Soạn giả Bùi Thanh Bình cho biết: “Tôi sáng tác từ năm 38 tuổi”. Nhiều người cho rằng, ở tuổi này mới đi vào con đường sáng tác thì liệu có trễ không? Soạn giả Bùi Thanh Bình cười nói: “Trễ hay không thì không quan trọng. Vấn đề là mình làm được những gì để thỏa niềm đam mê và đã làm được gì cho quê hương mình”.
Được biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, anh tham gia các lớp tập huấn văn học - nghệ thuật của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội để làm hành trang bước dần vào con đường sáng tác. Rồi khi về với quê hương, anh được công tác trong ngành Văn hóa với vai trò quản lý suốt nhiều năm liền.
Vậy là, hành trang sáng tác của anh có thêm độ dày từ thực tế. Sau đó, anh trở thành hội viên Chi hội Sân khấu thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An và hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Đây là điều kiện quan trọng trên bước đường sáng tác. Vì ở môi trường này, anh được những người bạn, người anh đi trước truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý báu. Thế là, cây bút của thể loại ca cổ cải lương của miền hạ Cần Đước cứ đều tay viết về quê hương mình để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và của tỉnh.
Soạn giả Bùi Thanh Bình (bìa phải) Đề tài trong các bài ca vọng cổ của anh chủ yếu là ca ngợi quê hương, đất nước với những thành quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phong trào xây dựng nông thôn mới. Lồng ghép, xen lẫn trong đó là những đề tài ca ngợi truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa và những địa danh anh hùng đã trở thành niềm tự hào của người dân địa phương.
Đề tài tình yêu đôi lứa, tình yêu con người thủy chung cũng được tác giả Bùi Thanh Bình chắt chiu, chọn lọc để đưa vào các tác phẩm: Duyên quê, Tình cô giáo trẻ, Tình quê, Long An khúc hát ân tình, Vấn vương, Vẹn lòng chung thủy, Mãi đẹp tình quê, Khúc ân tình, Khúc duyên tình, Long An khúc hát thanh bình ngày xuân, Long An miền thượng sáng ngời niềm tin, Xuân về bến cảng Long An, Cần Đước thân thương,…
Trong những sáng tác của mình, tác giả Bùi Thanh Bình thích nhất bài Như có Bác về. Anh đã toàn tâm toàn ý để viết bài ca này. Vì anh nghĩ rằng “ngày 05/6/1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên đường sang phương Tây, mang theo khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước để đem lại tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phải ra sức thi đua, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hoàn thành kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Riêng với 3 bài: Long An khúc hát thanh bình ngày xuân, Long An miền thượng sáng ngời niềm tin, Chợ Nổi miền Tây chuyển thể vọng cổ từ các bài thơ của nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình, soạn giả Bùi Thanh Bình cảm nhận được nhà thơ sáng tác theo lối kể chuyện một cách chân thực mà ý nhị của con người Nam Bộ: “Nếu anh thương thiệt thì trình mẹ cha”.
Cái tính cách ấy khi kết hợp với lối lục bát nhuần nhuyễn đã trở thành những câu thơ mang tính nghệ thuật cao mà gần gũi lắng sâu như “Thương cho con sáo bơ vơ/Qua sông Sáo đậu thẫn thờ Bậu ơi/ Anh đi em nhớ em mong/ Thân cò lặn lội em trông anh…về… Trùng phùng ngày ấy phu thê/ Đò xưa bến cũ câu thề sắt son…”.
Nói về những ý định sáng tác trong thời gian tới, soạn giả Bùi Thanh Bình cho biết “sẽ tiếp tục với đề tài ngợi ca quê hương, đất nước, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay”. Và đề tài con người được anh đặc biệt quan tâm bởi anh xác định con người là chủ thể của chủ thể.
Vì vậy, anh sẽ đi vào khai thác tính nhân văn của con người Việt Nam, trong đó có người dân miền hạ quê anh. Và lồng vào đó là những câu chuyện về tình yêu lứa đôi, cùng nhau đắp xây hạnh phúc trên quê hương vùng hạ thân thương. Những tác phẩm của tác giả Bùi Thanh Bình được sử dụng, quảng bá trong các dịp lễ hội và trên Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Đài Truyền hình TP.HCM trong các chương trình Nghệ sĩ và tri âm, Sắc màu sân khấu,…
Các tác phẩm của anh được nhiều nghệ sĩ tài danh biểu diễn như: Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Minh Vương, NSND Trọng Hữu, NSND Quế Trân, NSND Phượng Loan, NSND Trọng Phúc, NSND Hồ Ngọc Trinh, các nghệ sĩ ưu tú như: Cẩm Tiên, Vân Khánh, Lê Tứ, Nhơn Hậu, Phượng Hằng, Ngọc Đợi; Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đặng, Lương Hồng Huệ; các chuông vàng vọng cổ như: Phương Cẩm Ngọc, Lê Diệu Hiền, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Thanh Toàn, Kim Luận, Lê Hậu, Phùng Ngọc Bảy, Võ Hoàng Dư, Danh ca Chí Tâm và các nghệ sĩ: Vương Hoài Phong, Thanh Thủy, Kim Thủy, Hoàng Việt Trang, Thanh Tâm, Phạm Thanh Thủy, Ngọc Hoàng Oanh, Trọng Tánh, Vũ Minh Lợi …v.v…
Khi hỏi cảm nghĩ của anh về quê hương mình, soạn giả Bùi Thanh Bình bộc bạch: “Ngày xưa quê mình nghèo lắm nhưng có lẽ chính cái nghèo đã làm cho người Cần Đước càng phải cố gắng vươn lên, yêu thương, đùm bọc, chở che, có thủy có chung và giàu lòng nhân ái”. Chính điều này đã theo anh trong mỗi nghĩ suy, hành động, nhất là trong việc sáng tác hiện nay và mãi đến sau này như câu hát: Miền hạ yêu thương đôi bờ Vàm Cỏ, Có tình người mở ngỏ đón chờ ai. Có gạo nàng Thơm mê mãi lòng người. Trăng nước giao duyên rạng ngời mắt biếc./.
Soạn giả Bùi Thanh Bình đã đoạt các giải thưởng: Giải ba sáng tác vọng cổ với tác phẩm Như có Bác về trong Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Long An; Giải ba với tác phẩm Khúc duyên tình trong Cuộc thi sáng tác tuyên truyền về đề tài xây dựng nông thôn mới tỉnh Long An và Giải nhì với tác phẩm Khúc ân tình trong cuộc thi do TP. HCM tổ chức phát động cho văn, nghệ sĩ cả nước sáng tác văn - thơ - nhạc chủ đề “Cần Giờ - 40 năm đổi mới và phát triển”. |
Việt Sơn
(Theo baolongan.vn)