Thứ ba 19/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Tác phẩm vào vòng chung khảo xếp giải Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL năm 2017 tại Long An

Vannghelongan tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm được vào vòng chung khảo xếp giải Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL lần thứ VI năm 2017.
Ảnh minh họa: internet

Ảnh minh họa: internet

Tác phẩm có mã số: 023
NHỮNG NGƯỜI SỐNG GIỮA HAI BẦU TRỜI
 
Rời nhà khi mặt trời chưa hé dạng, sau hai lượt xe, mất gần bốn giờ đồng hồ thì tôi mới đến được bến tàu cao tốc huyện Năm Căn. Nhưng còn phải đợi thêm một giờ đồng hồ nữa tàu đi từ Cà Mau mới ghé và rước khách về Rạch Tàu. Chuyện này tôi đã vốn quen từ hơn hai năm nay, cứ độ hai tháng hoặc có khi “đảo” bận việc không vào bờ được thì tôi lại lóc cóc quảy ba lô lên bắt đầu hành trình hai lượt xe, hai lượt tàu để đi về nơi ấy. Sếp tôi vẫn hay nói “Khi nào chú bộ đội bận việc về không được thì tạp chí sẽ cho riêng em được 5 ngày để ra thăm đảo”. Tháng 8, trời hay mưa bất chợt, nhưng hôm nay tôi chỉ cầu sao trời đừng mưa lớn, đừng gió to để đường ra hòn không bị gián đoạn. Có khi đã ra đến của biển Rạch Tàu và chỉ cần hơn một giờ ngồi tàu nữa là đã ra đến nơi vậy mà gió từ đâu nổi lên, rồi sóng cũng ầm ào, vậy là phải nán lại nhà anh Phong đợi sóng yên biển lặng. Có lẽ không ai hiểu được cái cảm giác đó, cảm giác đi một quãng đường dài, mệt mỏi vậy mà chỉ cách nơi nhớ mong ấy có hơn chục cây số nhưng buộc phải dừng lại... và đợi!
Vợ chồng anh Phong đón tôi ngay bến Rạch Tàu. Cái vóc dáng to lớn với làn da bóng giòn cháy nắng biển trời của anh thoáng nhìn từ xa tôi đã nhận ra. Chị Hận, vợ anh hay đùa với tôi “Chú Hiện và ông Phong nhà chị là trùm đen của xứ này đó”. Ừa, trắng làm sao nổi khi cái nắng, cái gió, cái hốc khô của vị mặn từ biển đục phù sa quanh năm đã thấm lên từng thớ thịt, từng nếp nhăn của con người nơi bán đảo này. Tôi biết vợ chồng anh chị cũng ngót ngét hai năm kể từ ngày về đảo làm dâu. Anh chị cũng như phần lớn cư dân Rạch Tàu đều không phải là dân có gốc gác cố cụ nơi đây. Họ từ khắp nơi, xa có, gần có, miền Trung có, Bắc có, lang bạt nhiều nơi với nhiều nghề rồi không biết rong ruổi, đưa đẩy thế nào lại chọn cái đất “mũi tàu” này mà bén rễ sinh cây. Vợ chồng anh chị có ba đứa con, hai trai một gái đều nghỉ học, đứa con gái duy nhất ở nhà tiếp chị cơm nước, thằng em trai út theo bà con lên Sài Gòn làm công nhân, chỉ còn đứa lớn - cu Lút ở nhà tiếp đi biển với cha mẹ. Có nhiều khi các anh ở hòn muốn mua vài món đồ của đàn ông con trai mà gọi nhờ chị Hận thì ngại, mà anh Phong thì cục mịch chẳng biết lựa chọn, nên cu Lút là lựa chọn hàng đầu. Cu cậu cập nhật liên tục cho các chú bộ đội khi chợ đất mũi có về kiểu áo nam nào đẹp, đôi giày, cái nón, dao cạo râu,... là chắc rằng y ta chụp hình rồi mang ra ấy cho mọi người xem, ai thích kiểu nào đợt sau Lút sẽ mua dùm. Đứa con gái của anh chị cũng gần hai mươi vậy mà mối nào dạm hỏi anh cũng lắc đầu, chị nói “Ổng chỉ muốn chọn rể là bộ đội ở hòn thôi”. Cũng nhờ làm trung gian chợ búa, thuốc thang, phương tiện ra vào cho anh em bộ đội và quán tạp hóa nhỏ của hòn mà mỗi chuyến đi anh chị cũng kiếm được chút lời, cuộc sống coi như tạm ổn và bắt đầu có chút để dành hậu hủ sau này cho tụi nhỏ.
Trời xế chiều, cửa biển Rạch Tàu ở ngay trước  mặt, trong lúc đợi anh Phong xin phép trạm gác biên phòng để được rời cửa, tôi đưa mắt nhìn về phía hòn đang ẩn hiện nơi chân trời mà trong lòng bồn chồn khôn tả. Nhiều lần tôi tự nhủ, không biết nhìn từ trên cao, hòn có hình dáng củ khoai hay trên ấy có nhiều loài khoai mọc mà thành ra cái tên như vậy. Cái tên dân dã ấy cũng gắn liền với một câu chuyện về người thầy giáo, nhà cách mạng kiên trung Phan Ngọc Hiển đã cùng với 9 đồng chí trong chi bộ Hòn Khoai tiến hàng cuộc khởi nghĩa vào ngày 13/12/1940. Tuy cuộc khởi nghĩa bị bọn thực dân trấn áp, mười người cộng sản tiêu biểu ấy bị bắt và xử tử nhưng mỗi tấc đất ngọn cây trên đảo, mỗi con sóng vỗ bờ và lòng người xứ sở này vẫn ngày đêm kể câu chuyện về những người anh hùng sống mãi với thời gian. Gần 80 năm đã trôi qua, biết bao thế hệ quân nhân từ mọi miền tổ quốc đã về đây, ngày đêm ra sức canh giữ biển trời tổ quốc để xứng đáng với sự hy sinh mà người xưa giành, giữ.
Tàu ra được hơn 3 km, tôi bắt đầu choáng váng mặt mày dù đã uống thuốc chống say tàu xe từ nhà chị Hận. Thấy tôi hơi mệt, chị lấy cái gối được bọc trong túi nilong đưa cho tôi biểu ôm vô ngực cho bớt lâng lâng chứ đừng có nằm, nằm là sẽ say sóng nhiều hơn. Chị kể lại chuyện đợt rồi đưa chị Mai ra đảo thăm anh Minh, sóng còn to hơn nhiều “Con nào con nấy bự bằng cái nhà, đi được nửa đường thấy gió tự dưng ở đâu thổi về càng to, sóng càng bự, vợ chồng tôi quyết quay lại bờ cho an toàn. Đêm đó cô Mai ngủ trong buồng với con Nhi nhà tui, sáng dậy nó kể cô Mai khóc thút thít với chú Minh qua điện thoại. Trời áp thấp nhiệt đới bất ngờ, tàu bè vô tránh trú hết, mấy chú biên phòng gác cửa biển dễ gì cho chiếc nào ra nên bốn ngày phép của cô ấy đều ở nhà tui. Thiệt nhắc lại mà đứt ruột, sáng bữa cuối trước khi về Sài Gòn, cổ đi mua mấy kí thịt bò, cá lóc, mấy cái áo thun, áo lạnh,... bỏ đầy hai thùng xốp gửi vợ chồng tôi mang ra cho chú Minh, và anh em ngoài ấy;  còn cổ thì bắt cao tốc lên Cà Mau rồi đi xe về Sài Gòn để bữa sau còn kịp đi làm.”. Chuyện về chị Mai và anh Minh tôi cũng biết đôi chút qua những câu chuyện mà chồng tôi hay gọi điện về mỗi đêm. Chị ấy là con một trong gia đình tri thức Sài Gòn, công ăn việc làm ổn định, xinh đẹp giỏi giang vậy mà đùng một cái yêu và quyết tâm lấy anh bộ đội hải quân xa tận cùng Tổ quốc. Cha mẹ bên nhà phản đối, bạn bè khuyên nhủ, có đôi khi anh Minh vì thương chị nên muốn dừng lại nhưng chị lại là người động viên anh vượt qua khó khăn. Cũng cái đợt lặn lộn xa xôi mất hơn một ngày từ Sài Gòn về Rạch Tàu mà mỗi người một nơi không được gặp nhau vì điều kiện thời tiết mà tôi thấy thương chị Mai đứt ruột dù chị em tôi chưa từng gặp mặt. Nghe anh Hiện nói, mấy bữa đó anh Minh ít nói hẳn, cứ tới lui trên đài quan sát nhìn qua ống nhòm hướng về đất liền coi sóng còn to không? Biển động dữ không? Bề ngoài anh ấy vẫn trực công việc, vẫn sinh hoạt bình thường nhưng anh Hiện nói “Nhìn vào mắt chú ấy, anh thấy biển đang động dữ dội ngoài kia không sánh gì so với trong lòng chú ấy đâu”. Chợt chị Hận quay sang tôi cười rồi nói giọng lên cao: “Mà cô Thơ hay gì chưa, đợt rồi tui ra rước chú Minh vào bờ, trên đường vô chú ấy nói với tui là đợi này về sẽ làm lễ ăn hỏi qua nhà cô Mai. Thiệt, cái cặp đó phải thành thôi vì cô chú ấy thương nhau dữ lắm, nghĩ vừa thương vừa tội quá trời”. Tôi cũng cười, ừa... phải thành thôi, tình yêu chân thành thì sóng có to, biển có động và đảo có xa bao nhiêu đi nữa thì... nhất định phải thành thôi.
