Thứ bảy 04/05/2024

NỘI DUNG CHÍNH

NSND Hồ Ngọc Trinh tài không đợi tuổi

NSND Hồ Ngọc Trinh

NSND Hồ Ngọc Trinh

       Trong đợt phong danh hiệu Nghệ sĩ NSND, NSƯT lần thứ 10 vừa qua, Hồ Ngọc Trinh (HNT, Đoàn Nghệ thuật Cải Lương (NTCL) Long An) là nghệ sĩ trẻ nhất cả nước được phong danh hiệu NSND. Mới tròn 40 tuổi, nhưng HNT đã lên đến đỉnh cao nghề nghiệp. Dù đã rất nổi tiếng nhưng HNT không rời bỏ đoàn cải lương “tỉnh lẻ” Long An để đi theo những lời mời gọi hấp dẫn ở TP. HCM. Cô đang giữ vẹn lòng chung thủy với nơi đã tạo bệ phóng cho mình bay cao trên bầu trời nghệ thuật.
      
      Vinh dự lớn với Hồ Ngọc Trinh

     
        Từ vùng lũ Đồng Tháp Mười
        Vốn thích ca hát, khi còn đi học, HNT có tham gia sinh hoạt văn nghệ ở địa phương, nhưng chỉ là ca nhạc. Thấy bạn bè hát cải lương, cô cũng thích, nhưng chỉ  hát theo cho vui. Đến năm 2001, lúc chưa tròn 17 tuổi, tình cờ HNT thấy Đài PTTH Long An thông báo cuộc thi “Tiếng hát cải lương truyền hình”. Bạn bè gợi ý cô nên đi thi vì cô có chất giọng rất mùi, thích hợp với bài vọng cổ. Nghe bùi tai, rồi cũng muốn có dịp đi chơi TP.Tân An, HNT đã đăng ký dự thi. Chỉ có hơn một tháng ngắn ngủi HNT được người chú là thầy đờn dạy hát bài vọng cổ cho đúng điệu, đúng nhịp để khi dự thi không bị “quê”.
        Thuở ấy, nhiều đài truyền hình ở miền Tây tổ chức cuộc thi hát cải lương hàng năm. Các ca sĩ, kể cả chuyên nghiệp và “thợ đi thi” (nhiều người tuy không theo nghề, nhưng quanh năm đi “săn” giải các cuộc thi), nhiều nghệ sĩ đến từ TP.HCM, tranh nhau thi tài. Vì quanh năm đi thi hát, nên hầu hết họ đều biết mặt và hiểu “rơ” của nhau, khán giả cũng “nhẵn mặt” các thí sinh thi hát, như Thành Nu (An Giang), Thạch Tiên (Sóc Trăng), Đức Duy (Long An), Minh Kha (Tây Ninh), Hải Long (TP.HCM), v.v. Năm ấy, khi vào cuộc thi, Thạch Tiên (Sóc Trăng) có phần tự tin sẽ đoạt HCV, vì qua theo dõi các đối thủ cùng dự thi, anh thấy họ đang không có phong độ tốt nhất, còn anh đã dày công tập luyện suốt mấy tháng qua. Vậy mà, khi vào vòng sơ loại, Thạch Tiên và các thí sinh “gạo cội” khác bỗng bất ngờ trước sự xuất hiện của một thí sinh nữ lạ hoắc, “mặt búng ra sữa”, nhưng có giọng ca rất đặc biệt, truyền cảm, tuy nhịp nhàng chưa thật chắc, tên là HNT. Qua vòng sơ khảo, đi tiếp vào trong, HNT vừa tập ráp với dàn đờn, vừa tranh thủ luyện thêm tay nghề, kể cả việc học “cấp tốc” một vài bài bản cải lương khác để “rủi” vô được tới vòng chung kết thì có cái để thi (ban tổ chức qui định ở vòng chung kết thí sinh vừa hát bài vọng cổ, vừa phải hát một bài bản khác). Cứ vậy, với chất giọng thổ trầm buồn, nhịp nhàng càng lúc càng chắc, giọng ca ngọt ngào, HNT đã thể hiện phần thi của mình thật xuất sắc trong đêm chung kết xếp hạng, vượt qua tất cả những nghệ sĩ già dặn khác, đoạt HCV của giải.
      Mấy tháng sau, HNT được mời về Đoàn NTCL Long An để thử việc. Vừa tập việc, HNT vừa được lãnh đạo đoàn tạo điều kiện cho đi dự các lớp đào tạo ngắn hạn về ca diễn, tài năng của cô có cơ hội để bộc lộ nhanh chóng. Với nội lực dồi dào, lòng say mê nghề nghiệp, được NSUT Hữu Lộc – trưởng đoàn NTCL Long An – và vợ là NSƯT Ánh Hồng tận tình dìu dắt, chỉ sau vài năm HNT đã trở thành đào chánh của đoàn.  
       
