Thứ năm 12/09/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Tác phẩm Bút ký vào vòng chung khảo xếp giải Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL năm 2017 tại Long An

Ngày 04/8/2017 tại Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Long An, Ban tổ chức Cuộc thi Bút ký văn học Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 - 2017 đã tiến hành mở công khai phiếu điểm của các giám khảo vòng chung khảo cuộc thi. Kết quả có 12 tác phẩm  được xếp hạng trao giải.
Ảnh minh họa: "Tiềm năng du lịch" của NSNA Duy Bằng

Ảnh minh họa: "Tiềm năng du lịch" của NSNA Duy Bằng

Danh sách 12  tác phẩm  được xếp hạng trao giải:

STT TÊN TÁC PHẨM MÃ SỐ
01 Man mác Vàm Nao 130
02 Trở lại Bình Bắc 057
03 Theo dấu chân Cao Văn Lầu 059
04 Một đời người, một đời biển 085
05 Cây chiêu riêu bảy thân trong rừng Lò Gò 060
06 Nhớ lắm mùa nước nổi quê tôi 108
07 Những người sống giữa hai bầu trời 023
08 Đau đáu sông mẹ 022
09 Chờ đò 080
10 Thương sao một kiếp thương hồ 014
11 Những nẻo đường anh đi 036
12 Phiên chợ Ba Tri 011
 
Từ ngày 07/8/2017 đến 25/8/2017, các tác phẩm có tên trên sẽ được đăng trên Website vannghelongan.vn
Nếu có ý kiến phản hồi xin quý bạn đọc gởi văn bản phản hồi đến Ban Tổ chức Cuộc thi theo địa chỉ:
- Ban Tổ chức Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL năm 2017
Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Long An,
số 44 Nguyễn Huệ, Phường 1, TP Tân An, tỉnh Long An

Hoặc theo địa chỉ mail:
hoivhnt@longan.gov.vn
Nếu sau 15 ngày kể từ ngày đăng tác phẩm, không có ý kiến phản hồi, Ban Tổ chức sẽ công bố kết quả xếp giải và tiến hành tổ chức Lễ Tổng kết trao giải thưởng Cuộc thi.
Ở những bản tin trước, chúng tôi đã đăng 9 tác phẩm vào vòng xếp hạng, tiếp theo đây, vannghelongan giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm còn lại:


Tác phẩm có mã số 080:
CHỜ ĐÒ
 
“Có người gọi tôi: Bà Bảy Nước Tương, bà Bảy Dọn, bà Bảy Đò. Có lẽ cái tên Bảy Đò đã chết danh với đời tôi”- Bà già tám mươi mốt tuổi nói với người lối xóm như vậy.
Những người sống lâu năm trong ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ không xa lạ gì với bà Bảy Đò. Bà tên thật Thái thị Sáng, sanh năm 1928, tính nông dân thật thà, vui vẻ bải buôi nên lối xóm và con cháu ai cũng kính mến. Giờ ở tuổi tám mươi lưng còm, đi đứng chậm chạp nhưng vẫn vui vẻ với mọi người. Bà thường nói: “Đời tui không được giàu nhưng may mắn có sức khỏe tốt, sống qua các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, và qua thời hòa bình. Mắt đã từng chứng kiến cảnh bom đạn chết chóc, giờ cũng thấy được cảnh xóm làng yên vui phát triển thật là hạnh phúc. ”
Bà bảy Đưa Đò thường kể chuyện đời mình cho con cháu nghe thời con gái khi xưa cực khổ vô cùng. Làm nông lúc bấy giờ trồng lúa một vụ ( năm mới thu hoạch), người phụ nữ phải đãm đương công việc cấy lúa, gặt lúa. Cấy lúa giâm sang cấy lúa mùa, vừa dứt tay thì mùa nuớc nổi dâng lên, các kẻ tay, kẻ bàn chân bị nước ăn lở loét hết. Mỗi sáng nấu cơm sớm ăn  cho no bụng để nghe ngóng coi có lính đi càn quét hướng nào để tránh né, hoặc cho các anh em hay để đối phó. Chiều cũng vậy, ăn cơm sớm để chuẩn bị chung xuống hầm trốn bom đạn không bị nhịn đói, vì có những trận pháo tới nửa đêm. Ngày ngày đêm không ngớt tiếng đại bát và máy bay, không biết mình sẽ chết lúc nào, nên lúc nào cũng chuẩn bị “ăn no bụng” có chết không làm ma đói.
