Thứ bảy 21/09/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Tác phẩm đạt giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Thông lần thứ V - 2017

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Thông là một giải thưởng danh giá, chỉ xét tặng một lần cho một đời văn nghệ sỹ. Giải thưởng công nhận những công lao đóng góp trên lĩnh vực văn học nghệ thuật của anh chị em văn nghệ sỹ trong và ngoài tỉnh có tác phẩm tiêu biểu, có giá trị viết về đất và người Long An.

Tác phẩm đạt giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Thông lần thứ V - 2017

Tác phẩm đạt giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Thông lần thứ V - 2017

Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Thông lần thứ V, năm 2017, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật đã nhận được 117 tác phẩm của 36 tác giả tham dự 08 chuyên ngành: Văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, VNDG, điện ảnh truyền hình, sân khấu, kiến trúc sư. Quá trình sơ khảo xét chọn được 59 tác phẩm của 22 tác giả. Hội đồng Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông đã chọn 21 tác giả. Như vậy tổng số tác giả được trao giải thưởng lần thứ V-năm 2017 là 21 tác giả, trong đó có 06 tác giả ngoài tỉnh.
Thực hiện theo Kế hoạch số 105/KH-HĐGT của Hội đồng Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Thông về việc Tổ chức xét tặng và trao giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Thông lần thứ V - 2017,
Căn cứ vào Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 19/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An về việc công nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Thông lần V - năm 2017,
Vannghelongan xin giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm của tác giả được trao giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Thông lần V - năm 2017:

I. CHUYÊN NGÀNH ÂM NHẠC:
- Nhạc sỹ Nguyễn Tấn Đức (Quốc Nam) với nhạc phẩm "Long An ơi biết mấy tự hào"



- Nhạc sỹ Nguyễn Thanh Hải với nhạc phẩm "Hương tình miền hạ"



- Nhạc sỹ Nguyễn Thành Sơn với nhạc phẩm "Mai Thị Non người con gái Long An"




II. Chuyên ngành Văn học:
- Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Nhàn với tác phẩm bút ký "Làng ven sông Vàm Cỏ"








- Nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh với tác phẩm Tiểu thuyết "Đất mặn"




- Nhà văn Võ Thúy Phượng với tác phẩm Tập truyện và Ký "Giữa Đồng Tháp Mười"




III. Chuyên ngành Sân khấu:
- Tác giả Lê Hồng Phương với tác phẩm ca cổ "Hoa Điền Thanh"



HOA ĐIỀN THANH
                                                                           Biên soạn: Lê Hồng Phương
 
   NÓI LỐI
Trời vào thu mưa buồn rơi tí tách
Phố thị nghèo hiu hắt ánh đèn khuya
Giọt thu rơi, giọt lệ sầu trong mắt
Chuyện tình buồn làm mặn đắng bờ môi.
 
VỌNG CỔ
Bên ly cà phê em kể tôi nghe chuyện về tên loài hoa vàng quê mẹ, mà ký ức tuổi thơ em không quên được bao… giờ.
1/ Thuở ấy, Tháp Mười quê em chìm trong mưa lũ trắng đồng….
Nhà nghèo mẹ đi hái bông điên điển, đem bán chợ chiều đổi lấy miếng ăn (-). Sắc thắm màu hoa không ngăn được bướm ong, đến khi hoa kia nhụy rữa hương tàn, ong bướm vội vàng vụt cánh bay xa, bỏ mặc đời hoa dập vùi trong mưa bão(-)
 
                        (Ngâm)    Giọt cà phê đắng, nhỏ đều trong câu chuyện
Chuyện tình buồn bên quán nửa khuya
Có nụ hoa vàng nở ra từ đó
Mẹ đặt tên em, tên gọi Điền Thanh.
 
