Đầu năm Mậu Thìn 1922, khi biên soạn bộ Tục ngữ phong dao, nhà văn nhà giáo Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc có kể rõ tên các sách viết bằng chữ quốc ngữ cùng loại của các tác giả khác đã có trước đó như: Nam ngạn trích cẩm của Phạm Quang Sáng ,...( không kể sách bằng chữ Nôm, chữ Hán và chữ Pháp trước đó).
Tục ngữ phong dao là một công trình sưu khảo lớn gồm hai tập dày gần 700 trang in, nhưng chủ yếu đều là tục ngữ và ca dao miền Bắc. Điều này dễ hiểu vì sách in ở Hà Nội và tác giả Nguyễn Văn Ngọc (1 tháng 3 năm 1890 - 26 tháng 4 năm 1942) là người gốc Hải Dương sinh trưởng và hoạt động ở miền Bắc chủ yếu là ở Hà Nôi.
Ở miền Nam, hơn 20 năm sau, ở Sài Gòn(ngày nay là Thành phố Hồ Chí Minh), công trình Hương hoa đất nước của Nhà văn nhà giáo Trọng Toàn ra đời kế thừa phát triển công trình trên với đặc điểm nổi bật bao gồm chủ yếu là ca dao tục ngữ miền Nam.Đến nay chưa rõ sách in lần đầu năm nào nhưng có điều chắc chắn là sách đã được in đi in lại nhiều lần. Trong tay người viết bài này có bản in năm 1956 gồm hai quyển thượng hạ gần 400 trang in do Nhà xuất bản Bốn Phương Sài Gòn của Nhà thơ Đông Hồ, một bậc danh sĩ miền Nam thời đó ấn hành được đông đảo độc giả tán thưởng.
Được biết Nhà văn Trọng Toàn tên thật là Nguyễn Văn Kiêm là người Tân An, Long An sanh năm 1902 mất năm 1976. Nội ngoại lâu đời nhà ông gốc người Thừa Thiên và Nghệ An( Trang đầu sách bản in năm 1956 này ông ghi lời cảm tạ cho thầy cô, người đỡ đầu, các thế hệ nông dân, và ông bà tổ tiên ở Nghệ An, ở Huế, ở Tân An) Ông là nhà giáo từng dạy học ở nhiều nơi như Hà Tiên, Gò Công và Sài Gòn... Là nhà văn, ông đã có bài in ở tạp chí Nam Phong. Đông Pháp thời báo, Giáo khoa tạp chí, tập kỷ yếu Hội Khuyến học…Ông cũng từng đăng đàn diễn thuyết ở Gò Công, ở Sài Gòn…và là tác giả của nhiều công trình giá trị chưa được xuất bản nay hẳn đã thất lạc:
Góp Tiếng Việt(300 trang)
Góp tài liệu tác văn(150 trang)
Vài nhận xét về tiếng trong ngôn ngữ Việt Pháp
Đọc Truyện Kiều
Đọc Lục Vân Tiên
Đất nước Việt Nam(400 trang)
….
Với văn nghiệp to lớn đó, Nhà văn nhà báo Trọng Toàn hoàn toàn xứng đáng là một nhà trí thức của miền Nam nói chung và của Long An nói riêng.
Trong bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu cách cấu tạo và giá trị của công trình sưu khảo Hương hoa đất nước.
Theo tác giả, để hoàn thành công trình này với 1710 câu ca dao, ông đã mất hơn 25 năm sưu tầm rất công phu bằng hai phương cách chính, một là từ sách vở báo chí tiếng Việt, tiếng Pháp trong và ngoài nước. Hai là ông góp nhặt chọn lọc từ những câu ca dao, câu hò, câu hát của ông già bà cả truyền miệng từ ngàn xưa trong xóm ấp làng thôn Nam bộ và đặc biệt là ở vùng Miễu ông Bần Quỳ thuộc huyện Tân Trụ tỉnh Long An.
