Thứ năm 07/11/2024

NỘI DUNG CHÍNH

ĐIỂM TỰA

ĐIỂM TỰA

ĐIỂM TỰA

GIẢI A- Cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

Dáng người cao ráo, nước da trắng trẻo, tính tình hiền hòa, vui vẻ, chịu khó, phong cách hoạt bát, nói năng nhanh nhẹn cùng với nụ cười tươi tắn ngự trị trên đôi môi mỗi khi ai đó gặp gỡ trò chuyện, trao đổi cùng chị. Đó là chân dung của một nữ hiệu trưởng, chị Nguyễn Thị Trang - Hiệu trưởng trường tiểu học Long Định, huyện Cần Đước.

          Chị là người con gái của vùng hạ huyện Cần Giuộc, xã Phước Vĩnh Tây - một vùng quê sông nước với hệ thống kênh rạch chằng chịt đầy ắp cá tôm ẩn dưới những rặng dừa nước xanh mượt mà, nhưng chị lại chọn Long Định - một xã vùng thượng của huyện Cần Đước làm quê hương thứ hai cho mình khi chị phải lòng “chú bộ đội” với một chuyện tình thời sinh viên, học sinh thật lãng mạn và đượm chất thi ca. Chị kể : “Năm 1986, khi đó tôi đang là một nữ sinh lớp 12, hưởng ứng phong trào viết thư thăm hỏi các anh bộ đội ở đảo xa do Đoàn trường tổ chức. Tôi cũng như bao bạn nữ sinh khác cùng tham gia viết thư rồi được Đoàn trường tập hợp gửi đi. Không ngờ một thời gian không lâu, tôi nhận được một cánh thư của một anh bộ đội hồi âm lại để cảm ơn những tình cảm của tôi dành cho các anh ở đảo xa. Rồi từ động thái hồi âm qua lại thường xuyên đó, tôi đón nhận được những cánh thư xanh chứa đầy cái nắng cái gió của biển cả với một tình bạn thật trong sáng cùng sẻ chia động viên nhau học tập tốt, hoàn thành nhiệm vụ tốt được giao nơi đảo xa. Điều đặc biệt là chúng tôi không hề biết mặt cũng như giọng nói của nhau. Nghĩ lại ngày đó sao mình cũng quả cảm, đầy bản lĩnh thật. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi thi vào ngành sư phạm, chuyện tình bạn giữa tôi và “chú bộ đội” vẫn được duy trì qua những cánh thư xanh đong đầy những mơ ước tuyệt đẹp. Năm 1988, tốt nghiệp từ trường Trung học sư phạm Long An, tôi được phân công về quê của mình nhưng không phải là Phước Vĩnh Tây mà là Phước Vĩnh Đông, cách nhà tôi không xa, cạnh cửa sông Soài Rạp. Lúc mới ra trường tôi được phân công dạy lớp 4. Rồi một hôm, tôi đang thao thao bất tuyệt giảng bài cho học sinh, bất chợt nhìn qua ô cửa sổ tôi thấy xuất hiện một chú bộ đội cứ chăm chú nhìn tôi. Tôi cứ tưởng mình như bị hoa mắt, nào ngờ “chú bộ đội” ấy chính là chủ nhân của những cánh thư xanh kia và tình cảm nảy sinh lúc nào tôi cũng không hay biết. Tôi chỉ nhớ năm 1989, tôi và “chú bộ đội” ấy chính thức làm lễ cưới với nhau. “Chú bộ đội” ấy chính là anh Phước - anh nhà tôi bây giờ !”.

