỉ khoảng một gang tay.
Trong đoàn chúng tôi có một số người là nhiếp ảnh gia thực thụ nên đã bao một chiếc vỏ lãi nhỏ chở khoảng năm sáu người chạy quanh các nhà bè nuôi cá ba sa ở phía bên kia sông Châu Đốc và dọc theo sông Hậu để chụp ảnh. Tôi cũng được ăn theo dù chỉ có trong tay chiếc điện thoại Nokia cổ lỗ 520 chớ không đeo máy móc lỉnh kỉnh như họ. Chỉ cần cưỡi ngựa xem hoa như thế, ai cũng tấm tắc khen Châu Đốc giàu là phải. Nhà bè nuôi cá san sát nhau và người ta có thể đi bộ qua lại giữa các nhà bè với nhau bằng cây đòn dài nhún nhảy mỗi khi có người đi qua.
Nhà bè ở ngã ba sông Châu Đốc và sông Hậu có lúc lên đến mấy ngàn  chiếc. Đã có nhiều người nuôi cá bè nên nhà nên cửa, vàng đeo đỏ tay đỏ cổ. Năm tháng trôi qua, đối với nhà nhiếp ảnh, làng bè vẫn còn là đề tài sáng tác hấp dẫn nhất là khi làng bè thức dậy trong ánh nắng ban mai, mặt sông lấp lánh, cá quẩy đuôi nước tung trắng xóa nhưng thật ra làng bè đã bao lần chìm nổi. Người nuôi cá thua lỗ do giá cả lên xuống thất thường, nhiều người bị quịt nợ, số ít thì vài chục triệu, số nhiều lên đến cả tỷ bạc. Thương lái thu mua hứa hẹn năm lần bảy lượt vẫn không trả được vốn cho người nuôi cá, có kẻ trốn biệt vì chính họ cũng phá sản. Rồi đến lượt cá bè bị chết! Nhiều người nuôi bè phải bán rẻ lồng hoặc xẻ bè lấy ván, cột, tìm phương kế khác sinh nhai...
Không trở nên giàu có hoặc phá sản như người nuôi cá bè nhưng những người sống bằng nghề đánh bắt tự nhiên trên sông mấy năm gần đây cũng khốn khó trăm bề. Tưởng như dễ kiểu "chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn" nhưng không có nước, làm sao có cá? Những đập thủy điện ở Trung Quốc, ở Lào đã chặn nguồn nước nên lũ không về ĐBSCL. Có người ngay từ đầu năm cả gia đình chồng vợ con cái ngồi tỉ mẩn vót trúc, vót tre đan từng cái rỗ, cái thúng để đến mùa lũ bán nhưng đến mùa không phải chỉ cần thả xuôi theo con nước mà phải chèo chống ghe vào tận những con rạch nhỏ nhưng ghe vẫn còn khẳm hàng khi trở về nhà! Nhiều người chắt chiu vài ba triệu sắm lưới, mua nò, đặt đó rồi đành bỏ không! Cả các tiệm bán lưới, nò... cũng bị vạ lây vì chẳng mấy ai đến mua.
Vợ tôi là người Cà Mau xứ lắm tôm nhiều cá nhưng khi về sinh sống ở Cần Thơ, thấy cá mùa nước nổi cũng phải mê! Năm nào, vợ tôi cũng ra chợ Cái Răng mua mỗi lần nửa cần xé cá rô loại nhỏ cỡ hai ngón tay về làm... mắm. Vài tháng sau, vợ tôi treo bảng bán mắm Cà Mau. Gần tới Tết Nguyên đán, vợ tôi mỗi ngày mua cả chục cá sặc bổi về làm khô rồi sau đó treo thêm bảng bán khô cá bổi Cà Mau. Vợ tôi nói, tuy là cá Cần Thơ nhưng cách làm mắm, làm khô theo kiểu Cà Mau, không gạt ai đâu! Vì người Cà Mau (nhất là người Đầm Dơi như vợ tôi) có bí quyết riêng làm cho mắm, cho khô ngon mà nhiều nơi khác không "làm theo" được. Khi tôi hỏi (để có thể viết báo), vợ tôi cũng chỉ nói tới mức là làm sao cho cá đừng tanh. Nhưng làm cách nào đừng tanh thì vợ tôi dấu biệt! Thế nhưng những năm gần đây khi lũ không về, cá ít, vợ tôi thất nghiệp! Hai vợ chồng đành sống cắc mốt cắc hai theo lương hưu!
Nhà tôi ở khu dân cư 586, gần Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Mỗi ngày 2 bận, tôi đi bộ tập thể dục quanh đấy và thường ra khu vực gần bến sông Hậu. Gió sông thổi lồng lộng mát dịu khác hẳn gió sông ở Cà Mau. Gió sông ở Cà Mau cũng mát nhưng tôi cảm giác hơi "rít" do ảnh hưởng hơi nước mặn bốc lên. Năm ngoái, nhìn nước sông Hậu trôi xuôi ra hướng biển với màu nước trong xanh, vợ tôi khen màu nước đẹp quá, không như nước sông ở Cà Mau đục ngầu. Tôi giật mình! Nước trong xanh ư? Sông Hậu mà có màu nước trong xanh như nước biển Nha Trang là có vấn đề! Vì như thế có nghĩa là sông Hậu như chiếc xe chạy không tải, không còn "nhiệm vụ" chuyên chở phù sa từ thượng nguồn về nuôi sống đồng bằng nữa!
Nước trong xanh cũng như lũ không về đều có cùng một nguyên nhân là bị tác động từ bên ngoài không thuộc lãnh thổ Việt Nam. Nhưng nước trong xanh không hẳn có nghĩa là nước trong sạch, trong lành.
Đi đường thủy hay đi đường bộ dọc sông Hậu từ thành phố Châu Đốc xuôi về hạ lưu, ai cũng thấy nhiều ống khói nhà máy nhô cao, ghe tàu đủ cỡ ra vào các bến bãi. Ban đầu đó là những nhà máy gắn liền với nông nghiệp, với nghề cá như nhà máy xay xát lúa gạo, chế biến lương thực, chế biến thủy sản, thức ăn chăn nuôi... Nhưng rồi kế đó là các nhà máy không liên quan gì đến nông nghiệp như nhà máy thuộc da, nhà máy giấy, nhà máy thép, nhà máy nhiệt điện....
Thật ra việc các nhà máy mọc lên ở ven sông không phải chỉ ở Việt Nam mới xảy ra mà trên thế giới ở đâu cũng có! Riêng ở sông Hậu, mấy trăm nhà máy mọc lên ven bờ ở các tỉnh thành từ An Giang, Đồng Tháp cho đến Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh chứng tỏ công nghiệp ở ĐBSCL đang ngày một phát triển. Vấn đề là khắc phục ô nhiễm môi trường thế nào khi khí thải, nước thải, chất thải từ các nhà máy thải ra hàng ngày cả ngàn tấn?
Thế giới đã bêu tên 10 con sông lớn bị ô nhiễm nặng, trong đó ở có sông Hoàng Hà, sông Tùng Hoa ở Trung Quốc; sông Mississipi ở Mỹ; sông Hằng, sông Yamuna (phụ lưu sông Hằng) ở Ấn Độ; sông King ở Úc; sông Citarum ở Indonesia... May mắn là sông Cửu Long chưa được liệt vào danh sách này nhưng theo tôi, có vẻ như sông Cửu Long xếp sau danh sách đó không xa!
Một dấu hiệu môi trường bị ô nhiễm mà người ta dễ nhận biết được là mùi hôi! Có người chống chế rằng, ngửi riết quen! Năm ấy, tôi cùng đi chung đoàn thẩm định một công trình điêu khắc của tỉnh đến xưởng của nhà điêu khắc Nguyễn Hải (đã từ trần) ở Gò Vấp. Vừa đến cổng xưởng, tôi đã bắt được mùi phân bò! Hỏi ra thì biết xung quanh xưởng của ông có nhiều nhà nuôi bò lấy sữa. Mỗi nhà chỉ nuôi đôi ba con nhưng hầu như nhà nào cũng nuôi. Thấy tôi khó chịu vì mùi hôi này, anh Hải cười rồi nói, ráng chịu chút, lát nữa là hết hôi! Quả thật, ngồi bàn chuyện đâu khoảng non tiếng đồng hồ, tôi không còn cảm thấy hôi mùi phân bò nữa! Thì ra khứu giác con người có tài "sống chung" với mùi hôi! Nhưng theo tôi, đó là hôi... vừa vừa chớ còn hôi nặng hơn, lỗ mũi nào chịu nổi! Cái hôi kiểu ở các nhà máy chế biến thủy sản (tôm, cá) rất khó chịu. Có ngửi thì mới biết thế là là hôi, là tanh! Ai không quen hít phải vào là muốn lộn mữa! Tôi từng biết bà con ở một khu dân cư ở gần nhà máy chế biến thủy sản khiếu nại vì nhà máy phơi đầu tôm ngoài trời bốc mùi quá! Sở TNMT cử cán bộ đến kiểm tra và cho đo nồng độ (tôi chẳng biết đo bằng cách nào) và sau đó kết luận là mùi hôi chưa vượt ngưỡng cho phép!!! Úy trời! Vậy đến cỡ nào mới vượt ngưỡng cho phép? Bà con xung quanh khu vực phơi đầu tôm sau khi nghe cán bộ khoa học phán như vậy, ai cũng lắc đầu, chắc lưỡi, "bó tay"!
          Từ An Giang xuôi theo dòng sông Hậu, tôi biết Cụm công nghiệp Mỹ Quý từng gây ô nhiễm thời gian dài. Dân la, báo chí la, chính quyền can thiệp buộc các nhà máy buộc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh. Nhưng tôi nghe nói Khu công nghiệp Bình Long, Bình Hòa, hệ thống xử lý nước thải vẫn chưa được hoàn thiện?
          Đối diện với tỉnh An Giang bên kia sông Hậu là tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh này có Khu công nghiệp (KCN) Sông Hậu ven sông Hậu, chỉ cách cảng Cần Thơ 25 cây số, thuận lợi khi kết nối với các KCN khác, nhất là đối với thành phố Cần Thơ. Ngay từ khi mời gọi các nhà đầu tư, đã có ý thức xây dựng các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch nhưng những nhà máy chế biến nông sản, thủy sản trong chừng mực nào đó cũng gây ô nhiễm môi trường, có vấn đề trong việc xử lý nước thải, khí thải. Cá ba sa, cá tra khác với tôm ở chỗ có nhiều dầu mỡ. Dầu mỡ đóng lớp nơi này nơi nọ dù có bao nhiêu xà bông cũng rửa không hết. Dầu mỡ lâu ngày quến bụi đất biến thành một chất sền sệt đen thui bẩn thĩu,  khó ngửi!
