Thứ ba 19/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Tính mộc mạc trữ tình và trào lộng trong ca dao, hò, vè...Nam Bộ

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Kho tàng văn học dân gian Nam bộ rất đa dạng, phong phú với nhiều thể loại, phổ biến nhất là ca dao, tục ngữ, hò, vè, hát đố… lưu truyền qua nhiều thế hệ, kể từ thời khai hoang mở đất cho đến ngày nay. Ngôn ngữ giản dị cùng hình tượng gần gũi, ẩn dụ, thêm chút cường điệu, dí dỏm, thường nghe đôi lần đã nhớ, đã thương…

   Ngày xưa, lưu dân đến miền đất mới khai hoang lập nghiệp phải chống chọi với nhiều điều bất trắc, thú dữ, bệnh tật. Như bên Cần Đước (Long An) muốn về Gò Công (Tiền Giang), miệt Bình Xuân, Bình Thành phải vượt sông Bao Ngược sóng to gió lớn, thông thương hai dòng nước chảy mạnh của sông Vàm Cỏ và sông Soài Rạp, tai nạn ghe thuyền xảy ra thường xuyên. Có câu hò xưa nghe rất đoạn trường “Anh đi chuyến gạo Gò Công/ Anh về Bao Ngược bị giông đứt buồm/ Anh ơi…/ Thuyền anh cao nhưng sóng cả nhận chìm/ Em trông sông bao nhiêu khúc… nỗi niềm ruột đau… hò ơ…”. Vùng Cà Mau, Đồng Tháp thì “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma”, “Trên bờ muỗi kêu như sáo thổi/ Dưới nước đỉa lội tựa bánh canh” hoặc “Tới đây đất nước lạ lùng/ Chim kêu phải sợ, cá vùng phải kiêng”. Sự lo lắng thể hiện trong lời người vợ tha thiết dặn dò lúc tiễn chồng đi đến nơi hoang địa xa xăm “Anh đi ba bữa anh về/ Rừng sâu nước độc chớ hề ở lâu”. Qua thời gian dài bền chí, đổ mồ hôi, xương máu, bao thế hệ người đi trước đã dần biến vùng đất bạt ngàn thâm u đầy thú dữ, sông rạch chằng chịt này thành những ruộng vườn phì nhiêu. Bối cảnh thiên nhiên tạo ra cho người nông dân khả năng khám phá, diễn đạt, sáng tạo ra những câu ca dao, những làn điệu dân ca, hò, vè, đối đáp… trong lao động. Đối với những thói hư tật xấu, mê tín, giả dối, cường quyền ức hiếp…, người nông dân có sự đả kích, châm biếm “Em là con gái lòng trinh/ Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè/ Ông Nghè cho lính ra ve/ Trăm lạy ông Nghè em đã có con” và tiếp đó là luận điệu xấu xa, trắng trợn của quan “Có con thì mặc có con/ Thắt lưng cho tròn mà lấy chồng quan”. Cười nhạo một bà tuổi tác đã cao mà còn hứng tình, lòng xuân phơi phới “Bà già đi chợ cầu đông/ Bói xem một quẻ lấy chồng lợi không?”, để rồi chưng hửng “Thầy bói gieo quẻ đoán rằng/ Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”. Tới ông già gần đất xa trời, chân run gối mỏi còn ham chơi trống bỏi “Ông già tóc bạc răng long/ Cưới cô con gái còn măng tuổi đào”, tức thì thấm thía đòn dư luận mỉa mai nhớ đời “Ông ơi từ nẳm đến nay/ Thấy ông mà những đắm say trong lòng/ Muốn se tơ với chữ đồng/ Ngặt nhìn râu ấy má hồng đã đau”, ờ… đau thiệt chớ hổng chơi!. Tập tục tảo hôn từ thời xưa đã là nỗi  xót đau duyên phận so le, lỡ làng, lời bộc lộ tưởng như cợt đùa trong nước mắt của người con gái “Bồng bồng cõng chồng đi chơi/ Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng/ Chị em ơi cho tôi mượn cái gàu sòng/ Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên”, Cho tới nhà sư tu hành mà lòng bất chính, dân gian có những câu phê phán, nghe khó dằn được tiếng cười ý nhị “Sư đang tụng niệm nam mô/ Thấy cô cắp giỏ mò cua bên chùa/ Lòng sư riêng những ngẩn ngơ/ Bỏ kinh bỏ kệ tìm cô hỏi chào/ Ai ngờ cô đi đàng nào/ Tay lần tràng hạt ra vào băn khoăn”. Những kẻ nói nhiều hơn làm, bình thường thì vênh vang tự đắc, gặp chuyện gay go nhanh chân trốn biệt cũng được gán cho hai câu “Anh hùng gì anh hùng rơm/ Ta cho mồi lửa hết cơn anh hùng”. Người thiếu sự khiêm tốn, văn chương chữ nghĩa chẳng là bao lại ưa khoe khoang, hợm mình thì được phẩm bình “Câu hò anh đựng một lu/ Lom khom làm rớt chổng khu mò hoài”…