Anh Phong cho tăng ga chiếc máy tàu, quấn sợi dây thừng to hơn ngón tay cái buộc chặt vô đoạn gỗ cặp bên thành tàu để kìm tay lái sợ bất chợt con sóng nào to quá anh cũng chống chế được. Phía chân trời, mây đen cũng bắt đầu kéo đến, chị Hận vội vàng chạy lấy mấy miếng cao su sọc trùm cẩn thận các thứ đồ tránh mưa ướt. Trời Hòn Khoai tối và buồn hơn, tôi thì thào quay sang hỏi chị Hận: “Bữa nào chị đưa mẹ con Khánh Chi vào bờ, hả chị?”, chị buộc lại dây nón lá cho chắc để gió khỏi thổi bay rồi nói “chắc mốt đó cô”. Tôi và chị chợt im lặng, anh Phong thì vẫn nheo mắt rồi kéo sụp cái nón kết xuống trán, nhìn về phía hòn mà điều khiển bánh lái. Hai tuần trước tôi nhận được tin từ đảo, mẹ con Khánh Chi sẽ vào bờ, sẽ về Bắc ở với ông bà nội vì con bé đã đến tuổi đi học rồi. Chồng tôi bảo “Em có ra chia tay mẹ con Khánh Chi được không?”, vậy là tôi thu xếp mọi công việc, chạy nước rút bài viết để hoàn thành xong cho 2 số tạp chí sắp tới, để bây giờ ngồi trên tàu và ra với mẹ con con bé. Khi vợ chồng tôi gặp nhau lần đầu tiên trong chuyến công tác biển đảo của cơ quan cách đây hơn hai năm, tôi vẫn nhớ lúc ấy Khánh Chi độ hơn một tuổi. Cô bé vịn vào chiếc bàn gỗ đóng bằng cây, tập đi chập chững, chị Thủy thì đang bắt ấm nước sôi pha cà phê cho khách lâu lâu nhìn sang hai bố con cười hiền. Anh Thắng quê tận Thái Bình, cưới vợ xong anh chị đưa nhau ra đảo, đơn vị Hải quân  Hòn Khoai xin phép Bộ tư lệnh Hải quân vùng 5 cho đôi vợ chồng trẻ cất tạm căn nhà nhỏ cặp bờ biển bán vài thứ đồ nhu yếu phẩm cho anh em trên đảo. Vậy là quán tạp hóa nhỏ của anh chị trở thành siêu thị độc nhất của năm đơn vị đóng quân và cũng là gia đình duy nhất trên đảo bởi... Hòn Khoai là đảo không dân. Ngày chị Thủy sắp lâm bồn, vợ chồng anh Phong chạy xuyên đêm đưa vào bờ và khi Khánh Chi chào đời, vợ chồng anh chị cũng đón hai mẹ con ở lại nhà đúng một tháng để chú Thắng yên tâm ra đảo làm việc, cuối tuần lại vào đất liền thăm con. Ngày con bé trở ra đảo, đứa trẻ đỏ hỏn ấy là niềm vui, là cô công chúa của các chú, các bác bộ đội. Chiếc đùi gà, miếng thịt lợn, đọt rau non mơn mởn của các anh tăng gia sản xuất đều dành phần ngon nhất cho cô công chú ấy. Vợ chồng anh Thắng chị Thủy khỏi phải lo việc bế bồng con, hễ anh em nào xong ca trực thì lại lon ton xuống quán và tự nguyện bế Khánh Chi, đôi khi còn ru ngủ khi chị Thủy bận việc lợn gà. Chồng tôi vẫn hay bảo “Vợ chồng mình ráng lên em ạ, cố gắng có đứa con, nhìn Khánh Chi yêu không chịu được!”. Rồi chúng tôi cũng ráng lắm, cũng thuốc thang, cũng tranh thủ sự ủng hộ của cơ quan hai bên mà thăm nom nhau, nhưng cái duyên con cái chưa chịu dừng lại với chúng tôi thì phải. Mẹ chồng tôi từ Bắc gửi lỉnh khỉnh các thứ thuốc nam, thuốc bắc vào tới tấp để mong sớm có đứa cháu đích tôn, riết rồi thành ra tôi cũng tâm lí, trong đầu lúc nào cũng lởn vởn hai chữ con cái. Thấy tôi ra lần nào cũng ủ rủ trở về, chồng tôi lại lo lắng “Đừng suy nghĩ quá em ạ, vợ chồng mình yêu thương nhau là được rồi, chuyện con cái khi nào đến ắt đến!”. Vậy là cứ xuyên suốt từ ngày cưới đến nay, chúng tôi cứ ngược xuôi “ra đảo... vào bờ” để tìm con là vậy!
Trở lại chuyện Khánh Chi, con bé lớn lên khỏe mạnh, rắn chắc và cũng đen giòn ở nơi quanh năm chỉ có nắng, có gió, có những con sóng vỗ bất tận ngày đêm. Người bạn đồng lứa tuổi duy nhất của con bé là chú Vàng, anh Hiện hay kể với tôi “Có khi chiều chiều xuống thăm, thấy con Vàng dẫn Khánh Chi đi lững thững quanh đám rau muống biển. Con chó quẫy quẫy cái đuôi còn cô bé thì cười khúc khích, người lớn chả hiểu gì nhưng  thấy thương vô cùng”. Không biết có phải do ở nơi toàn người lớn, chẳng có một đứa con nít nào để chơi đùa, cùng bi bô, la hét hay không mà Khánh Chi chậm nói lắm. Hơn 3 tuổi rồi mà chỉ nói được chưa đầy mười từ, vợ chồng anh Thắng lo lắng, chị ấy hạn chế chăn nuôi, dành thời gian theo chăm và dạy nói từng chút một, nhưng... con bé vẫn vậy. Phía sau nụ cười tươi rói của Khánh Chi là sự trăn trở lo lắng không riêng bố mẹ nó, mà các anh em trên đảo cũng buồn lây. Có lần chị Thủy nhắn tin với tôi “Chắc mẹ con em về đất liền chị ạ! Không phải vì ở đảo thiếu ăn thiếu mặc, mà vì con chị ạ, em sợ con bé thiếu chữ. Con bé cần có bạn bè đồng trang lứa và được học hành”. Và điều đó là hiển nhiên, nơi này tình yêu thương, sự đùm bọc của các chú, các bác có lớn lao bao nhiêu đi nữa thì cũng không thể bù đắp được những thiệt thòi mà lẽ ra tuổi thơ con bé phải có. Một quyết định xót xa, nhưng đúng!
Đêm Hòn Khoai không tĩnh lặng! Gió thổi vù vù qua đám cây rừng, tiếng lá xào xào tựa như mưa sắp ụp xuống; tiếng dế kêu không ngừng nghỉ, lâu lâu có chú sóc hay chú chuột rừng nào chạy ngang thì lũ chó lại sửa ầm lên rộn cả sân. Tôi đứng trên ban công tầng một của trạm rada Hải quân Hòn Khoai cách mặt nước biển 318m, đây cũng là điểm cao nhất của đảo, nhìn xuống phía biển đen thăm thẳm mà trong lòng ngổn ngang những ưu tư. Bỗng có tiếng chó sửa rộn lên, chồng tôi nhoài người ra cửa sổ nói “Chắc gia đình Khánh Chi lên đấy em ạ!”. Phía dưới sân, tôi nghe tiếng anh Dũng (trắc thủ rada) nói lớn “Khánh Chi của bác lên đấy à, cháu đã ăn cơm chưa? Sang bác bế tí nào...”. Tôi trở vào phòng, mở vội ba lô và lấy món quà được bọc cẩn thận định bụng ngày mai làm tiệc chia tay mới tặng con bé; nhưng rồi thôi, tôi quyết định tặng đêm nay để ngày mai Khánh Chi sẽ mặc chiếc áo đầm mới làm công chúa nhỏ xinh đẹp của Hòn Khoai trước khi về với đất liền.
Khánh Chi ngồi ngoan trong lòng bố, tay không ngừng mâm mê gói quà mới, chị Thủy bịn rịn cầm tay tôi nói đôi lời từ giã, chị sợ ngày mai anh em lên chia tay đông quá, không kịp tâm sự nhiều với tôi. Quanh chiếc bàn đá tròn dưới góc xoài cổ thụ, chén trà bắc thơm thoang thoảng đang tỏa khói, không gian có vè trầm tư hơn hẳn thường ngày. Nhìn con bé quấn quýt bố, chúng tôi khó kìm sự xúc động khi vài hôm nữa, hai bố con phải chia xa, một năm con bé sẽ chỉ gặp được bố đôi lần trong những chuyến về phép. Hai mẹ con sẽ thiếu vắng đi người trụ cột gia đình, vợ xa chồng, con xa bố,... tất cả chỉ còn lại nỗi nhớ nhung ngày qua ngày được kìm nén, chất chồng. Tôi đưa mắt nhìn lên bầu trời đen, đêm nay trời nhiều sao quá; ở phía biển kia, mặt biển cũng đen, ánh đèn đánh bắt từ các tàu vọng lại y như những ngôi sao. Chúng tôi ngồi ở giữa hai bầu trời mênh mông ấy, thả những suy nghĩ, ước ao, trăn trở và cả những buồn phiền lên một khoảng không vô tận.
Đêm Hòn Khoai bỗng dài và yên tĩnh quá, chỉ còn lại mỗi tiếng nói cười của con bé: “Bố... bố!”.


