Thứ sáu 29/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Quan trí

Vào ngày cuối đông 1985, tại công trình Nhà văn hóa thiếu nhi Long An, tôi gặp Anh Lưu Đình Khẩn, Kiến trúc sư, lúc đó là Phó giám đốc Xí nghiệp Khảo sát thiết kế xây dựng tỉnh Long An. Do công trình thiếu vốn, phải thay đổi thiết kế, anh vẽ vào sổ nhật ký thi công từng móng nhà cho kịp tiến độ, một công việc chứa đầy rủi ro: Tự mình làm, mình chịu, do không có cơ quan phê duyệt.
Long An chiếm 1/3 diện tích Đồng Tháp Mười, có quỹ đất rất lớn còn hoang hóa do phèn chua mặn. Để có đất nông nghiệp, cha ông ta phải cải tạo vài trăm năm. Một đoàn khoa học Nhật Bản tính toán: Mất 50 năm nghiên cứu rửa phèn chua mặn mới thành đất nông nghiệp. Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh: Mở những nông trường, dùng máy bay trực thăng gieo sạ lúa, nhưng không đạt được mục đích. Người dân tìm mọi cách và cuối cùng là đào kênh dẫn nước ngọt về ém phèn, trồng lúa thành công.

Kênh mương được đào, đường sá mở theo, cả vùng đất hoang hóa chuyển mình thức dậy trong giấc mơ dài đổi đời. Những ai từng sống ở trong vùng cỏ năn, rừng tràm nguyên sinh với mùa nước nổi dài hàng tháng, giờ về lại Đồng Tháp Mười, không còn tin ở mắt mình trước những đồng lúa trải dài bên những con kinh mới đào và những vuông tràm dân trồng. Vào những trưa hè, dưới bóng cây, nhìn những bông tràm trắng muốt đu đưa trong điệu hát ru xào xạc của gió và lá; người dân Đồng Tháp Mười có thể mộng đến những thành phố mọc lên ở giữa miền hoang hóa và say sưa ngủ quên trong giấc mơ về những thay đổi của miền đất này.

*

Sau đỉnh cao là triền dốc xuống. Tốc độ tăng trưởng Long An chậm dần. Năm 1991 là 7,9%, đến năm 1993, còn lại 6,9%. Tỷ trọng công nghiệp chỉ có 20%. Nếu đầu tư cho cây lúa 10 năm, năng suất không tăng được gấp đôi. Khai hoang hết Đồng Tháp Mười cũng không tăng được gấp rưỡi diện tích trồng trọt và tổng sản lượng lúa.

Sau 19 năm kể từ ngày giải phóng, Tân An chỉ nâng cấp được nhà máy nước, xây dựng một sân vận động, một bể bơi, một nhà văn hóa thiếu nhi, rạp 30/4, Nhà nghỉ Công đoàn, trùng tu được đường Nguyễn Đình Chiểu, nâng cấp được đường Cần Đốt với tổng chiều dài không tới chục cây số. So với sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết. Bằng chứng rõ ràng về sự tụt hậu so với cả nước là sau chiến tranh, thị xã Tân An có vị trí quan trọng, cửa ngõ phía tây Sài Gòn ít bị chiến tranh tàn phá, đến thời điểm đó, là một trong những thị xã nhỏ nhất về cơ sở hạ tầng. Những người ra đi khỏi thị xã Tân An cách đây 20 năm, về lại, không bị lạc lối. Nói quá đi: Chúng ta không đô thị hóa được nông thôn mà đang dần nông thôn hóa thị xã và các thị trấn trong tỉnh.

Trong căn nhà cấp 4 của khu tập thể chật hẹp, nghe tôi tâm sự, anh trầm ngâm: “Đầu tư vào nông nghiệp, nhất là trồng lúa, cần nhiều đất đai, nhưng chỉ giải quyết được công ăn việc làm rất ít, nguồn lợi nhỏ nhưng hủy hoại môi sinh do những biện pháp tăng năng suất bằng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thậm chí tàn phá rừng. Hàng hóa nông sản được xuất đi với giá rẻ để đổi lấy hàng hóa công nghiệp giá đắt. Càng xuất khẩu nhiều nông sản càng làm giàu cho các nước phát triển. Đầu tư vào nông nghiệp để giải quyết thiếu đói, tự túc lương thực là cần thiết. Nhưng để làm giàu, theo thời gian, sẽ mất tính thực tế. Nơi nào chỉ chú trọng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp thì có tốc độ tăng trưởng chậm. Một hecta đất khai phá chỉ giải quyết được việc làm cho 3 đến 4 nông dân, trong khi cũng diện tích đó, nếu làm công nghiệp, dịch vụ giải quyết cho hơn 100 nhân công và thu lợi nhiều hơn.