   Những câu hò được sáng tác, phát sinh qua các hình thức lao động như: chèo ghe, cấy lúa, tát nước, giã gạo, xay lúa… rất sống động, giàu ngôn ngữ, hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống xóm làng nông thôn Nam bộ. Từ mái đình, vầng trăng, bến nước, ruộng đồng, cầu tre, cánh cò… cho tới con chim, con cá, bụi tre, vườn chuối, trái mận, trái khế… cũng  được đưa vào ca dao, câu hò. Chỉ gợi đôi câu tình tứ đã thấy lòng xuyến xao, rung động “Cây da trước miễu, ai biểu cây da vàng/ Bao nhiêu lá rụng anh thương nàng bấy nhiêu” hoặc “Thò tay mà bứt ngọn ngò/ Em thương anh đứt ruột… giả đò làm lơ”. Đêm về, chắc hẳn đôi trai gái phải chập chờn thương nhớ vẩn vơ. Tình cờ gặp người mình thương dưới ruộng, anh chàng đánh tiếng thăm dò “Lưới thưa mà bủa cá kìm/ Lòng qua thương bậu, bậu tìm nơi nao?”, rồi liều lĩnh ghẹo trêu nho nhỏ “Thấy em cái gò má hồng hồng/ Phải chi em đừng mắc cỡ… thì anh xin bồng em hun”. Cô gái ngừng tay cấy lúa, tề chỉnh hò đáp liền “Chuyện vợ chồng đâu có khá bồn chồn/ Anh thương em xin dè dặt… chớ để thiên hạ đồn không hay!”. Bạn cấy cười rộ, anh chàng thích chí xốc tới luôn “Trầu vàng ăn với cau xanh/ Anh nghe má nói em đã chọn anh làm chồng”. Có những câu nghe rất nhẹ nhàng mà khiến lòng man mác “Thương em thương quá bất nhơn/ Bữa nay gặp mặt thương hơn bữa nào” hay “Nước chảy riu riu, lục bình trôi líu ríu/ Anh thấy em nhỏ xíu anh thương”. Chữ “nhỏ xíu” như xoáy vào tim chút gì mềm mỏng, êm ái. Lại như câu “Cấm vàng mà lội ngang sông/ Vàng trôi không tiếc, tiếc người ngỡi nhân”, cho thấy tấm lòng chất phác, chính trực của chàng trai. Tình cảm rung động trái tim, quyến luyến sâu nặng cho đến nỗi “Ra về đã tới giữa đồng/ Nón che tay ngoắt động lòng trở lui”, Đến nước này mà anh chàng không chịu “trở lui” thì chẳng xứng mặt nông dân Nam bộ chút nào!