2/ Ôm con thơ mẹ trông chờ người tình phụ, ai có hẹn đâu mà mẹ vẫn mong chờ….
Ấp ủ nâng niu một nụ hoa đời….
Mẹ thầm mong sao nụ hoa vàng thêm hương sắc, dẫu đời mẹ nghèo với bao nỗi đắng cay (-). Rồi ước mơ kia chưa kịp thành sự thật, nụ hoa vàng chưa kịp khoe sắc đưa hương. Mẹ đã qua đời sau cơn bạo bệnh, mười bốn tuổi đời em thành đứa cút côi (-)
 
NÓI LỐI
Cơn bão đi qua, nụ hoa vàng còn lại
Kiếp nổi trôi bao sóng gió gập ghềnh
Có đêm nàng tiên hiện ra trong giấc mộng
Chắp cho em đôi cánh diệu kỳ.
 
                                                        VỌNG CỔ
Không phải nàng tiên trong mơ bước ra mà những vòng tay cuộc đời nối lại, nâng bước em lên trên sân khấu quê nhà….
5/ Lộng lẫy tinh khôi một sắc hoa vàng….
Đời thực đây rồi, vững lòng tin em bước, trên dây xiếc thăng bằng, bước chân sáo nhẹ lướt qua (-).
Giọt thu buồn không còn đẫm trong đáy mắt, giọt sương mai đã lóng lánh sắc hoa vàng. Sân khấu đêm nay đèn hoa lộng lẫy – hoa Điền Thanh – hoa tỏa ngát hương đời (-)
6/ Tôi thầm cảm ơn những vòng tay lớn, chắp cho em đôi cánh bay lên, cho vườn xuân thêm đóa hoa điểm sắc, hoa của tình đời, tên gọi Điền Thanh.
Hỡi ai đó! Đừng đùa vui trên nỗi khổ
Hãy yêu thật lòng khi còn một trái tim
Nụ hoa kia là nụ đời còn lại
Hoa Điền Thanh – hoa của đất trong lành (-).
Trong nắng mai hoa cười khoe sắc thắm
Mùa nước về, mùa điên điển trổ bông
Điền Thanh ơi! Tên hoa vàng mẹ đặt
Nhớ nghe em giữ mãi sắc hoa vàng./.
                   
                                                                   Đồng Tháp Mười, đêm 10/12/2001       


- Tác giả Trường Hải với tác phẩm ca cổ "Cầu duyên"


CẦU DUYÊN
Sáng tác: Trường Hải
 
NGÂM TỰ DO
Nữ:       Gió lên cho tóc em bồng
             Cho môi thắm đỏ cho hồng ước mơ
             Hai mươi xuân, đẹp tợ bài thơ
             Thuyền chờ bến đậu, em chờ đợi xuân
Nam:    Hò….anh ở Hoà Khánh Tây, quê em Hậu Nghĩa
             Nhà hai đứa không gần, nhưng cũng chẳng gọi là xa
             Thương em đằm thắm nết na, nên anh định cậy nhờ mai mối….
Nữ:       Chắc anh quen với cô nào nên nhờ em mai mối phải hôn?
Nam:    Đâu có, anh định cậy nhờ mai mối để cho đôi ta nên vợ nên….
VỌNG CỔ
1- ….….chồng.
Nữ:       Ý, anh ba ơi! Chưa chi mà anh đã tính chuyện tơ hồng
             Em nói trước à nhen, nhà em nghèo lắm đó
Nam:    Chứ anh giàu có gì đâu (-)
Nữ:       Thấy anh hiền nên nói chuyện hơi lâu
Nam:    Thương em có duyên nên anh mới tính chuyện cau trầu
Nữ:       Ngặt nỗi em còn mẹ già nên chưa thể làm dâu
Nam:    Thì em cho anh theo về ở rễ
Nữ:       (Dậm) cái anh này lanh ghê chưa
Nam:    Đâu có bằng em
Nữ:       Em làm sao
Nam:    Em đâu có chịu thua ai….mà nè người ta để ý thương thiệt chứ bộ
Nữ:       Hổng dám đâu chuyện ấy hãy để từ từ mới biết
 
