Hát đưa em, như tên gọi, để cất giọng ầu...ơ ru em bé mau vào giấc ngủ. Mặt khác, làn điệu nầy cũng thể hiện những cung bậc tình cảm của người lao động.
Ca dao vẫn được xem là bậc thầy về mỹ từ pháp với tính chất hoa mĩ, tinh tế, chắt lọc và sang trọng, ngôn từ câu hát đưa em có thể còn dân dã, thô mộc, tự nhiên hơn. Dù vậy, cách diễn đạt tâm tình trong hát đưa em không kém phần phong phú, đa dạng.
Hãy quay về cái thời mà những người bà, người mẹ, người chị còn thuộc nằm lòng rất nhiều câu hát đưa em..
Giai điệu của hát ru thường buồn, tâm tình người nữ khi than thân trách phận càng ít khi vui. Ai đã về một vùng quê xa nào đó, trong buổi trưa hè êm vắng hay một đêm mưa rả rích, nghe tiếng ru hời chầm chậm, thiết tha của người mẹ trẻ cất lên :
Ầu… ơ…Thiếp than phận thiếp còn thơ
Lấy chồng xa xứ bơ vơ một mình, ầu…ơ…
( Những câu tiếp theo, bớt tiếng “ầu…ơ” cho đỡ rườm rà ) .
Đối tượng cảm xúc của con người là tâm trạng của chính nó, cùng những sự việc, sự vật liên quan. Lê Quý Đôn đã từng nói đại ý, thơ khởi phát từ cảnh, tình, sự. Không có sự, tình, khó tạo nên cảm xúc, cảnh thường đóng vai trò xúc tác ( Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ - Nguyễn Du ).
Cô gái trẻ lấy chồng xa than thân, người cô phụ giữa đêm trường cũng nhiều tâm trạng : Đêm nằm ôm gối thở than
Gối ơi là gối bạn lang xa rồi.
Hay : Ghe lui khỏi bến còn dầm
Người thương đâu mất chỗ nằm còn đây
Phu lang, tân lang, bạn lang, tình lang…đều chỉ người đàn ông. Còn “người thương” trong ngữ cảnh nầy có gì chứng tỏ đó là người nam mà không phải nữ ? Trong ca dao dân ca, ghe thuyền là hình ảnh ước lệ chỉ người đi ( Ghe ai đỏ mũi xanh lườn/ Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em - ca dao ). Ta nghĩ đến bóng dáng một khách thương hồ rày đây, mai đó với chiếc ghe bềnh bồng làm bạn. Một mối tình chớm nở giữa người sông nước và người trên bờ. Vừa đến độ thắm nồng, khách phải vội ra đi, để nhớ, để thương cho người ở lại. Câu hát có thể nảy sinh từ đó.
Ghe lui khỏi bến biết bao giờ trở lại, người phụ nữ vẫn quyết đợi chờ :
Sông dài cá lội biệt tăm
Phải duyên chồng vợ mấy năm cũng chờ
Ráng chờ cho hết sức chờ
Cho rau muống mọc bên bờ trổ bông
Rau muốn lúc xanh non thì mơn mỡn, nuột nà. Sang hè , nó trổ loại bông màu tim tím dễ thương, cũng là lúc trở nên già cỗi. Thời tiết đã chuyển mùa. Nỗi nhớ thương, mong đợi không phân biệt sang hèn. Người phụ nữ bình dân đợi chờ gắn với hình ảnh loài rau muống gần gũi, thân quen. Người chinh phụ quý tộc cũng từng mỏi mòn đợi khách chinh phu :
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo
( Chinh phụ ngâm )
Hồi còn nhỏ, nghe mẹ nói chuyên gả chồng, cô thiếu nữ mắc cỡ nên lắc đầu quầy quậy, còn dám quả quyết :
Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng cho đành dạ con
Khi lấy chồng lại “phải gánh giang san nhà chồng – ca dao” đã là một nỗi lo choáng ngợp, thêm hoàn cảnh riêng rất neo đơn :
Ghe bầu trở lái về đông
Con đi theo chồng, mẹ bỏ cho ai ?
Một khi đã nên duyên chồng vợ thì :
Ví dầu bầu bí đứt dây
Chồng nam vợ bắc khôn khuây lòng vàng
Xưa nay, người phụ nữ thường có nhiều nỗi lo hơn đàn ông ( ?! ). Sống một mình, tưởng thảnh thơi mà tâm trí vẫn không yên :
Một mình lo bảy, lo ba
Lo cau trổ muộn lo già hết duyên
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình
Có người muốn ngỏ lời kết bạn, mừng thì có mừng mà vẫn cứ lo lo thế nào ấy :
Liệu bề đác đặng thì đương
Đừng trao gánh nặng giữa đường cho em
Ngoài ra, hát đưa em qua lời người nữ, còn có những câu hỏi trớ trêu, cắc cớ, có thể khiến người nam bí rị như chơi :
Hỏi về hiện tượng thiên nhiên :
Tiếng anh ăn học Sài Gòn
Cho em hỏi thử trăng tròn mấy đêm ?