Tác phẩm có mã số 060:
CÂY CHIÊU RIÊU BẢY THÂN TRONG RỪNG LÒ GÒ
 
      Là một loại cây có khá nhiều trong rừng miền Đông, chiêu riêu từng che chở quân giải phóng trong những năm chiến tranh ác liệt. Cây chiêu riêu thường chỉ có một thân, mọc thẳng, thi thoảng mới có cây mọc hai – ba thân. Vậy mà, bên miệng một hố bom B52 trong khu rừng già thuộc Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) có một cây chiêu riêu có đến bảy thân. Đó cũng là nơi chôn cất bảy liệt sĩ của Đoàn Văn công Long An.
      
Chuyếc xe mười lăm chỗ của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Long An đưa đoàn chúng tôi lên đường khi Đài Phát thanh Long An vừa bắt đầu phát chương trình “Về nguồn” lúc hơn năm giờ sáng. Đường từ thành phố Tân An đến Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát quá xa, nên chúng tôi phải lên đường thật sớm vì có quá nhiều việc đang chờ đợi. Trên chuyến xe sớm, tôi thấy có ông Nguyễn Đức Lưu (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Long An); ông Lê Văn Ngãi (nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Hòa) và các ông bà nguyên là lãnh đạo, diễn viên, nhạc công Đoàn Văn công Long An. Trong đó có bà Nguyễn Thị Ngọc Tiến, tức soạn giả Huyền Nhung, tác giả bài ca cổ nổi tiếng “Dòng sông quê em”.
        Đi đường tắt qua huyện Đức Hòa, chúng tôi đến Tây Ninh lúc hơn bảy giờ sáng. Chuyếc xe tiếp tục theo Quốc lộ 22B trực chỉ hướng biên giới. Chẳng mấy chốc cảnh rừng rậm “Chiến khu D” nổi tiếng một thời đã hiện ra hai bên đường. Bất ngờ trời đỗ mưa sầm sập, bốn bề bao phủ màn mưa dày đặc, trời trở nên tối sầm, xe chạy phải mở đèn. Mưa bình minh! Không hiểu sao những cơn lúc sáng sớm luôn gợi lên trong tôi nhiều cảm xúc. Dường như mưa bình minh thường bất ngờ, khó đoán định, thiên nhiên vừa hừng sáng đã trở lại âm u, tạo cho người ta cái cảm giác “khôn lường” trong ngày dài còn lại, trong cả cuộc đời… Ngồi bên cạnh tôi, ông Nguyễn Dũng (Năm Dũng, nguyên Trưởng đoàn Văn công Long An) đăm chiêu nhìn ra bên ngoài trời mưa. Tôi thầm nghĩ, có lẽ ông cũng chung cảm xúc với tôi khi nhìn cảnh mưa bình minh. Nhưng tôi đã lầm, ông Dũng đang theo đuổi một suy nghĩ khác, một hoài niệm khác. Ông nói vừa đủ nghe, không biết là nói với tôi hay tự nói với chính mình: “Sáng hôm ấy trời cũng đỗ mưa như vầy, cả đơn vị phải ngồi tránh mưa dưới tán cây chiêu riêu, đợi trời tạnh mưa để lên đường đi công tác”.
        Đó là ngày 19 tháng 5 năm 1970, ông Dũng nhớ mãi ngày tháng năm ấy vì trùng với ngày sinh Bác Hồ và vì nó gắn với sinh mạng của nhiều đồng đội của ông. Sau tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn dốc toàn lực phản công quân Giải phóng, dồn quân ta sang bên kia biên giới. Đoàn Văn công tỉnh Long An khi ấy phải rời khỏi địa bàn quen thuộc hai huyện Đức Hòa – Đức Huệ (tỉnh Long An) di chuyển qua bên kia biên giới, về vùng rừng nguyên sinh ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông, nơi giáp ranh giữa huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh với tỉnh SvayRieng - Campuchia, để xây dựng hậu cứ. Ông Dũng nhớ lại, trong âm thanh tiếng mưa rừng sáng hôm ấy, ông nghe tiếng chị Kim Tuyến (bí thư chi bộ cơ quan) bàn với người chồng chưa cưới là diễn viên Huỳnh Tấn sau chuyến công tác ngày hôm ấy sẽ xin cấp trên cho hai người tổ chức lễ tuyên hôn. Một “cặp đôi” khác cũng tranh thủ thời gian trú mưa để bàn chuyện “trăm năm” là chị Ngọc Tiến (tức soan giả Huyền Nhung) và anh nhạc công Thành Tâm. Họ đã kết tình duyên trong khói lửa chiến tranh, đã báo cáo tổ chức, chỉ chờ đợi thời gian thích hợp là chính thức nên duyên chồng vợ. Bản thân ông Dũng, khi đó mới ngoài hai mươi tuổi, cũng có cảm tình với cô diễn viên múa Ái Nam, nhưng chưa dám thố lộ, nên sáng hôm đó họ không ngồi bên nhau. Ông Dũng ngồi gần, tâm sự với hai đồng đội tên Lượng và Xuân. Ông Xuân mời ông Dũng ngày chiến thắng về thăm quê ông ở Cà Mau. Còn ông Lượng thì nhìn cảnh mưa rừng miền Đông mà nhắc về cảnh mưa phùn ở vùng quê Bắc bộ tỉnh Hải Dương quê ông…
       Những cơn mưa lúc sáng sớm thường không kéo dài. Cơn mưa bình minh đầu mùa năm 2015 cũng sớm kết thúc khi xe đưa đoàn chúng tôi ra đến vành đai biên giới huyện Tân Biên. Lần đầu tiên tôi trải nghiệm cảnh “mưa rừng”, lòng thấy bồi hồi khi nhìn những tia nắng xuyên qua lá rừng, làm lung linh những giọt mưa còn đọng trên cành lá, như lưu luyến trước khi về với đất; văng vẳng tiếng kêu đàn của họ nhà vượn, nhà khỉ… Một lần nữa, tôi thấy ông Dũng thẫn thờ nhìn cảnh rừng già sau mưa. Ông và các đồng đội đã từng trải qua bao tháng ngày mưa rừng, giờ nhìn lại cảnh cũ, chắc lòng bùi ngùi hoài niệm. Không hẳn là vậy, ông đang nhớ về cơn mưa sáng ngày 19 tháng 5 năm 1970. Ông kể tiếp: “Sáng hôm đó, mưa một lúc rồi cũng dứt, cả đoàn lên đường đi công tác. Bỗng có tiếng ai đó kêu lớn “B52”, ngay tức khắc cả đoàn nằm xuống đất. Tai tôi không nghe tiếng bom nổ, mà chỉ nghe “ù ù” như tiếng con ong bay sát lổ tai, trong khi cây to cây nhỏ đều ngã rạp xuống đất vì bom B52”. Về sau ông Dũng mới được cấp trên cho biết, đêm hôm trước có một trung đoàn bộ đội dừng chân ở địa điểm này, có lẽ không quân Mỹ có được thông tin đó, nên sáng hôm sau cho B52 đi “rải thảm”. Ông Dũng nhớ lại, sau khi trận bom chấm dứt, ông định thần quan sát, thấy một vạt rừng bề ngang gần trăm mét, dài độ năm trăm mét, bị bom san bằng, hầu như không còn cây to nào đứng vững; đội hình của Đoàn Văn công nằm ngay rìa của vệt bom. Dù không hứng trọn vệt bom, nhưng thương vong xảy ra cũng rất lớn, bảy anh chị em hi sinh, cùng nhiều người bị thương. Chị Kim Tuyến bí thư chi bộ bị miễng bom cắt ngang hai đùi, hấp hối mấy chục phút mới chết. Trước khi nhắm mắt, chị còn nhắn nhủ người chồng chưa cưới và đồng đội chiến đấu đến ngày thắng lợi hoàn toàn! Người hôn phu của chị Huyền Nhung (anh Thành Tâm) cũng  bị thương nặng và cũng trút hơi thở sau cùng sau đó một giờ. Hai đồng đội mới vừa ngồi trú mưa kế bên ông Dũng là Lượng và Xuân cũng không thoát khỏi số phận… Theo cảnh báo của cấp trên, sau ném bom có thể đối phương sẽ đỗ quân truy kích, vì vậy mà ông Dũng và những người còn khỏe phải vừa chuyển những đồng đội bị thương rời khỏi khu vực, vừa gấp rút chôn vội những đồng đội hi sinh, xong rút đi ngay. Trong điều kiện vội vã ấy, các liệt sĩ được chôn tạm bợ ngay trên miệng hố bom, có người còn không có được chiếc võng dù bọc thây. Diễn viên múa Ái Nam cũng bị thương trong trận ấy. Chôn vội các đồng đội, ông Dũng cõng bà Ái Nam ra khỏi trận địa đến nơi an toàn. Sau lần ấy, tình cảm giữa họ đã nảy sinh, để rồi đúng một năm sau lễ tuyên hôn của họ đã diễn ra dưới tán rừng chiêu riêu cách không xa nơi những đồng đội đã nằm lại.