2 -         Nhớ hôm đó một chiều thênh thang gió nhẹ, qua Cầu Duyên em không giở nón qua cầu
Nữ:       Nên nón bay theo cơn gió vô tình
Nam:    Nhờ vô tình nón bay anh nhặt nón và trả lại cho người đã đánh rơi (-)
Nữ:       Dạ, cảm ơn nhen
Nam:    Trả lại cô hai chữ cám ơn đó, xin được biết tên và địa chỉ thôi hà
Nữ:             Có dịp mời anh ghé qua gian hàng bách hoá, Hường bán vài món hàng lấy giá rẻ làm quen
CAO PHI
Nam:    Đêm về nằm mơ
             Cô bán hàng duyên dáng tên Hường
             Trời vừa hừng đông
             Tôi đã có mặt tại chợ Bàu Trai
             Từng gian, từng dãy đẹp mắt
             Đây hàng bách hoá, điện tử
             Tiếng ai reo mời
             Dáng em nho nhỏ, môi cười thật tươi
ĐIỆP KHÚC
             A, kia rồi
             Có phải em gái tên Hường đó chăng
 
5- (Nữ)  Sáng nay chợ Bàu Trai người đông vui như mở hội, có người tìm đến gian hàng bách hoá để ngã giá mua hàng
Nam:    Dáng nhỏ thân quen với nụ cười hiền
Nữ:       Dạ, chào chú
Nam:    Ừ, bao nhiêu đôi đèn cưới vậy cháu
Nữ:       Ủa, ý mèn ơi, anh ba, bộ mua đôi đèn đi cưới chị ba (-)
Nam:    Anh thưa với má rồi
Nữ:       Má ai vậy anh ba? Và thưa…chuyện gì vậy anh?
Nam:    Thì má em cũng là má anh, má nói: Đám cưới chúng mình cùng ngày, chung tháng, có cha mẹ hai bên và thân quyến họ hàng (-)
Nữ:       (Dậm) Trời ơi! Đừng nói chơi làm người ta mất duyên con gái nghen anh
Nam:    Anh nói thiệt tình, mà em không tin sao
Nữ:       Ừa, tin thì tin, vì em biết trai gái Đức Hoà luôn ăn thật nói ngay
 
6- Nam:      Năm ấy khi cây mưa đầu mùa vừa dứt hạt, ríu rít những hạt mầm trăn trở gọi mùa vui
Nữ:       Bầy chim lá rụng họp đàn tìm bạn, đàn én vầy đàn dệt thảm trời xuân
Nam:    Có chiếc xe hoa từ Hoà Khánh Tây về chợ Bàu Trai rước cô dâu mới, em ơi!
Nữ:       Gì đó anh
Nam:    Cho anh nắm lấy bàn tay, cho thoả chờ mong, cho dài nhung nhớ
Nữ:       Anh ơi, em lo quá hà
Nam:    Lo gì đó em
Nữ:       Con gái ở chợ hổng có quen ruộng đồng (-)
Nam:    Có gì mà khó đâu em, không quen thì tập làm quen mấy hồi
Nữ:       Đùa anh một chút vậy thôi, chứ để chồng cực khổ em đứng ngồi sao yên./.

- Tác giả Trần Nam Dân với tác phẩm ca cổ "Cô gái tưới đậu"