          Tôi ở Cần Thơ nên tôi quan tâm đến hoạt động của các KCN. Thành phố Cần Thơ hiện có 8 KCN nhưng đã có 6 KCN nằm ven sông Hậu với hơn 200 nhà máy. Báo chí cho biết vào đầu năm 2016, nhà máy xử lý nước thải  đủ sức phục vụ cho 2 KCN  ở Trà Nóc. Nhưng vẫn còn một số nhà máy không hợp đồng với trạm xử lý thải. Lại có nhà máy hợp đồng xử lý chỉ bằng 50 - 60 % số lượng nước thải khi đăng ký sản xuất. Vừa qua, ở KCN Trà Nóc xảy ra một vụ cháy lớn. Một nguyên nhân không ứng cứu kịp thời là do... thiếu nước! Sông Hậu sông sâu nước chảy như thế mà còn thiếu nước thì những yêu cầu khác từ khu công nghiệp còn thiếu gì nữa. Có người biện minh rằng từ nơi bị cháy cách sông Hậu xa đến... nửa cây số, không đủ phương tiện để lấy nước cho kịp thời! Nhưng theo tôi, yêu cầu nước (để chữa cháy) là dễ thực hiện nhất so với những yêu cầu khác như nước thải chẳng hạn! Mà không xử lý nước thải thì nước thải chảy đi đâu? Ai cũng biết nước thải ấy chảy lòng vòng đâu đó trong các kinh rạch nhỏ rồi cuối cùng cũng ra sông Hậu!
          Năm nào tôi cũng có đôi ba chuyến đi bằng xe máy theo Quốc lộ Nam Sông Hậu về Bạc Liêu. Đó chính là hướng đến các nhà máy, các KCN dọc sông Hậu trên địa phận thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng mà tập trung đông ken là từ ngoại ô thành phố Cần Thơ sang địa phận tỉnh Hậu Giang. Nào là nhà máy bia, nhà máy chế biến thủy sản, nhà máy xi măng, nhà máy giấy, nhà máy nhiệt điện...
          Quốc lộ Nam Sông Hậu là lộ mới nhưng nay đoạn qua các nhà máy lủng lỗ lủng hang. Hằng ngày nhiều xe container chạy qua lại, mùa khô bụi bay mù mịt, mùa mưa nước đọng vũng. Do chạy xe máy nên tôi hay dừng lại giữa đường chụp ảnh. Nhìn dáng vẻ bề ngoài, các nhà máy trông rất bắt mắt với những công trình kiến trúc khác nhau. Nhưng đa số chỉ đứng xa chụp toàn cảnh mà không đến gần hoặc vào hẳn trong nhà máy. Một nghệ sĩ nhiếp ảnh ở thành phố Cần Thơ nói chụp cận cảnh nhà máy khó khăn lắm, bảo vệ không cho, nói phải xin phép lãnh đạo mà mỗi lần xin phép lãnh đạo thì rất lòng vòng phòng này phòng nọ! Trừ phi "ăn theo" các quan chức đến thăm nhà máy! Riêng tôi chưa bị bảo vệ nhà máy ngăn cản lần nào bởi tôi chụp ảnh bằng mobil. Tôi dừng xe lại bên vệ đường, làm bộ lấy điện thoại ra nghe rồi nhắn tin. Lúc ấy tôi chụp ảnh!
          Gần đây nổi cộm lên Nhà máy sản xuất giấy mà nhiều người gọi là "Lý Nhân" (Lee & Man) ở Cụm Công nghiệp Phú Hữu A (tỉnh Hậu Giang). Nghe nói cơ quan có chức năng đang kiểm tra gắt gao quy trình xử lý nước thải của khu vực này, buộc nhà máy phải xây dựng hồ sinh thái 40.000m3 chứa nước được xử lý và chỉ xả nước này ra sau khi nước đã giữ lại trong hồ vài ngày.
          Ở Trạm xử lý nước thải KCN Sông Hậu (tỉnh Hậu Giang), nước thải sau khi xử lý sẽ trở về sông Hậu. Dự kiến trạm này đi vào hoạt động cách đây 3 năm nhưng nay đã đổi tên thành "nguyễn y vân". Vậy khi hệ thống xử lý nước thải chưa hoạt động thì nước thải của hàng loạt nhà máy ở KCN này xả nước thải đi đâu? Công ty thủy sản Nam Sông Hậu từng bị bắt quả tang xả thẳng chất thải chưa qua xử lý ra sông.
          Một số nhà máy có cách "qua mặt chính quyền" về xử lý nước thải khá thú vị. Tôi nhớ ở Cần Thơ, công an từng phát hiện có nhà máy lén xả nước thải vào ban đêm ra sông. Lại có nhà máy bơm nước thải lên xà lan hoặc vào túi nhựa lớn đặt dưới lườn ghe rồi nửa đem ra sông xả (tôi định không nêu 2 thủ đoạn này e các nhà máy khác biết rồi "bắt chước" nhưng vì thấy nó khá "ngộ" nên kể ra để nhiều người cùng biết và cùng cảnh giác)!
Tỉnh Hậu Giang khi chuẩn bị tách tỉnh, địa phận hoàn toàn nằm trong nội địa nhưng sau đó đã xin Trung ương điều chỉnh cho tỉnh một đoạn sông Hậu để thông thương ra bên ngoài. Nhìn trên bản đồ, đoạn sông này có tí xíu nhưng tỉnh đã tranh thủ thành lập các KCN, bến cảng... và nơi đây đã và đang trở thành một khu vực xây dựng nhộn nhịp nhất tỉnh.
Đoạn Quốc lộ Nam Sông Hậu trên địa phận tỉnh Hậu Giang ngắn ngủn (khoảng 7 km) nên chạy xe máy túc tắc chỉ chừng 15 phút, tôi đã tới cầu Cái Côn thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng. Nhiều người lớn tuổi ở miệt Cà Mau, Bạc Liêu từ lâu đã từng uống "nước ngọt Cái Côn". Hồi ấy, Cà Mau, Bạc Liêu là xứ nước mặn quanh năm nên tới mùa khô luôn thiếu nước ngọt để uống. Nhiều người ở miệt trên chở nước bằng ghe chở nước từ Cần Thơ xuống các len lỏi vào các sông rạch ở Bạc Liêu, Cà Mau để "đổi nước". Là dân quê lam lũ nhưng ai cũng có tinh thần ái quốc không gọi "mua nước", "bán nước" mà là "đổi nước".
Tiếng là lấy nước ngọt từ Cần Thơ nhưng thường là lấy nước trên sông Hậu gần vàm Cái Côn. Người ta chèo ghe ra giữa sông rồi nhận ghe cho chìm để lấy nước (loại ghe bầu chở được trên trăm đôi nước; mỗi đôi nước là cặp thùng nước loại thùng đựng dầu lửa hiệu con sò, mỗi thùng 20 lít). Sau đó họ tát bớt nước để cho ghe vừa nổi rồi chèo xuống miệt Cà Mau, Bạc Liêu "đổi nước". Do chỉ dùng nước Cái Côn để uống nên mỗi nhà thường chỉ đổi khoảng 5 - 6 đôi nước, đủ chứa vào một mái đầm. Sẽ có người hỏi vậy nước sinh hoạt tắm rữa, giặt giũ thì thế nào? Thì cứ xài nước ao, nước sông! Nhiều người giặt quần áo bằng nước mặn (nước sông) rồi xả lại một lần nước ao rồi đem phơi. Vì thế vải quần áo thường cứng còng, mau cũ! Nhà nào khá giả sắm một vài chục mái đầm đặt một dọc dài bên hiên nhà chứa nước mưa dùng trong mùa khô. Dĩ nhiên ngày nay không còn người chèo ghe chở nước Cái Côn đem đổi nữa vì ở đâu đều dùng nước ngầm (tự khoan hoặc công cộng). Nhưng nếu như có người chở nước Cái Côn đi đổi nữa thì chẳng có ai dám đổi! Không phải uống vô chết liền như uống rượu có methanol nhưng trong nước chứa bao nhiêu vi khuẩn, vi trùng làm sao biết?
Chạy xe một đổi khá xa, có trên hai mươi cây số từ cầu Cái Côn đến cầu Đại Ngãi, tôi mừng thầm vì chưa thấy xuất hiện thêm nhà máy nào. Hai bên đường có nhiều vườn cây ăn trái: cam, xoài, chôm chôm, ổi... Có nơi bà con trồng mía, dưa hấu, rau cải... Tôi dừng lại chụp một số ảnh và căng lồng ngực hít thở khí trời trong lành thổi về từ sông Hậu.
Nhưng khi qua ngã ba Đại Ngãi không xa, trước mặt tôi là Nhà máy nhiệt điện Long Phú.
Theo "Quy hoạch điện VII điều chỉnh dự án phát triển  điện lực quốc gia  giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030", nhiều nhà máy  nhiệt điện than sẽ được xây dựng  ở ĐBSCL. Chỉ riêng tuyến dọc theo sông Hậu  từ thành phố Cần Thơ qua tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh  đã và đang hình thành  khoảng 15 nhà máy nhiệt điện (số còn lại được xây dựng trong nội địa hoặc ven biển các tỉnh Long An, Trà Vinh, Cà Mau...)!
Ôi trời, tôi "dị ứng" với loại nhà máy này! Khí thải của các nhà máy này "kinh" lắm! Những ống khói thổi khói đen cuồn cuộn suốt ngày đêm. Dù cho chúng có bay lên trời rồi cũng có lúc... xuống đất!
Nhiều nhà khoa học đã lo ngại và lên tiếng. Báo chí đã nêu ý kiến của PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) rằng: "vùng ĐBSCL là vùng có đặc điểm đa dạng sinh học cao... nên rất nhạy  cảm với  ô nhiễm không khí, nguồn nước"; "nếu làm thu hẹp các diện tích  này sẽ trực tiếp đánh vào an ninh lương thực và xã hội của đất nước". Còn về địa chất, "do ĐBSCL hình thành do phù sa bồi tụ nên có kết cấu rất yếu. Thi công các nhà máy công nghiệp nặng lên vùng địa chất  yếu, chi phí sẽ rất tốn kém".
          PGS.TS Lê Anh Tuấn còn cho rằng có vẻ như trong "Quy hoạch điện VII điều chỉnh" không có đánh giá yếu tố địa chất công trình khi bố trí cụm các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL?