       Xin nói một chút về soạn giả Huyền Nhung và bài “Dòng sông quê em” của bà, bởi vì bài hát ấy ít nhiều liên quan đến trận B52 ngày 19 tháng 5 năm 1970. Bà quê xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, nằm bên dòng sông Vàm Cỏ Đông. Năm bà lên mười (năm 1960), cha đi giải phóng, mẹ bà dắt díu mấy đứa con nhỏ đi tản cư bên Ba Thu, Campuchia. Khi tỉnh Long An thành lập Đoàn Măng non Giải phóng, tiền thân của Đoàn Văn công Long An, bà được gia đình cho gia nhập đoàn. Với chút năng khiếu, được học văn hóa, học đàn, múa, hát…, bà sớm trở thành diễn viên nữ chủ lực của đoàn, sau học thêm nghề sáng tác. Năm 1970, Đoàn Văn công Long An bị B52 rải thảm trúng đội hình, hi sinh bảy người, Huyền Nhung may mắn thoát chết, nhưng người chồng chưa cưới của bà mãi mãi nằm lại nơi biên giới. Năm 1974 bà vượt Trường Sơn ra Bắc học Trường Lý luận Nghiệp vụ Văn hóa. Đi học ở Hà Nội, bà nhớ da diết quê hương trong khói lửa chiến tranh, nhớ đồng đội đã hi sinh và đang chiến đấu ở chiến trường, nhớ mối tình đầu nằm lại bên dòng sông Vàm Cỏ Đông. Một tối nằm nghe bài hát “Vàm Cỏ Đông” (thơ Hoài Vũ, nhạc Trương Quang Lục) được phát trên đài, cảm xúc trong bà càng dâng trào, để rồi bài tân cổ “Dòng sông quê em” đã ra đời. “Chiếc xuống nhỏ đưa em về xóm nhỏ - Nghe rì rầm tiếng sóng vỗ gần xa – Dòng sông quê em đẹp ánh trăng ngà – Nghe câu hát xa xa lòng em chạnh nhớ…”. Hình ảnh quê hương trong khói lửa đạn bom cứ tràn ra bài hát: “Màu xanh quê hương lớn lên trong bom gầm pháo dội… Mất mát đau thương càng cao giọng hát… Có phải máu cha ông đã mấy lần rơi đỗ, cho mảnh đất Long An rạng rỡ tên vàng”. Sau khi viết xong, Huyền Nhung trao bài hát cho soạn giả Trần Nam Dân lúc đó công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng, đang đứng chân tại Hà Nội, xem thử. Người nghệ sĩ “lão làng” đọc qua, thấy thích bài ca, nhưng ông cho biết, thể loại “tân cổ giao duyên” không được nền sân khấu cách mạng lúc đó chấp nhận, vậy là bài hát bị “xếp xó”. Miền Nam giải phóng, Huyền Nhung cùng các nghệ sĩ trở về Nam. Soạn giả Trần Nam Dân về công tác tại Đài Phát thanh Sài Gòn. Biết dân Sài Gòn rất chuộng “tân cổ giao duyên”, ông Trần Nam Dân cho phát thử bài “Dòng sông quê em” của Huyền Nhung. Bài hát được đôi nghệ sĩ tài danh ở Sài Gòn lúc đó là Thanh Tuấn và Lệ Thủy hát. Sau khi bài hát được phát trên đài, cả Trần Nam Dân và Huyền Nhung đã bị phê bình rất nặng, đại loại là chạy theo thị hiếu bình thường, xa rời nền nghệ thuật cách mạng… Tất nhiên là bài hát không được tiếp tục phát trên đài. Rồi bà lập gia đình, sinh con, tất bật với chuyện riêng chung những năm sau ngày giải phóng. Nhưng, dù chỉ một vài lần được phát trên đài, bài  “Dòng sông quê em” đã được công chúng gần xa đón nhận, yêu thương. Bất chấp mọi cấm kỵ, mọi phê bình, bài “Dòng sông quê em” đã vang lên từ thành thị cho tới nông thôn, nghệ sĩ chuyên nghiệp chọn hát, người dân bình thường càng thích ngân nga… Dường như bài hát có linh hồn, có một phần tình yêu của người nữ soạn giả, như thấm máu nhiều nghệ sĩ đồng đội của Huyền Nhung, nên có sức sống mãnh liệt đến vậy!  
       Trở lại câu chuyện hi sinh của các nghệ sĩ. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Dũng và các đồng đội không có cách nào quay trở lại nơi các đồng chí đã hi sinh nằm lại, vì các ông nghĩ nơi ấy thuộc phần đất của nước bạn Campuchia. Sau này, khi hai nước có chương trình hợp tác tìm kiếm hài cốt Quân tình nguyện Việt Nam hi sinh qua các thời kỳ trên nước bạn Campuchia, ông Năm Dũng, ông Sáu Triết (nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Long An, người bị thương trong trận bom ngày 19 tháng 5 năm 1970) đã nhiều lần cung cấp thông tin cho các đội tìm kiếm (K70 của Quân khu 7 và K73 tỉnh Long An), nhưng vì thông tin quá mỏng, nên không tìm được nơi chôn cất bảy liệt sĩ. Đến khi về nghỉ hưu có nhiều thời gian rảnh, đích thân ông Năm Dũng, ông Sáu Triết đã qua tận nước bạn để tìm nơi chôn cất đồng đội. Đã bao lần bước chân các ông dẫm nát vùng đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông bên nước bạn, cảnh vừa lạ vừa quen, nhưng không thể nào tìm được dấu vết quen thuộc khả dĩ đưa đến nơi chôn cất các đồng đội. Khi đã sắp tắt mọi hi vọng, các ông chợt nghĩ: Biết đâu nơi chôn cất các đồng đội nằm bên phần đất Việt Nam. Nghĩ là làm, bước chân của các ông lại dẫm nát vùng biên cương bên phía huyện Tân Biên. Để rồi, cho đến một ngày, các ông đã nhận ra “rìa vệt bom B52” ngày nào, chỉ cách biên giới độ trăm mét. Và chuyến đi đầu mùa mưa năm 2015 của những cựu nghệ sĩ là để tìm bảy ngôi mộ đồng đội được chôn trên miệng hố bom cách đó bốn mươi lăm năm.
        Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xa Mát và Đội K70 đón đoàn chúng tôi như đón người thân từ xa mới về. Uống vội chén nước nghĩa tình, đoàn chúng tôi được các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cắt rừng đưa đến hiện trường. Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát với những vạt rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt, càng vào sâu càng âm u như cái thời mà ông Năm Dũng và các đồng đội nương náu để đánh giặc. Đoàn người dừng lại bên một cái hố lớn đáy đã cạn nước. Ông Dũng nói lớn: “Các đồng chí hãy để ý, đây là vệt bom đánh trúng đội hình đoàn ta năm nào”. Dù đã hơn bốn mươi năm, nhưng hình ảnh vệt bom vẫn còn nhận ra bởi sự khác nhau của cây rừng hai bên vệt bom. Nhiều tiếng ồ vang lên từ phía những nghệ sĩ. Rồi họ tỏa ra xung quanh để tìm những dấu vết còn lại. Ông Huỳnh Tấn đi tới đi lui, đo đo đếm đếm, rồi trầm ngâm nói với ông Nguyễn Dũng: “Anh có nhớ không, trái bom đầu rớt xuống cách đội hình đoàn ta vài chục mét, trái bom thứ hai rơi trúng đội hình… Khi các đồng đội hi sinh, mình chôn vội ngay trên miệng hố bom thứ hai”. Thông tin đó nhanh chóng được mọi người xác nhận, để rồi trong phút chốc đoàn người đã tập trung quanh một hố bom đã cạn nước. Bắt đầu có tiếng khóc thút thít phát ra từ phía những phụ nữ.
       Sau khi tất cả những người có mặt trong trận bom định mệnh năm nào đều xác nhận đó chính là nơi hi sinh và chôn cất bảy đồng đội, công tác đào tìm mộ bắt đầu được tiến hành một cách chuyên nghiệp bởi các chiến sĩ của Đội K70. Các nghệ sĩ mỗi người cầm một nắm nhang cháy đỏ đi cắm xung quanh miệng hố bom. Ông Nguyễn Dũng vừa cắm nhang, miệng vừa lâm râm khấn: “Chị Tuyến, anh Tâm, anh Sáng, anh Lượng, em Thủy, em Xuân, em Đoàn hãy về với tụi mình!”. Trong nghi ngút khói nhang, tên chị Tuyến được gọi đến nhiều nhất, một phần vì khi mất chị là Bí thư chi bộ Đoàn Văn công Long An, một phần vì trong đoàn đi tìm mộ có đến ba người thân của chị: Ông Huỳnh Tấn lúc đó là hôn phu của chị, thoát chết trong trận bom; ông Sáu Triết là em ruột chị, bị thương mất một bàn tay. Còn người anh ruột Lê Văn Ngãi của chị lúc ấy đang chiến đấu ở xa thì “được tin em gái mất, trước tin em có chồng, gió thu về lành lạnh bến sông”… Từng nhát cuốc, từng xẻng đất từ những đôi tay rắn chắc của hơn 10 chiến sĩ Đội K70 vừa khẩn trương, vừa nhẹ nhàng đào sâu vào lòng đất quanh miệng hố. Những vết tích của một thời đạn bom bắt đầu hiện ra như dép râu, mảnh bom… Khi các hố khai quật đạt đến độ sâu chừng một mét mà không thấy gì, ông Năm Dũng nói không cần đào sâu thêm, vì ngày trước các ông chôn các liệt sĩ rất nông, chỉ chừng 4 – 5 tấc, do vội lên đường tránh địch truy kích. Đội khai quật chuyển hướng đào tìm sang vị trí kế bên, lại hàng chục hố khai quật được đào sâu, nhưng vẫn không tìm thấy gì. Cứ vậy, mấy chục hố khai quật được đào dày đặc quanh miệng hố, rồi đào rộng ra, nhưng vẫn không có chút dấu vết những ngôi mộ năm nào. “Hay mình nhầm hố bom, không phải hố thứ hai, mà là thứ ba…”, có ai đó trong đoàn sốt ruột cất tiếng. Vậy là hàng chục hố khai quật tiếp tục được đào xung quanh miệng hố bom thứ ba cách hố thứ hai vài chục mét, nhưng vẫn không có kết quả. Một cụ già là dân trong vùng, có mặt theo dõi cuộc khai quật, trầm ngâm chia sẻ với ông Năm Dũng: “Có thể do các ông chôn các liệt sĩ cạn quá, mà vùng này năm nào nước lũ cũng ngập rồi rút, chảy trôi đất, ở đây lại nhiều thú rừng… Mà cũng có thể hài cốt các liệt sĩ đã được cất bốc đem chôn đâu đó, bởi sau chiến tranh, người dân hai bên biên giới thay nhau cày xới, canh tác vùng đất này trước khi nó được giao lại cho Vườn Quốc gia…”. Trời tối dần mà tiếng cuốc khai quật của những người tìm kiếm vẫn vang lên trong vô vọng. Trước khi đoàn nghệ sĩ trở về Long An, vị cán bộ đại diện Đội K70 an ủi ông Dũng và cả đoàn: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đào tìm rộng ra. Nếu các liệt sĩ còn đang nằm đâu đây, nhất định chúng tôi sẽ tìm được”. Trở về Long An, ông Năm Dũng tiếp tục theo dõi cuộc tìm kiếm qua điện thoại, nên biết rằng đã có thêm hàng trăm hố dò tìm được đào quanh nhiều hố bom còn lại, nhưng tất cả đều không kết quả.