          Năm 1990, chị đành tạm xa quê hương yêu dấu vùng hạ Cần Giuộc của mình theo anh về Long Định dạy học cho đến bây giờ. Lúc mới về trường, chị được phân công dạy lớp 1. Về quê chồng, trường mới, lớp mới nhưng với tính cần mẫn chịu khó, chị không ngần ngại học hỏi kinh nghiệm ở bạn bè về phương pháp dạy học lớp 1. Chị tâm sự : “Chữ viết của mình không được khéo và đẹp mấy, dạy lớp 1 thì chữ viết phải chuẩn, đúng qui cách, đúng kiểu mẫu. Thế là tôi phải bỏ ra một khoảng thời gian dài rèn luyện chữ viết trên bảng lẫn trên vở để mà vào lớp hướng dẫn các em viết đúng và đẹp được. Từ đó mà chữ viết của tôi trở nên tròn trịa, thể hiện được nét thanh, nét đậm, đúng qui cách, đúng kiểu chữ. Dạy lớp 1 đòi hỏi người giáo viên phải có cái tâm, sự kiên nhẫn chịu khó chịu cực mới được.”. Thầy Đỗ Hữu Phước, nguyên là giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường, hiện là giáo viên phụ trách mảng Phổ cập - xóa mù chữ, là một đồng nghiệp có gần 30 năm gắn bó với trường nhận xét : “ Phải nói cô Trang thật sự là một cô giáo có tâm huyết với lớp 1, thể hiện ở chỗ là cô rất kiên trì chịu khó rèn luyện chữ viết cho học sinh và cho cả chính mình, chữ viết của cô bây giờ thì rất đẹp và chuẩn rồi”. Nhờ những đức tính cần mẫn, chịu khó ấy chị được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng phân công chị phụ trách lớp 1 suốt 15 năm từ khi chị về trường đến năm 2005. Với tính gương mẫu và những nổ lực cố gắng của mình chị được Ban giám hiệu đề bạt làm Khối trưởng khối lớp 1 vào năm 2001. Cũng trong khoảng thời gian này chị đạt nhiều danh hiệu thi đua như giáo viên giỏi huyện, giáo viên giỏi cơ sở cùng với nhiều giấy khen khác của ngành, của địa phương trao tặng.

          Công việc dạy lớp, kiêm nhiệm khối trưởng khối 1, thêm vào đó công việc gia đình khá bề bộn lo cho chồng và hai con đồng thời còn phải phụng dưỡng một mẹ chồng già yếu, vậy mà chị vẫn sắp xếp theo học lớp đại học từ xa nâng cao trình độ với tấm bằng cử nhân loại khá vào năm 2003. Chị rất thương yêu học trò của mình, đặc biệt là những học sinh khuyết tật, học sinh chậm phát triển, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chị chủ động lên kế hoạch phụ đạo miễn phí cho các em ở trường cũng như ở nhà những lúc rảnh rỗi, phụ huynh rất tin tưởng, gửi gắm con em cho chị dạy bảo. Điển hình là em Huỳnh Minh Hiếu - một học sinh khuyết tật trí não từ một đứa trẻ không biết gì qua sự chỉ dẫn của chị, em đã biết đọc biết viết qua một thời gian học tập. em nói : “Cô Trang rất thương con và các bạn, cô đã dạy con biết đọc bài, biết làm toán, cô lại hiền từ nữa”. Cha của em Hiếu là anh Huỳnh Văn Hoàng cho biết : “Cháu nhà tôi nó khuyết tật trí não, học trước quên sau nhưng nhờ cô giáo Trang thường xuyên chịu khó chỉ dẫn miễn phí thêm cho cháu ở trường cũng như ở nhà nên giờ đây cháu đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, gia đình tôi rất cảm ơn cô giáo Trang”.

          Năm 2005, trường bị khuyết chức danh Phó hiệu trưởng, thế là chị đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó hiệu trưởng. Từ một giáo viên dạy lớp 1 trong suốt một thời gian dài giờ lại được bổ nhiệm làm công tác chuyên môn, trong khi đó công tác chuyên môn là mảng xương sống của nhà trường. Tất cả mọi thứ như một tảng đá nặng đè trên đôi vai mềm yếu của chị, cũng không ít đồng nghiệp lo lắng trọng trách mới của chị. Nhiều đêm chị không ngủ được, lo rồi khóc. Nhưng rồi chị quyết định lên kế hoạch cho riêng mình, chị tham mưu với hiệu trưởng đến các anh chị khối trưởng thường xuyên tổ chức thaogiảng, hội giảng, dự giờ để một mặt giúp đồng nghiệp trao đổi học tập lẫn nhau, mặt khác chị học hỏi, tích lũy kinh nghiệm đồng nghiệp để từ đó xây dựng góp ý đồng nghiệp mình giảng dạy tốt hơn. Lợi thế những năm đó trường bắt đầu triển khai học 8 buổi trên tuần, ngoài giờ trực Ban giám hiệu, làm hồ sơ chuyên môn, phụ Hiệu trưởng giải quyết một số công việc, chị chủ động xuống lớp xin đồng nghiệp dự giờ, trao đổi học hỏi kinh nghiệm để làm vốn kinh nghiệm cho bản thân cũng như hoạt động chuyên môn của nhà trường. Chị bộc bạch nói : “Không biết mười mình cũng phải biết bảy, tám để đóng góp xây dựng tiết dạy cho đồng nghiệp, nhất là những đồng nghiệp trẻ mới ra trường, chứ không chịu khó học hỏi rồi không biết gì hết, lúc đó nói ai nghe”. Các cô Ngô Thị Mánh, Nguyễn Thị Chạnh là những bậc đàn anh đàn chị trong tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường chia sẻ : “Phải nói cô Trang là một con người có một ý chí thật kiên cường, không chùn bước ngán ngại trước những thử thách lớn, chịu khó học hỏi kinh nghiêm ở bạn bè, đồng nghiệp của mình”. Khi Bộ, ngành triển khai kế hoạch vận dụng những ứng dụng của công nghệ thông tin vào giảng trên lớp cho học sinh, chị đã chủ động xây dựng một đội ngũ nòng cốt với những giáo viên trẻ nhanh nhẹn, tháo vát trong việc sử dụng máy vi tính cũng như việc soạn giảng giáo án điện tử để triển khai lại cho đội ngũ giáo viên còn lại trong nhà trường. Ba năm trở lại đây phong trào chuyên môn của nhà trường có phần khởi sắc, có giáo viên tham gia Hội thi đổi mới phương pháp dạy học, Hội thi sáng tạo đồ dùng dạy học đạt các thứ hạng cao ở cấp huyện cũng như cấp tỉnh. Những thành công đó cũng có một phần đóng góp rất lớn của chị ở trong đó.