          Cách đây gần 20 năm, tôi có dịp đi Côn Đảo bằng tàu thủy. Xuất phát từ bến Ninh Kiều thành phố Cần Thơ lúc 8 giờ tối (và sẽ đến Côn Đảo khoảng 5 giờ chiều hôm sau). Với giờ xuất phát như vậy, dự tính chụp ảnh ven bờ đều đổ sông đổ biển. Bởi bên ngoài tàu tối đen, chỉ khi thấy bên bờ rải rác vài đốm sáng trắng thì biết là tàu vừa qua một cụm dân cư nào đó ven bờ. Đến lúc trở về, tôi mới nhìn thấy được màu xanh của cây lá chạy dọc suốt bờ sông. Lúc ấy, chưa có nhà máy nào được xây lên dọc sông Hậu! Lúc ấy, ai cũng "thèm" thấy nhiều ống khói nhà máy mọc lên nhưng nay có vẻ như ai cũng "ngán" vì sự phát triển ồ ạt của các loại nhà máy. Có người nói rằng một số nhà máy bây giờ như những con tỳ hưu chỉ có một cửa miệng và chỉ biết ăn!
          ĐBSCL chịu tác động trực tiếp của những hoạt động làm thay đổi chế độ thủy văn của sông Mekong nhưng ĐBSCL cũng là nơi chịu tác động trực tiếp của những hoạt động làm thay đổi môi trường của sông Cửu Long (không chỉ riêng sông Hậu mà còn có cả sông Tiền). Nhưng chỉ nói riêng về sông Hậu như trên cũng đã thấy mức độ nhạy cảm mà ĐBSCL phải hứng chịu không chỉ từ biến đổi khí hậu mà còn từ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Có nhà khoa học tính rằng do nếu tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng cứ diễn ra với mức độ như những năm qua, ĐBSCL khoảng 50 năm nữa sẽ "biến mất"! Thực ra chưa đến nổi chìm xuống đáy biển nhưng gần 50 % diện tích ĐBSCL bị nhiễm mặn, vài chục phần trăm đất bị xói lở và bị ngập trong nước mặn, chỉ còn khoảng một phần ba là có thể sinh sống, canh tác được! Nhưng theo tôi, nếu chịu thêm tác động từ ô nhiễm môi trường (mà không có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa), thời gian ấy sẽ rút ngắn lại nhiều hơn!
Chỉ riêng trong năm qua, Bộ NN&PTNT Việt Nam ước tính ĐBSCL đã thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng, trong đó khoảng 800 ngàn tấn lúa mất trắng vì hạn, mặn. Nhưng con số thiệt hại do ô nhiễm môi trường nước trước hết là ở sông Hậu, sông Tiền thì chưa có ai tính! Đây đó xảy ra hiện tượng cá bè chết rồi  đến cá ngoài sông rạch cũng chết. Đây đó người ta phải đóng kín cửa suốt ngày vì mùi hôi, khí thải từ các nhà máy. Tỷ lệ người bị ung thư ở ĐBSCL có vẻ như ngày càng tăng lên! Nhưng phải chăng các nhà quản lý, các nhà khoa học đợi khi xảy ra thiệt hại lớn hơn nữa rồi mới có con số để tính toán?
x x x x x
Về đến Bạc Liêu, tôi hết sức vui mừng khi biết rằng năm qua, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu quê tôi đã mạnh dạn đề xuất lên Trung ương hủy bỏ dự án Nhiệt điện Cái Cùng (ở huyện Đông Hải) ra khỏi Quy hoạch  Điện VII. May mắn thay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý! Theo tôi, đó là dấu hiệu tốt trong quản lý nhà nước hiện nay. Vấn đề gì mắc mứu nhưng trong tầm tay thì địa phương tự giải quyết. Cái nào khó quá thì xin ý kiến Trung ương, nhờ các Bộ, ngành trung ương hỗ trợ, giúp đỡ... Vụ nhà máy "Lý Nhân" nếu không có Trung ương nhúng tay vào thì ắt sẽ gây khổ sở cho dân, cho ĐBSCL! Có người cho rằng do trình độ chuyên môn hạn chế nên chưa có tầm nhìn xa, chưa biết cách ngăn chặn, phòng ngừa được. Nhưng theo tôi, lãnh đạo bây giờ đều có trình độ từ đại học trở lên kia mà! Vấn đề là không nên quá nghe lời "thầy dùi", không nên để tư lợi làm lóa mắt.
Tôi và nhiều người khác vẫn còn đặt nhiều hy vọng sao cho sông Hậu khỏe khoắn, tiếp tục là bầu sữa mát ngọt, bổ dưỡng nuôi ĐBSCL. Đừng để sông Hậu nói riêng, sông Cửu Long nói chung một ngày nào đó bị liệt vào danh sách những dòng sông chết!!!
 
 Tác phẩm có mã số: 036
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG ANH ĐI
 
Mới vừa hết tiết, Đỗ Lập điện tới:
- Em có đang dạy hông, nhính chút thời gian hướng dẫn đường về Mỹ An-Tháp Mười. Anh đang ngồi với Thái Tràng bên Tiền Giang nè.
- Đợi khoản hơn nửa tiếng, em sẽ có mặt dưới đó. Nhiều đường đi lắm, biết làm sao mà hướng dẫn. Không khéo bị lạc cho mà coi.
Thầy giáo dạy toán kiêm nhà thơ Thái Tràng tiễn Đỗ Lập bằng một chầu cà phê ở bên kia sông. Quán nước được cất trên một doi đất hướng về phía mặt trời mọc. Ở bên này, tôi đón hai người bằng vài chai bia, đĩa thịt chuột chiên nước mắm và một trận bóng đá có đội Việt Nam tham dự trên điện thoại di động. Quán bình dân cất tạm dưới mé nhánh kinh Nguyễn Văn Tiếp từ chợ Mỹ An thẳng băng như ruột ngựa chảy qua Phú Điền, nên đâu có ti-vi. Đỗ Lập không nhậu nhưng khoái bóng đá và ca hát. Sau này nghe kể mới biết thêm. Hồi còn là học sinh ở Hải Phòng, anh là một tiền đạo xuất sắc trong đội bóng của lớp. Trong vòng có bảy, tám phút mà ghi tới hai bàn vào lưới đối phương. Và có thể đứng hát say sưa với cây ghita chỉ còn một dây duy nhất. Đỗ Lập đã say mê cái gì thì quyết làm cho bằng được. Như chính chuyến đi xuyên Việt của anh dự kiến xin trên 100.000 chữ ký từ đồng bào cả nước để gởi cho các chiến sỹ đang canh giữ biển trời, hải đảo quê hương. Mong muốn các anh chắc tay súng, vững tay chèo, an tâm lèo lái con tàu của đất nước đến bến bờ bình yên và hạnh phúc. Dẫu biết rằng đây là chuyến đi không hề dễ dàng. Nó còn khó hơn việc chế ngự con cá kiếm khổng lồ, bầy cá mập, và chiến thắng chính bản thân mình của nhân vật ông lão trong truyện The Old Man and The Sea của Hemingway.
Ngắm ngã sáu Phú Điền đã đi vào lịch sử qua hai cuộc kháng chiến chống giặc, đi vào thơ ca và đặc biệt là mấy bài vọng cổ mùi mẫn thâm kim, Đỗ Lập bất ngờ quay sang chúng tôi thắc mắc: “Mấy ngả sông này trôi về đâu? Hai em có biết hết không?” Hỏi bất tử, đến Thái Tràng cứng tuổi hơn tôi còn ngớ ra. Sáu ngả sông nghiêng nghiêng, cong cong âm thầm chảy về sáu phương trời xa xôi, thăm thẳm. Mặt nước ở nhánh sông trôi về Thanh Mỹ vùng đất anh hùng, lung linh nhiều sắc màu rực rỡ. Bởi ánh nắng chiều còn rớt lại phía đằng Tây. Đỗ Lập mĩm cười. Nụ cười hiện lên trên gương mặt chứa nhiều nếp nhăn và mái tóc bạc phơ đậm chất nghệ sỹ giúp khỏa lấp hẳn cái tuổi trên 70 của anh. Và phát lộ nhiều khoảng trống trên hàm răng. Rồi Đỗ Lập trầm ngâm nói:
          - Hỏi thì hỏi cho vui chớ thật ra thì mọi dòng sông đều đổ ra biển cả. Ở đây ta thấy bình yên, chứ ngoài kia, biển Đông lúc nào cũng ngập tràn những cơn sóng dữ.
*
* *
          Đỗ Lập ghé qua tôi chuyến này cốt yếu cũng là để xin chữ ký và những dòng cảm nghĩ thể hiện tình yêu thương của đồng bào Đồng Tháp đối với biển đảo quê hương. Anh chọn Tháp Mười làm điểm khởi hành bởi ngày xưa đây là căn cứ địa, vùng đất bưng biền huyền thoại. Nó còn được xem như là chiến khu “Việt Bắc của miền Nam”. Hiện tại, Tháp Mười là lá cờ đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Hơn thế nữa, nơi đây còn gắn liền với địa danh Gò Tháp, khu di tích có giá trị lịch sử, đa tầng văn hóa và sinh hoạt tâm linh. Đất Tháp có sự giao thoa nhiều tộc người, tứ xứ mọi phương về đây khai hoang, lập nghiệp. Đỗ Lập đưa tôi xem tấm bản đồ của đất nước, đánh dấu những nẻo đường anh đã đi qua. Từ đỉnh Lũng Cú, nơi địa đầu tổ quốc tận trời phương Bắc đến mũi Cà Mau, nơi cuối cùng của vùng đất phương Nam. Thoạt nhìn, mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên, thắc mắc. Bởi có những chặng đường, anh kẻ mực đỏ đến hai, ba lần… mà còn nhiều lần, chồng chéo lên nhau.
          Hóa ra trước chuyến đi này, năm 2010, Đỗ Lập đã có cuộc hành trình xuyên Việt qua 63 tỉnh thành trên khắp mọi miền đất nước để “thỉnh đất thiêng” về tạc thành chiếc sa bàn mang dáng hình của tổ quốc. Trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền nước ta được người nhạc sỹ này kéo gần vô đất liền và nâng tỉ lệ với một tầm vóc vững chãi, kiên cường hơn. Sau nầy Đỗ Lập cứ tiếc hùi hụi: Giá như có thêm mấy nắm đất của những hòn đảo quê hương thì công trình của anh quý giá và thiêng liêng biết dường nào. Chuyến đi đầu tiên của Đỗ Lập âm thầm lặng lẽ đến nỗi những đứa con ruột thịt trong gia đình còn không ai hay biết. Chỉ có chiếc xe gắn máy cũ kỹ theo anh trên suốt những chặng đường gian khó. Trước đó, nó cũng đã rệu rã bởi những cuốc xe “hon đa ôm” bất kể đêm ngày, vừa để tập dợt cho chuyến đi, vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống của người nhạc sỹ nghèo vật chất, nhưng giàu tình cảm đối với đất nước. Bản đồ bằng đất ấy của Đỗ Lập mang tên “Đất Việt”, đã được cung kính dâng lên đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Hiện nay được trưng bày trong bảo tàng Hà Nội.