CÔ GÁI TƯỚI ĐẬU
Sáng tác: Trần Nam Dân
 
LÝ ĐẤT GIỒNG
Nữ:       Nghe gió đồng bềnh bồng thênh thênh
             Im đất giồng là mầm đậu lên
Nam:    Sáng nay nắng ấm trời êm
             Đồng xanh, xanh sắc lá mắt em hay sắc trời
             Tang tình tang tính tình tang
Nữ:       Tang tính tình là tình tính tang
             Ở đâu anh đến một mình
             Chẳng quen mà không biết ở sao nhìn sao nhìn người ta
             Tang tính tình là tình tính tang
VỌNG CỔ
Nam:    Cô em ơi, anh đâu dám đi ngang về tắt mà không hỏi chủ
             Mai nhờ bà con điềm chỉ nên anh nhìn coi có phải em hôn
Có đôi mắt nhung thâm thấm trung trung nhiều chiến công ngang tầm dũng sĩ, giờ nhìn tạng mặt em hiền như bông bưởi đang nở trong
             vườn… Chị Hạnh năm trước cũng tương tựa như em và giản dị bình thường.
Nữ:       Này anh hỡi anh ơi…. anh ở sông Tiền hay sông Hậu?
Nam:    Dạ Sài Gòn.
Nữ:       Xin lỗi, anh thứ mấy à?
Nam:    Dạ, thứ ba.
Nữ:       Em thứ sáu, chớ anh Ba khen chúng em thiệt hay nói cho vui vậy anh Ba?
Nam:    Cô Sáu à, bấy lâu văn kì thiên, bất kiến kỳ hình, mà nay thấy mặt là mê liền hè.
Nữ:       Anh nói thiệt hôn?
Nam:    Thiệt mà.
Nữ:       Anh mê cây trái hay nhân ngải?
Nam:    Tôi mê đất, mê người, mê giọng hò mãi dài của...
Nữ:       Của ai?
Nam:    của bà má Bảy
NÓI DẶM
Nữ:       Xin lỗi anh Ba đừng giận nghen, con gái Mỹ Hạnh hay nói thiệt tình vậy đó anh Ba à.
Nam:    Tôi thì bụng sao nói vậy, còn cô thì cứ bụi cải sải qua bụi cà hoài hè
Nữ:       Anh Ba ơi, con gái làng em thiệt thà như đếm, anh Ba gieo làm chi tiếng oán cho thêm buồn.
Nam:    Coi, cô Sáu. Nói chơi có chút xíu mà em giận hờn. Anh nói vậy mà không phải vậy à nghen.
Nữ:       Chớ sao anh Ba?
Nam:    Anh muốn hỏi thăm em về sản xuất luân canh luân vụ cấy lúa trồng đậu có tốt hay không?
Nữ:       Vậy anh Ba nghe em nghen
Đánh xong Mỹ cút Ngụy nhào
Vàng mơ ruộng lúa, hoa màu vượt lên
Mầm hạnh phúc mọc nơi em
Thay trời dõi đất cho trọn niềm ước mơ…

LÝ ĐẤT GIỒNG
Nam:    Men đất dày đường cày như son
Cô má hồng mà lòng keo sơn.
Nữ:       Gió đưa gió đẩy mầm lên
Đừng khen em mắc cỡ, tánh em hay bắt đền.
Tang tình tang tính tình tang
Nam:    Gái như em đấy khó tìm
Khéo tay mà chăm bón thêu viềng thêu viềng trời xanh
Tang tình tang tính tính tang…


