Thứ bảy 27/07/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Truyện ngắn: Mùa dịch


         Bửu Ngọc
    
       Ngày cưới của Hùng và Châu đã được chọn!
       Họ quen nhau đã gần bốn năm, lúc hai người còn là sinh viên Đại học Y dược, Hùng học năm cuối, còn Châu học sau một năm. Họ tình cờ quen nhau trong một buổi thực tập trên xác người thật. Trong chương trình học, sinh viên chủ yếu thực tập trên mô hình theo từng lớp. Chỉ thi thoảng mới được thực tập trên xác người ở hầm lưu trữ xác, dùng chung cho toàn trường. Vì vậy những lần thực tập trên xác người, đôi khi các lớp khác nhau cùng thực tập chung, vì vậy nên Hùng và Châu mới tình cờ gặp nhau trong giờ thực tập dù họ không học chung lớp. Trong khi Hùng hào hứng và tranh thủ nghiên cứu cấu trúc phổi của xác người hiến tặng cho nhà trường (Hùng học khoa Phổi – Hô hấp) vì không phải lúc nào sinh viên cũng có điều kiện thực tập trên xác người thật, thì Châu (học cùng khoa, sau Hùng một năm) không dám đụng vào xác ướp lạnh, chỉ đứng nhìn, sau đó xin Hùng thông tin, số liệu để làm bài thu hoạch nộp cho giáo viên bộ môn. Sau khi kết thúc giờ thực tập hôm ấy, Hùng hỏi Châu: “Em nhát quá làm sao làm việc trong ngành y được!”. Châu trả lời tỉnh bơ: “Em cũng không hào hứng với ngành nghề đang học. Em vào ngành y là do bị ba má ép!”.
       Năm sau ra trường, Hùng trở lại quê nhà làm việc đúng với ngành nghề được đào tạo – một bác sĩ khoa Hô hấp – Bệnh phổi trong một bệnh viện tỉnh. Còn Châu tiếp tục học thêm một năm rồi cũng ra trường, nhưng cô không chấp nhận về vùng đồng bằng sông nước làm việc theo phân công, mà bỏ nghề ở lại thành phố làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh bất động sản do chính cha cô làm chủ. Họ tiếp tục qua lại với nhau, gia đình đôi bên cũng đã từ lâu nhìn nhận bạn của con mình như là con ruột trong nhà.
       Sáng hôm nay, tại nhà Châu, một căn biệt thự sang trọng ở một quận nội thành thành phố, cha mẹ hai bên đã chính thức gặp nhau để bàn chuyện hôn nhân cho đôi trẻ và ngày cưới đã được định đoạt, sau đó một tháng. Nhờ xe đưa cha mẹ về quê trước, Hùng nán ở lại nhà “hôn thê” để bàn bạc chuẩn bị cho ngày hệ trọng trong đời. Hai người đã dễ dàng thống nhất các chi tiết liên quan đến lễ cưới, từ ngày giờ, địa điểm, thành phần khách mời, đến món ăn, trang trí, kịch bản buổi lễ... Trong không khí hạnh phúc ngất ngây, Châu chợt hỏi Hùng: “Anh tính sau khi cưới, anh sẽ làm gì?”. “Thì vẫn là một bác sĩ ngành phổi và hô hấp chứ biết làm gì khác em yêu!”. “Em nói trước, em không về dưới làm dâu đâu nhé! Có thể em và ba sẽ lo cho anh chỗ làm ở một bệnh viện nào đó trên này. Hoặc nếu anh thích, có thể bỏ nghề y vất vả mà bạc bẽo để về làm kinh doanh bất động sản cùng em và ba”. “Chuyện đó từ từ rồi tính em yêu. Bảo đảm không để em về làm dâu dưới quê đâu. Em mà làm dâu, có khi má anh còn cực hơn bình thường”. Châu nhéo yêu người chồng sắp cưới sau câu nói đùa rất có duyên của anh... Sau bữa cơm chiều ấm cúng với “vợ yêu”, Hùng chuẩn bị ra về vì ngày nghỉ cuối tuần đã hết.        
        Bất ngờ, có thông báo khẩn trên truyền hình về việc ba ngày sau sẽ thực hiện giãn cách giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận do dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát nguy hiểm. Mọi sự qua lại của người dân thành phố và các tỉnh lân cận sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ, chỉ những trường hợp rất cần thiết mới được qua lại giữa các địa phương. Hùng, Châu và gia đình hai bên hội ý nhanh qua điện thoại. Vậy là đám cưới của hai người sẽ phải tạm dừng để chờ xem diễn biến tình hình dịch bệnh ra sao rồi mới định đoạt lại. Rồi cơ quan điện thoại yêu cầu Hùng chuẩn bị  chiều hôm sau lên đường đi bệnh viện dã chiến tuyến đầu phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Mọi chuyện thay đổi quá nhanh! Họ chuẩn bị xa nhau không biết đến bao giờ mới gặp lại khi mà Hùng sẽ đi vào nơi tâm dịch! Trong một phút yếu lòng, Châu nói Hùng nên cân nhắc chuyện đi vào nơi nguy hiểm, vì cô không thể mất anh. Nếu cần thiết, Hùng có thể xin nghỉ việc ở bệnh viện tỉnh để lo về thành phố như Châu đã hứa.