Sau ngày hòa bình, bà Bảy đi bán nước tương, nước mắm để nuôi 7 đứa con, vì ông Bảy vừa qua đời. Bà tảo tần hôm sớm nhưng trên môi ngớt nụ cười với mọi người, bà nói: “Đời mình nghèo tiền, nhưng chẳng lẽ nghèo nụ cười sao?”. Nói về cơ duyên đưa đò, bà Bảy thì thầm như tâm sự:
-Bữa đó, trời trưa nắng gắt dòng kinh Thị Đội nước chảy xiết, khi ghe nước tương của tôi vừa tấp vô bến thì chợt thấy có đám học trò năm, bảy đứa ngồi dọc nước trên bến mà mắt cứ trông qua trường học. Bà hỏi: “Trống đánh vô học rồi mà các con sao còn ngồi đây?”
Có đứa mắt ứa lệ, nói:
-Tui con không có xuồng qua sông bà ơi! Trễ học hoài chắc thầy đuổi học quá!
Bà thấy vậy, nói:
-Các con dọn tiếp mấy cái hủ không lên bờ, rồi xuống ghe bà đưa qua sông.
Mấy đứa học trò được qua sông cám ơn bà Bảy không ngớt lời.
Ánh mắt mấy học trò ngồi chờ xuồng qua sông cứ ray rứt lòng bà Bảy, nên bà có đi bán ở đâu cũng nhớ khoảng trưa chèo qua bến cho mấy đứa qua sông. Rồi học trò quen bà Bảy cứ sáng trưa chiều tụ tập ở bến sông nhà bà. Bà tranh thủ đưa các cháu qua sông.
Ông cụ sống ở đây nói với tôi:
-Bên kia con kinh, là trường Tiểu Học ấp Đông Thành, bên này là ấp Đông Thạnh thuộc xã Đông Thuận. Xã thuộc vùng xâu, vùng xa của Cần Thơ, xã giáp với Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá). Vào đầu thế kỷ XX, Cùng một lúc Pháp đào kinh xáng Xà No và tiến hành đào kinh xáng Bà Đầm, kinh Thị Đội này, hình thành đồn điền Bảy Ngàn, do quan Tây Albert Gressier làm chủ. Đồn điền này giáp với Đồn điền Cờ Đỏ cắt một phần diện tích mênh mông đất nông nghiệp vào tay quan Pháp. Đầu kinh xáng là xã Thới Lai (bây giờ là huyện Thới Lai, tp Cần Thơ), cuối kinh giáp  Giồng Riềng-Kiên Giang. Kinh Thị Đội dài 20 km không có cây cầu nào bắt ngang qua sông. Người dân ở miệt này phương tiện chủ yếu là đi xuồng, ghe, lội bộ. Xã Đông Thuận nằm ở cây số thứ 7 đến 20. Học trò vùng này quen với đôi chân đi bộ và rất giỏi bơi lội. Vào tháng giêng nước ròng cạn, dưới kinh chỉ còn vài mét, bọn con trai cởi quần dài lội qua sông, con gái thì ngồi đợi xuồng ai qua lại hỏi quá giang. Có khi đợi hoài không thấy xuồng qua, trễ học, đành ôm tập về nhà, tội nghiệp! Còn mùa nước nổi từ tháng tám đến tháng 10 âm lịch, nước ngập tràn bờ, tràn đầy nhà cửa, học trò năm ba đứa kiếm chiếc xuồng bơi đi học. Thầy cô cũng đi bằng xuống đến trường. Ở xứ này ai có được chiếc xuồng, hoặc chiếc ghe là sang lắm. Bà Bảy may mắn có được chiếc ghe tam bảng nhỏ chở 30 giạ lúa, tương đương sáu trăm ký, là nhứt xứ. Bà Bảy dùng chiếc ghe làm phương tiện đi bán nước tương, nước mắm. Nhờ chiếc ghe này mà bà nuôi bảy đứa con, một mình vừa làm cha, làm mẹ. Bà Bảy có tên là bà Bán Nước Tương, còn tên Bảy Dọn là vì chồng thứ bảy tên Dọn nên có người gọi bà Bảy Dọn.
 