          Đầu năm 2010 cũng là năm để lại cho chị thêm một trọng trách lớn, thầy Lê Phước Sử - Hiệu trưởng nhà trường được lãnh đạo huyện bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cần Đước, gánh nặng lại quay trở lại oằn nặng thêm trên đôi vai của chị. Tháng 6 năm 2010, chị chính thức được bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng. Công việc chuyên môn của chị được bàn giao lại cho một anh bạn đồng nghiệp mà trước đây chị thay thế anh ở vị trí đó sau khi anh được chính thức bổ nhiệm lại cùng chị. Với nhiệm vụ mới, chị cũng không ngừng học hỏi kinh nghiệm của người anh đi trước cũng như các bạn đồng nghiệp khác trong và ngoài huyện để củng cố và giữ vững một tập thể đoàn kết và không ngừng phấn đấu đã có từ bấy lâu nay. Những bước thăng hoa của chị cũng như những thành tựu của trường, của chị có được ngày hôm nay là có một phần ủng hộ, động viên, cổ vũ rất lớn của cả tập thể hội đồng sư phạm nhà trường. Chị tâm sự : “Nếu không có sự ủng hộ, động viên, chia sẻ của tập thể, thì tôi sẽ không đứng vững và nắm chắc tay chèo được như ngày hôm nay, rất cảm ơn tập thể đã hợp tác với tôi để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