        Là một bác sĩ chuyên ngành phổi và hô hấp, thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới, hơn ai hết Hùng ý thức rất rõ nguy hiểm của cơn đại dịch có sức lây nhiễm rất cao này, nhất là ở nơi tuyến đầu phòng chống dịch. Nhưng những chuyên gia được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành bệnh phổi như Hùng ở tỉnh không có nhiều, nếu anh thoái thác trách nhiệm thì ai sẽ ra nơi tuyến đầu, ai sẽ đem kiến thức giúp những người dân bình thường chống dịch. Còn lời thề với ông Tổ ngành y Hyppocrates “Vì lợi ích bệnh nhân” mà anh mới đọc dõng dạc hôm lễ tốt nghiệp, chẳng lẽ anh có thể quên sớm vậy! Cuối cùng Hùng quyết định trở về nhà và sẽ lên đường nhận nhiệm vụ được phân công. Trước khi ra về, anh an ủi Châu: “Em an tâm, anh đủ kiến thức và sự cẩn trọng để có thể tự bảo vệ mình mà. Anh sẽ sớm về với em!”. Rồi Hùng ra về, mặc cho Châu ngồi bất động, nước mắt lưng tròng...
       Tại bệnh viện dã chiến tuyến đầu, bệnh nhân nhâp viện ngày càng nhiều. Hùng và các đồng nghiệp không ngại hiểm nguy, ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh để cứu sống nhiều bệnh nhân. Trong khi Châu liên tục điện thoại yêu cầu Hùng nghỉ việc, nhiều lúc bực dọc vì Hùng không nghe theo, Châu “ra giá”, đại ý - Hùng phải chọn hoặc Châu hoặc ở lại nơi nguy hiểm ấy. Rồi Lan em gái Hùng từ quê nhà điện thoại lên báo cha đang trở bệnh nặng mà điều kiện chữa trị gặp khó khăn do giãn cách trong mùa dịch. Hùng chọn thi vào ngành y, rồi chọn khoa Phổi – Hô hấp một phần cũng vì người cha bị bệnh phổi kinh niên, anh mong đem chút học thức về chăm sóc cha, đáp đền công dưỡng dục. Vậy mà giờ đây, khi cha rất cần có anh thì anh không thể có mặt. Qua điện thoại Hùng theo dõi sát tình hình bệnh của cha và hướng dẫn tỉ mỉ cô em cách chăm sóc, chữa trị. Nhưng bệnh của cha Hùng ngày càng nặng, địa phương đã chấp nhận cho đưa vào bệnh viện điều trị, Hùng an tâm phần nào.
      Trong khi ấy, tại bệnh viện dã chiến tuyến đầu, một bệnh nhân nữ là giáo viên tên Ngọc đang nguy kịch do nhiễm bệnh Covid-19 quá nặng, được đưa đến bệnh viện quá trễ. Trong khi mọi người bó tay nhìn Ngọc chờ chết thì Hùng không đầu hàng, tìm tòi mọi cách để cứu cô gái. Những kiến thức đã học ở nhà trường được đem hết ra; những kinh nghiệm tích lũy trong mấy năm đi làm được Hùng huy động tối đa; những bài học cứu chữa Covid-19 trong nước và thế giới được Hùng sục sạo tìm kiếm trên mạng; các máy móc, thiết bị hiện đại mới được đưa về bệnh viện đã ngay tức thì phát huy tác dụng... Nhiều đêm Hùng thức trắng bên giường bệnh để theo  dõi hiệu quả làm việc của máy lọc máu Ecmo, máy trợ thở, diễn biến sức khỏe bệnh nhân... Cuối cùng Hùng và các cộng sự đã cứu được cô giáo trẻ khỏi bàn tay thần chết.
       Hùng nhận được tin cha mất trong bệnh viện, anh gắng gượng để không ngã quỵ. Nghe tiếng mẹ và em gái khóc qua điện thoại, anh thấy đau nhói trong tim, cố kìm nén mà nước mắt cứ tuôn trào. Hùng không thể về chịu tang cha, đang trong mùa dịch nên thi hài của cha không được đưa về nhà để làm đám tang, chính quyền địa phương lo phần đưa người đã khuất đến cơ sở hỏa táng... Đồng nghiệp làm cho Hùng bàn thờ tang ngay tại bệnh viện tuyến đầu, trên bàn thờ có tấm hình cha được Hùng gửi đi phóng vội, một ít hoa lá hái vội trong khuôn viên bệnh viện, phần cơm chiều tươm tất hơn ngày thường được bày lên bàn thờ... Một vành khăn tang trắng cắt ra từ bộ đồ y tế phòng hộ được các đồng nghiệp quấn lên đầu bác sĩ Hùng. Ai đó đã nhắn vội ra ngoài xin gửi vào được mấy nén nhang... Hùng đứng bất động thật lâu trước di ảnh cha, trong đầu anh như còn nghe lời cha kể năm nào: Ngày ông nội mất cha không về chịu tang được vì đang trên đường chiến dịch. Đồng đội đã làm giúp cha bàn thờ tạm trong rừng tràm, khăn tang làm từ mãnh dù pháo sáng, lưỡi lê súng trường chỉa lên trời thay cho nén tâm nhang... Như là định mệnh, nay cha mất Hùng cũng không thể về chịu tang. Các đồng nghiệp và vài bệnh nhân đến chia buồn với Hùng, họ đứng cách nhau hai mét, ai cũng mặc đồ phòng hộ kín từ đầu đến chân, kín cả mặt mày.
       Ngày Ngọc xuất viện, cô đã đứng tần ngần khá lâu trước mặt người bác sĩ là ân nhân cứu mạng, cũng là người thay mặt tập thể y bác sĩ trao bó hoa chúc mừng bệnh nhân khỏi bệnh trở về nhà. Sau khi Ngọc ra về, một cô hộ lý đã trao cho Hùng bức thư của Ngọc, trong đó cô thể hiện lòng biết ơn sâu sắc vì đã “sinh em ra lần thứ hai” và mong có ngày được đền đáp “ơn cứu tử”. Đọc thư, Hùng cười thầm và thoáng so sánh cô giáo Ngọc có ngoại hình khá giống với “hôn thê” của mình, dáng dong dỏng cao, tóc dài, khi đi người hơi chồm về phía trước, trong khoa tướng số cho rằng dáng người như vậy cả đời vất vả.
                                          