   Những câu hò, câu ca dao vui tươi mang màu sắc trào lộng, cường điệu thường khiến người nghe phải bật cười. Trai mới lớn, thấy người ta có đôi có bạn thì bồn chồn vào ra, lấp lửng ý mình, coi bộ muốn… đòi vợ. Văn học dân gian cũng chẳng bỏ qua “Chuối non giú ép chát ngầm/ Trai tơ đòi vợ khóc thầm thâu đêm/ Khóc rồi mẹ lại đánh thêm/ Vợ đâu  mà cưới nửa đêm cho mày!”. Còn khi đã bộc lộ tấm chân tình với người thương đã nhiều, coi bộ chưa đủ sức thuyết phục, chàng nông dân không ngần ngại “Thương em đứt ruột đứt gan/ Lòi phèo, lòi phổi chó mang cùng đồng”. Đúng là khẩu khí… liều mạng trong tình yêu chơn chất “rặt” Nam bộ. Có câu hò nghe như hờn trách nặng nề, ít phổ biến “Vật bạc tình bất thủ/ Nhơn chi nghĩa bất giao/ Anh nguyền thưởng bậu một dao/ Răn người lòng dạ mận đào lố lăng”. Phụ tình, tình phụ rồi cay cú, quá khích đến vậy nên ít người truyền khẩu. Thà vì sĩ diện mà thốt câu này còn khá dễ nghe “Buổi chợ đương đông, con cá lòng tong anh chê lạt/ Buổi chợ tan rồi, con tép bạc anh cũng phải mua”. Chừng thất vọng vì tình quá, anh chàng cho rằng “Yêu nhau chẳng lấy được nhau/ Mài dao đánh kéo cạo đầu đi tu”… Chiều, ngẩng trông “Chim bay về núi tối rồi”, cô gái mân mê vành nón cất tiếng hò vui “Con cò trắng tợ như vôi/ Ai muốn làm bé cha tôi thì về/ Mẹ tôi chẳng đánh chẳng chê/ Mài dao cho bén… móc mề, moi gan”. Một anh đang chèo ghe bên rạch chớp chớp mắt, miệng hò vu vơ mà thiệt lớn cho các cô thôn nữ nghe “Gió đưa con buồn ngủ lên bờ/ Mùng ai có rộng cho tôi ngủ nhờ một đêm”. Chẳng nghe lời đáp lại, ghe khuất sau rặng bần còn nghe giọng anh “Gió thổi lao rao, lòng anh đau, dạ anh đớn/ Gió thổi le re, cây tre chộ nguyệt/ Anh thương em… từ biệt chốn này” như lời than thở cho kiếp thương hồ cô đơn rày đây mai đó.


   Lúc chàng trai mở lời “Anh hóa sao, hóa đặng con kiến vàng/ Chun trong áo nàng sống đặng trăm năm”, nàng tủm tỉm cười đáp “Em ước sao hóa đặng con kiến hôi/ Trèo lên đái xuống cho trôi con kiến vàng”, Dùng từ “đái” cho con kiến thật chuẩn, nghe không thô mà có vẻ thiệt thà. Còn đang ngơ ngẩn, nàng xoa dịu qua chuyện khác “Anh đừng chê em áo rách quần phèn/ Anh hổng coi bụi hẹ, nó rã bèn còn thơm”. Chàng trai như vừa bụng, ngọt ngào bộc bạch “Dế kêu sầu ở dưới đống phân rơm/ Từ nẳm anh ở vậy, giữ danh thơm cho đời”…


   Ngôn ngữ trong ca dao, dân ca, hò, vè… được khai thác từng đặc điểm, ứng với từ ngữ dân gian địa phương, miệt đồng, miệt biển, hơi dễ dãi, nhưng rõ ràng, đậm nét mộc mạc, thẳng thắn, pha lẫn chút cười cợt, châm biếm tạo cảm giác thú vị, khó quên. Thỉnh thoảng, đọc lại đôi câu, có khi cười vui, có khi thẩn thờ sâu lắng, nói chung là cảm giác bâng khuâng tiếc nhớ hương quê đồng nội…

Nguyễn Kim

Theo Tạp chí Văn nghệ Long An 04/2015

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 52


Hôm nayHôm nay : 6113

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 171601

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8318011