Bà con ở lối xóm đôi lúc nhìn xuống dòng kinh dài “chim cá biệt tăm”, chợ búa xa xôi, mỗi lần đi chợ rất khó khăn, đi từ sớm đến xế trưa mới về tới nhà, ai rảnh rỗi lắm mới đi chợ. Nghề bán nước tương, nước mắm của bà Bảy rất hiếm và đắt, nên người ta thắc mắc hỏi bà Bảy:
-Bà bán nước tương được quá sao đổi nghề chèo đò vậy?
Bà Bảy tâm sự:
-Thấy tôi có chiếc ghe đưa học trò qua sông, nên tụi nó rủ nhau tới bến nhà tôi ngồi đợi (nhà tôi xéo trường học). Có khi tôi không về kịp tụi nó bị trễ giờ, bị thầy cô xử phạt, mấy đứa con trai bỏ đi chơi rong bắt chim cu trong vườn, xao lãng học hành. Thử hỏi ai làm ngơ cho được! Thấy đám học trò nhớ lại tuổi thơ của mình, khi xưa không may mắn được đi học, nên tiếc nuối. Giờ thấy bọn nhỏ được đi học như thấy chính mình được đi học. Và tự thấy mình như có trách nhiệm với nó không cho nó dốt, nên tôi đi bán đâu cũng tranh thủ về đúng giờ đưa tụi nhỏ qua sông. Phụ huynh nghe chuyện tôi tranh thủ mua bán đưa học trò qua sông rủ nhau đến nhà động viên tôi đưa đò. Bị thôi thúc tình cảm, và nhớ việc thất học của mình khi xưa, nên tôi hứa.
Nước tương, nước mắm của bà Bảy được dọn lên bờ, thay vào đó bà đóng hai cái băng hai bên be ghe làm chỗ ngồi cho học sinh ngồi êm. Thầy cô cũng đến bến tôi qua sông. Tôi không lấy tiền học trò, không lấy tiền thầy cô, không lấy tiền cán bộ. Mấy chú ở xã thấy vậy khuyên tôi lấy tiền. Tôi nói:
-Khi còn chiến tranh, tôi nuôi chứa cán bô, bộ đội nguy hiểm, bị đánh đập tù đày mà tôi không ngại, giờ lấy tiền mấy cháu sao nở.
Biết bà Bảy không lấy tiền nên có người chủ trương mua chai lấp vò chiếc ghe bà Bảy mỗi khi rịn nước, hoặc giúp đỡ những phương tiện khác cho bà. Từ đó tôi có tên là Bà Bảy Đưa Đò.
Lâu ngày chiếc ghe tam bảng hư mục tôi mua xuồng chèo “năm quăng” là loại xuồng đóng miệt Chợ Mới –An Giang bằng loại cây tạp, nên gọi là “năm quăng” có nghĩa đi được 1 năm rồi bỏ. Dù là cây tạp nhưng tôi kỹ lưỡng chèo được hai năm mới bỏ.
Có người hỏi bà Bảy đưa đò được bao nhiêu năm rồi, bà nói :
-Năm thì tôi không nhớ rõ lắm, nhưng đã qua một xác ghe bằng sao và 7 chiếc ghe “năm quăng”. Chuyện tôi nhớ được, đưa học trò lúc nó mới đi học mà giờ có đứa làm tới Hiệu trưởng, có gia đình vợ con, con nó cũng vào trường, tôi lại đưa qua sông. Nơi bến sông này, tôi đã chứng kiến rất nhiều đứa học trò lúc còn con nít nay đã thành người lớn.
Để nhớ ơn nghĩa các thầy cô đem chia sớt cho tôi nhứt là lễ tết, tết Thầy cô,  các thầy cô không quên ghé nhà để hỏi thăm và tặng lại những phần quà mà cô thầy có được. Tôi vui không gì tả nổi. Hạnh phúc lắm không sao nói được nên lời!
Quê hương xứ sở ngày một phát triển, xóm ấp ngày một phất lên giàu có, học trò và khách qua sông cũng ngày một đông hơn, thầy cô bàn cùng chính quyền góp tiền đóng cho tôi chiếc trẹt chở được nhiều người và qua lại cho vững, an toàn, gắn máy đuôi tôm cho tôi khỏi phải chèo. Một hôm trời mưa từ trẹt bước lên bến bà bị trợt chân té cấn xương đùi phải đi nằm bệnh viện. Khi trở về bà Bảy yếu sức, bước đi chậm chạp nên kêu thằng con trai thay đưa đò.
Sợ bỏ bê học trò qua sông tôi bắt ghế ngồi tại bến đò để nhắc nhở con tận tình trong việc đưa đò. Có người nói:
-Bà Bảy già như lẫn, cứ ngồi bến sông trông ngóng từng chuyến đò qua lại.
Bà đỉnh chính:
-Tôi không lẫn đâu? Nhưng kể ra như lẫn vì cớ sao mỗi ngày mà không thấy được các cháu qua sông, không thấy con đò qua lại trên bến lòng buồn rười rượi, nên bắc ghế ngồi để trông thấy con đò, thấy đám học trò là lòng vui lắm! Và cũng sợ thằng con trai ham chơi bỏ lỡ những chuyến qua sông, tội nghiệp học trò.
Dòng kinh rám nắng, gió thổi suốt mùa. Bà Bảy bắc ghế ngồi bên bến trông chờ từng chuyến đò qua lại. Cô cán bộ xã kể chuyện:
-Ngày xưa con là một trong những đứa học trò được bà Bảy đưa qua sông mỗi buổi đến trường. Thời đó, nỗi sợ nhứt của đám học trò là chờ đò. Chờ có khi trống đánh vô học, rồi tan học mà chưa có xuồng quá giang qua sông. Từ khi có bà bảy đưa đò tụi con mới yên tâm đi học. Hầu hết học trò lúc ấy ai cũng cảm mến bà Bảy hơn cả người thân. Thương bà bảy những lúc tan học trời mưa tầm tả, bà không ngại ướt lạnh đội nón chèo qua rước tụi con về. Thấy vậy, tui con nói: “Sao bà không để tạnh mưa”. Bà Bảy cười: “Chờ tạnh mưa tạnh biết chừng nào, các con tan học đói bụng cần về nhà”. Còn những khi mùa nước đổ chảy siết lại thêm gió ngược, chiếc ghe chở đầy học sinh nặng nề nhích từng mái chèo nhưng bà không một tiếng than phiền. Ngược lại bà vẫn vui kể chuyện đời cho tui con nghe, và khuyên các con ráng học để mai sau nên người. Tính ra, bà Bảy chèo đò xuyên suốt 30 năm- 1980 đến năm 2012, sau lần chân bị té bà yếu đi đứa con trai thay bà đưa đò. Trên chặn hành trình qua lại của con đò, bà đã nối bước đi lên cho hàng ngàn hàng vạn lượt học sinh, có nhiều đứa lên tỉnh thành làm quan chức, làm công ty xí nghiệp nên giàu có, về thăm quê bằng xe 7 chỗ bóng lộng. Con đò giờ đã thay bằng chiếc trẹt, có gắn máy đuôi tôm, người lái đò cũng đã thay đổi.
Những sáng, những chiều bà Bảy thường ngồi bất động bên bến đò, mắt nhìn xuống dòng kinh không rời con đò, có người hỏi:
-Bà ngồi đây chi vậy?
Bà Bảy trả lời:
-Chờ đò! Chờ đò qua sông rồi quay trở lại. Chờ những tốp học trò có đôi mắt thơ ngây mong về bên vòng tay mẹ và mâm cơm đang đợi.
Người ta không để ý đến câu nói của bà, hỏi tiếp:
-Bà vô nhà nằm nghỉ ngơi cho khỏe, ngồi đây chi cho nắng gió?
-Nằm nhà buồn lắm! Ngồi đây vậy mà thấy vui, bữa nào mưa gió ra không được, nhớ con đò và dòng kinh ơi là nhớ!
 