          Không chỉ bộc lộ tình yêu đất nước qua cách tạc hình ảnh biển đảo trong bản đồ “Đất Việt” như trên, mà Đỗ Lập còn thể hiện bằng hành động với chuyến đi xuyên Việt lần thứ hai của mình. Không phân biệt thành phần chính trị, dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh xuất thân, hễ có lòng yêu nước thì viết vài dòng cảm nghĩ, nhắn nhủ đến chiến sỹ, đồng bào đang ở nơi nghìn trùng sóng gió: Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim ta. Hay chỉ vỏn vẹn một chữ ký, họ tên, địa chỉ vào quyển sổ của Đỗ Lập cũng là đáng quý. Đến đất Tháp đợt này, người nhạc sỹ già tập trung vào lực lượng học sinh, sinh viên. Lứa học sinh phải từ cấp hai trở lên mới đủ nhận thức về tình yêu biển đảo quê hương. Dự kiến, sau khi lấy chữ ký ở các trường cấp hai, cấp ba ở trong huyện Tháp Mười xong, anh về thành phố Cao Lãnh, men theo quốc lộ 30 dốc ngược lên Hồng Ngự, Tân Hồng, miệt vùng biên gió cát, có nhánh sông Sở Hạ chảy qua. Kết thúc chuyến đến Đồng Tháp, Đỗ Lập sẽ sang các huyện bên kia sông Tiền, ghé Lai Vung xin cho bằng được chữ ký của người anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy. Người ta nhớ tới ông bởi những chiến công bắn hạ máy bay giặc, và một câu nói độc đáo đậm chất miền Tây, đúc kết về cuộc đời mình hệt như một huyền thoại: “Tao toàn gặp số bảy: Tên Bảy, con thứ 7, đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp, 7 lần bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng máy bay Mig 17, được phong Anh hùng năm 1967”. Theo văn hóa người Việt, số 7 là con số may mắn nhất: “Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”.
          Ngày xuất phát đầu tiên xuống trường THPT Đốc Binh Kiều, ngôi trường tôi đang giảng dạy ở trung tâm thị trấn Mỹ An. Tôi hỏi Đỗ Lập muốn đi con đường nào, lộ chính hay cặp bờ sông. Bởi từ cuộc xây dựng nông thôn mới, gần như mọi con đường trong tận cùng ngõ ngách của Tháp Mười được đan hóa, nhựa hóa. Đó là cả quá trình chung sức của chính quyền và nhân dân, vận động nguồn lực từ nhiều phía nhằm kiên cố cơ sở hạ tầng làm nền tảng trong phát triển kinh tế. Anh tươi cười nói: “Đường nào cũng được, miễn là tới trường. Nhưng khác con đường lộ lớn hôm qua ta đã đi ”. Từ câu nói đó, tôi nhận ra chất “phượt” thích khám phá, chinh phục những thứ mới mẻ ẩn bên trong con người nhạc sỹ đã quá tuổi 70. Tôi dẫn Đỗ Lập đến trường sớm hơn thường ngày để chuẩn bị cho buổi giao lưu. Chưa kịp tới cổng thì trời trút cơn mưa dữ dội, sau đó lắc rắc, bay bay. Mưa ướt nhẹm tấm phông màu xanh chưa kịp gắn tấm bảng mang dòng chữ: “Giao lưu với nhạc sỹ Đỗ Lập về biển đảo quê hương”. Do vậy, buổi gặp ngoài trời với giáo viên và học sinh phải dừng lại. Trong lúc chờ đợi nhà trường chuẩn bị địa điểm mới trên hội trường, tôi kéo Đỗ Lập ra quán dưới dốc cầu Tháp Mười nhắp ly cà phê buổi sáng. Ngắm mây trời âm u, mưa lay phay, gió bay lành lạnh làm tôi lại nhớ trời Tam Đảo, đất Phú Thọ tận ngoài Bắc xa xôi.
Hè năm rồi, tôi cùng với anh em văn nghệ sỹ Đồng Tháp dự trại sáng tác ở Tam Đảo. Trên hành trình chuyến đi ấy, đoàn có ghé Phú Thọ, rồi viếng Đền Hùng. Trong niềm lâng lâng xúc động ngay cái chạm bước chân đầu tiên lên đất tổ thiêng liêng, tôi gọi liền cho Đỗ Lập. Thật bất ngờ, đầu máy bên kia người nhạc sỹ già cất giọng nói: “Bây giờ anh đang ở Đền Hùng. Còn em đang ở đâu…”. Hai người, một già một trẻ ôm nhau, xoa đầu chuyện trò trong niềm vui hạnh phúc. Cái lành lạnh của vùng miền núi phương Bắc đã nhường chỗ cho tình ấm nồng của đôi bạn vong niên nghệ sỹ ở đồng bằng phương Nam. Sau cái duyên đầy ý nghĩa ấy, mọi sự nghi ngờ của tôi về chuyến đi Đỗ Lập gần như tan biến. Dõi theo dáng phong trần, “đơn thân độc mã” trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ có gắn lá cờ tổ quốc bay phấp phới lúc chia tay, tôi lo lắng vô cùng. Nỗi lo đi kèm với sự hỗ thẹn trước bản lĩnh và quyết tâm của một nhạc sỹ già. Trong đoàn bấy giờ cũng có nhiều ý kiến đồng thuận và trái chiều về việc làm của Đỗ Lập. Chưa nhận ra động cơ và mục đích ý nghĩa của chuyến đi “phượt” của anh. Người ta còn dị ứng với cái dáng vẻ bụi bặm, cách trang trí chiếc xe gắn máy có phần lập dị, khác đời của Đỗ Lập.
Chuyến đi của anh chưa kết thúc, chưa biết điều gì còn xảy ra ở phía trước. Riêng tôi, cho đến bây giờ vẫn nhớ một câu nói rất hay của họa sỹ Nguyễn Thành Thu: “Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng Đỗ Lập như là một Terry Fox của Việt Nam”. Chàng trai ấy đã chạy bộ dọc đất nước bằng một dáng vẻ bất thường bởi chân phải của anh đã bị cắt bỏ do bệnh ung thư. Con đường anh đi cũng giống như bao con đường khác trên đất nước Canada. Chỉ có khác ở chỗ là nó được thực hiện bằng một người bị tật nguyền nhưng có bản lĩnh, khát vọng cống hiến vì cộng đồng. Cho nên nó không còn là con đường bình thường. Một con đường mới ra đời mang tên Terry Fox, một cuộc chạy “Maraton hy vọng” vì bệnh nhân mắc bệnh ung thư từ đó được hình thành trên khắp thế giới. Cảm nghĩ của một con người đi vào huyền thoại khi thực hiện chuyến chạy bộ xuyên Canada khiến chúng ta không khỏi trăn trở: “Có những gương mặt mỉm cười can đảm, và những người đã mỉm cười buông xuôi. Có những cảm giác của hy vọng bị từ chối, và những cảm giác tuyệt vọng. Cuộc hành trình của tôi sẽ không phải là một cuộc hành trình cho cá nhân tôi. Tôi không thể bỏ đi khi biết những gương mặt và những cảm giác ấy vẫn tồn tại, mặc dù tôi được tự do làm như vậy. Phải ngăn được những nỗi đau ở đâu đó... và tôi quyết định đem mình hiến dâng cho lý tưởng này”.
          - Lỡ mưa như vầy hoài, Đỗ Lập tính sao?
          - Có sao đâu em. Mưa tính theo mưa. Trên con đường anh đi có chỗ anh phải trú lại gần một tuần vì mưa lớn mà còn dai dẳng.
          Mưa mùa này hình như đến sớm và dai thật, kéo dài hai ba ngày. Đỗ Lập ghé với tôi trùng dịp lễ giỗ cúng Ông-Đốc Binh Kiều-vào giữa tháng 11 âm lịch. Trong cái se lạnh của gió Bấc đang tràn về đất lúa và những cơn mưa lê thê, thì dòng người tứ phương cũng đổ về tham dự mùa lễ hội Gò Tháp trong những ngày cuối năm cận tết. Dòng người hành hương về đây không khác gì lễ hội Đền Hùng, nơi đất tổ thiêng liêng. Họ mong được bình yên, sức khỏe, vụ mùa bội thu. Cùng thời gian đó, huyện Đoàn tổ chức đêm hội trại Gò Tháp với nhiều tiếc mục hóa trang, văn nghệ,… đặc biệt là phần giao lưu với nhạc sỹ Đỗ Lập về biển đảo quê hương. Trước buổi giao lưu, anh đã thành kính, thắp nén hương lên bàn thờ tưởng nhớ đến hai vị anh hùng: Đốc Binh Kiều và Thiên Hộ Dương. Đêm hội trại diễn ra tràn ngập những cơn mưa. Nhưng mưa không thể dập tắt ngọn lửa ngoài trời đang xua đi bóng đêm xứ bưng biền. Mưa không thể dập tắt ngọn lửa của tuổi trẻ Tháp Mười nói riêng, ngọn lửa hùng thiêng tiềm ẩn mấy nghìn năm trầm tích trong lòng đất Tháp. Và ngọn lửa tình yêu biển đảo, tình yêu tổ quốc đang cháy rực trong lồng ngực của một người nhạc sỹ già. Anh đang truyền ngọn lửa ấy cho tất cả đồng bào ta, dân tộc Việt Nam ta. Tôi thấy Đỗ Lập trẻ lại, yêu đời khi được hòa nhập vào sinh hoạt cộng đồng. Niềm vui hạnh phúc lộ trên nét mặt, đôi mắt, qua hành động dứt khoát mạnh mẽ. Đặc biệt là nụ cười chưa mọc đều răng của anh. Nụ cười hồn nhiên như trẻ con ấy đã thu hút tôi từ buổi đầu gặp gỡ. Đỗ Lập nói vui nhưng sâu sắc: “Đời người giống như những chiếc răng. Thường, người ta không nhớ những chiếc răng rụng mất như thế nào. Mà chỉ biết yêu quý những chiếc răng còn tồn tại. Phải sống, cố bám trụ với đời để được người ta nhớ tới mình”.