VỌNG CỔ
Nữ:       Anh Ba ơi, anh đừng khen em quá, mà má em bả rầy bả quở
Gặp anh đây giữa đường giữa ngõ, anh hỏi mà không nói thì sợ anh bảo con nhỏ hay làm lẽ. Còn ở đây nói với anh Ba cho hết tình hết nghĩa thì chắc em phải vô nấu bữa cơm….
             chiều. Cậy anh Ba vô nhà chơi nghen, tưới xong ruộng đậu em về…
Nam:    Cô nói vậy tôi e không tiện quá cô Sáu.
Nữ:       Chứ sao anh Ba? Hổng lẽ em trở vô nhà tiếp chuyện với anh cho hết buổi sáng hay sao?
Nam:    Cô Sáu à, mom đất là máu thịt của màu xanh, màu xanh sinh ra hoa đỏ. Vậy xin cô để tôi ra cùng với cô một thể cho vui.
Nữ:       Trời ơi, anh Ba nói gì mà em không hiểu. Thôi để em đi tưới đậu kẻo trưa rồi…
Nam:    Cô Sáu à, hỏi một câu cũng làm lâu một chút, mà hỏi hết chuyện cô sản xuất một lúc cũng xong thôi…Thiệt mà cô Sáu, chút xíu hà.
Nữ:       Đâu có được, má em bả la chết. Chuyện em em làm, ruộng em em hiểu. Ở đây nói chuyện với anh Ba hoài chắc đậu cà dưa chết hết anh Ba ơi. Bà con Mỹ Hạnh sẽ chê cười em bỏ hoa màu chết khô vì đứng chơi cả buổi. Tuổi trẻ chúng em là phải làm cho quê hương giàu đẹp làng xóm yên vui no ấm cả muôn đời.
Nam:    Cảm ơn cô Sáu, lời cô là ý núi sông
Thanh tươi sắc lá xanh trong lòng người.
Nữ:       Nhà nông thiệt lắm anh Ba ơi
Nghĩ sao nói vậy- Anh đừng cười chi em./.

IV. Chuyên ngành Nhiếp ảnh:
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Lý với tác phẩm ảnh nghệ thuật "Làng nổi Tân Lập"



- NSNA Chánh Thi với tác phẩm ảnh nghệ thuật "Kỷ thuật mới"


   

- NSNA Dương Hoàng Hạnh với tác phẩm ảnh nghệ thuật "Bánh ra lò"

       

- NSNA Nguyễn Hữu Tuấn với tác phẩm ảnh nghệ thuật "Chúng con về thăm mẹ"




V. Chuyên ngành Mỹ thuật:
- Họa sỹ Hà Phước Duy với tác phẩm tranh "Thế giới riêng"


  

VI. Chuyên ngành Văn nghệ dân gian:
- Nhạc sỹ Lư Nhất Vũ với tác phẩm công trình nghiên cứu "Dân ca Long An"



LỜI GIỚI THIỆU
SÁCH CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU DÂN CA LONG AN
 
LƯ NHẤT VŨ
 
Năm 1966, nhạc sĩ Quách Vũ bám trụ tại huyện Đức Huệ và Đức Hoà, len lỏi vào các xóm ấp, tiếp xúc với bà con cô bác để ghi âm lại hàng chục điệu lý.
Những băng ghi tiếng bằng cái đĩa nhỏ được ngành Âm nhạc Giải phóng cất giữ trong thùng đại liên, có gói gạo rang chống ẩm. Đến năm 1981, mặc dầu chất lượng băng không được tốt nhưng nhạc sĩ Nguyễn Đồng Nai cố gắng ký âm được 18 điệu lý.
Để đảm bảo an toàn cho những người hát dân ca trong vùng ven, người sưu tầm không thể ghi rõ họ tên, tuổi tác cùng nơi cư ngụ, mà chỉ ghi: Anh Hai, Chị Hai, Bà Sáu, Bà Tám, Bà Chín, ở Đức Huệ hay Đức Hoà.
Mãi đến ngày 06/01/1983, chúng tôi mới về huyện Đức Hoà bắt đầu những chuyến sưu tầm mang tính chất thăm dò khảo sát.
Ngày 23/9/1993, nhóm sưu tầm Dân ca Nam Bộ vừa kết thúc công việc điền dã tỉnh Đồng Tháp, về tới Sài Gòn thì vội vã đến nơi giáp ranh giữa hai huyện Bình Chánh (TP. HCM) và Đức Hoà (Long An) để ghi âm  giọng hò điệu lý của những nghệ nhân hai huyện nói trên. Cho đến ngày 24/12/1995, chúng tôi đánh xe lên Đức Hoà rước dàn hò lý này về thu tiếng tại Đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM. So với mười hai năm trước, dàn hò này chỉ còn lại hai người cũ là ông Chín Thắng và bà Tư Ngọc, số còn lại thuộc dàn hò của nhiều xã tập hợp lại.
Qua những chuyến sưu tầm trong năm 1999, giá trị nghệ thuật và nội dung Dân ca Long An mới dần dần hiện rõ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, điều kiện bị hạn chế, nên lần này chúng ta chỉ tiếp xúc và tìm hiểu những làn điệu của 7 huyện: Đức Huệ, Đức Hoà, Châu Thành, Bến Lức, Tân Thạnh, Cần Đước và Cần Giuộc.
Dù thiếu sự góp mặt của vài huyện, nhưng với tư liệu mà chúng ta có, cũng gọi là phong phú, đa dạng, gồm nhiều thể loại tiêu biểu của vốn âm nhạc dân gian người Việt ở Nam Bộ, đồng thời cũng biểu lộ được những nét đặc thù mang dấu ấn của vùng đất Long An, như ý kiến giáo sư Trần Văn Giàu đã viết về quê hương mình: “Tôi mê đồng lúa mênh mông và gạo Nàng Thơm Chợ Đào, tôi thích rừng tràm bát ngát với chim, rùa, tôm, cá; tôi hãnh diện với sông Vàm Cỏ mà ít có con sông nào ở đồng bằng ta được ca ngợi bởi các thi nhân, nhạc sĩ ... Nhưng tôi kính phục nhứt là con người, con người Việt Nam ở quê hương Long An của tôi.
 