Kinh Thị Đội dài ngót hai mươi cây số giờ đã có cầu, xa xa có đò qua ngang. Nắng gió bốn mùa thổi suốt, nhưng bên cạnh đó luôn chan chứa một hồn quê nặng tình đối với đám học trò “chờ đò” và hình ảnh của bà Bảy trên bến  đã in sâu vào ký ức khó quên!


Tác phẩm có mã số 057:
TRỞ LẠI BÌNH BẮC
 
      Tháng 6 năm 2015, một số nghị sĩ thuộc đảng đối lập bên Campuchia đã lôi kéo hàng ngàn người đến khu vực biên giới giáp ranh ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An tạo nên sự kiện “cột mốc 203” gây xôn xao dư luận. Những kẻ quá khích đã tấn công thường dân Việt Nam, làm bị thương nhiều người, vùng biên giới yên bình bỗng chốc “dậy sóng”. Hơn một năm sau, tôi trở lại ấp Bình Bắc và nhận ra rằng, không một thế lực phản động nào có thể xâm hại đường biên giới hòa bình, phá hoại tình đoàn kết, hữu nghị của người dân sống hai bên đường biên.
       Con đường từ thị xã Kiến Tường đến xã Bình Hòa Tây (huyện Mộc Hóa) giờ đã phẳng phiu, sạch sẽ chứ không còn lầy lội như cách đây hơn một năm. Từ trung tâm xã, đi thêm hơn mười cây số, chủ yếu là đường ruộng, đường đê, qua khoảng chục cây “cầu khỉ”, tôi đến ấp Bình Bắc, nơi có cột mốc biên giới 203. Tôi tìm đến thăm người quen cũ là ông trưởng ấp Mười Phương. Nhận ra nhà báo đã từng ở bên ông trong mấy ngày “sóng gió”, ông Mười rất vui. Ông đón người bạn cũ là tôi bằng tiệc nhậu đậm chất biên giới: Cháo gà nấu với nấm tràm, một loại nấm mua của người dân bên nước bạn; uống rượu đế ngâm thảo dược, cũng được mua từ bên kia biên giới. Tôi là người uống rượu không kém cõi gì, nhưng so với ông Mười Phương thì tôi chỉ đáng là “đệ”, dù ông Mười năm này đã ngoài năm mươi tuổi. Ông uống rượu rất ít đưa cay, chỉ thỉnh thoảng gắp một miếng nấm tràm nhỏ bằng ngón tay út bỏ vào miệng như cho có lệ. Lần đầu ăn nấm tràm, tôi thấy đăng đắng, nhưng đằng sau vị đắng là vị ngọt, thơm, lạ miệng, càng ăn càng thích. Như bao người dân ấp Bình Bắc, ông Mười Phương sống bằng nghề nông, nhưng công việc chiếm nhiều thời gian của ông là làm “trưởng ấp”. Gia đình ông có sáu hecta ruộng, ông giao hết cho vợ con ông cánh tác, cần thì mướn thêm công, còn ông suốt ngày lo công việc trưởng ấp và... bảo vệ biên giới. Ông không nhớ mình đã được bầu làm trưởng ấp bao nhiêu lần, chỉ nhớ đã làm nhiệm vụ này tổng cộng hơn mười sáu năm. Vừa mở nắp chai rượu thứ hai (loại nửa lít), ông vừa nói: “Làm trưởng ấp lương ít, nhưng được cái là nhậu nhiều. Trong xóm có đám tiệc gì bà con cũng mời. Bà con quý mình mới mời, không đi không được, mà đi thì phải nhậu. Nhờ vậy mà bà con thương, hỗ trợ trongcông việc. Tôi năm nay ngoài năm mươi tuổi, hồi trước uống được hơn lít, giờ còn chừng… ba xị”. Ông Mười cho biết, làm trưởng ấp ở vùng biên rất cực, vì ngoài công việc như bao nơi khác, còn phải làm “ngoại giao”, rồi tham gia bảo vệ biên giới… “Bà con trong ấp không cho tôi nhậu nhiều, sợ tôi có bề gì thì lấy ai làm trưởng ấp”, ông Mười vừa nói vui vừa cạn ly “xây chừng” rất ngọt.
       Câu chuyện giữa chúng tôi trở lại vụ những kẻ quá khích bên kia biên giới gây ra sự kiện “cột mốc 203” hồi năm ngoái. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do có kẻ có vai vế nhưng không hiểu chuyện bên Campuchia cho rằng đất ở ấp Bình Bắc là thuộc lãnh thổ của Campuchia bị Việt Nam lấn chiếm. Là người có gia đình ba đời định cư ở đây, hơn ai hết, ông Mười Phương hiểu rõ lịch sử vùng đất này. Ông kể: “Vùng Đồng Tháp Mười mỗi năm ngập lụt ba bốn tháng, có nhiều giồng đất cao ráo, ít bị ngập, đó là nơi người dân chọn định cư từ bao đời qua. Ấp Bình Bắc là một giồng như vậy. Ngay từ khi hầu hết vùng Đồng Tháp Mười còn hoang hóa, nơi đây đã có nhiều người sinh sống, tạo thành xóm ấp. Ông cố tôi người Tiều (gốc Hoa) cưới bà cố tôi người Việt, lập nghiệp bên Campuchia. Đến đời ông nội tôi về đây cưới vợ ngưởi Việt, khai hoang ruộng đất. Nhờ ông bà để lại, bây giờ tôi có sáu hecta ruộng trồng lúa, mỗi năm hai vụ. Những kẻ quá khích bên kia biên giới cho rằng ta lấn chiếm đất họ trong thời gian chiến tranh là không có cơ sở, họ không rành vùng đất này”. Như vẫn chưa hết ấm ức về sự ngang ngược của những kẻ quá