          Sau đêm hội trại ở Gò Tháp, hình ảnh Đỗ Lập với lá cờ tổ quốc có dòng chữ: “Chung sức một lòng hướng về biển Đông” bên ngọn lửa cháy bập bùng soi sáng bảng trại: “Đất Tháp oai hùng” tràn ngập trên mạn xã hội. Đỗ Lập cũng được hàng trăm ngàn người hành hương biết đến qua buổi nói chuyện về biển đảo ấy. Các địa phương, trường học điện thoại liên tục. Vậy là Đỗ Lập đi suốt. Nay Trường Xuân, Hưng Thạnh, mai Thanh Mỹ, Phú Điền... vô tận Thạnh Lợi xã vùng sâu giáp với Long An. Nhẫm tính lại, những nẻo đường, quãng đường mà anh đã đi qua ở Tháp Mười chỉ chưa đầy hai tuần còn nhiều hơn chính tôi đã sống với xứ nầy gần hai mươi năm. Tôi chưa bao giờ nghe người nhạc sỹ trên 70 tuổi này than mệt, hay chán nản. Sau mỗi ngày chạy xe xin chữ ký, đêm về Đỗ Lập ghi chép, chỉnh sửa tỉ mĩ những quyển sổ chi chít chữ ký, dòng cảm nghĩ mà anh cho đó là “tài sản của quốc gia”, quý hơn cả mạng sống của mình. Rồi Đỗ Lập vô mùng ngủ một cách ngon lành. Nhất là những ngày xin được nhiều chữ ký. Người làm được nhiều việc thiện thường có giấc ngủ sâu. Đỗ Lập tâm sự: “Chết anh không lo, không sợ, mà chỉ sợ những quyển sổ không đến được với Trường Sa, Hoàng Sa”. Và để thân thể mình bớt hiu quạnh, được gần mãi với lớp thanh niên tươi trẻ, Đỗ Lập đã hiến thi hài cho trường Đại học Võ Trường Toản ở Hậu Giang.
          Không biết buổi giao lưu của Đỗ Lập với trường THPT Đốc Binh Kiều diễn ra như thế nào, bởi tôi đang có tiết dạy. Nhưng sau đó, thầy trợ lý thanh niên, cô giáo phụ trách môn Công dân cho rằng đây là một chương trình, tiết học về tình yêu biển đảo thú vị, sinh động hấp dẫn nhất từ trước đến nay. Bởi sức hút từ chính tấm gương sống của người thầy Đỗ Lập, những bài ca, tiếng hát do anh sáng tác, lấy cảm hứng từ chuyến đi này. Độc đáo nhất là ở cách thực hiện của người nhạc sỹ già: tự ví mình là một bưu tá, chuyển tải và kết nối tình yêu biển đảo của đồng bào trên mọi nẻo đường tổ quốc đến với đảo xa. Còn học sinh cứ nằng nặc yêu cầu tôi gợi ý nội dung để viết vào quyển sổ của Đỗ Lập. Sau bài học Lưu biệt khi xuất dương, tôi nhận xét: Phan Bội Châu người thầy của Bác hồi nhỏ, đã từng sang Nhật để tìm con đường giải phóng dân tộc. Riêng Bác Hồ lại khác: sang phương Tây. Bác đi khắp “năm châu bốn biển” tìm con đường cứu nước chỉ bằng đôi tay và trái tim yêu nước nồng cháy. Hiện nay có một người bình thường mà khác thường, cũng đã thể hiện tấm lòng yêu nước bằng cách vượt qua những nẻo đường gian khó trên chiếc xe… Giảng chưa dứt lời thì ở phía dưới, học sinh làm một cái rần: “Nhạc sỹ Đỗ Lập phải không thầy? ”.
Từ lâu, những bậc hiền tài của dân tộc ta thường có hoàn cảnh cuộc đời trắc trở, bất hạnh nhưng lại giàu nghị lực, giàu lòng yêu nước. Nguyễn Du mười một tuổi mất cha, mười ba tuổi mồ côi mẹ, rồi mười lăm năm trời lăn lộn với nhân gian viết nên Truyện Kiều bất hủ. Nguyễn Trãi mới sáu tuổi mất mẹ, lên mười, ông ngoại qua đời, còn cha bị lưu đày. Để trả hiếu, ông quay về nước cùng Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, viết Bình Ngô Đại Cáo được xem là bản tuyên ngôn độc lập lần hai. Cụ Nguyễn Sinh Sắc mồ côi cha mẹ từ nhỏ được nhà nho Hoàng Xuân Đường nhận làm con nuôi. Ông đỗ Phó bảng, làm quan nhà Nguyễn nhưng từ quan về Hoà An dạy học, hốt thuốc, thắp sáng ngọn lửa yêu nước cho vùng đất Sen hồng. Còn Đỗ Lập mới bảy tháng tuổi đã mồ côi mẹ, cha hy sinh trong trận càn của giặc khi anh chưa tròn năm tuổi. Tám tuổi, Đỗ Lập cùng với người chị xuất phát từ Vị Thủy-Hậu Giang tập kết ra Hải Phòng, để rồi lớn lên trong vòng tay yêu thương, đùm bọc của đồng bào miền Bắc. Năm 1974, theo tiếng gọi tổ quốc, anh tham gia chiến trường miền Nam, chiến đấu chống giặc, góp công sức thống nhất hai miền Nam-Bắc.
          Cho nên, Đỗ Lập rong ruổi trên những nẻo đường đất nước trong hành trình hướng về Biển Đảo cũng là cách để anh trả nợ cho quê hương nâng anh khôn lớn, trưởng thành. Trả nợ cho những người thân yêu: đồng đội, anh em, bè bạn…đã gởi gắm niềm tin vào anh. Việc góp nhặt trên 100.000 chữ ký từ đồng bào cả nước bằng chiếc xe gắn máy của một người nhạc sỹ đã qua tuổi 70, và những nẻo đường Đỗ Lập trải qua sau hai chuyến xuyên Việt có thể lập kỷ lục ghi-net. Nhưng thật ra nó cũng chỉ là phần nổi của “tảng băng trôi”, ẩn sâu trong đó là giá trị, sức mạnh vô biên, không phải ai cũng cảm nhận được. Terry Fox thực hiện chuyến đi xuyên đất nước Canada vì anh thấu hiểu được nỗi đau của những người bị mắc bệnh ung thư như anh. Còn Đỗ Lập thực hiện chuyến đi xuyên Việt bởi anh thấu hiểu được nỗi đau của một đứa trẻ lớn lên mà không có tình thương yêu của cha mẹ do chiến tranh. Và nỗi đau của cả dân tộc ta hiện nay trước nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền biển đảo biên cương.
*
* *
          Khi đặt bút viết bài ký này cũng là lúc tôi nhận được tin Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Trường Đại học Đồng Tháp nơi Đỗ Lập có buổi giao lưu hoành tráng với sinh viên hồi trước tết, đã lấy tên bảy đảo, quần đảo thuộc chủ quyền nước ta đặt tên cho bảy con đường nội bộ của trường. Trong mùa 26-3 vừa qua, bên cạnh những trại mang tên anh Nguyễn Văn Trỗi, chị Võ Thị Sáu,…tôi cũng thấy những trại mang tên Hoàng Sa, Trường Sa,…
          Không chỉ có những dòng sông đều đổ ra biển cả như lời Đỗ Lập từng nói trước ngã sáu Phú Điền, mà mọi nẻo đường anh đi cũng đang hướng ra biển cả. Những nẻo đường ấy hóa thành những cung đường ngập tràn ngọn lửa yêu nước. Hóa thành những đợt sóng dâng lên từ đất liền, cộng hưởng với làn sóng của biển đảo quê hương xua tan những cơn sóng dữ ngoài biển Đông.   

Tác phẩm có mã số: 108
Nhớ lắm mùa nước quê tôi   
 
Đồng bằng sông Cửu Long là một phần da thịt của châu thổ sông Mê Kông, có diện tích gần bốn mươi ngàn cây số vuông, nằm liền kề vùng Đông Nam bộ, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là biển Đông.
          Chăm chút, cần mẫn chuyển nước và phù sa suốt hàng ngàn năm, sông Cửu Long đã góp phần đắc lực vào việc hình thành vùng châu thổ này. Lượng nước trung bình hàng năm mà sông mang về khoảng 4.000 tỷ m³ và khoảng trên dưới 170 triệu tấn phù sa. (Hiện nay do tình trạng xây các đập thủy điện ở thượng nguồn, lượng phù sa đã giảm xuống khoảng phân nửa)
          Sông Cửu Long đã kết với biển tạo ra một diện mạo đặc trưng, dung dị cho vùng đồng bằng: những vạt đất phù sa phì nhiêu ven sông; những vùng đất trũng thấp như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên…; những giồng cát ven biển; rồi  những vùng đất thấp phèn chua, nước mặn… 
          Là người con của đồng bằng sông Cửu Long, ai cũng biết mỗi năm có một mùa rất đặc biệt. Đó là mùa nước nổi; dân Nam bộ còn gọi là mùa nước lụt, mùa nước rong. Nước lên xuống theo chu kỳ, theo thủy triều, lên rồi rút theo giờ, tốc độ dòng chảy không nhanh. Không có mùa nước nổi, không có diện mạo đồng bằng như hiện nay. Ở đồng bằng sông Cửu Long, mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến tháng 10 âm lịch (khoảng tháng 8 đến tháng 11 dương lịch) hàng năm.   
Tôi sinh ra và lớn lên cạnh con rạch Cái Cối trầm lặng, con rạch được tiếp nước từ sông Bến Tre hiền hòa. Những ngày thơ ấu, tôi và chúng bạn cùng xóm có nhiều thú vui dân dã như tắm sông, câu cá, đánh trỏng, làm các con vật từ lá dừa nước…Trong các thú vui đó, khó có đứa trẻ nào quên được sự náo nức đối với mùa nước nổi.  
          Con nước đầu tiên của mùa nước, nước vượt khỏi bờ, men theo những rảnh đất thấp, len lỏi tỏa đi, lan qua ao vũng, bờ đất, lối đi. Bọn trẻ thích chí nhìn nước chảy, rồi đi theo. Khi nước tỏa ra năm bảy lối thì bọn trẻ cũng chia ra mỗi đứa một hướng. Nước lên, cá lên theo; nhiều nhất là lìm kìm, cá bóng rổ, cá lòng tong…; những loại cá nho nhỏ, be bé mà chúng tôi thường gặp khi tắm sông; đến mùa này, có những con lớn gấp đôi, gấp ba nhìn thật lạ. Rồi tranh nhau nghịch phá đàn cá. Có đứa lấy lá dừa nước tươi dòn, làm thành những chiếc thuyền mộc mạc thả trôi theo dòng chảy của nước. Mỗi ngày có hai con nước, con nước buổi chiều được bọn trẻ chờ đón để nghịch phá. Khi nào nước lên cao, không còn chảy thành dòng nữa mà đã ngập lúp xúp mới tiếc rẻ đi về.
          Nước lên, việc bắt cá, tép trở nên dễ dàng như trò chơi. Chỉ cần có tay lưới, chờ đến giờ nước rút, giăng lưới ngang qua chỗ nước chảy là bắt được cá. Tôi nhớ có những lần lấy tấm lưới gọn nhẹ, buộc ngang qua hai cây mận rồi cùng với mấy đứa bạn leo lên ngồi chờ, khi nước rút là bắt được cả rổ cá, tép. Đó chỉ là trò chơi trẻ nhỏ, đơn giản nhưng vô cùng thú vị. Lớn lên, bôn ba khắp nơi, nhưng tôi không thể nào quên được mùa nước nổi trong ký ức tuổi thơ. Thời kỳ dạy học ở các vùng quê Vĩnh Long, Cần Thơ, tôi thấy học trò của mình cũng náo nức trong mùa nước và tôi sống hòa mình cùng các em trong khung cảnh thiên nhiên mênh mông của những cánh đồng ăm ắp nước. 