          Không chịu thua số phận, vài tuần sau, đúng vào ngày 19 tháng 05, ông Nguyễn Dũng và các đồng đội soạn lá đơn với nội dung: “Đơn kiến nghị xây dựng Bia Tưởng niệm các liệt sĩ. Kính gửi: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An. Chúng tôi gồm Nguyễn Đức Lưu (nguyên Giám đốc Sở VHTT Long An); Lê Văn Ngãi (nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Hòa, gia đình liệt sĩ); Nguyễn Thành Sơn, Nguyễn Dũng, Lê Minh Triết, Lê Bình, Trần Bạch Cúc (nguyên cán bộ Đoàn Văn công Long An). Chúng tôi xin trình bày sự việc như sau: Ngày 19 tháng 05 năm 1970, khi đang đi công tác trong khu căn cứ Trung ương cục miền Nam, gần biên giới Việt Nam – Campuchia, Đoàn Văn công Long An bị máy bay B52 đánh bom trúng đội hình. Có bảy đồng chí hi sinh trong trận bom, gồm: Lê Thị Kim Tuyến, SN 1948, quê quán xã Tân Phú – Đức Hòa – LA; Nguyễn Kim Sáng, SN 1951, Mỹ Hạnh – Đức Hòa – LA; Nguyễn Văn Đoàn, SN 1956, Bình Thành – Đức Huệ - LA; Huỳnh Thành Tâm, SN 1946, Tân Phú – Đức Hòa – LA; Nguyễn Văn Lượng, SN 1950, xã Tiên Đông – Tứ Kỳ - Hải Dương; Thủy (không rõ họ), Tân Phú – Đức Hòa – LA; Xuân (không rõ họ), tỉnh Cà Mau. Các liệt sĩ được chôn vội vàng tại trận địa. Chúng tôi đã nhiều năm tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ, kể cả phối hợp với Đội K70, nhưng không có kết quả, vì thời gian đã quá lâu, khu vực chôn các liệt sĩ lại bị ngập sâu vào mùa lũ, dân địa phương đã cày xới đất canh tác, làm địa hình thay đổi. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn trái nhớ người trồng cây” và thực hiện chủ trương đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với những người đã hi sinh cho đất nước, nay chúng tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh Long An xem xét cho xây dựng Bia Tưởng niệm tại khu vực 7 liệt sĩ đã hi sinh nói trên. Dự kiến kinh phí xây dựng bia khoảng 50 – 150 triệu đồng, tùy quy mô. Trân trọng kính chào”.
       Một thời gian sau, ông Nguyễn Dũng và các đồng đội được mời đến làm việc với Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Long An. Các ông được thông báo, lãnh đạo tỉnh Long An rất ủng hộ kiến nghị của các ông và giao cho các ngành chức năng cùng các ông bàn bạc thực hiện. Ngoài việc làm Bia Tưởng niệm nơi các liệt sĩ hi sinh như kiến nghị, cơ quan chức năng còn gợi ý việc rước linh vị các liệt sĩ về quê hương, xây dựng mộ gió trong nghĩa trang liệt sĩ. Bằng cách ấy, người thân các liệt sĩ dễ dàng thăm viếng hơn, so với đi thăm bia tưởng niệm ở xa, trong rừng sâu. Không bàn cãi lâu, những người còn sống đã nhanh chóng đi đến quyết định. Sáng sớm ngày 19.12.2015, cũng đoàn người ấy đã lên đường về Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát với một nhiệm vụ mới. Buổi sáng hôm ấy trời cũng mưa nhẹ, đoàn người đi trong cảnh “mưa rừng” để đến nơi chôn cất các liệt sĩ năm nào bên miệng hố bom. Những nén nhang được cắm xuống đất quanh miệng hố, rồi bảy phần đất tượng trưng cho hài cốt của bảy liệt sĩ được trang trọng đưa vào quách. Anh linh các liệt sĩ cùng với phần đất mà thân thân xác họ đã hòa vào, được long trọng đón rước về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Hòa, địa phương có nhiều liệt sĩ hi sinh trong trận bom khốc liệt nói trên, cũng là nơi Đoàn Văn công Long An ra đời. Trước khi đưa bảy chiếc quách ra khỏi rừng, ông Năm Dũng bất ngờ phát hiện ra một điều mà trước đó vì bận bịu nên ông và mọi người không ai để ý. Phát hiện ấy làm ông Năm Dũng và cả đoàn ai cũng thấy lạnh cả người. Đó là, bên miệng hố bom nơi chôn cất các liệt sĩ có một cây chiêu riêu có đúng bảy thân. Chiêu riêu thường có một thân, mọc thẳng, thi thoảng mới có cây mọc hai ba thân. Cây chiêu riêu có đến bảy thân là hiện tượng vô cùng hiếm. Theo kinh nghiệm của những người giữ rừng, cây chiêu riêu này có tuổi khoảng 40 năm, nghĩa ra nó mọc lên sau ngày các liệt sĩ hi sinh. Nhìn những bông chiêu riêu màu trắng xanh nép mình dưới các nách lá đầu cành trên bảy thân cây mọc thẳng lên trời, ông Năm Dũng tưởng như linh hồn của bảy đồng đội đang phảng phất xung quanh, chào đón những đồng đội còn sống trở lại nơi chia ly năm nào!
        Một buổi lễ truy điệu được tỉnh Long An tổ chức long trọng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Hòa. Trong khói nhang nghi ngút, trước bảy quan tài được phủ quốc kỳ, lời ông Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Long An như càng thêm tha thiết: “Các liệt sĩ yêu quý. Các anh chị hi sinh khi đều còn rất trẻ, đều chưa có gia đình, nhiều người chưa từng nói tiếng yêu. Tuổi xuân của các anh chị vì vậy mà trở thành vĩnh cửu! Chúng tôi thật có lỗi khi không tìm được hài cốt của các anh chị, không đem được thân xác các anh chị về với quê hương, gia đình, với mẹ già ngày đêm mong đợi. Mong các anh chị đón nhận tấm lòng và tình cảm của chúng tôi, những người đồng đội của anh chị, những người dân Long An được sống hòa bình, hạnh phúc nhờ sự hi sinh của các anh chị. Con người khi qua đời, thân xác, hài cốt có thể tan biến theo thời gian. Nhưng những ngôi mộ tượng trưng của các anh chị, sự hi sinh của các liệt sĩ sẽ mãi trường tồn theo thời gian. Tổ quốc, dân tộc và tất cả chúng tôi mãi mãi ghi công, mãi mãi biết ơn anh chị, những người đã thanh thản nằm xuống cho đất nước trường tồn!”.
       Sau lễ rước vong linh các liệt sĩ về nghĩa trang Đức Hòa, ông Nguyễn Dũng đã điện thoại ra miền Bắc, xã Tiên Đông – huyện Tứ Kỳ - tỉnh Hải Dương, để hỏi thăm về người liệt sĩ tên Nguyễn Văn Lượng sinh năm 1950. Chính quyền xã Tiên Đông xác nhận có liệt sĩ tên ấy, sinh năm ấy, nhưng không rõ hi sinh năm nào, ở đâu, và không tìm được mộ. Ông Nguyễn Dũng đã nhờ chính quyền xã Tiên Đông thông báo cho gia đình ông Lượng về ngày tháng năm hi sinh và nơi ông Lượng đang yên nghỉ. Cuối năm 2016, ông Nguyễn Dũng lại cất công lặn lội xuống tận tỉnh Cà Mau để mong tìm ra gia đình người đồng đội liệt sĩ với thông tin rất mỏng manh: “Xuân, không rõ họ, quê tỉnh Cà Mau”. Tại Cà Mau, ông Dũng đã tìm đến Sở Lao động – Thương binh – Xã hội để nhờ họ truy tìm. Ông Dũng được thông báo: Toàn tỉnh Cà Mau không có liệt sĩ tên Xuân nào có độ tuổi như người đồng đội của ông Dũng, hi sinh ở chiến trường miền Đông. Có thể người liệt sĩ tên Xuân có giấy tờ khai sinh mang tên khác; mà cũng có thể sự hi sinh của ông không được địa phương biết đến và ghi nhận, nên ông không có tên trong danh sách liệt sĩ tỉnh Cà Mau. Mà cũng có thể do địa giới hành chánh giữa ba tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang nhiều lần có sự dịch chuyển, nên không chắc người liệt sĩ tên Xuân ở tỉnh nào. Không tìm được gia đình người liệt sĩ nghệ sĩ tên Xuân của Đoàn Văn công Long An năm nào, đó là nỗi ray rứt khôn nguôi của ông Nguyễn Dũng. Sau này mỗi khi có ai nhắc về chuyện “Bảy liệt sĩ của Đoàn Văn công Long An”, ông Năm Dũng đều bùi ngùi nói: “Không tìm được gia đình anh Xuân để báo chuyện anh hi sinh, đó là món nợ lớn nhất của đời tôi!”.
      Trở về từ Cà Mau, ông Năm Dũng lại lao vào cùng đồng đội cũ lo thủ tục, xin kinh phí làm Bia Tưởng niệm bảy liệt sĩ tại nơi họ hi sinh trong Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Tấm bia được các nghệ nhân ở huyện Đức Hòa tạc vào đá hoa cương. Còn ở Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, các sĩ quan, chiến sĩ biên phòng sở tại giúp thi công phần móng của bia. Ông Năm Dũng và các đồng đội cũ đã lên kế hoạch: Vào đúng ngày 19 tháng 5 năm 2017, tức đúng 47 năm sau ngày sau ngày các liệt sĩ Đoàn Văn công Long An hi sinh, các ông bà sẽ về chiến trường xưa để dựng Bia Tưởng niệm bảy liệt sĩ ở nơi họ đã ngã xuống, dưới gốc một cây chiêu riêu bảy thân!