Công nghiệp, dịch vụ luôn gắn liền với đô thị hóa. Đô thị hóa là xu thế tất yếu của những nước còn nghèo, lạc hậu và tốc độ phát triển còn rất chậm như chúng ta. Đô thị hóa sẽ tạo môi trường cho nền kinh tế thị trường và công nghiệp phát triển.

Vấn đề “dân trí” rất quan trọng, nhưng “quan trí” quan trọng hơn nhiều. Làm sao để lãnh đạo tỉnh sớm nhận ra: Chỉ tiến về khai phá Đồng Tháp Mười sẽ không tạo ra phát triển. Phải đầu tư phát triển đô thị và mở thêm hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để phát huy thế mạnh của nó, vừa giải quyết công ăn việc làm, tận dụng lao động nông nhàn, giải quyết thất nghiệp vừa tăng thu ngân sách, từ đó mà đầu tư phát triển một nền nông nghiệp chất lượng cao...”.

Những ý tưởng của anh, được tôi viết thành bài báo Thử tìm lời giải bài toán thoát nghèo cho Long An. Chú Tư Vân (Lê Vân) Tổng biên tập báo Long An đọc lướt qua bản thảo và bảo: “Đi ngược lại Nghị quyết Tỉnh ủy, nhưng lập luận vững chắc, tâm huyết...”. Bài báo được in trong số báo xuân Long An Ất Hợi 1995. Nhiều cán bộ cấp tỉnh đã đọc bài báo đó và nó được thấm dần vào các Nghị quyết, cách điều hành, trí tuệ, tiền bạc, sức lao động của nhân dân Long An để có thành phố Tân An và phát triển các thị tứ khác, ra đời các khu công nghiệp để Long An đã trở thành tỉnh đi đầu 9 tỉnh miền Tây về sản lượng công nghiệp.

Năm 2000, anh Khẩn được đề bạt làm Quyền Giám đốc và 2001 là Giám đốc Sở Xây dựng Long An. Anh vẫn tham gia thiết kế kiến trúc. Anh bảo, làm kỹ thuật chỉ nên đủ sống. Anh tạo điều kiện cho hội Kiến trúc sư mở văn phòng thiết kế để hội viên có điều kiện đóng góp trí tuệ, công sức, có thêm thu nhập chính đáng, góp thêm nhiều công trình đẹp cho Long An. Rồi anh mở lớp, mời thầy Hà Việt Hùng, giảng viên trường Đại học Kiến trúc về dạy sử dụng phần mềm AutoCAD cho các họa viên, kiến trúc sư, kỹ sư Long An. Tôi được anh cho học dự thính. Thạo tiếng Anh, anh Khẩn nhìn câu lệnh trên màn hình để vẽ, nên không phải học.

Lúc mới điều hành Sở Xây dựng, anh làm việc quá sức, lăn ra bệnh. Tôi đến thăm anh. Ngồi ở bệnh viện, mọi thứ đều trắng; nhìn ra ngoài trời đêm, bóng cây xanh thẫm ngả màu đen, chúng tôi nói về môi trường khốc liệt của đô thị bao quanh cây cối, nhưng chúng vẫn sống xanh tươi và bàn cách phải tồn tại trong môi trường công việc căng thẳng. Khuôn mặt xanh xao của anh rạng ngời lên khi nói đến công việc. 

Hồi đó, Sở xây dựng phê duyệt thiết kế của Sở Giao thông, do đó Tôi thường làm việc với bộ phận thẩm định của Sở. Thấy tôi đến sở, anh gọi vào phòng. Anh Khẩn xem bản vẽ của tôi và góp nhiều ý kiến có giá trị. Anh học xong thạc sỹ kiến trúc về quy hoạch đô thị. Tôi lắng nghe các dự định, các ý tưởng về quy hoạch, kiến trúc, quản lý. Do tôi không phải là cấp dưới của anh, làm thêm nghề báo, nghề văn nên tôi có cách nhìn riêng, là suy nghĩ của một người dân, gọi là “dân trí”. Anh là “quan trí” đang rất cần sự phản biện, không cần những ý kiến giống mình.

Long An đi đầu về bù giá vào lương, khai phá Đồng Tháp Mười, rồi phát triển nhanh công nghiệp. Khu công nghiệp đầu tiên ở Long An là những nhà máy đã nhuốm màu năm tháng nằm 2 bên Quốc lộ 1 đi qua khu vực Gò Đen, Bến Lức, Cầu Ván, Thủ Thừa. Trong quy hoạch, anh Khẩn đã từng đề xuất để lại hành lang mỗi bên rộng 60m và được duyệt 40m cho trong và 30m cho ngoài thị tứ. Việc mở rộng Quốc lộ sau này sẽ thuận lợi. Năm 1995, Anh làm quy hoạch Đường Hùng Vương theo chủ trương đổi đất lấy hạ tầng. Đường phố lớn nhất Long An được hình thành từ khu đất lầy lội ở cạnh sân vận động với 4 dàn đèn cao vút, khi lên đèn, thị xã rực sáng ngay cạnh ruộng rau muống dơ bẩn và các ao cá có nhiều cầu cá mất vệ sinh. Tiếp theo, anh cùng tham gia đề xuất ý tưởng quy hoạch khu công viên bên kia sông Bảo Định vốn trước đó là ruộng lúa với chục căn nhà lá nối liền nhau bằng những con đường bờ ruộng, trơn, lầy lội khi mưa về.