            Xưa nay, người dân đồng bằng sông Cửu Long coi mùa nước nổi là một mùa thay đổi cách làm ăn, thay vì trồng trọt, người ta chuyển sang khai thác nguồn lợi thủy sản dồi dào nhờ hiện tượng ngập lụt đem lại. Mùa nước tạo điều kiện cho đất đai canh tác nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long được nghỉ ngơi, nước rửa trôi và làm ngập chìm các nguồn sâu bệnh cho cây trồng, cung cấp một lượng phù sa màu mỡ cho đất đai.
           Người dân đồng bằng sông Cửu Long, cứ đến mùa nước lại trông nước. Nước lên, người ta nói “ con nước đã về ”. Nước về, mang theo phù sa và đủ loại tôm cá. Bọn trẻ thì bày trò chơi mùa nước, người lớn thì tất bật lo đánh bắt cá. Mùa nước đồng bằng đã đi vào văn thơ, đi vào lòng người. Nói cho công bằng, thì cũng tùy vùng, tùy nơi, nước lụt ( tôi không muốn dùng chữ nước lũ vì nó xa lạ với ngôn ngữ dân Nam bộ xưa nay; nếu có dùng trong bài này, tôi xin để trong ngoặc kép) cũng gây một số trở ngại trong sinh hoạt; nhưng người dân cũng có cách đối phó như di chuyển bằng xuồng ghe, nơi thì cất nhà sàn… Bù lại, nguồn lợi mà nó mang đến cho đất đai, cho người dân đồng bằng sông Cửu Long thì lớn lắm. Mùa nước là đặc sản của vùng.
          Người bạn của tôi tên Trần Văn Thống, học chung Sư phạm Vĩnh Long, quê ở Đồng Tháp. Gia đình sống bằng nghề ruộng và đánh bắt cá. Anh có những kỷ niệm ngọt ngào về mùa nước nổi, viết trên trang blog cá nhân: “Khi thấy con nước kéo nhau về ngập đầy sân nhà ngoại, là tôi biết tới mùa nước thân quen. Tuổi thơ tôi trải qua biết bao mùa nước nổi. Tôi nhớ những ngày giăng câu bắt cá, nhìn bầy cá giãy rồ rồ trong khoang xuồng mà thích thú. Nhớ trò chơi rượt nhau trên đồng nước mênh mông, hay tròng trành trên chiếc xuồng con với tay hái từng cọng bông súng tươi giòn, từng chùm bông điên điển vàng rực…Khi nắng chiều sắp tắt, tôi ngắm cảnh quê mình, ngây ngất màu vàng của bông điên điển, màu xanh man mát của đất trời. Và tôi đã phải lòng một cô gái quê trên cánh đồng nước nổi.
           Đến mùa nước, vùng quê tôi có thêm những món ngon tự nhiên, đầy màu sắc như cá linh, bông điên điển, bông súng, cùng nhiều loại rau dại thơm dòn.
           Mùa nước đi qua, tráng lên một lớp phù sa giúp ruộng đồng thêm màu mỡ. Những hạt gạo trắng ngần kết tinh từ đồng xanh và làn nước đậm phù sa đã giúp tôi lớn lên.
         Cuộc sống mùa nước dù vẫn còn vất vả, nhưng nó là một phần tình cảm của những người sống giữa vùng ruộng đồng, sông nước.”
            Bạn tôi viết mà như những lời tâm sự ngọt ngào về tuổi thơ. Tôi có may mắn được một lần về quê bạn ở Hồng Ngự ngay mùa nước, cảm nhận cái mênh mông của nước, để rồi không thể nào quên món canh mẳn nấu với cá linh non ăn hoài không biết chán. Nhớ mùa nước năm nào dạy học ở Phụng Hiệp (nay thuộc tỉnh Hậu Giang), những đêm trời quang, mây tạnh, gió thổi hiu hiu, dưới bóng trăng vằng vặc, tôi đi xuồng với các bạn câu nhâm nhi ly rượu nồng cay, nghe mấy câu vọng cổ mùi mẫn theo tiếng đàn kìm dịu dặt, âm vang trầm bổng trên cánh đồng nước bao la, lòng phiêu diêu bay bổng.
Sau này về sống ở phố thị, tôi vẫn không thể quên được mùa nước những  ngày thơ ấu ở quê. Nước lụt ở đồng bằng sông Cửu Long không xảy ra bất ngờ với con người. Lũ ở miền Trung tàn phá dữ dội, khó có ai dự báo được, còn mùa lụt ở đồng bằng sông Cửu Long thì một em bé khoảng chín, mười tuổi (sống ở quê ) cũng đã biết trước khi nào xảy ra.  Trong năm, người ta biết tháng nào nước lên. Trong tháng, người ta biết ngày nào nước lên, thậm chí ngày nào thì nước đạt đỉnh (như mùa nước rong, dân gian có câu mười bảy nước nhảy khỏi bờ). Trong ngày, người ta biết giờ nước lên, nước rút. Năm nào bão nhiều, mưa nhiều ở thượng nguồn, người nông dân biết ngay năm đó nước sẽ về sớm và sẽ dâng cao hơn. Tính nết của mùa nước, người dân quê đều biết, rất ít khi bị bất ngờ. Nước đến rồi đi, như người bạn đến thăm rồi tạm chia tay, không có gì đáng sợ. Mùa nước hay mùa khô, ở nông thôn, nhà nào cũng có xuồng ghe làm phương tiện đi lại, quen với sông nước. Cũng có người nói nước “ lũ” ở đồng bằng gây nhiều thiệt hại về người. Điều này có nhưng chưa đúng vì không nhiều, mà phần lớn là trẻ em do sự bất cẩn của người lớn. Ở đồng bằng sông Cửu Long, sông rạch chằng chịt, không là mùa nước vẫn có trẻ đuối nước nếu người lớn bất cẩn.
Khoảng hơn mười sáu năm trước, tình cờ tôi đọc được một bài văn đạt giải nhất trong một cuộc thi cấp quốc gia của một em học sinh lớp 12. Bài văn tả cảnh “lũ” ( chữ của đề bài ) ở đồng bằng sông Cửu Long. Tôi ngạc nhiên khi thấy thật xa lạ với những gì mình trải qua thực tiễn. Đoạn văn miêu tả cảnh “lũ” đồng bằng bằng những hình ảnh như nước chảy cuồn cuộn, nước réo sục sôi, dòng nước đục ngầu giận dữ chảy xiết cuốn phăng những gì nó gặp trên đường. Người dân khổ sở, cuống cuồng chạy “lũ”, nhà cửa ngập lai láng. Em học sinh đã từng sống trong mùa lụt đồng bằng hay chỉ tưởng tượng qua các bài viết đã đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo tôi nghĩ, em chưa trải qua thực tiễn mùa lụt đồng bằng mà chỉ cảm nhận qua báo, đài.
          Tôi có một chị bạn, là một nhà thơ khá nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh. Khoảng hai mươi năm trước, có người rủ chị về Vĩnh Long, Cần Thơ chơi, lại rủ ngay mùa nước nổi. Chị thẳng thừng từ chối rồi nói: Ngập lụt tùm lum làm sao mà đi, có gì mà chơi, nguy hiểm lắm. Bạn bè Vĩnh Long ai nghe nói cũng bật cười. Có lẽ chị đọc tin ngập lụt trên báo, rồi nào là thấy những cánh đồng mênh mông nước, những ngôi nhà giữa bưng đồng bị ngập gần tới nóc, nên hoảng chăng. Chị đâu có biết trong thời gian này, dù cao trình của các con lộ giao thông ở tỉnh, ở quê chưa được nâng cao như bây giờ, nhưng có nơi ngập, nơi không, mà nếu có ngập thì cũng không đến nổi nghiêm trọng, một đến hai giờ là rút mất để rồi nửa ngày sau lại lên theo thủy triều (Trừ những vùng đồng trũng).
Những năm 80 của thế kỷ hai mươi, tôi sống tại phường Tám, thị xã Vĩnh Long. Con đường chạy ngang qua cổng nhà là đường Nguyễn Trung Trực, lúc  bấy giờ hãy còn loang lỗ đá và bụi cát, lẫn chút nhựa đường lởm chởm còn sót lại. Nhưng được cái là mưa to cở nào, nước cũng rút được vì đó đây có những rảnh thoát nước tự nhiên, những mương vũng thiên nhiên hào phóng, sẵn lòng đón nước đi các ngả. Dù độ cao của con đường so với mực nước sông không hơn bao nhiêu, nhưng đến mùa nước, nước sông vẫn khó lòng men tới, còn mùa nước lụt năm 1978, được coi là lụt lớn (ngày 22/8 mực nước cao nhất đo được tại Tân Châu là 3,94m), nó cũng chưa vượt lên được.
Vài năm sau, khi toàn bộ đường thoát nước, mương vũng ở đầu đường bị lấp kín để xây dựng nhà cửa, quán xá… thì con lộ thường xuyên bị ngập nước sinh hoạt và nước mưa. Chỉ cần một trận mưa vừa vừa thôi, là lộ bị ngập, ngập cả ngày, cả đêm, chưa kịp ráo thì cơn mưa khác lại trút nước xuống. Có khi suốt cả tuần, cả tháng, lúc nào cũng có nước đục ngầu. Giao thông khó khăn, vất vả, mưa bùn, nắng bụi. Chịu đựng vài năm, nhà nước cho đổ đá nâng cấp lộ. Ai cũng mừng. Nhưng khi lộ đã cao lên thì cứ hể mưa xuống nước lại chảy vào sân, vào nhà. Mưa càng to, nước tràn vào càng nhiều. Nước sinh hoạt pha lẫn nước mưa, màu đen ngòm hôi thúi chảy lan khắp nơi. Chịu đựng đôi ba mùa mưa, lần lượt từng nhà không nhịn được nữa phải nâng nền. Người người cùng nâng, nhà nhà cùng nâng. Người trước người sau, tùy điều kiện kinh tế, nên cả xóm như một đại công trình kéo dài. Khi toàn bộ các nền nhà đã yên vị thì kết quả mang đến là đến phiên con lộ bị ngập, bởi nước không chạy được vào nhà thì… tranh nhau đổ xô ra lộ.