Tác phẩm có mã số: 014
THƯƠNG SAO MỘT KIẾP THƯƠNG HỒ
 
Chợ Châu Phú ở xã Châu Hòa huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre quê tôi không còn là chợ quê nữa! Nó đã lên phố bảy tám năm rồi. Hai bên đường, quán sá, nhà tường mọc lên san sát; đủ loại màu sơn, đủ loại gạch dán thật lộng lẫy. Chợ nằm tại khúc quanh dưới chân cầu gần Ủy ban Nhân dân xã, sáng nào cũng tấp nập xe cộ và kẻ bán người mua. Con Xẻo Rắn chảy qua đây ôm sát chợ nên dốc cầu này rất dốc. Mỗi khi lên cầu, ai cũng phải nhấc từng bước chân nặng nề như leo lên những bậc thang! Ngược lại, từ trên cầu đổ xuống, nếu xe nào không có thắng chắc chắn sẽ đâm thẳng vào chợ. Vì thế, hầu hết xe đạp khi xuống dốc đều phải dắt bộ!
Bây giờ ở quê tôi sáng nào các quán ăn, quán giải khát cũng không còn một chỗ để dựng xe! Người ta ăn uống nhiều hơn, ăn món cũng sang trọng hơn. Mấy quán phở, quán hủ tiếu thường đông nghẹt khách. Ngược lại những món bánh chợ, chủ yếu để no bụng như xôi, bắp nấu, bánh bò, bánh tét… bà con ít ăn dần.
Tôi đang chen chúc ngồi uống cà phê với mấy người bạn dưới chân cầu, tiếng kêu gấp gáp, hốt hoảng trên cầu của một cô gái trẻ làm tôi và nhiều người chú ý:
- Anh ơi! Phụ em với!… Phụ gấp!...
          Tôi quay nhìn lên cầu, một đoàn xe đạp thồ chín mười chiếc, mỗi người một chiếc, nam có nữ có, đa số trên dưới ba mươi tuổi; trên xe chất một vài bó cây đước to tướng dài bốn năm mét nhỏng lên nhỏng xuống không chịu nằm yên. Mới sáng sớm mà họ đã nhễ nhại mồ hôi, lưng áo ướt đẫm!
Có xe đã xuống dốc cầu, có xe còn ở giữa cầu, cũng có xe vừa lên dốc cầu. Tiếng kêu cứu vừa rồi là của một cô gái đang gồng mình kềm chiếc xe đang lao xuống dốc.
Rồi tiếng đáp lại văng vẳng của người thanh niên ở phía sau, có lẽ là chồng của cô gái vừa kêu cứu:
- Ráng lên em! Ráng lên! Anh đâu làm sao phụ được!
Người con gái lại kêu lên:
- Em ráng hết nổi rồi! Chắc ngã quá! Ngã! Ngã… anh ơi…
Tiếng kêu cứu thật nhói lòng nhưng chúng tôi ngồi kẹt bên trong, không làm sao chạy ra giúp được!
Người thanh niên lúc này đã lên được nhịp giữa cầu, vội vã dựa chiếc xe thồ của mình vào lan can để chạy lên phía trước phụ vợ. Hai người đã kềm được chiếc xe, từ từ đi xuống dốc an toàn.
Với chiếc cầu cao nghệu ở chợ Châu Phú này, hai bên chân cầu lại lắm vật cản trở thì việc đẩy một chiếc xe chở nặng lên và xuống dốc vô cùng khó khăn như thế! Những người đang xuống dốc thì ngã ngược người ra sau, ưởn ngực, khuỳnh hai tay nắm chặt ghi-đông xe, vừa cố ghì chiếc xe nặng đang tuột dốc, vừa chạy lẹp bẹp theo nó để khỏi đổ nhào vào những chiếc xe đạp và những người đi bộ dưới chân cầu. Đã nhiều lần tôi bắt gặp các cô gái cố ưởn ngực kềm chiếc xe đang xuống dốc đến nổi tóc tai rũ rượi, một vài cái cúc áo ngực bị bật tung! Những người ở nhịp giữa cầu thì chậm rãi hơn. Họ bước uể oải, mặt mày còn tái xanh. Họ cố hít thật sâu để lấy lại sức lực đã tiêu tốn vừa đẩy lên dốc cầu. Những người đang ở phía dưới dốc cầu thì ngược lại. Họ khom lưng, gồng mình, chổng mông, lấy hết sức bình sinh cố đẩy từng bước, từng bước đi lên dốc cầu một khối lượng gỗ nặng gấp hai ba lần họ trong tiếng thở dốc đứt quãng!
 Tôi nhìn những bó gỗ đước sần sùi còn tươi roi rói rồi ước đoán; nếu là đàn bà con gái thì chỉ vác nổi một hai cây thôi, trai tráng trẻ khỏe cao lắm cũng chỉ vác ba bốn cây; riêng tôi vác hai cây đã là quá nặng! Thế mà họ đẩy một hoặc hai bó, tức mười đến hai mươi cây!
Khoảng năm mười phút sau, đoàn người này cũng xuống được dốc cầu và tiếp tục đẩy đi trên đường nhựa, tủa về nhiều hướng. Dáng đi của họ trên đường cái cũng thật là vất vả. Người họ nghiêng vào xe, thân chồm lên phía trước, mông chổng cao, gắng sức kềm cho chiếc xe khỏi ngã và đẩy nó đi.
  Không phải đây là lần đầu tôi gặp họ! Hơn mười năm rồi! Mỗi tháng có ít nhất mươi ngày tôi ra chợ Châu Phú uống cà phê sáng. Tổng cộng chắc đã hàng mấy trăm lần tôi ngồi quán cà phê này. Và cũng ngần ấy lần tôi đã bắt gặp họ như thế.
Đó là đoàn người từ những phương xa chở gỗ đước rảo bán khắp các thôn xóm ở quê tôi. Nắng gió, cực khổ đã làm cho họ khô đét, làn da sạm đen, tóc hoe hoéc đỏ, trông thật khắc khổ. Thường thì họ đều già trước tuổi nên khó mà đoán chính xác được tuổi tác của họ!
 
