Thứ năm - 10/10/2024 14:05
TÂN AN THEO DÒNG CHẢY ĐÔ THỊ
KTS Nguyễn Lâm Vũ
Tân An xưa: Trải qua quá trình hình thành, với các giai đoạn phát triển khác nhau theo các mốc lịch sử; bắt đầu khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược vào phương Nam khai hoang mở rộng bờ cõi; tên gọi Tân An được hình thành; giao thông chính lúc này chủ yếu bằng đường thủy, người dân sống tập trung tại các vùng thuận tiện giao thông thủy như ven sông hoặc tại các nhánh rẽ các dòng sông, rạch,… Nơi đây, diễn ra các hoạt động giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa và dần dần tạo nên nét văn hóa đặc trưng vùng sông nước “trên bến dưới thuyền”.
Bức tranh đô thị xưa là một không gian thông thoáng, quy mô công trình nhỏ thấp tầng, mật độ dân cư thưa thớt, có nhiều cây cao bóng mát, thiên nhiên tràn đầy. Cấu trúc đô thị theo dạng tuyến, bám theo sông hay tập trung thành cụm, xung quanh giao điểm của các con sông; gắn với các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Tân An nay: Theo dòng chảy của đô thị, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển công nghiệp và dịch vụ, giao thông bộ phát triển mạnh, giao thông thuỷ mất dần vai trò chủ đạo. Giờ đây, bức tranh đô thị đã khác xưa, được khoác lên mình một chiếc áo mới, nhiều màu sắc và đa dạng hơn. Không gian đô thị dần trở nên chật hẹp hơn với mật độ xây dựng ngày càng cao hơn, cư dân lại sống chen chúc, giao thương tất bật, trong khi hạ tầng xã hội ở một số khu vực còn hạn chế.
Bức tranh đô thị thay đổi theo dòng chảy đô thị hóa: Cuộc cách mạng Công nghiệp đã làm thay đổi các điều kiện về kinh tế - xã hội - văn hóa và kỹ thuật. Quá trình đô thị hóa, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, làm thay đổi sự phân bố dân cư, làm cho dân số có xu hướng tăng trong thời gian sắp tới.
Hình thành dòng chảy quần cư mới bám theo các tuyến giao thông bộ và lan tỏa ra xung quanh, theo xu hướng phát triển và mở rộng đô thị. Việc mật độ dân số tại khu vực trung tâm tăng sẽ tác động không nhỏ đến đời sống kinh kế. Đồng thời tác động đến tâm lý, lối sống và cách sống của người dân, cũng như thúc đẩy việc hình thành các khu đô thị mới.
Sự dịch chuyển này đem lại những mặt tích cực nhưng cũng đồng thời tạo ra những thách thức cho đô thị. Hệ lụy gây quá tải cho cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường; làm mất đi tính cân bằng; tác động không nhỏ đến cuộc sống trong lành của cư dân đô thị. Quá trình này bộc lộ những bất cập trong mối quan hệ giữa đô thị hoá với phát triển nông nghiệp, nông thôn và bảo đảm đời sống của người nông dân. Hiện tượng giữ đất, đầu cơ đất diễn ra khá phức tạp do giá đất ở Tân An rất cao và ngày càng tăng theo quy hoạch. Khi thu nhập từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp từ đất đai quá thấp, người nông dân sẽ nghĩ tới chiến lược để tăng giá trị của đất. Tác động đến tình hình quản lý, quy hoạch và sử dụng đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ và giữ gìn các mảng xanh nông nghiệp đô thị, cây xanh, mặt nước tự nhiên còn sót lại; mà thông qua không gian này, giúp ta giảm chi phí cho các công viên trong thành phố, tạo các không gian xanh, tránh lãng phí đất.
Trong xu thế hội nhập, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng thì việc phát triển nông nghiệp ven đô trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Bên cạnh việc đầu tư phát triển đô thị, nông nghiệp được xem một trong những chỗ dựa vững chắc cho phát triển kinh tế, đóng góp rất lớn vào việc tạo nên cảm giác yên bình cho đô thị. Qua đó, tận dụng tối đa các mảng xanh nông nghiệp, mặt nước tự nhiên còn lại; cùng với việc kiến tạo tăng diện tích cây xanh - công viên tại các phường; kết hợp tổ chức các công viên chuyên đề, công trình điêu khắc có ý nghĩa lịch sử mang tính địa phương. Đồng thời, tái tạo hình ảnh mang nét đặc trưng “trên bến dưới thuyền”, các hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng nhiều màu sắc và đặc thù; nhằm phát huy giá trị mặt nước sông Bảo Định, Sông Vàm Cỏ Tây, Ao Quan,…; tạo thu nhập cho một bộ phận dân cư; cũng như kiến tạo các điểm thu hút du lịch; cũng như giải pháp bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
Từ đó, hình thành bức tranh cảnh quan đặc trưng riêng cho đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, tạo động lực cho đô thị hướng đến đô thị bền vững, kết nối con người với thiên nhiên trong môi trường đô thị.