          Mặc dù chưa trải qua khóa đào tạo quản lý nào của ngành tổ chức, nhưng tôi cảm nhận thấy được ở chị đã có ít nhiều gì đó tố chất của một người cán bộ quản lý trường học. Hơn một năm qua, với cương vị hiệu trưởng của nhà trường, chị đã thể hiện được bản lĩnh của một nhà quản lý giáo dục, một thủ trưởng của đơn vị. Chị đã làm rât tốt khâu tổ chức khâu bộ máy của đơn vị từ các ban bệ, tổ chức đến các tổ khối chuyên môn trong trường học. Chị đã phối hợp tốt với các đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên cũng như các Tổ khối chuyên môn làm tốt công tác tổ chức thông qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi thân mật với anh chị em trong tập thể hội đồng sư phạm nhà trường, kịp thời lắng nghe, nắm bắt những khó khăn, những tâm tư nguyện vọng của anh chị em trong đơn vị, động viên anh chị em cùng cộng tác hổ trợ để xây dựng một tập thể đoàn kết thống nhất cao. Phải nói chị đã vận dụng và làm rất tốt công tác dân vận trong quản lý giáo dục ở cơ sở, chị thuyết phục được rất nhiều nhân tố tích cực tham gia các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường. Điển hình như bản thân người viết bài này chẳng hạn. Tôi đã có gần hai mươi năm gắn bó với ngôi trường này, cách nay hai năm tôi định xin thuyên chuyển về quê, bởi từ nhà tôi đến trường gần 10 cây số, khoảng cách ấy cũng không xa lắm, ở cơ quan tôi cũng có nhiều anh chị em cũng ở xa như tôi, có người còn xa hơn. Nghe tôi có ý định làm hồ sơ xin thuyên chuyển, chị đã tìm đến gặp gỡ, trao đổi, phân tích những thuận lợi khó khăn của đơn vị hiện nay. Bằng “biện pháp nghiệp vụ” của riêng mình, chị đã thuyết phục được tôi, làm cho tôi xiêu lòng và ở lại công tác cùng chị một quãng thời gian nữa. Và mới đây thôi, đầu tháng 11 năm 2011 vừa qua, thầy Bùi Thanh Dũng - Chủ tịch Công đoàn nhà trường được Phòng GD&ĐT huyện Cần Đước rút về Phòng làm công tác chuyên môn. Vị trí Chủ tịch Công đoàn nhà trường bị khuyết, chị đã nhắm cái đích vào tôi để lấp chỗ khuyết ấy. Chị lại tìm đến gặp gỡ trò chuyện cùng tôi phân tích để tôi hiểu cái khó khăn của tổ chức đoàn thể này hiện nay, chị và tập thể rất cần sự hộ trợ của tôi. Tôi đã giải trình, biện luận mọi cách đủ mọi lý do hòng để thối thác trách nhiệm mà chị và tập thể đang mong chờ ở tôi. Lần này, chị thấy tôi đưa ra những lý do thối thác khá hợp lý nên chị đã không đặt nặng vấn đề nhân sự Công đoàn ở tôi nữa. Chiều cùng ngày hôm đó, trong phiên họp Chi bộ nhà trường, vấn đề nhân sự được đưa ra bàn bạc thảo luận nhân sự để bầu chọn cho chức Chủ tịch được đặt ra, tập thể đã thống nhất đưa ra hai ứng viên để bầu chọn lấy một bổ sung cho chức Chủ tịch Công đoàn vào phiên họp Hội đồng sư phạm nhà trường đầu tháng 12/2011 sắp tới. Tôi tưởng mọi chuyện đã an bài sau phiên họp Chi bộ chiều hôm đó. Nào ngờ, sẩm tối chi điện thoại cho tôi báo tin : “Chị thông tin cho em biết, phiên họp chiều này tập thể đã chọn thầy và cô Phạm Thị Phương là hai ứng viên để bầu chọn bổ sung vào Ban chấp hành Công đoàn sắp tới. này là ý kiến của tập thể Chi bộ chứ không phải chị quyết à nghen. Đưa ra bầu bỏ phiếu trước tập thể tới đây chắc chắn sẽ là thầy thôi, chứ ở cô Phương là nữ, kinh nghiệm giao tiếp, công tác ngoại giao không bằng thầy đâu. Thôi an tâm đi, có gì chị sẽ giúp đỡ, tư vấn hổ trợ, từ từ rồi nó sẽ quen. Cũng như chị đây này, một thời khóc tới khóc lui rồi đâu cũng vào đó. Đã chị nói, trao đổi với thầy rồi mà thầy không chịu nghe ở chị, chị nói được là được, chị đã tính kỹ rồi, cố gắng giúp chị nha”. Nghe chị tâm sự, tôi chỉ còn có nước ngậm bồ hòn mà thôi. Tôi thấy mình có lỗi lớn với chị trong việc chuẩn bị nhân sự cho tổ chức Công đoàn nhà trường. Một lần nữa chị đã thuyết phục được tôi. Chị quả là vị thủ trưởng đáng kính đáng nể của tôi và của tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trường tiểu học Long Định mà.

          Một điểm tựa tinh thần đồng hành cùng tập thể giúp chị vượt qua những khó khăn, những thử thách chông gai trong cuộc sống cũng như trong công tác đó chính là gia đình, là tổ ấm thân yêu của chị. Chồng chị - anh Trịnh Thành Phước người gần như đã gánh vác hết mọi công việc ở gia đình để chị làm tốt công việc ở cơ quan và hai cô con gái song sinh chăm ngoan, lễ phép, dễ thương - cháu Trịnh Minh Hiếu, cháu Trịnh Minh Thảo là điểm tựa giúp chị có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống và hoàn thành tốt nhiệm vụ được xã hội phân công. Trong một lần trò chuyện với anh Phước - chồng của chị, khi chị vừa được bổ nhiệm xong chức vụ hiệu trưởng, anh nói : “Công việc của nhà anh làm anh không cấm cản, một khi tổ chức đã phân công, nhưng anh chỉ sợ sức khỏe cho nhà anh thôi, anh thấy có hôm đi hội họp suốt cả ngày, tối lại ngồi vào máy làm việc với những con số đến khuya, anh sợ dại. Còn lúc trước anh chưa hiểu biết hết công việc của nhà anh làm nên đôi lúc anh nóng tính không kìm chế anh có nặng nhẹ với nhà anh”. Tôi cắt ngang lời anh : “Thế thì bây giờ “chú bộ đội” đã hiểu rồi phải không ?” Anh cười khà. Còn chị thì nói đùa với tôi trước anh : “ “Chú bộ đội” là niềm tin, là điểm tựa vững chắc của tôi đấy bạn ạ !”

Phạm Hoàng Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 35


Hôm nayHôm nay : 320

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 32441

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10644897