       Trong vai Thái hậu Dương Vân Nga

       
       Hồ Ngọc Trinh trong vai Nguyễn Thị Một

     

         
        Trong vở diễn Thầy Ba Đợi

      
       
        Thi đâu đoạt giải đó
       Từ đó trở đi, mỗi năm HNT dự trung bình 2 - 3 lần các cuộc thi hát, liên hoan, hội diễn ở đồng bằng, khu vực và toàn quốc, và lần nào cũng đoạt giải cao. Một năm sau ngày đoạt HCV ở tỉnh Long An, HNT rụt rè về sân chơi lớn ở TP.HCM để thử sức trong cuộc thi hát cải lương giải Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền và đoạt ngay HCB. Năm 2003, tại giải Bông Lúa Vàng do Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức, cô đoạt giải thí sinh nhỏ tuổi nhất có giọng hát hay nhất. Năm sau, tại sân chơi cấp toàn quốc, cô đoạt HCĐ tiếng hát dân ca các dân tộc toàn quốc. Cũng trong năm ấy, cô đoạt giải A đờn ca tài tử khu vực phía Nam. HNT chính thức gây tiếng vang trong giới sân khấu cải lương chuyên nghiệp cả nước ở kỳ thi Chuông Vàng Vọng Cổ 2006 do Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức khi đã chinh phục cả ban giám khảo và khán giả truyền hình. Vậy mà HCV đã không thuộc về cô, vì theo thể lệ nghiệt ngã của cuộc thi, giải thưởng do khán giả bình chọn, mà quê hương của cô thì quá xa xôi, vì vậy mà cô chỉ đoạt HCB trước sự tiếc nuối của người hâm mộ. HNT chính thức đóng dấu tên mình vào giới sân khấu cải lương chuyên nghiệp cả nước với HCV giải triển vọng Trần Hữu Trang 2007. Qua giải thưởng danh giá này, được bậc thầy về cải lương là NSND Bạch Tuyết truyền dạy từng miếng nghề, HNT đã “lột xác” khi một mình đứng trên sân khấu lớn, trước mặt ban giám khảo toàn là những nghệ sĩ lớn, trước mặt hàng ngàn khán giả. Nhờ đó, ở Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009, cô đoạt HCV một cách thuyết phục. Còn HCV ở Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 có lẽ là sự hoàn thiện một tên tuổi có thể sánh ngang các nghệ sĩ tài danh khác trong làng sân khấu cải lương cả nước.
      Cứ vậy, thành công trải dài trên bước đường nghệ thuật của HNT. Năm 2015, cô nghệ sĩ trẻ mới hơn 30 tuổi đời đã vinh dự được phong NSƯT. Để rồi 9 năm sau, cô bước lên đỉnh vinh quang mà bất cứ một nghệ sĩ nào cũng ao ước đạt được – được phong danh hiệu NSND.
       Thành công nhờ khổ luyện
      Tuổi thơ của HNT gắn liền với vùng Đồng Tháp Mười một năm 4 tháng nước nổi, với dòng Vàm Cỏ Tây chở nặng phù sa, với những cánh cò, những điệu hò mái dài... Những câu hò, điệu lý, bài ca vọng cổ cứ nhẹ nhàng, tự nhiên thấm sâu vào tiềm thức của cô bé HNT. Để sau này khi lớn lên, mỗi khi cô cất tiếng hát là âm thanh ngọt ngào, sâu lắng cứ tuôn trào như thể nó là hơi thở, là máu thịt, là nhịp đập trái tim của. Từ trong vô thức cô đã chịu ảnh hưởng của dòng nhạc tài tử - cải lương.