Về tài năng, kiến thức :
Gió nam non thổi lòn hang dế
Tiếng anh học trò, mưu kế để đâu ?
Về thế sự : Anh đã tới đây, em hỏi thử đôi lời
Thằng Tây giăng dây thép ở giữa trời làm chi ?
Hoặc vè chuyên tình duyên :
Mưa trong đám sậy mưa luồng
Nghe anh nói vợ luồng xuồng xong chưa ?
Đôi khi là lời thách thức pha lẫn trách móc :
Biển cạn lán khô chiếc thuyền vô không đặng
Nay sóng gió ba đào chiếc thuyền nặng thối lui ?!
Lúc còn nhiều trở lực, chàng trai không dám tiến tới đã đành một lẽ. Nay, hoàn cảnh rất thuận buồm xuôi gió, chàng lại nhổ sào trở mũi là cớ làm sao ?
Lời đùa cợt thường không ác ý, chỉ lưu ý, mà lại gieo niềm hi vọng cho một anh chàng hay bộp chộp :
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về anh học chữ nhu
Chín trăng em đợi mười thu em chờ
Tâm tình người nữ thật bộn bề, người nam cũng nhiều cung bậc.
Trong những chuyến tha hương vì nhiều lý do khác nhau, người nam khéo nói, hay tỏ ra nhún nhường :
Tới đây xứ lạ quê người
Dù khôn anh giả dại, em đừng cười anh quê
Phần trên, người nữ có hỏi “ Cho em hỏi thử trăng tròn mấy đêm ?”, người nam đáp lại :
Trăng rằm mười sáu trăng treo
Anh đi hỏi vợ, mần heo nạp tài
Từ những cảm xúc ban đầu, tưởng vu vơ mà có dụng ý, đó là nỗi lo cho “người dưng khác họ” :
Chim chuyền nhành ớt líu lo
Mãn sầu con bạn ốm o gầy mòn
Sầu dùm cho con bạn mà không phải là thằng bạn. Ai mà hay lo bao đồng lắm vậy ?! Chỉ có thể là chàng trai nhiều nỗi đa đoan. Đến khi tình cảm hai đàng đã tiến thêm nhiều bước, anh chàng khuyến khích cô gái dở bớt “rào cản” cho thêm tự nhiên, thân mật :
Bậu với qua tình mặn nghĩa nồng
Nước sôi bậu thôi quạt, ngọn gió lồng bậu khỏi che
Qua ( tự xưng ) và bậu ( gọi đối phương ) là cách xưng hô khá xưa của người nông dân Nam Bộ, không thân, không sơ mà tiện dụng trong nhiều hoàn cảnh. Nên có câu nói vui đùa qua cách chơi chữ “Hôm qua, qua nói qua qua mà qua không qua”.
Khi nên duyên, lời ân cần nhắc nhở, dặn dò trong một không gian và thời gian lý tưởng thật cần thiết và dễ thấm sâu :
Đêm nằm nghe vạc trở canh
Nghe chuông gióng giã nghe anh nhủ nàng
Nam nữ phải lòng nhau, thường cho là bởi duyên số để cuộc chinh phục, kết nối dễ dàng, nhanh chóng . Còn khi không đến với nhau được, hoặc lúc chia tay thì thật là rối rắm, bởi nhiều lý do có thể được trưng ra :
Cây quằn vì bởi trái say
Anh xa em vì bởi ông mai ít lời
Lý nào cũng là lý, chỉ mận, đào, lê, lựu là bầm dập :
Bậu nói với qua, bậu không bẻ lựu hái đào
Lựu đâu bậu bọc, đào nào cầm tay ?
( Bây giờ mận mới hỏi đào. Vườn hồng đã có ai vào hay chưa ?- Ca dao/ Xin đừng tham đó bỏ đăng/ Chơi lê quên lựu, chơi trăng quên đèn - Lục Vân Tiên – NĐC ) .
Sở dĩ, cuộc kết thúc nhùng nhằng là vì đối phương không thuận nên gây ra nhiều tình huống éo le ( có lúc dẫn đến bi kịch ) :
Ví dầu tình bậu muốn thôi
Tình qua muốn nữa, bậu thôi sao đành
Cách nói của người nam rất bộc trực, lời hơi cũ, thô mà không sỗ sàng. Hỏi mà như một lời than trách, hẳn nhiên là không có câu trả lời. Nhất là ý, không hề cũ chút nào.
Cuộc dở dang nào cũng không mấy khi vui. Để rồi, lúc một mình ngẫm lại hay bất chợt nghe:
Chim kêu dưới suối trên cầu
Trai thương vợ cũ gái sầu chồng xưa
Người nữ vốn có nhiều nỗi lo. Mối lo lớn nhất là tuổi xuân thì như “bóng câu qua cửa” nên không thể chần chờ khi có dịp. “Nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em ơi em, tình non sắp già rồi !”, nhà thơ Xuân Diệu đã viết thế. Cô gái bình dân cũng vội vàng, lật đật không kém :
Thôi thôi buông áo em ra
Để em đi bán kẻo hoa em tàn
Ấy, xin chớ hiểu lầm ý tứ thiệt tình, trong sáng của người nữ. Cô tự ví mình như một bông hoa, có gì sai ? Cha mẹ xưa, khi gả chồng cho con gái, không từng gọi là “gả bán” đó sao ?! Cái nền luân lý, đạo đức phong kiến xem nhẹ thân phận người phụ nữ là vậy .
