Ban biên soạn làm việc
Tôi chưa có ý định làm sách ảnh cá nhân, mặc dù đã gần ba mươi năm theo nghiệp nhiếp ảnh, giải thưởng trong và ngoài nước cũng đã được “lưng vốn”. Được bạn bè động viên tôi vẫn cười trừ, cảm xúc khi làm sách hay triển lãm ảnh vẫn chưa đủ lớn và tôi tự nhủ “Những tác phẩm đẹp nhất vẫn còn ở phía trước”. Vậy mà cách nay ba năm khi nghe một dự án sách ảnh dang dở tôi đã nhận lời làm ngay và hiện giờ đang háo hức chờ đợi ngày quyển sách được phát hành.
Khi nhận nhiệm vụ sau Đại hội nhiệm kỳ IX Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (NSNAVN) tôi được NSNA Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội gợi ý: “Các anh, các chú nguyên phóng viên chiến trường ở Đồng bằng sông Cửu Long có ý định in sách thời kháng chiến, anh xem có giúp được không”. Sau mấy hôm suy nghĩ, tôi nhận lời. Theo chị Thu Đông, ý tưởng tập hợp những hình ảnh này đã có từ thời NSNA Lâm Tấn Tài và NSNA Nguyễn Đặng là hai cố Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, quê gốc miền Tây. Lúc còn sinh thời các anh luôn đau đáu với ý tưởng trên, mọi việc chưa đến đâu thì hai anh lần lượt qua đời. Dự án dở dang lần thứ nhất.
Năm 2003, NSNA Võ An Khánh (Bạc Liêu), phóng viên chiến trường nổi tiếng với bức ảnh “Trạm quân y dã chiến” cùng cựu phóng viên chụp ảnh, quay phim chiến trường Châu Ngọc Tiếp (Bảy Chuyển) đã tiến hành biên soạn tập sách với tên gọi “Đồng bằng Sông Cửu Long nơi chiến tranh đi qua”. Lúc bấy giờ việc tập hợp ảnh và chú thích khá dễ dàng vì lực lượng phóng viên trong kháng chiến rất nhiều người còn sống. Tuy nhiên kinh phí in ấn cũng là vấn đề nan giải lúc bấy giờ, vận động tài trợ không thành công, Ban biên tập đành liên kết với một Công ty văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh theo phương thức: “chuyển giao ý tưởng, hình ảnh và nhận lại sách ảnh”. Không may cho những người tâm huyết làm sách, đối tác đã in được 500 quyển nhưng không phát hành được vì nhiều lý do khách quan trong đó có lý do nội tại của Công ty văn hóa nọ - họ đã làm ăn thua lỗ. Vậy là bao nhiêu sự chờ đợi, mong ngày đứa con tinh thần ra đời của Ban biên tập, các tác giả đã tiêu tan cùng với số phận của đối tác. Dự án dỡ dang lần thứ hai.
Ảnh thu thập được Vậy là quyển sách được các anh, các chú ấp ủ bao thập kỷ qua vẫn chưa thực hiện được. Nhiệm vụ của những người làm phong trào nhiếp ảnh thế hệ hôm nay ở vùng đất Chín Rồng lại càng cấp bách hơn bao giờ hết, bởi vì nếu kéo dài thời gian hơn nữa thì rất nhiều bức ảnh quý giá sẽ tiếp tục mất dần hoặc những thông tin, chú thích cũng sẽ dần mai một theo năm tháng. Chúng tôi bắt tay vào làm kế hoạch từ tháng 3/2023 với hành trang chỉ là bầu nhiệt huyết, chứ kinh nghiệm là con số 0. May mắn là Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn còn đó những NSNA, nhà báo nhiệt tình với phong trào, tâm huyết với câu chuyện sách ảnh. Ban soạn thảo ra đời với sự góp mặt của NSNA Trương Hoàng Thêm, Văn Ngọc Nhuần, nguyên là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng, nhà báo Vũ Thống Nhất, nguyên là Trưởng đại diện Báo SGGP khu vực miền Tây. Các anh là những người có kinh nghiệm xuất bản sách ảnh, viết kỷ yếu cho các địa phương… Ngoài ra, còn có sự giúp sức của NSNA Nguyễn Lành, NSNA Tô Hoàng Vũ, Nguyễn Phương Ngoan, các Hội VHNT, Sở VH-TT&DL các tỉnh cùng 14 Chi hội trưởng, Chi hội phó Chi hội NSNA Việt Nam các tỉnh trong khu vực.
Họp Ban soạn thảo, không ai bảo ai, nhưng đều tỏ rõ quyết tâm trong năm 2024 phải xuất bản cho được sách ảnh, nếu không sẽ có lỗi với các thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương để có những bức ảnh tư liệu nghệ thuật quý giá, ghi lại những khoảnh khắc bi thương, hào hùng của một thời “hoa lửa”.
Một công việc hết sức phức tạp, khó khăn, cần phải kiên trì và có tinh thần dấn thân. May thay trong quá trình thu thập, sưu tầm ảnh từ các tác giả còn sống, gia đình các phóng viên đã mất, từ các cơ quan lưu trữ, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ tận tâm, gửi gắm nhiều hy vọng. Truyền thông đã bắt đầu chú ý đến việc làm của nhóm. Tết năm Giáp Thìn vừa qua tờ báo Quân Khu 9 đã có bài viết kèm theo phóng sự ảnh tư liệu kháng chiến như tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi tiếp tục công việc “vác tù và”. Những bức ảnh kèm theo thông tin chính xác về sự kiện, về thời gian luôn mang lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc bồi hồi nghĩ về quê hương một thời đau thương, mất mát nhưng rất đỗi hào hùng, những cảm xúc về sự biết ơn, trân trọng những thế hệ phóng viên, NSNA đã ngã xuống khi trong tay vẫn còn cầm máy quay phim, máy ảnh.
Đặc biệt trong điều kiện tác nghiệp thiếu thốn trang thiết bị, hóa chất làm ảnh…, tráng phim trong hầm trú ẩn khi đêm xuống, rọi ảnh bằng đèn măng-xông trong tiếng đại bác bắn “cầm canh” của kẻ địch, ta mới thấy hết giá trị của những bức ảnh, thước phim của các phóng viên lúc bấy giờ.
Đến giờ này chúng tôi có thể khẳng định nguồn tư liệu ảnh còn lưu trữ khá dồi dào, rải đều trên khắp các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện hầu hết các trận đánh lớn, các mốc son của phong trào Cách mạng miền Nam từ năm 1945 đến 1975. Kết thúc giai đoạn thu thập và sưu tầm, trong tay Ban soạn thảo đã có hơn 1.000 files ảnh, một niềm vui không thể tả hết. Hiện anh em đang tích cực chọn và hoàn thiện các bức ảnh, củng cố thông tin, chú thích theo phương châm “chân thực nhất, khoa học nhất”.
Ghi lại những cảm xúc này trong lúc giới báo chí vừa kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), cả nước vừa kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), lòng bồi hồi tưởng nhớ về anh linh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có những phóng viên chiến trường. Chắc các anh, các chú sẽ rất ủng hộ để chúng tôi hoàn thành quyển sách vào cuối năm nay. Mong thay!