Nhằm giúp cho người tầm học dễ tra cứu, ông phân ca dao trong sách này theo nhiều chủ đề như: Tuổi trẻ, Xã hội, Thế tục, Xứ sở, Sử ký, Tình si, Tình xuân, Tình vợ chồng, …
Đặc biệt các chương học tiếng cuối sách giúp người học hiểu và dùng được các từ ngữ địa phương đặc sắc. Lời bạt của sách cuối cùng là các bài diễn thuyết của tác giả về câu hát Việt Nam, một lối hò ở Miễu ông Bần Quỳ thuộc huyện Tân Trụ tỉnh Long An.
Nhìn chung dư luận bạn đọc nhiều thế hệ rất tán thưởng Hương hoa đất nước của Trọng Toàn.
Trong bản in năm 1999, con cháu ông có cho in lại rất nhiều ý kiến của các bậc thức giả gần xa đã in trên các báo có giá trị đương thời như Ánh sáng, tạp chí Sông Hương,Thần chung, Dân thanh, Tiếng dội, Giào khoa tạp chí, Kỷ yếu hội Khuyến học,… Ở đây chỉ xin trích một vài ý kiến tiêu biểu nhất.
Tạp chí Giáo khoa Bộ giáo dục thời đó nhận định:
“Sách dày hơn 300 trang, sưu tầm những câu ca dao Việt Nam. Tác giả muốn giúp ích cho người tìm học nên đem xếp thành loại rành rẽ cho tiện việc tra cứu.
Có lẽ nên đọc những câu hát này để biết phong tục tánh tình, lịch sử và chế độ xã hội của những thời đại đã qua và để thưởng thức cảm giác nồng nàn, những lời thơ hồn nhiên đủ cả văn lẫn chất nó làm rung động lòng người mỗi khi cất tiếng hát hò “
Ông Hồ Đắc Thắng có bằng cao học địa dư viết:
“Quyển Hương hoa đất nước thiệt quý. Tôi vốn con nhà ở đồng bái. Bao nhiêu cái thú của đời sống ở thôn quê lang mạc hoàn cảnh ngẫu nhiên của xã hội đã như là huệ trạch cho đời tôi. Chợt nay đương nằm co ở một góc, bao nhiêu câu hát của ông đã dày công luộm lặt được rót vào tai, thời hoài niệm giúp tình, gợi tận trong lòng bao nhiêu cái gì cũ cũ quen quen như tiếng dội ngàn xưa”
Học giả Vương Hồng Sển dã viết về ông và công trình lớn này như sau:
Công việc ông Trọng Toàn làm mới coi thì tầm thường mà xét lại thì có kết quả rất lớn. Nếu không có người chịu khó làm những cái nhặt nhạnh phần nhiều chê là không xứng đáng thì một ngày gần đây, đàn bà Việt Nam sẽ hát đưa con bằng những câu “Tôi có hai ái tình” của chị đào da cà phê sữa Joséphine Baker hay là bài nhịp trống bụng Rumba lố bịch.
Để kết thúc bài viết này chúng tôi trân trọng chép lại mấy dòng tâm huyết đầy xúc động của tác giả Trọng Toàn Nguyễn Văn Kiêm:
“ Tập tài liệu này đã cất giữ nhiều năm dời đổi nhiều chỗ, trải qua mấy năm liệng bom ở Sài Gòn , mấy cuộc ruồng bố ở đồng ruộng hao hớt một phần nhỏ, còn lại phần lớn, quả là điều may mắn nhứt trong đời tôi!”
Và ước mong của người viết là: ngành Văn hóa, hội Văn học nghệ thuật tỉnh Long An sẽ lưu tâm tổ chức tìm hiểu nghiên cứu nhằm đánh giá để khẳng định vị thế của ông trong nền văn học của tỉnh nhà nói riêng và của miền Nam của cả nước nói chung. Đó là công việc lâu dài đòi hỏi nhiều thời gian, tâm huyết và công sức.
Trần Ngọc Hưởng
Những tin mới hơn
Đang truy cập : 13
•Máy chủ tìm kiếm : 2
•Khách viếng thăm : 11
Hôm nay : 2902
Tháng hiện tại : 75164
Tổng lượt truy cập : 10820387