       Xuất thân trong gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng cô may mắn có được những người thầy lớn. Đầu tiên là vợ chồng NSƯT Hữu Lộc – NSƯT Ánh Hồng, tiếp đến là NSND Bạch Tuyết, rồi “ông vua vọng cổ”  Viễn Châu... “Nghề nghiệp nào cũng cần sự nỗ lực mới gặt hái được thành công. Con đường nghệ thuật của tôi cũng vậy, chưa bao giờ bằng phẳng. Dù có cơ hội được học với những người thầy giỏi nhưng thời gian học tập, trao đổi với các thầy, cô thường không nhiều, nên tôi còn phải tự học. Ở mỗi người thầy, tôi học hỏi một chút những điều hay và gom góp lại làm hành trang cho riêng mình. Tôi luôn tự nhủ, được Tổ nghiệp thương nên phải hết lòng, hết sức. Tôi chưa bao giờ ngừng học tập, vì điều đó dễ khiến mình bị khựng lại giữa nhịp sống luôn đổi mới và phát triển”, HNT chia sẻ.
      Mỗi khi nhận vai diễn, HNT luôn nghiên cứu rất kỹ “lý lịch” nhân vật để biết rõ hoàn cảnh sống, tính cách nhân vật... và tìm những điểm nhấn để các vai diễn không lập lại mà mang cảm xúc khác nhau. Bằng cách khai thác nội tâm và tính cách nhân vật, HNT luôn tạo nên nét riêng. Không tự mãn, không bao giờ hài lòng với chính mình, HNT luôn thích thử sức với những vai khó ở những cuộc thi mà đa số các diễn viên trẻ thường chọn vai diễn “tủ” để dễ dàng đoạt huy chương. Năm 2007, chọn vai Lý Chiêu Hoàng để dự giải Triển vọng Trần Hữu Trang, HNT đã mạnh mẽ thoát khỏi cái bóng đào thương của chính mình để giành HCV một cách thuyết phục. Bảy năm sau, một lần nữa HNT lại tự làm khó mình khi quyết định chọn vai Thái hậu Dương Vân Nga với lớp diễn nước nhà trong cơn biến loạn, thù trong giặc ngoài, Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng băng hà, ấu chúa mất tích... để tham dự cuộc thi tài năng trẻ sân khấu cải lương và dân ca kịch toàn quốc. Nhiều người cho rằng HNT đã chọn một vai quá sức, khó đoạt giải thưởng. Thay vì chọn lối đi khó, sao không chọn con đường an toàn hơn bằng những vai diễn sở trường? Nhưng HNT lại nghĩ khác, cuộc thi là cơ hội để thử thách với những vai diễn khó, hiếm có cơ hội được thể hiện và cũng là dịp để được bay bổng với ước mơ được hóa thân thành nhân vật của người nghệ sĩ. Vốn là diễn viên của những vở diễn đề tài xã hội, thử thách đầu tiên HNT phải vượt qua là vũ đạo và sự phối hợp giữa giọng ca, diễn xuất, vũ đạo... để mỗi động tác phải xuất phát từ tâm lý nhân vật chứ không chỉ múa minh họa.
      HNT luôn hóa thân rất thành công vào các vai diễn có số phận buồn như: Anh Thư (trong vở Lời thề trước miễu), Cau (Hương cau xa xứ), Út Hồng (Phố an cư), Lan (Ánh sáng phù du), Mộng Cầm (Hàn Mạc Tử), Anh Thư (Gương đời sáng mãi), Lan (Khoảnh khắc tình yêu)... Cô cũng đã thử vào các vai gai góc, trí tuệ hơn và cũng gặt hái nhiều thành công, như Lý Chiêu Hoàng (HCV giải Trần Hữu Trang 2007), Thị Lộ (Rạng ngọc Côn Sơn), Thảo (Hoa tình nở muộn), Phàn Lê Huê (Thoại Ba Công Chúa), Năm Điền (Nghĩa sĩ Cần Giuộc), Nguyễn Thị Một (Cuộc đời của mẹ)... Cùng với sàn diễn, HNT còn chinh phục giới mộ điệu cải lương khi xuất hiện với tần suất rất cao trên cải lương video, cải lương truyền hình, chương trình Vầng trăng cổ nhạc, phim truyện cải lương, Nghệ sĩ tri âm, sân khấu từ thiện...
      Một số thoạt động nghệ thuật của NSND Hồ Ngọc Trinh:
     




