Sáo trúc được đánh giá là một trong những nhạc cụ khó học, khó chơi nên rất ít nghệ nhân trong tỉnh chơi loại nhạc cụ này. Nghệ nhân ưu tú Đoàn Thanh Việt đã đạt trình độ chơi thuần thục để hòa tấu cùng dàn đờn của đờn ca tài tử
Tiếng sáo vi vu như làm dịu bớt cái nắng oi. Chỉ riêng về sáo, nghệ nhân có cả bộ sưu tập hơn 10 cây. Mỗi cây có một âm vực khác nhau, tạo nên những bản nhạc cũng khác nhau.
Nghệ nhân nâng niu từng cây sáo trúc rồi giải thích: “Người ta có thể lên dây cho đờn nhưng sáo thì không, nên muốn tiếng sáo hòa hợp với dàn đờn thì chỉ có cách chọn cây sáo cho phù hợp mà thôi!”. Đó là lý do vì sao bộ sưu tập sáo của nghệ nhân lại “lấn át” hẳn các nhạc cụ khác.
Sáo trúc được đánh giá là một trong những nhạc cụ khó học, khó chơi nên rất ít nghệ nhân trong tỉnh chơi loại nhạc cụ này. Nghệ nhân ưu tú Đoàn Thanh Việt đã đạt trình độ chơi thuần thục để hòa tấu cùng dàn đờn của ĐCTT. Nói về điều đó, nghệ nhân cho rằng, không phải ông tài giỏi hơn người khác mà bởi vì ông có sự hứng thú đặc biệt trong việc tìm tòi “chinh phục” các loại nhạc cụ mới.
Ông nói: “Tôi đặc biệt thích học chơi nhạc cụ. Hồi nhỏ, tôi được cha dạy ghita, rồi học thêm đờn kìm. Khi đã vững nhạc lý và ĐCTT, tôi lại muốn học thêm nhiều loại đờn khác, vậy là mày mò tự học. Thuần thục được loại đờn này thì tôi học tiếp loại đờn khác. Chủ yếu là học trên mạng, qua bạn bè, loại nào khó quá thì học thầy”.
Giờ đây, Nghệ nhân ưu tú Đoàn Thanh Việt có thể chơi được đờn ghita, đờn tam, đờn kìm, đờn bầu, đờn cò, sáo,... Và sáo trúc vẫn được xem là thế mạnh của nghệ nhân bởi rất ít người, kể cả trong và ngoài tỉnh, có thể sử dụng thông thạo và hòa tấu cùng dàn đờn tài tử như ông.
Với nghệ nhân Thanh Việt, được học và chơi đờn cho ĐCTT là một đam mê mãnh liệt. Mỗi ngày, dù bận bịu cỡ nào, ông cũng dành ít thời gian bầu bạn với cây đờn, tiếng sáo. Khi đã ở độ tuổi lục tuần, việc học mới nhạc cụ trở nên khó khăn thì nghệ nhân cố gắng giữ gìn những gì mình có được. Ông vẫn tập luyện mỗi ngày để luyện ngón đờn và giữ những gì học được không mai một.
Trong căn nhà nhỏ của ông, nổi bật nhất có lẽ chính là giấy khen, bằng khen về thành tích đã đạt trong lĩnh vực ĐCTT và hàng loạt nhạc cụ được treo trang trọng giữa nhà. Ngắm nghía "gia tài" của mình, nghệ nhân chia sẻ: “Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại say mê ĐCTT đến vậy! Trước đây, cha tôi có đi nhạc lễ, nhưng anh em trong nhà chẳng ai theo nghề, chỉ có mình tôi nối nghiệp. Con tôi bây giờ cũng không mấy mặn mà, nhưng tôi thì không bỏ được”.
2. Đó cũng là tâm sự của Nghệ nhân ưu tú Trần Trung Dung, bởi chính anh cũng không hiểu vì sao mình lại đam mê ĐCTT đến như vậy khi biết rõ rằng đó chỉ là một “thú chơi” giữa thời kinh tế thị trường đầy bon chen, vất vả.