Mọi việc cứ xoay vòng, và xoay vòng như vậy. Điệp khúc nâng lộ ngập nhà, nâng nền nhà ngập lộ kéo dài đằng đẳng gần hai mươi năm. Tôi và những người hàng xóm chịu thương chịu khó của mình đã tuần tự nâng nền nhà lên ba đến bốn lần. Độ nâng cao cộng lại cũng phải từ tám đến mười tấc. Chính vì vậy, trong thời gian này, nhà nào không xây mới hoặc không trổ nóc để sửa chữa lại thì cái cửa sổ quen thuộc ngày nào đã nằm ngay đầu gối thay vì ngang ngực để ta ngắm cảnh trời, cảnh đất như ngày xưa.
Chuyện ngập cống, ngập nhà đã ám ảnh tôi trong cả giấc ngũ với hàng trăm giấc chiêm bao thấy cảnh nước cống đen ngòm đầy tạp chất tràn vào nhà, cảnh lòn lách, bò, trườn tìm đủ cách móc cống, khai đường nước. Chỉ thi thoảng, mới có giấc mơ đẹp, cảnh mùa nước nổi quê mình.
Lâm vào tình cảnh dỡ khóc dỡ cười như vậy, đâu phải chỉ có các ngôi nhà ở đường Nguyễn Trung Trực. Đây đó trong thị xã Vĩnh Long, đâu đó ở các tỉnh thành, hể nơi nào có những căn nhà mà cửa sổ ngang đầu gối là biết ngay nơi đó cùng cảnh ngộ. Trở ngại sinh hoạt và tốn kém. Nơi đâu có xây dựng, bất kể công trình gì, chắc chắn rằng nơi đó có cảnh ô nhiểm, ngập úng. Lúc xây dựng thì bụi mù trời như sương sa, nghẹt thở; vật liệu xây dựng thì vương vãi xuống sông hồ, ao rạch, cống thoát nước làm tắc nghẻn dòng chảy; cao trình thì nâng lên vô tội vạ không cần biết chung quanh có thoát nước được hay không; cống thoát nước mới thì thường đặt cao hơn hệ thống cũ và các vùng phụ cận nên trở thành vô dụng, gây ngập úng nặng hơn, nhiều hơn.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều vùng trũng hoặc vùng hoang vu ngoại thành (thí dụ như vùng nam Sài Gòn) lần lượt được đổ cát đá lấp kín, tôn cao để xây dựng các công trình. Công trình nối tiếp công trình, ra đời như nấm sau mưa. Hậu quả là nước sinh hoạt, nước mưa cứ ngập tràn phố xá. Càng chống ngập, càng ngập nhiều vì không đồng bộ, vì cao trình không hợp lý, vì công trình này phá vỡ hệ thống thoát nước, cản trở việc thoát nước của công trình khác, vì ý thức vệ sinh môi trường quá kém… Chống ngập chỗ này, chỗ khác ngập nhiều hơn. Cuộc sống người dân bị đảo lộn. Người ta đã nâng lộ, nâng lề lộ không chút thương tiếc, nâng vô tội vạ theo bản năng (có lẽ vì không tìm được cách nào khác), bất kể bao lời bình phẩm, góp ý; hậu quả là hàng ngàn, hàng ngàn căn nhà hiền lành bỗng trở thành hầm chứa nước, cửa nhà thành cái miệng hầm; cuộc sống hàng vạn người bị đảo lộn, khốn khó.
Trước trình trạng dường như ngập nước khắp nơi ở các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, có một số chuyên gia nhận định: Do tình trạng sụt lún mặt đất vì khai thác nước ngầm. Ôi! Những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước, ở Vĩnh Long cũng như một số tỉnh thành trong vùng, có bao nhiêu người khai thác nước ngầm đâu. Nếu nói do tình trạng sụt lún mặt đất thì trong khoảng mười tám năm (từ 1982 đến 2000), một số thành phố, thị xã đồng bằng sông Cửu Long đã bị lún hết một mét hoặc hơn! Có phải vậy không?!
 
                                                            0
                                                        0      0
 
           Vùng đồng bằng sông Cửu Long, cư dân phần lớn sống bằng nông nghiệp. Do vậy, người ta đã dốc sức chống “lũ” để trồng lúa, trồng cây đặc sản. Con số đê bao cứ tăng dần theo năm tháng. Hai mươi ngàn, ba mươi ngàn, rồi dường như bây giờ trên bốn mươi ngàn cây số. Còn nếu tính tất cả đê bao kết hợp với lộ giao thông dọc các dòng sông lớn nhỏ, mương rạch chằng chịt khắp xóm, ấp đồng bằng thì phải trên một trăm ngàn cây số, gấp hai phẩy năm lần con đường xích đạo ngoạn mục vòng quanh trái đất. Con số chưa chắc đúng, nhưng thực tế không phải nhỏ và cũng có thể đúng. Biết bao sức người, sức của, thời gian, tiền bạc đổ ra để làm và duy tu ngần ấy đê bao hàng năm. Việc xây dựng và gia cố đê bao thường xuyên mỗi năm làm mất đi hàng ngàn tỷ đồng với biết bao công sức của hàng vạn, hàng vạn con người bỏ ra .
           Có nơi, người ta ngăn “lũ” triệt để để sản xuất lúa vụ ba, xóa sổ nhiều túi chứa nước của cả vùng. Nhiều người nhận định điều này lợi bất cập hại. Cái lợi mà từng người nông dân hưởng được thì vô cùng nhỏ so với cái hại cả vùng. Đó là các đê bao phục vụ cho trồng lúa vụ thứ ba đã buộc lòng làm cho phù sa bồi lắng trong lòng sông, làm lòng sông nâng cao tại vùng đồng bằng, tăng nguy cơ “lũ” lụt; lụt có khả năng nhiều hơn, cao hơn.
Ngăn lụt là cắt đi nguồn cung cấp thủy sản và phù sa giàu dinh dưỡng nên người nông dân đã phải sử dụng nhiều phân bón hơn. Ruộng đồng bị vắt kiệt sức,  còn người nông dân thì tất bật trong vòng xoay vụ mùa liên tục. Đất không nghỉ, người không nghỉ. Những giọt mồ hôi rơi ra lắm khi vô ích. Việc sử dụng phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu một cách bừa bãi, không hợp lý đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người. Ngăn lụt cũng làm giảm khả năng điều tiết nước ngầm và tích trữ nước mặt của nhiều vùng, làm giảm đáng kể lượng nước ngầm quý giá, khả năng sụt lún mặt đất cũng cao hơn. Đem lên bàn tính để cân nhắc thiệt hơn, giá thành một ký lúa vụ ba phải cộng lại tất cả chi phí và thiệt hại nêu trên mà dường như các nhà quản lý cố trình né tránh điều này; vì …đã lỡ rồi.
             Trong một trả lời phỏng vấn của báo chí về hạn mặn năm 2016, ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (trường Đại học Cần Thơ) nói: “Trong lịch sử, cũng có những lúc lượng nước ít, thậm chí có thời điểm lưu lượng từ thượng lưu đến đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn, nhưng mặn không xâm nhập sâu như vậy. Tại sao? Một số nhà khoa học đưa ra giải thích do nước biển dâng cộng thêm một số tác động của con người gây ra như chúng ta đã thu hẹp đáng kể các vùng trũng trữ nước tự nhiên để gia tăng diện tích canh tác lúa ba vụ.” “Để đạt được mục tiêu đó ta phải trả giá những gì? Thứ nhất, năng suất ở các vùng tăng ba vụ sau nhiều năm không tăng bao nhiêu mà nông dân phải gia tăng bằng cách dùng phân bón và nông dược. Lượng lúa tiêu thụ trên thế giới tương đối ổn định. Thứ hai, liên tục phụ thuộc vào hạt lúa, nông dân vẫn mãi nghèo và nợ nần. Những vùng trồng lúa thâm canh ba vụ trở nên ô nhiễm nghiêm trọng do lượng hoá chất sử dụng cho nông nghiệp ngày càng nhiều.”
          Các con đê, với việc ngăn nước tràn vào đồng lúa đã làm chuyển nước tới các khu dân cư, tràn về thị xã, thị trấn, các thành phố với tần suất và mức độ ngày càng nhiều. Điều này ai cũng đã thấy rõ trong hơn mười năm nay. Thiệt hại do “lũ” lụt đã và sẽ nghiêm trọng hơn, dù nước sông Mê Kông có những năm chỉ trên, dưới mức trung bình yên ổn hàng năm mà thôi. Trên một triệu héc ta những vùng trũng chứa nước tự nhiên đã bị bít kín, nước đành tìm đường về các thành phố.
Năm 2011, nước ngập cả phố phường các đô thị như Long Xuyên, Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho, Bến Tre…; dù trước đó nhiều con đường, con lộ, con hẽm… đã được nâng cấp cao ngất ngưởng.
Mùa nước năm 2012, mực nước đo được tại Hồng Ngự và Tân Châu thấp hơn mực nước năm 2011 từ 0,6 m đến 1,2 m, vậy mà các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn ngập nước. Những ngày này, về các vùng quê, tôi quên là đang giữa mùa nước, nhưng đến chiều tối, chạy xe về đến thị xã, thấy cảnh đường phố lúp xúp nước, mới chợt nhớ ra mình đang sống giữa mùa nước đồng bằng.     
Những ngày đầu tháng 10 năm 2013, mực nước thấp hơn mực nước đầu nguồn Hồng Ngự năm 2011 trên dưới 0,6 m, vậy mà nước vẫn ngập cả phố phường. Con đường Nguyễn Trung Trực nhà tôi ngày nào và khu vực lân cận, dù đã nâng nền từ ba đến bốn lần như tôi đã nói, cao trình ít gì cũng một mét so với năm 1978, vậy mà mấy năm đó, nước vẫn lúp xúp leo lên.
Mùa nước năm 2016, ông Khương Lê Bình - Giám đốc đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp nói đây là một trong những đợt lũ yếu nhất tại miền Tây nhiều năm qua. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết giữa tháng 10 năm 2016, “lũ” đầu nguồn miền Tây đạt đỉnh ở mức 3,1 m trên sông Tiền tại Tân Châu và hơn 2,8 m trên sông Hậu ở Châu Đốc, cao hơn năm trước 0,4 - 0,5 m. Tuy nhiên, đỉnh lũ năm nay dưới báo động một (3,5 m tại Tân Châu, 3 m ở Châu Đốc) và thấp so trung bình nhiều năm gần một mét. Vậy mà nước vẫn ngập tràn các đường phố đô thị Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long. Một số đoạn của quốc lộ 1A dù đã được nâng cao, nhưng cũng cùng chung số phận.
Trở ngại sản xuất và sinh hoạt, hư hao tài sản đều rất lớn.
           Như vậy đấy, mấy năm nay, nước không nhiều, nông dân than mùa nước không “đẹp”, nhưng nước vẫn ngập tràn phố thị.  Chuyện gì đã xảy ra cho đồng bằng sông Cửu Long quê tôi.