khích bên kia biên giới, ông Mười Phương nói rành rọt: “Họ là những kẻ đến từ PnomPenh, không biết chút gì về vùng đất này, về đây quấy rối, chứ người dân nước bạn ở bên kia đường biên thì quá rành lịch sử vùng đất, không ai để cho bị lôi kéo làm chuyện quấy”. Ông Mười cho biết, người dân ở bên kia biên giới rất tốt, nhiều người là bạn ông, các ông thỉnh thoảng qua lại thăm viếng nhau, ông nói được tiếng Campuchia. “Sự thật vẫn là sự thật, những kẻ quá khích không lôi kéo được người dân tại chỗ, chứng cứ lịch sử quá rõ ràng, nên cuối cùng họ phải im lìm rút lui. Anh yên tâm đi, có tận mắt chứng kiến bà con mình thể hiện lòng yêu nước, tôi tin rằng sẽ chẳng ai có thể xâm phạm được tấc đất nào của Tổ quốc!” – ông Mười chia sẻ.
        Tôi đã lần đầu tiên có mặt ở ấp Bình Bắc vào sáng ngày 19 tháng 7 năm 2015 khi tình hình ở khu vực biên giới quanh cột mốc 203 đang căng như sợi dây đàn. Sáng hôm ấy, theo xúi giục của những nghị sĩ đối lập bên Campuchia, gần hai ngàn người dân nước bạn từ thủ đô Phnom Penh di chuyển tới khu vực biên giới nơi có cột mốc 203. Sau đó, một nhóm khoảng tám trăm người di chuyển tới sát khu vực biên giới, gần cột mốc 203. Cánh báo chí chúng tôi chỉ được phép đứng cách xa cột mốc khoảng năm trăm mét để quan sát tình hình. Người dân ấp Bình Bắc cũng vậy, được yêu cầu đứng cách xa khu vực cột mốc và không có bất cứ hành động khiêu khích nào. Tôi nhận ra những ánh mắt sáng rực lòng quyết tâm bảo vệ biên cương tổ quốc của những người dân vùng biên. Theo sự thống nhất của chính quyền hai tỉnh Long An và Svay Rieng, các lực lượng chức năng của hai bên đã được triển khai tại khu vực trên để giữ gìn an ninh trật tự, ổn định tình hình. Hai bên thỏa thuận, chỉ cho phép khoảng một trăm người Campuchia đến cột mốc 203 trong trật tự và không được đi qua lãnh thổ Việt Nam. Sau một ngày không khí căng thẳng như dây đàn, vào khoảng hơn mười bảy giờ cùng ngày, sau khi được các cơ quan chức năng hai bên tuyên truyền, vận động, nhóm tám trăm người dân nước bạn nói trên đã rời khỏi khu vực biên giới, trở về trong nội địa Campuchia. Vụ việc cơ bản được cơ quan chức năng Việt Nam và Campuchia giải quyết ổn định, an ninh trật tự được đảm bảo trên tinh thần hữu nghị, hợp tác giữa hai bên.
       Trước đó gần một tháng, vào ngày 28 tháng 6 năm 2015, tại địa điểm gần cột mốc 203 có hơn hai trăm người Campuchia tụ tập rồi tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Khi họ đi sâu vào phần đất do Việt Nam quản lý, có khoảng hai mươi người dân âp Bình Bắc đứng chắn lại, giải thích, không cho họ tiến thêm vào. Nhưng họ vẫn tiếp tục tiến tới, rồi bất ngờ dùng cán cờ, gậy gộc, mũ bảo hiểm… tấn công người dân ấp Bình Bắc. Vụ xô xát đã làm bảy người dân ấp Bình Bắc bị thương, trong đó người bị nặng nhất bị kẻ gây rối dùng cây đánh vào đầu, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, khâu bảy mũi. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong nhóm người Campuchia gây rối có sự tham gia của một số nghị sĩ đảng đối lập Campuchia CNRP. Nhưng cũng nhờ có vụ gây rối này mà chúng ta có dịp chứng kiến lòng yêu nước vô bờ của những người con đất Việt nơi phên dậu Tổ quốc.
       Bây giờ, không chỉ ở ấp Bình Bắc, mà cả xã Bình Hòa Tây và huyện Mộc Hóa, hầu như ai cũng biết về anh Nguyễn Văn Lâm, người đã dũng cảm tay không ngăn nhóm người quá khích xâm nhập trái phép lãnh thổ Việt Nam. Anh là người bị thương nặng nhất trong số bảy người bị thương trong vụ gây rối nói trên. Anh Lâm năm nay ba mươi sáu tuổi, dáng người vạm vỡ của anh nông dân lực điền. Anh có vợ và hai con, đứa lớn học lớp bảy, đứa nhỏ lớp ba. Như nhiều đứa trẻ trong vùng, anh cũng nghỉ học sớm khi mới hết cấp một, ở nhà làm ruộng, rồi cưới vợ. Được cha mẹ cho ra riêng với bốn hecta ruộng, nhờ chí thú làm ăn, vợ chồng anh cất được nhà tường, mua máy cày. Vợ anh lo chuyện ăn uống, học hành cho mấy đứa con, còn anh một mình canh tác bốn ha ruộng, mỗi năm hai vụ lúa, từ cày đất, gieo sạ, tới rải phân, xịt thuốc, thu hoạch… Nhắc về vụ việc ngày 28 tháng 6, anh Lâm nhớ lại: “Trước đó vài ngày vợ tôi bị tai nạn giao thông khi đi