Nghệ nhân chia sẻ: “Có lẽ tôi thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ cha mẹ, nhưng lại là người duy nhất trong gia đình theo ĐCTT. Ðến với bộ môn này, nó đơn giản là đam mê thôi. Biết vậy, nhưng mỗi khi có hoạt động nào của giới ĐCTT trong và ngoài tỉnh là tôi sẵn sàng sắp xếp công việc để tham gia”.
Gần 30 năm gắn bó, nghệ nhân Trần Trung Dung xem đờn ca tài tử như một phần trong cuộc sống của mình. Các bản đờn của anh không chỉ là bài đờn theo chữ nhạc mà đó còn là màn trình diễn của cảm xúc và tâm trạng
Nghệ nhân Trung Dung kể, anh từng đi xe máy từ Long An đến Bình Dương chỉ để tham gia biểu diễn một tiết mục trong liên hoan rồi lại một mình trở về cho kịp làm công việc đang dang dở. Đã lựa chọn, say mê nên với nghệ nhân, đó là niềm vui, không phải vất vả. Nghệ nhân ưu tú Trung Dung là 1 trong 2 nghệ nhân ưu tú trẻ nhất tỉnh trong lĩnh vực ĐCTT. So với các bậc đàn anh thì thời gian nghệ nhân tham gia ĐCTT vẫn ít hơn nhiều, nhưng bề dày thành tích anh đạt được thì lại không hề ít.
Từ năm 17 tuổi, anh đã học đờn tranh, sau đó là đờn bầu, đờn cò. Không chỉ thông thạo 3 loại đờn, nghệ nhân Trung Dung còn có thể biểu diễn ca tài tử, anh từng đoạt nhiều danh hiệu trong những lần biểu diễn ca trong các liên hoan ĐCTT. Gần 30 năm gắn bó, nghệ nhân Trung Dung xem ĐCTT như một phần trong cuộc sống của mình. Các bản đờn của anh không chỉ là bài đờn theo chữ nhạc mà đó còn là màn trình diễn của cảm xúc và tâm trạng.
Tùy vào bạn đờn, cảm xúc lúc chơi đờn mà nghệ nhân sáng tạo, tô điểm thêm cho bản đờn của mình. Lối chơi đờn lót chữ ấy chỉ có những nghệ nhân sành sỏi mới có thể chơi được bởi nó đòi hỏi người chơi phải thật “chắc nhịp”, đủ tài năng, tỉ mỉ để vừa sắp xếp chữ đờn chính xác, vừa biến hóa “chữ nhúng” tùy theo hoàn cảnh và cảm xúc người đờn khiến bản đờn linh hoạt và cuốn hút.
Nói về tài năng của mình, nghệ nhân Trung Dung chỉ cười: “Tôi nghĩ lợi thế lớn nhất của mình có lẽ là đam mê. Dù cuộc sống bận bịu thế nào, tôi vẫn dành chút thời gian cho ĐCTT, tự mình nỗ lực trau dồi. Say mê quá nên không thể nào bỏ được!”.
Vì tâm huyết, say mê, không bỏ được nên nghệ nhân Trung Dung, nghệ nhân Thanh Việt luôn nỗ lực truyền nghề bất cứ khi nào có thể. Các nghệ nhân rất quý những học trò muốn tìm hiểu về nhạc lễ và ĐCTT, dù là trong tỉnh, ngoài tỉnh, học đờn hay học ca, các nghệ nhân đều nhiệt tình hướng dẫn.
Trong quỹ thời gian ít ỏi của mình, 2 nghệ nhân luôn dành sẵn một phần để hướng dẫn cho những người muốn học đờn, ca. Không chỉ vậy, 2 nghệ nhân còn ấp ủ niềm hy vọng có thể gầy dựng lại phong trào ĐCTT tại địa phương.
Nghệ nhân Thanh Việt nói: “Tôi được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú thì phải làm gì đó, giúp gì đó cho địa phương mới thực ý nghĩa, chứ nhận danh hiệu rồi để im ở đó thì có ý nghĩa gì đâu!”./.
Phương Phương
Theo baolongan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 18
•Máy chủ tìm kiếm : 2
•Khách viếng thăm : 16
Hôm nay : 2864
Tháng hiện tại : 75126
Tổng lượt truy cập : 10820349