      Một tấm lòng chung thủy 
      Nói về HNT, những người trong nghề còn trân trọng cô ở chuyện sống có trước có sau, giữ vẹn lòng thủy chung. Không như nhièu người, sau khi đã thành tài danh  thường về TP.HCM để hành nghề, bỏ đoàn hát nơi đã giúp mình nên tên tuổi. HNT vẫn ở lại Đoàn NTCL Long An, nơi đã giúp cô đến với nghề và chắp cánh cho cô bay cao, bay xa. Cô sẵn sàng từ chối những sô diễn thù lao hàng chục triệu đồng để ở nhà cùng Đoàn đi vùng sâu, vùng xa diễn phục vụ bà con nghèo với tiền cát sê 300 ngàn đồng. HNT chia sẻ: “Đoàn NTCL Long An là nơi chắp cho tôi đôi cánh để bay cao trong bầu trời nghệ thuật. Khán giả Long An là những người đầu tiên tiếp cho tôi nhiều động lực để gắn bó với nghề, phấn đấu vượt lên chính mình. Tôi luôn được tạo điều kiện tốt nhất để làm nghề, đó là những nghĩa tình mà tôi không bao giờ quên. Đi đâu, làm gì, trong trái tim tôi vẫn có một khoảng trời riêng dành cho mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra, lớn lên và thành đạt”. 
        Nếu để ý, người xem sẽ thấy các vai diễn sau này của HNT ngày càng có chiều sâu, càng “trí tuệ” hơn. Điều tốt đẹp đó đến từ sự dày công học tập của cô. Ngọc Trinh đã tốt nghiệp đại học ngành Đạo diễn và cô đang chinh phục tấm bằng Thạc sĩ Nghệ thuật, theo tấm gương học tập của người thầy NSND Bạch Tuyết.
        BOX:
         Một số thành tích của NSND Hồ Ngọc Trinh:
        - 16 bằng khen của UBND tỉnh từ năm 2006-2023;
        - Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2020;
        - 2 bằng khen của Bộ VHTTDL năm 2020, 2022;
        - 2 bằng khen của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam;
        - HCB Giải Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền 2001;
        - HCV Tiếng hát truyền hình Long An 2001;
        - 4 HCV diễn viên tại các Liên hoan Cải lương toàn quốc;
        - HCV đạo diễn Liên hoan Cải lương toàn quốc;
        - HCB Liên hoan sân khấu Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân 2020;           
        - Chuông bạc - Ngôi sao vọng cổ truyền hình 2006;
        - Huy chương Vàng Triển vọng Trần Hữu Trang 2007;
        - GIẢI A đờn ca tài tử khu vực phía Nam;
        - HCB – Sân khấu Quốc tế thử nghiệm 2022;...

         Tháp Mười        
     
     
 
 
 
 
 
 
 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 30


Hôm nayHôm nay : 2376

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 42297

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8805217