*

Tháng 10/2006, anh Khẩn được điều về làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An cùng với cương vị Tỉnh ủy viên. Giao thông Long An đã qua giai đoạn phát triển về lượng với những tuyến đường xương sống mới mở ra giữa Đồng Tháp Mười. Trừ Quốc lộ 62, các tuyến làm mới có mặt đường sỏi đỏ. Tỉnh nhà đã chuyển hướng đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cùng với phát triển nông nghiệp và dịch vụ để phát triển nhanh hơn. Nhu cầu phát triển đòi hỏi những tuyến đường có mặt đường nhựa… Từ ngôi nhà Văn phòng Sở 2 tầng và xây dựng như một trường học thời bao cấp, anh sửa chữa, chấm phá lại mặt tiền, biến nó thành trụ sở hiện đại. Bộ máy lãnh đạo Sở lúc đó đa số là những người lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm nhưng chưa chú trọng vận dụng công nghệ thông tin hỗ trợ quản lý. Sở trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt, áp dụng được tin học vào nhiều lãnh vực công việc, sử dụng mạng internet, mạng nội bộ để tăng hiệu quả quản lý và tính minh bạch. Lớp cán bộ trẻ có môi trường rèn luyện đã tiến bộ và trưởng thành…

Chuyển phần biên chế thừa về làm dịch vụ công để phục vụ doanh nghiệp và nhân dân, anh thành lập các trung tâm: Điều hành vận tải, quản lý đường bộ, đường sông… Phân cấp các tuyến đường cho các huyện để quản lý tốt hơn và được tỉnh chấp nhận… Anh đề xuất với UBND tỉnh hình thức giao thầu, đấu thầu trả chậm để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường, nhờ đó đạt mục tiêu 100% xã có đường ô tô về đến trung tâm. Nhựa hóa các tuyến đường nối các khu công nghiệp các trục tỉnh lộ quan trọng, các tuyến đường liên xã. Xã hội hóa các nguồn vốn phát triển và hoạt động giao thông với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm như xây dựng tuyến đường Phước Xuyên… Lĩnh vực duy tu sửa chữa thường xuyên, được sử dụng sức mạnh cạnh tranh giữa các công ty Nhà nước và tư nhân, bảo đảm phục vụ tốt người và phương tiện lưu thông trên các tuyến đường. Tổ chức Bộ phận phụ trách quản lý phương tiện, người lái, sát hạch theo hướng minh bạch hóa, phục vụ tốt. Cải tiến công tác thi cử, quy trình cấp phát bằng lái, nhằm hạn chế tiêu cực, phục vụ tốt người dân. Sở tổ chức thêm các tuyến xe buýt tần suất nhanh và các tuyến xe buýt nội tỉnh, liên tỉnh.

Từ ngày đầu tháng 2/2013, Anh Khẩn tổ chức chuyến đi khảo sát các huyện Đồng Tháp Mười và huyện Svay Rieng của Campuchia cho Giáo sư tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Trân nhằm đánh giá nguyên nhân nhiều năm lũ lớn không xuất hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long. Anh Khẩn quan tâm đến mức nước lũ đang có chiều hướng giảm xuống để hạ được cao độ mặt đường, tiết kiệm được rất nhiều kinh phí. Đây là vấn đề phát triển giao thông gắn liền với dự báo ảnh hưởng biến đổi khí hậu, điều ít được nước ta quan tâm. Các Nhà thầu tư vấn nước ngoài mới đủ trình độ đề cập đến tác động do biến đổi khí hậu. Anh cũng là người khởi xướng viết cuốn Lịch sử Ngành Giao Thông vận tải Long An. Đề cương anh duyệt kết thúc cuốn sử vào năm 2005, trước thời gian anh về Sở giao thông công tác…

Năm 2016, Anh xin nghĩ hưu sớm một năm để nhường chỗ cho lớp trẻ phát triển, dành thời gian dạy đại học, truyền thụ kiến thức và lòng yêu nghề cho sinh viên.

Năm 2018, kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Hội bầu chọn 10 kiến trúc sư nổi tiếng nhất Việt Nam. Trong danh sách đó có Kiến trúc sư Lưu Đình Khẩn và lý do được vinh danh: “… là một trong những nhà tư vấn thiết kế nổi tiếng nhất nước ta… Ở mỗi vị trí, ông đều để lại những dấu ấn đậm nét với tài năng cũng như cái tâm khi làm việc của mình”.

Lê Thanh Huệ

Theo Van nghe

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 30


Hôm nayHôm nay : 1518

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 277702

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8424112