                                      *  *  *
Mấy lần mò theo lối về của đoàn người này, tôi ra tận vàm sông Ba Lai, nơi bến ghe họ đậu. Bảy tám chiếc ghe khoảng trên dưới mười tấn khẳm đừ gỗ đước. Chiếc nào cũng có một buồng lái nhỏ ở các khoang sau. Hỏi thì họ nói ở Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú của Bến Tre, thậm chí có người nói ở tận duyên hải Trà Vinh, Gò Công, Sóc Trăng, Bạc Liêu, cách quê tôi hàng trăm cây số đường sông! Họ nói sao thì nghe vậy, thật sự có biết họ ở nơi nào. Với chiếc máy đuôi tôm nhỏ, họ thả ghe đước xuôi theo con nước về đây, hàng ngày dùng xe đạp đẩy đi bán. Họ nói thường thì mỗi chuyến đi-về là ba tuần lễ. Nếu bán ế phải kéo dài trên một tháng, chờ bán hết mới về.
 Họ hầu hết đều là những cặp vợ chồng trẻ, sắm được chiếc ghe mươi, mươi lăm tấn rồi mua gỗ đước đi bán tứ xứ.
Cái buồng lái nhỏ hơn bộ ván, thấp lè tè là nơi ăn chốn ở của những cặp vợ chồng trẻ này hết ngày này qua ngày khác. Nào nước nôi, gạo thóc, quần áo, chén bát; lớp đựng trong bao, lớp đựng trong rổ chất lổn ngổn dưới sạp ghe, lớp treo lủng lẳng trên nóc. Buồng lái thấp đến nổi khi vào đây, họ chỉ ngồi yên, không đứng dậy được. Khi cần di chuyển qua lại, họ bò lom khom, thậm chí chỉ lếch mà thôi! Chính vì thế, họ thường ra ngoài khoang ghe ngồi làm việc, chuyện trò trên đống cây đước mặc cho nắng táp gió lùa. Khi cặp bến, nếu thuận tiện, họ mang một ít dụng cụ sinh hoạt lên bờ để nấu nướng. Nước sinh hoạt họ múc từ dưới sông lên, rau củi nhặt nhạnh trên bờ, thức ăn chủ yếu là khô mắm mang theo hoặc đi đến đâu thì mua thêm ngoài chợ. Một cuộc sống thương hồ trôi nổi hết sức đơn giản, tạm bợ!
Hỏi gỗ ở đâu thì họ nói đây là gỗ rừng tỉa thưa. Có người nói là đước trồng chuyên canh, mật độ dày, lớn thế này là đốn bán tất cả. Mấy người bạn tôi đặt vấn đề, hay là họ thu mua của những người lén chặt phá rừng như báo chí thường nêu? Nếu đúng như thế thì đây là những người đang tiếp tay với lâm tặc hủy diệt môi trường sống của đất nước mình đây!
*  *  *
Tôi ngồi xem họ chuẩn bị bữa cơm chiều. Bữa cơm của họ mới vất vả và đạm bạc làm sao! Cái xoong cơm chung quanh nám khói đen thùi, bắc trên ba cục đất chông chênh. Củi ướt, lá ướt mới quơ đâu đó ngoài vườn, họ phải chụm đầu thổi phèo phèo vẫn không cháy. Một cái xoong khác cũng nám khói, luộc mấy nạm rau rừng vừa hái ngoài mé rạch. Một cái chảo nhỏ kho mấy con cá biển ăn đâu từ những bữa trước còn dư đen cháy.
Cô gái chủ ghe đước này cười nói với tôi:
- Chú quê ở đây hả? Quê chú ngon quá, nước ngọt, cây trái, rau cỏ đầy vườn; hái một chút là đủ ăn. Quê cháu nước mặn đắng, rau rác đều phải mua từ nơi khác!
Tôi nhìn họ ái ngại, hỏi:
- Cực khổ quá, sao cô chú không ở tại quê nhà tìm kế sinh nhai.
 Anh chồng lắc đầu:
- Ở nhà sống không nổi đâu chú ơi. Đâu có công ăn việc làm gì! Bốn bề toàn là rừng, mà rừng lại… của người ta!
Cặp vợ chồng tôi trò chuyện đã có một con nhỏ lên năm. Họ nói gởi ở nhà cho ông bà nội trông giữ.
 Cô vợ tâm sự:
- Bỏ con nhỏ ở nhà cháu không an tâm lắm! Ông bà nội cũng già rồi, bốn bề sông nước mênh mông, lỡ có chuyện gì thì khổ! Nhiều đêm nghe tiếng cú kêu, bồn chồn lo lắng và nhớ con lắm nhưng cũng đành chịu, biết làm sao bây giờ. Mang theo, nắng gió thế này trẻ con làm sao chịu nổi!
Tôi nhìn quanh quất tự hỏi: Không hiểu rồi họ tắm giặt, tiêu tiểu làm sao? Đàn ông thì tương đối dễ: Đứng trên ghe múc nước sông tắm cũng được mà nhào dưới sông tắm cũng xong. Tiêu tiểu thì đàn ông có thể chun vào lùm vào bụi. Còn phụ nữ, họ phải làm sao? Chẳng lẽ đợi đến đêm về? Rồi những ngày mưa gió dầm dề, không thể ra ngoài khoang ghe hoặc lên bờ được, trong cái buồng lái chật hẹp ấy không hiểu họ sống làm sao, cơm nước làm sao? Giữa bốn bề sông nước xa lạ, lỡ nửa đêm nửa hôm bệnh hoạn bất tử nữa thì sao? Chuyện ấy lâu ngày dài tháng làm sao tránh khỏi! Đầu óc tôi lan man mãi.
 Tôi chợt nghĩ đến những khách sạn cao sang thỉnh thoảng tôi có dịp nghỉ lại qua đêm hay gần gũi hơn là những mái nhà ấm cúng có đủ tiện nghi của bà con ở quê tôi, sao mà chênh lệch với cảnh sống tạm bợ của kiếp thương hồ trôi nổi này quá chừng! Thật vậy, các xã vùng quê chung quanh quê tôi bây giờ đã lên xã văn hóa, xã nông thôn mới hết rồi, đâu còn nhà nào đến nổi phải tiêu tiểu, tắm bờ tắm bụi như họ đâu.
Tôi hỏi thêm:
- Rồi năm tới, cháu lên sáu tuổi, việc học hành sẽ như thế nào?
Anh chồng đáp buồn hiu:
- Tụi tôi cũng chưa tính tới! Bây giờ lo cái ăn cái mặc trước đã.
Tôi lo lắng dùm cho họ. Chuyện đã sát bên đít rồi mà cũng chưa lo tới, đợi đến chừng nào? Không bù lại ở quê tôi, giờ có người, con cái mới lên lớp sáu mà đã đầu tư chuẩn bị cho nó vào đại học! Tôi nhìn chiếc ghe đước hỏi anh chồng:
- Ghe chú chở được bao nhiêu bó đước?
Anh ta đáp nhanh:
- Dạ, trên dưới năm chục bó.
- Rồi mỗi chuyến đi, cô chú lời bao nhiêu tiền?
Cả hai vợ chồng này đều cười, không nói rõ, dường như họ cố giấu:
- Không bao nhiêu đâu chú ơi!
Tôi nhẩm tính, mỗi cây đước bốn năm mét dùng làm đòn tay, họ bán là bốn chục ngàn đồng. Một bó mười cây, bán bốn trăm ngàn đồng. Cả ghe năm mươi bó là hai chục triệu đồng. Chắc là họ bán một phải lời một chứ? Không lẽ lại ít hơn. Đi bán trong một tháng cũng lời được mười triệu đồng. Tôi nhìn họ cười:
- Vậy mỗi tháng cô chú kiếm cũng được mười triệu đồng rồi còn gì.
Rồi tôi tính lại cho hai vợ chồng họ nghe như mình vừa nhẩm tính. Cô vợ la lên:
- Trời ơi! Đâu có dữ vậy chú! Chú tính kiểu chắc ăn như bắp, cứ ba bó lúa thì được một giạ, hoặc tính xổi xổi toàn thành công như mấy ông nhà báo thì chết tụi con! Bán lẻ bốn chục ngàn một cây, bán nguyên bó đâu có tới! Có khi cuối chuyến cần về sớm, còn lại năm ba bó, không lẽ ngồi chờ bán hết, đành phải bán giá vốn; chưa kể rất nhiều người mua chịu, vài ba chuyến sau mới lấy được tiền! Rồi nào tiền ăn uống cả tháng, tiền xăng dầu, tiền đóng lãi mua ghe, mua máy chỉ còn lời chút ít thôi.
Tôi nghe quặn đau trong lòng, hỏi lại:
- Mua ghe, mua máy phải vay vốn và đóng lãi nữa hay sao?
Cô gái gật đầu, đáp thật hồn nhiên:
- Dạ. Cha mẹ hai bên đều nghèo, vợ chồng mới ra riêng làm sao đủ tiền mua hả chú? Phải vay gần năm chục triệu đồng mua ghe mua máy đó chú ơi, mỗi tháng đóng lãi năm sáu trăm ngàn! Thậm chí tiền ăn mỗi chuyến đi có lúc cũng phải vay! Các anh chị ở những ghe khác ai cũng như vậy cả. May mà tiền mua gỗ đước người ta cho gối đầu.
Tôi lắc đầu ngao ngán. Đúng là chẳng còn lời bao nhiêu. Vất vả thật! Có điều tôi không sao hiểu nổi, khi tôi nhìn sâu vào ánh mắt và nụ cười của cô vợ trẻ này thì thấy thật là rạng rỡ, đầy vẻ phấn khởi, yêu đời chớ không u ám, chán chường. Không lẽ cực khổ như vậy mà vẫn sướng hơn ở quê họ sao?
 