Điều ta muốn nói ở đây là cái sự lần khân của chàng trai trước thái độ nghiêm chỉnh, gần như van xin của cô gái :
Hoa tàn mặc kệ hoa tàn
Anh đã gặp nàng, níu áo nàng đây
Cụ Nguyễn Du đã dạy : “Chày sương chưa nện cầu Lam/ Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng ?”.Nhưng người nam vẫn chưa chịu thôi, hay là anh ta nói thật ?
Hát mấy câu giải sầu con cóc cộ
Em lấy chồng rồi để khổ cho anh.
Thường, trong tình yêu đôi lứa, khi trục trặc phải chia tay, người nữ hay cảm thấy phần thiệt về mình nhiều nhất. Ở đây, chàng trai lại cảm thấy cô gái đã gieo cho mình “một trời” sầu khổ (?! ). Thật tội ! Đã thế, lại còn muốn dọa dẫm người ta nữa chứ :
Gió nam non thổi lòn hang cóc
Em có chồng rồi, anh cạo trọc đi tu
Cô gái cũng ăn miếng trả miếng, quyết không thua :
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu
Cũng là câu đùa, song, chấp nhận được. Đến câu nầy thì hết ý kiến luôn vì quá đà :
Hát mấy câu, giải sầu con cóc đực
Em có chồng rồi, cho anh ngủ chực một đêm (?!)
Hát đưa em còn có những câu hát răn đe con gái, cảnh báo con trai :
Trồng trầu trồng lộn dây tiêu
Con theo hát bội mẹ liều con hư
Ngày xưa có thể, còn nay thì chưa chắc !
Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng
Các vị đàn ông khi “may mắn” rơi vào hoàn cảnh nầy đã “phấn đấu” rất nhiều cho vẹn cả đôi bề nhưng kết quả chẳng bao nhiêu. Vì vậy mà diễn ra thảm cảnh :
Một vợ thì nằm giường Lèo
( giường Lèo, lụa Lèo, những thứ đẹp, sang trọng. Đọc trại từ Lào chăng ? )
Hai vợ thì nằm chèo queo
Ba vợ thì nhảy lên treo mà nằm
Khổ thế ! Song vẫn còn không ít vị chưa hết đèo bòng. Ôi, đời sao mà phức tạp thật !
Còn có những câu hát vui để cho trẻ con bi bô tập nói :
Ví dầu cá bống xích đu
Tôm càng hát bội cá thu cầm chầu
Hát bội và cầm chầu còn ăn nhịp với nhau, chớ còn xích đu e rằng chẳng nằm trong văn cảnh nầy.
Hoặc :
Ví dầu ví dẩu ví dâu
Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng
Hay chỉ tả cảnh mà lại ẩn một nụ cười ý nhị qua cung cách chộn rộn chàng ràng của các anh trai :
Chợ chiều nhiều khế ế chanh
Nhiều cô gái lạ, lắm anh rộn ràng
*
* *
Như một bài viết trước đây ( MẤY Ý NGHĨ RỜI, Văn nghệ L.A số tháng 4/2010 ), người viết bài nầy có ý kiến rằng ranh giới giữa câu hát đưa em và ca dao không hoàn toàn tách bạch. Có những câu hát đưa em chỉ cần bớt đi hai chữ “ầu ơ” là có thể nằm lẫn trong kho tàng ca dao. Ngược lại, thêm hai tiếng “ầu ơ” vào rất nhiều câu ca dao, các bà mẹ đều có thể hát ru con.
Hát đưa em thuộc loại diễn xướng khá đặc biệt, chỉ có hai nhân vật : người hát và đứa trẻ nghe ( đôi khi, thêm một người nghe nào đó hết sức tình cờ ). Người hát không cố hát cho hay, người nghe không phân biệt hay dở mà tiếp nhận bằng trực cảm vô tư. Về mặt tâm lý, tình cảm, dường như tiếng ru à ơi có góp phần hình thành nhân cách đứa trẻ bằng sự tin cậy khi chìm sâu vào giấc ngủ an lành.
Những câu hát đưa em đi vào tâm thức từ những ngày còn nhỏ. Nay, người viết lục lọi trong trí nhớ mà kết nối lại thành bài, không theo tài liệu sẵn có nào cả. Sự giao thoa, lẫn lộn là khó tránh khỏi.
Thời đại càng tiến bộ, hát đưa em càng mai một dần. Gợi lại những nét đẹp nhẹ nhàng, sâu lắng của một làn điệu dân ca, người viết không mong gì hơn là giải khuây chốc lát cho nguời đồng điệu .
Lê Nguyễn Như Thy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 20
Hôm nay : 2679
Tháng hiện tại : 74941
Tổng lượt truy cập : 10820164