 Lúc sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nói đồng bằng sông Cửu Long phải sống chung với “lũ”. Nhưng có lẽ chưa ai hiểu thấu câu này. Các nhà làm công tác quản lý và các nhà làm khoa học ở nơi khác đến thì làm sao hiểu được, chưa nói đến việc nhờ các chuyên gia nước ngoài làm tư vấn thì càng đáng lo hơn. Chỉ có người dân đồng bằng bao đời sống ở đây mới hiểu thôi. Sống chung với “ lũ” khác với các biện pháp chống “lũ” triệt để như người ta đã và đang làm. Nhiều cánh đồng tự nhiên, nhiều khu sinh thái tự nhiên; đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên, hai trong những túi chứa nước của đồng bằng đã bị đê bao khép kín, nước phải tìm đường về phố thị. Cách đối phó của nước là dâng cao hơn, dâng cao hơn nữa, chảy xiết lên, xiết lên nữa. Nước đã nổi giận gần hai mươi năm nay rồi. Một Sơn Tinh, Thủy Tinh của thế kỷ hai mươi mốt, đánh nhau triền miên suốt hai mươi năm nay. Xem ra Sơn Tinh đã đuối sức, còn Thủy Tinh thì càng lúc càng điên cuồng, giận dữ. Tôi nghe phong phanh có ý kiến đề nghị làm đê bao khép kín các thành phố, thị xã…để chống ngập. Nghe qua đã hoảng sợ. Bây giờ đã tròm trèm trăm ngàn cây số đê bao các loại, bây giờ tính tăng thêm bao nhiêu nữa đây.
 Tác giả Phong Lan (Vĩnh Long) có truyện ngắn “Những mùa bông điên điển”. Truyện vẽ nên hình ảnh một người nông dân chịu thương chịu khó, một nắng hai sương, không chấp nhận với kiểu “triệt sản” mùa lụt. Chú Sáu, nhân vật trong truyện, muốn tự mình làm chủ mảnh đất của mình. Tôi xin trích lại một đoạn ngắn:
“Theo thời gian, những mùa nước nổi gợi thương gợi nhớ cứ thưa dần. Đê bao khép kín các vùng quê, nước không lối thoát nên đành tràn về nằm vạ ở phố thị.
          Gần hai mươi mẫu đất của chú nằm trong vùng đê bao, phải có cách đối phó. Chú đặt những ống bọng có thể đóng mở để điều tiết nước. Một phần đất giáp sông, chú để nước ra vô tự do, thoải mái. Chỗ đất giáp ranh với người khác, nơi nào thấp chú tôn thêm để không làm ảnh hưởng xung quanh. Mấy đứa con trai của chú, các học trò của Vũ ngày nào, cần mẫn giúp sức; Hường thì lo phục vụ hậu cần. Tập trung lực lượng làm suốt hai năm trời mới tạm xong.
Vậy là đến mùa nước nổi, trong khi xung quanh dường như đều khát nước, đất của chú vẫn có những con nước rong quen thuộc tràn bờ. Ruộng đồng vẫn đầy phù sa, tôm cá. Cánh đồng mênh mông, có nơi chú để trắng nước để dưỡng đất, bồi đất, nơi vẫn có những ruộng lúa thách thức vươn cao. Còn cây trồng, tùy theo từng loại mà chú giữ ráo hoặc cho ngập nước theo thời gian dài ngắn thích hợp; cây đặc sản có đê bao riêng. Các chủ đất kề bên thấy vậy, âm thầm lặng lẽ làm theo.
          Bông điên điển ngày xưa rụng vàng đồng, bây giờ hiếm dần, phải gieo trồng mới có. Nhưng trên đất của chú Sáu, đến mùa nước nổi, vẫn những hàng điên điển lá xanh tươi, cành nhánh tua tủa, bông vàng rực rỡ...”  
                                                  0
                                            0          0
            Đồng bằng sông Cửu Long đang trong quá trình xây dựng và phát triển, nhu cầu về san lấp mặt bằng rất lớn, nhất là việc san lấp các vùng trũng để xây dựng các khu công nghiệp. Chưa nói đến việc đua nhau đắp đê, nâng lộ để đối phó với mùa nước. Lộ cao “ngất ngưởng”, lề lộ cao “chất ngất”, nền nhà, nền các công trình cao “vòi vọi”, tất cả đều phải cao. Chính vì vậy, nhu cầu dùng cát rất lớn. Cát được khai thác vô tội vạ ở sông Tiền, sông Hậu, nhiều lúc vượt xa tầm quản lý. Hậu quả là sạt lỡ nhiều hơn, nhanh hơn, của sông trả về cho sông. Người dân ven sông đau đớn đấu tranh nạn khai thác cát bừa bãi đến mõi mòn hơi sức. Mỗi năm có vài ba trăm hec- ta đất ven sông tức tưởi đổ nhào xuống nước.
           Lãng phí trong xây dựng dẫn đến lãng phí trong sử dụng tài nguyên cát sông, sạt lỡ ven sông tăng nhanh do khai thác cát lậu và do dòng chảy nước xiết thêm; nhà nước phải lo di dân, lo chỗ ở, lo việc làm, việc này kéo theo hệ quả việc khác trong vòng xoáy nhọc nhằn liên tục làm cho cuộc sống không lúc nào yên ổn.
          Tôi còn nhớ trong một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật tại Vĩnh Long cách đây khoảng mười năm, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Vinh Hiển ( hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) có một tác phẩm ghi lại khoảnh khắc làm bờ kè chống sạt lỡ bờ sông Tiền. Trong ảnh là hàng chục công nhân đang khiêng những bao cát nặng nề trên chiếc xà lang to đùng thảy xuống nước. Bức ảnh ghi chú thích thật độc đáo: “Trả lại cho sông”. Bức ảnh và chú thích cho thấy thiên nhiên rất sòng phẳng, làm sai thì phải trả giá.
Năm 2015, nước ở thượng nguồn về ít. Tôi có dịp đến xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thăm người quen, tình cờ gặp ông Trần Văn Mực. Ông cho biết hôm rồi có mấy nhà báo đến tìm hiểu về mùa nước năm nay. Ông với mấy bạn hàng xóm cũng đã có trả lời phỏng vấn. Gia đình ông đang trông nước về để giăng câu, thả lưới kiếm sống. Nhưng nguồn cá tự nhiên ngày càng ít, các đê bao khép kín để sản xuất lúa vụ ba làm những người nghèo không đất như ông càng thêm khó. Năm nào nước về nhiều, gia đình ông sống khỏe. Ông nói: “Muốn đi cắt lúa mướn thì cũng không ai kêu vì có máy làm hết rồi.” Mùa này nước không về, nhiều người phải bỏ xứ đi kiếm sống phương xa. Nghe ông nói, tôi thấy có gì xót xa và càng nhớ lắm những mùa nước năm xưa. Gặp ai, người nào cũng có những than vắn thở dài tương tự.  
 Năm 2015, mực nước thấp; đỉnh nước cao nhất vào cuối tháng 10 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,8 m, thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm là 1,2 m; dân quê đang trông nước, vậy mà nước vẫn lem lém bờ sông, le lé miệng cống các con lộ hoành tráng ở phố thị một số tỉnh thành. Càng thấy càng buồn.
Năm 2016, hạn đến sớm, mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông. Người đồng bằng lại nhớ những mùa nước, nhớ những túi nước tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng. Một người dân Đồng Tháp nói với tôi vùng này vẫn còn điều may mắn là vườn Quốc gia Tràm Chim và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen ở Đồng Tháp Mười đã được nâng niu giữ lại làm khu bảo tồn thiên nhiên. Những ngày tháng tư năm 2016, dù đang cao điểm mùa khô nắng nóng, vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) vẫn tươi màu xanh tốt, vẫn rực rỡ bởi sắc vàng hoa hoàng đầu ấn trải dài bất tận trên cánh đồng. Đây là vùng ngập nước tự nhiên nên hệ sinh thái rất phong phú và đa dạng. Rất may, nếu không có sự đối xử đúng mực thì chưa hẳn đã còn.
                                              o
                                          o       o
Xâu chuổi lại các sự việc xảy ra trong thời gian gần đây, tôi tự hỏi: Chuyện gì đã xảy ra với đồng bằng sông Cửu Long. Tại sao cứ đến mùa nước thì nước cứ tràn đầy các phố phường đô thị dù có những năm nước cũng chỉ cao bằng trung bình của nhiều năm yên ổn trước đó; để rồi dốc hết sức người, sức của liên tục nâng cao toàn bộ các công trình xây dựng, liên tục nạo vét sông, vơ vét tài nguyên cát sông để thỏa mản nhu cầu xây dựng ngày càng tăng. Cái gì đã biến nhiều ngôi nhà yên ổn xưa nay thành hầm chui, hầm chứa nước. Cái gì đã làm cho các đường phố đô thị biến thành sông sau cơn mưa dù đường sá đã được nâng cao, nâng cao nhiều rồi. Cách giải thích để gỡ gạc là do “triều cường, mưa to, nước biển dâng”. Có phải vậy không.
 Cần xem lại phương án chống lụt lâu nay; xem lại phương án chống ngập nước mưa, nước sinh hoạt ở các đô thị. Không phải cứ ngập là nâng, nâng chỗ này, chỗ khác ngập nặng hơn, chỗ cao một mét sẽ bị chỗ cao hai mét lấn át, để rồi chỗ cao hơn lại lấn át các nơi thấp hơn… Đỡ lãng phí trong việc nâng cao các công trình xây dựng sẽ đỡ lãng phí trong sử dụng tài nguyên cát sông, đỡ phải mất mỗi năm mấy trăm héc ta đất ven bờ, người dân quê đỡ khổ.
           Một dàn nhạc giao hưởng khổng lồ dường như đã bị người nhạc trưởng chỉ huy đánh sai nhịp. Ai sẽ đứng ra nhận trách nhiệm này. Thiên nhiên đồng bằng sông Cửu Long có khắc nghiệt đến mức phải tập trung sức lực của hàng triệu người để đối phó triền miên như ta đã làm bấy lâu nay.  
            Bây giờ, người dân đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn biết nhìn nhau bùi ngùi nhắc chuyện năm xưa: “Nhớ lắm mùa nước quê tôi.” Và có lẽ nào những mùa nước rong quen thuộc năm xưa của những vùng quê hiền hòa chỉ còn trong ký ức?

* Những tác phẩm còn lại chúng tôi sẽ tiếp tục đăng, mời bạn đọc đón xem


 
 

Hồng Quế

Từ khóa: bút ký, van học ĐBSCL
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 13


Hôm nayHôm nay : 2739

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 179192

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10403278