rước con, phải nằm bệnh viện điều trị. Lúc đó tôi đang nuôi vợ trong bệnh viện, còn hai đứa con nhỏ thì gửi bên dì. Nghe bạn bè trong xóm điện thoại báo có kẻ xấu lấn vào đất ta, tôi vội vàng chạy xe về ấp. Tôi cùng những anh em thanh niên trong ấp đứng dàn hàng ngang không cho họ lấn tới, lựa lời giải thích cho họ. Rồi chúng tôi bị họ tấn công. Anh em chúng tôi nói với nhau cố gắng đỡ đòn chứ không đánh trả. Một người trong họ đã dùng cây đánh trúng đầu tôi, máu chảy đầm đìa, tôi được bà con đưa đi cấp cứu ở bệnh viện”. Anh cho biết, lúc ấy cảm thấy như máu trong người sôi lên, cảm giác tình yêu quê hương đất nước dâng trào, chỉ có Tổ quốc là trên hết, các anh không sợ hi sinh, không ngại thương tích, quyết tâm bảo vệ biên giới… Trong câu chuyện với nhà báo, anh Lâm thường nhắc về chú Mười Phương, người luôn quan tâm chăm sóc cuộc sống gia đình anh và bà con trong ấp. Anh cho biết cũng thường được tham dự các cuộc sinh hoạt do ban tự quản ấp và Đồn Biên phòng 873 tổ chức, nhờ đó mà thường xuyên nắm được tình hình, hiểu rõ thủ đoạn của kẻ xấu, nâng cao cảnh giác, ý thức bảo vệ biên giới.
        Tiệc rượu giữa tôi và trưởng ấp Mười Phương rồi cũng tàn sau khi chai rượu thứ hai đã cạn đáy. Người nhà của ông Mười đã chuẩn bị sẵn chỗ ngủ cho tôi tự bao giờ. Dù đã say rượu, tôi vẫn khó đi vào giấc ngủ, không phải do lạ chỗ (cánh nhà báo mà), mà có lẽ do đêm vùng biên gợi lên nhiều cảm xúc, nhiều ám ảnh. Đêm ở Bình Bắc yên tỉnh lạ thường. Nếu không có sự kiện “cột mốc 203” hồi tháng 6 năm 2015, có lẽ cả đời nhiều người dân ấp Bình Bắc không biết đến xung đột là gì. Tôi để ý, đêm ngủ nhà ông Mười Phương không cần đóng cửa, điều đó xác nhận tình hình an ninh trật tự nơi đây ổn định như thế nào. Sau một đêm khó ngủ, sáng hôm sau tôi được ông Mười Phương đưa đi thăm lại cột mốc lịch sử 203. Trên địa bàn xã Bình Hòa Tây có hai cột mốc mang số hiệu 202 và 203, cách nhau khoảng ba cây số. Nếu vạch một đường thẳng nối hai cột mốc, thì ấp Bình Bắc nằm cách đường thẳng ấy gần cây số. Gần như nằm đối xứng với ấp Bình Bắc ở bên kia đường biên là ấp Pray Vo, thuộc xã Tà Nốt, huyện Kompong Ro, tỉnh SvayRieng, Vương quốc Campuchia. Có một con đường mòn nhỏ xuyên ngang đường biên, cách cột mốc 203 khoảng bốn trăm mét, nối hai ấp Bình Bắc và Pray Vo, là con đường người dân hai bên biên giới qua lại thăm viếng, giao thương từ bao đời qua. Ông Mười Phương đưa tôi theo con đường mòn nhỏ đó đi ra biên giới, rồi xắn quần lội ruộng, cùng một chiến sĩ biên phòng đến bên cột mốc 203. Những bước chân nhẹ nhàng, bồi hồi, xúc động tiến đến cột mốc! Không dự định trước, tôi bất giác đứng tựa vào cột mốc 203 như tựa vào núi sông hùng vĩ của đất nước. Tôi đã không có cơ may như ông Mười Phương, như anh Nguyễn Văn Lâm, những người dân ấp Bình Bắc, đã dũng cảm dang tay bảo vệ biên giới đất nước, thì đây chút tình cảm của người được sống yên bình sâu trong nội địa, nhờ vào sự kiên định của cột mốc tiền tiêu.
       Rời khỏi cột mốc 203, ông Mười Phương đã đưa tôi sang ấp PRayVo, xã Tà Nốt, để thăm người quen. Chúng tôi đã gặp một lão nông cố cựu tên là Tà Chanh, người đã gắn bó với vùng đất này gần một thế kỷ. Nhắc về vụ lộn xộn quanh cột mốc hồi năm rồi, ông Tà Chanh bức xúc nói: “Vụ cột mốc 203 hồi năm rồi là do một người dựng lên để mưu lợi cá nhân”. Cụ thể là Khemkharin, con rể của ông Tà Xướng, một đồn phó biên phòng của Campuchia và là thành viên của Đảng CNRP, dựng lên chuyện vùng ruộng Gò Chùa bên ấp Bình Bắc vốn là đất của ông nội ông Tà Xướng, tức ông cố vợ Khemkharin(?). Ông Tà Chanh kể: Vào những năm mươi của thế kỷ trước, ông Tà Xướng (có họ hàng với ông Tà Chanh) cùng cha ruột là Tà Un đã sang thuê đất bên Việt Nam ở Gò Chùa của bà Ký, một địa chủ ở Bình Bắc, để làm ruộng. Đến năm 1966 thì việc thuê ruộng kết thúc do chính quyền Sài Gòn dồn dân lập ấp, đưa người dân Bình Bắc vào khu vực Bình Hiệp. Đất ruộng Gò Chùa bỏ hoang cho tới sau năm 1975 mới có người khai hoang lại. Khi còn sống ông Tà Xướng không hề cho rằng phần ruộng bên Gò Chùa là của mình, mãi đến năm 2012 khi ông qua đời thì người con rể Khemkharin bắt đầu kiếm chuyện, đòi Việt Nam trả lại đất Gò Chùa của cha vợ mình, nhưng thực tế là đòi cho chính vợ chồng anh ta. Ông Tà Chanh nói: “Khemkharin ở tận đâu đâu làm sao hiểu chuyện nơi đây bằng bà con ấp PrayVo. Những người kéo vô vùng biên này quấy rối đều là người Phnom Penh và các tỉnh xa, họ không biết gì hết, còn dân xóm PRayVo thì không ai tham gia vì chúng tôi quá rành mọi chuyện. Bà con ấp PrayVo chúng tôi và người dân bên ấp Bình Bắc thân thiết như là ruột thịt, chúng tôi không nghe kẻ xấu xúi giục”.