                                                           ***
       Dịch bệnh rồi cũng đi qua sau nhiều đau thương mất mát, cuộc sống dần trở lại bình thường trong điều kiện mới, mọi người đã có thể đi lại làm việc, thăm viếng nhau. Hùng cũng rời khỏi bệnh viện tuyến đầu trở về nhà sau hơn bốn tháng chiến đấu với dịch bệnh. Hùng đốt nhang, rồi đứng thật lâu trước bàn thờ cha. Hùng nghe kể, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cha Hùng đã trở về đứng trước bàn thờ ông nội dâng lên người đã khuất chiến công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ngày nay Hùng cũng có thể tự hào dâng lên cha chiến công khống chế dịch bệnh Covid-19. Hùng về tới nhà ngày hôm trước thì ngày hôm sau tới đám cúng “một trăm ngày” cha mất. Tất nhiên là Hùng đã thông báo cho gia đình Châu để thu xếp đến dự ngày cúng cha Hùng thay cho việc cúng viếng ngày tang lễ do dịch bệnh không đến được. Do vẫn còn trong điều kiện “bình thường mới” sau đại dịch nên chỉ ít người thân trong gia đình Hùng mới được mời đến dự hôm ấy, ai cũng mang khẩu trang, chỉ đến khi ăn mới mở ra. Hùng có ý trông ngóng Châu về dự ngày cúng cha, nhưng thời gian trôi qua, đã trưa mà vẫn không thấy. Tới một lúc, Hùng nhận tin nhắn của Châu: Châu và cha bận đi làm ăn xa không về kịp dự ngày cúng cha của Hùng được. Châu cũng khuyên gia đình Hùng không nên mời khách trong ngày cúng vì vẫn còn nguy cơ lây bệnh Covid-19, nhất là khi Hùng vừa từ tâm dịch trở về. Có một cái gì đó như vừa hụt hẫng, vừa đỗ vỡ trong Hùng sau khi có những vết rạn nứt mà anh cố xem như không có gì. Hùng ít khi uống rượu, nhưng ngày hôm ấy do vừa thương tưởng đến cha, vừa mang nặng nỗi buồn riêng vừa mơ hồ vừa cụ thể, Hùng uống khá nhiều, gia đình phải can ngăn.
      Khi Hùng đã say, bất ngờ cô em gái tên Lan chạy vào cho biết “chị Châu” đang từ ngoài đường đi vào nhà. Hùng đưa Lan xem tin nhắn khi nảy của Châu và nói không thể có chuyện ấy. Lan nói: “Biết đâu chị Châu muốn tạo sự bất ngờ cho anh!”. Rồi một cô gái có vóc dáng giống như Châu, mặt mày che kín khẩu trang đi vào, gật đầu chào mọi người rồi đến quỳ trước bàn thờ đang nghi ngút khói nhang. Hùng đã nhận ra, đó không phải là Châu vị hôn thê của anh, mà chính là Ngọc, cô giáo bệnh nhân Covid-19 từng được Hùng cứu sống.
       
           
 
 
 
 
 
 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 46

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 45


Hôm nayHôm nay : 8923

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 370585

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 9850130