                                      *   *   *
Mươi năm trước, quê tôi còn nhiều nhà gỗ hoặc tre lá. Đất quê tôi màu mỡ, ít ai trồng tre trúc và cây tạp sợ hoang phí đất đai; đa số bà con cũng còn nghèo, không đủ tiền mua gỗ xẻ, những cây đước này được dùng làm trụ vách, làm đòn tay rất tốt, giá cả tương đối rẻ, bà con mua rất nhiều. Số lượng gỗ đã tiêu thụ những năm qua chắc cũng ngót nghét một thớt rừng! Chính vì vậy tôi mới gọi những người đẩy gỗ đước về bán ở quê tôi là “Những người đẩy rừng về phố”.
Tôi đã nghe nói nhiều về nạn phá rừng. Tôi cũng tưởng tượng những bãi bồi còi cọc dần, đất ven sông ven biển bị xoáy lỡ hoặc xa hơn nữa môi trường sẽ bị hủy hoại. Rồi đây, nào là khí hậu sẽ biến đổi, kéo theo nắng hạn, mưa bão, lốc xoáy, động đất, lũ lụt bất thường; nào là mực nước biển sẽ dâng cao, diện tích đất sẽ thu hẹp lại… nhưng sao tôi vẫn không làm sao oán trách được những người đẩy từng bó gỗ đước lưu lạc bán tận phương xa này.
Có khi trưa nắng tôi bắt gặp họ hì hục đẩy vào tận các xóm xa với tiếng rao lạc lõng buồn vời vợi chen với tiếng gà trưa: Ai mua đước hôn?  Cũng có khi trời đã nhá nhem tối, tôi bắt gặp đoàn người này lặng lẽ đẩy gỗ trở về một cách mệt mỏi!
Mỗi năm gặp lại họ, họ già đi bội phần, đến nổi có nhiều người tôi nhìn không ra! Phải rồi, nắng gió, muỗi mòng, ăn ngủ cực khổ tạm bợ như thế ròng rã năm này qua năm khác sức nào chịu nổi!
Thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp đoàn người này ở một số nơi trên Đồng bằng Sông Cửu Long. Ở đâu họ cũng vất vả giông giống nhau như thế!
Không riêng gì quê tôi, thôn quê khắp nơi giờ đã trở thành phố thị. Niềm vui này dân tộc ta bao đời mơ ước mới trở thành hiện thực. Quê tôi nhà cửa đã khang trang ổn định; ngay cả nhà bếp, nhà củi bà con cũng xây bằng gạch lợp tôn kiên cố hết rồi, cho nên ít còn ai sử dụng gỗ đước. Phụ nữ quê tôi cũng đỡ vất vả hơn mươi năm trước rất nhiều. Ít thấy ai mặc áo vá ra đường. Ngược lại nhiều người luôn chưng diện quần áo mới tinh. Cũng đã có nhiều phụ nữ vòng vàng đỏ cổ, móng tay móng chân sơn đỏ chói. Thế mà sao còn những phụ nữ quá trẻ, vóc dáng ốm nhom, da vẻ đen thủi đen thui từ nơi nảo nơi nao thường xuyên trôi giạt về đây cong lưng đẩy bán từng bó gỗ đước, cực khổ trăm bề! Họ trở thành những người xa lạ lạc lõng giữa phố chợ đông đúc làng tôi! Lạc lõng từ dáng vẻ khác biệt đến mặt hàng lỗi thời mà họ rao bán. Vì thế, họ đẩy, họ rao khắp xóm mà chẳng mấy ai mua!
Tôi thầm nghĩ, nếu lỡ đoàn người đẩy gỗ đước đi bán này là những người đã chặt trộm gỗ rừng, hoặc thu mua của những người chặt gỗ trộm đi nữa, thì họ cũng phải chịu rất nhiều gian lao, đáng tha thứ, đáng tạo cho họ điều kiện sống vươn lên hơn là trừng trị. Nếu xã hội tạo cho họ có công ăn việc làm khả dĩ nuôi sống được gia đình, có lẽ họ cũng không dại gì đi ăn trộm gỗ rừng, để vợ con nheo nhóc, lang thang đẩy bán tứ xứ, vừa lắm gian nan lại có thể bị tù tội!
Quan điểm của tôi có thể còn có người không đồng tình, nhưng tôi tin chắc rằng ai thường xuyên thấy cảnh vất vả của những người cong lưng đẩy gỗ đước đi bán tứ xứ như thế đều đồng cảm với tôi.
Sáng nào uống cà phê ở chợ Châu Phú quê tôi, tôi cũng cầu mong mình đừng gặp đoàn người cong lưng đẩy rừng về phố ấy, để tôi khỏi chạnh lòng thương cảm với cảnh làm ăn quá vất vả của họ, nhất là của những người phụ nữ chân yếu tay mềm, để cho ly cà phê của tôi được thơm ngon trọn vẹn hơn…
Thế mà ước vọng của tôi cũng không thành. Tôi vẫn gặp họ thường xuyên!
 
Từ khóa: tac pham. bút ký, ĐBSCL
Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 48


Hôm nayHôm nay : 8975

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 174463

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8320873