      Trở ra đường biên, tôi đã gặp một gia đình nông dân canh tác lúa quanh cột mốc 203. Đó là hộ ông Nguyễn Văn  Tâm, nhà trong ấp Bình Bắc, có  ruộng gần cột mốc 203. Ông Tâm cùng đứa con trai chạy chiếc máy cày chở theo phân và chiếc máy xịt thuốc trừ sâu. Cha con ông che bạt trú nắng trên bờ ruộng để rải phân, xịt thuốc cả ngày, buổi trưa không về nhà. Ông Tâm cho biết, vụ lúa đông xuân vừa qua ruộng của ông đạt năng suất 8 tấn/ha; còn vụ hè thu này lúa đang ngậm đòng, năng suất có thể thấp hơn chút ít. Anh nghe cha mẹ kể lại, số ruộng này do ông bà khai khẩn từ cả trăm năm trước, khi vùng này còn là “cánh đồng hoang” đầy cỏ tranh, cây tràm, lau sậy. Cách ruộng ông Tâm không xa, ở bên kia biên giới, những người nông nước bạn cũng đang miệt mài trên thửa ruộng của mình. Ông Tâm kể: “Vì vùng này ở cả hai bên biên giới đều đất rộng người thưa, nên người nông dân thường làm “vần công” cho nhau. Đầu vụ, tôi sang cày ruộng giúp bà con bên ấy. Đáp trả lại, bà con bên ấy giúp tôi gieo sạ, diệt chuột... Người nông dân hai bên luôn gắn bó, sống hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau. Hổng hiểu sao hôm rồi lại có những người lạ tới kiếm chuyện. Không chỉ chúng tôi, mà bà con bên ấp Pray Vo cũng rất bất bình, họ nói với nhau là không tham gia cùng nhóm người lạ gây rối”.
        Trong buổi sáng hôm ấy ở biên giới, tôi chứng kiến cảnh người dân hai bên qua lại biên giới thăm viếng, làm ăn một cách yên bình, thân thiện. Một  người dân ấp Pray Vo cho biết, ông qua ấp Bình Bắc rồi đi sâu hơn, vào chợ Mộc Hóa, Kiến Tường để mua các loại hàng tiêu dùng mà ông rất thích do mẫu mã phong phú, giá cả phải chăng. Một người dân tên Trần Văn Tươi ở ấp Bình Bắc cho biết, ông qua Tà Nốt tìm mua nấm tràm, nấm mối và các loại thổ sản khác ở bên kia biên giới để đem về Mộc Hóa bán kiếm lời. Các chiến sĩ trực Chốt biên phòng gần cột mốc 203 (của ta và bạn) luôn tạo điều kiện thuận lợi để bà con hai bên qua lại giao thương với nhau. Buổi sáng hôm ấy tôi quan sát thấy trên đường mòn qua đường biên có nhiều người đang trao đổi mua bán bò “vỗ béo”. Chị Lê Thị Em, một người chuyên mua bán bò ở ấp Bình Bắc, cho biết: “Bà con bên Tà Nốt nuôi bò đẻ rất nhiều, bò con luôn đầy đàn, trong khi đồng cỏ thì ít, thức ăn cho bò cũng không phong phú, nên bò lớn lên thường bị còi, bán không có giá. Chúng tôi mua lại, đem bò về “vỗ béo” một vài tháng rồi bán cho thương lái chở vào tiêu thụ trong nội địa”. Chị Em cho biết ở ấp Bình Bắc có nhiều gia đình làm nghề “vỗ béo” bò như vợ chồng chị. Nhờ nguồn bò bên Tà Nốt mà nhiều gia đình ấp Bình Bắc có “đồng ra đồng vào”; ngược lại, cũng nhờ “đầu ra” phong phú ở ấp Bình Bắc mà nghề nuôi bò đẻ của bà con ấp Pray Vo phát triển mạnh.
      Trên đường từ biên giới trở vào ấp Bình Bắc, tôi ghé thăm nhà chị Lê Thị Em, một ngôi nhà tường mới cất ở cuối ấp, tôi thật sự bất ngờ trước đàn bò mấy chục con của anh chị đang nhai cỏ trong chuồng. Không chỉ có vậy, còn có một đàn bò khác đang được người chồng dắt đi ăn cỏ ở gần đó. Có một người đàn ông đang cần mẫn chăm sóc đàn bò, dọn dẹp chuồng bò. Chị Em cho biết đó là người bạn ở bên ấp Pray Vo qua làm công giúp chị. Ông tên là Som Chol, ngoài bốn mươi tuổi, chuyên giúp vợ chồng chị Sáu Em tìm nguồn bò để mua, rồi giúp chăm sóc, “vỗ béo” bò cho tới khi xuất chuồng. Hàng ngày ông Som Chol đi xe đạp từ Pray Vo qua Bình Bắc giúp việc cho vợ chồng chị Sáu Em, buổi trưa ăn cơm cùng gia đình, chiều tối quay về bên kia biên giới. Chị Sáu Em nói: “Hầu hết bà con người Khmer đều thật thà, làm việc cần mẫn, hết lòng vì người khác. Ngược lại, chúng tôi luôn tôn trọng họ, trả công xứng đáng, có lợi nhuận cùng san xẻ. Cộng tác nhau đã lâu, giữa chúng tôi chưa xảy ra chuyện gì không hài lòng”.