(1) Địa chí Long An, 1989

- Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Trường Kỳ với tác phẩm công trình nghiên cứu "Đờn ca tài tử Nam bộ"



LỜI GIỚI THIỆU
SÁCH CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU “ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ”
 
                                                                                             Võ Trường Kỳ
 
Tác phẩm “Đờn ca tài tử Nam Bộ” là công trình sưu tầm, nghiên cứu mà qua hàng chục năm hoạt động thực tiễn, từ chơi đờn ca tài tử, rồi biểu diễn nhạc tài tử và sân khấu cải lương phục vụ đồng bào, đến làm công tác lãnh đạo, quản lý ngành văn hóa, tôi luôn tìm tòi học hỏi về bộ môn nghệ thuật này ở các nghệ nhân, nghệ sĩ tài tử và sân khấu cải lương. Qua đó biết thêm nhiều cái hay, cái đẹp tiềm ẩn trong thế giới âm thanh của dòng nhạc này. Đồng thời cũng nhận thấy nhiều vấn đề còn tồn nghi cần phải được nghiên cứu làm sáng tỏ thêm lịch sử và lý luận nghệ thuật hoặc đánh giá đúng xu hướng phát triển, cũng như việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử với mong muốn đờn ca tài tử sẽ được nâng lên một tầm cao mới, không chỉ là di sản của riêng dân tộc Việt Nam mà là của toàn thế giới, được thế giới bảo hộ và gìn giữ (đờn ca tài tử đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại).
Với công trình nghiên cứu này, tôi mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của nhạc giới, cùng chung sức thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng nhau tìm hiểu nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu này của dân tộc một cách hiệu quả, lâu bền.

VII. Chuyên ngành Kiến trúc:
- Kiến trúc sư Phùng Văn Thành với Tác phẩm công trình kiến trúc "Nhà công vụ tỉnh Long An"



 
                                                                                     
 
- Kiến trúc sư Nguyễn Quang Quốc Dũng với tác phẩm công trình kiến trúc "Trung tâm văn hóa - Thể thao thành phố Tân An"



VIII. Chuyên ngành Điện ảnh Truyền hình:
- Nhà báo Trần Quang Hợp với tác phẩm phóng sự tài liệu "Thân thương chiếc áo bà ba"





- Đạo diễn Mai Lộc với tác phẩm phim tài liệu "Trận Mộc Hóa"



- Nhà báo Võ Văn Huy với tác phẩm phim tài liệu "Người kỹ sư không bằng"


Hồng Quế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 12

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 11


Hôm nayHôm nay : 1703

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 189013

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10413099