       Tôi để ý có một hình ảnh rất lạ ở khu vực cột mốc 203, đó là giữa đồng lúa mênh mông bát ngát, bỗng nổi lên một vườn dừa rộng khoảng một hecta. Sự tò mò đã dẫn tôi đến thăm khu vườn dừa. Chủ khu vườn là ông Huỳnh Văn Đời, người quê gốc huyện Củ Chi – Thành phố Hồ Chí Minh, về đây lập nghiệp sau ngày miền Nam giải phóng. Nhà ông Đời ở trong ấp Bình Bắc, còn vườn dừa ông mới lập trên ruộng trồng lúa của gia đình. Ông Đời kể, lúc vợ chồng ông đến đây, vùng này còn hoang hóa, đầy cây tràm và cỏ dại. Vợ chồng ông vừa khai hoang vừa canh tác, lấy ngắn nuôi dài, tích lũy mua thêm ruộng, đến nay được tổng cộng mười hecta. Ông Đời kể: “Làm ruộng cũng được, tuy không giàu có, nhưng cũng không đến nỗi nghèo. Một lần qua chơi nhà người bạn bên xã Tà Nốt, tôi đã nảy sinh ý tưởng làm ăn mới”. Đó là lần ông Đời qua nhà người bạn Som Chan bên Tà Nốt chơi nhân ngày tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của bạn. Ông thấy bên đó người dân rất thích uống nước dừa, dù giá không hề rẻ, do phải chở đường xa từ miền biển về, bên Campuchia cũng không trồng nhiều dừa. Ông tự hỏi, vùng Đồng Tháp Mười có trồng dừa được không? Nếu trồng được, đem “xuất khẩu” qua Campuchia, ắt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Nghĩ là làm, năm 2012 ông Đời liên liếp trồng dừa trên diện tích một hecta đất trồng lúa. Ông lặn lội đi tận tỉnh Bến Tre để học kỹ thuật trồng dừa, cách chống đuôn đuôn, cách trừ chuột phá hoại… Cũng như lúa, dừa cần nhiều nước, ông Đời kéo điện, khoan giếng bơm nước cho luôn ngập các mương dừa. Cuối năm 2014, vườn dừa nhà ông Đời cho đợt đầu, ông đem bán qua biên giới, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa. Ông Đời kể: “Người mua bên Tà Nốt không mua dừa theo quày, tính theo chục như thói quen của dân mình. Họ vặt ra từng trái, đếm trái tính tiền, rồi bỏ vào bao rồi chở về Tà Nốt tiêu thụ. Dừa tôi trồng ra bao nhiêu bán cũng hết, bởi thị trường thật rộng lớn”. Hôm tôi đến thăm vườn dừa ông Đời, cũng là lúc ông khởi công mở rộng vườn dừa thêm ba công đất lúa. Người giúp ông mở thêm diện tích dừa không ai khác, đó chính là người bạn Som Chan bên xã Tà Nốt. Nhìn những liếp dừa trồng ngay hàng thẳng lối, cây nào cũng trĩu quả, hứa hẹn một mùa bội thu, tôi nhận ra rằng đó chính là thành quả của mối quan hệ keo sơn, tình hữu nghị lâu đời của người dân sống hai bên cột mốc 203, mà ông Đời chỉ là một trường hợp!
      Trở vào ấp Bình Bắc, tôi định chia tay ra về, gặp lúc ông Mười chuẩn bị đi đám giỗ nhà một người dân trong xóm, ông rủ tôi cùng đi đám giỗ cho vui, cũng là để hiểu thêm tình hình, đời sống của bà con. Lòng hiếu kỳ đã níu chân tôi lại ấp Bình Bắc thêm một buổi, nhưng tôi không dám nhậu vì đường về còn xa. Nhìn cảnh bà con trong đám giỗ đon đả chào mời ông trưởng ấp, tôi hiểu ở ấp vùng biên này ông Mười Phương rất có uy tín với bà con. Khác với hình dung của tôi, tiệc giỗ ở nơi đây không có cảnh uống rượu bét nhè như tôi từng chứng kiến ở những xóm ấp vùng sâu vùng xa khác mà tôi từng đi qua. Cũng là ly “xây chừng” chuyền tay nhau một cách nghĩa tình, nhưng thay cho cảnh “rượu vào lời ra” là câu chuyện làm ăn, trao đổi kỹ thuật canh tác lúa, nuôi bò, nuôi cá…của bà con. Và cả câu chuyện bảo vệ biên giới yên bình. Trong tiệc giỗ hôm ấy có cả những vị khách đến từ xã Tà Nốt ở bên kia biên giới, họ cũng cụng ly một cách vui vẻ với những người bạn ở ấp Bình Bắc. Tôi chia tay mọi người ra về, ông Mười Phương tiễn tôi và nói như trấn an: “Nhà báo yên tâm đi, bà con ở hai bên biên giới rất thân thiện, gắn bó từ bao đời. Không có kẻ xấu nào đến đây gây chia rẻ, phá hoại tình đoàn kết đó được đâu. Chúng tôi sẽ giữ cho biên giới mãi mãi yên bình, hữu nghị như từ bao đời qua!”.

 

Hồng Quế

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 57

Máy chủ tìm kiếm : 23

Khách viếng thăm : 34


Hôm nayHôm nay : 3170

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 109311

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10333397