Thứ bảy 20/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Nặng nợ với nghiệp đờn

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về nhạc lễ, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Tấn Khoa (63 tuổi), ngụ ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An được nuôi dưỡng tâm hồn với những giai điệu du dương của tiếng đờn. Và rồi, tiếng đờn như trở thành một phần máu thịt của ông. Dẫu có trải qua bao thăng trầm, tiếng đờn vẫn “níu chân” người nghệ nhân ở lại.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tấn Khoa

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tấn Khoa

Tuổi thơ với tiếng đờn

“Mùa nước nổi, tôi mang đờn trên vai cùng người bạn thân - nhạc sĩ Huỳnh Khải băng qua những cánh đồng mênh mông nước để đến những gia đình có đám tiệc chơi đờn cho mọi người hát đờn ca tài tử (ĐCTT). Mặc cho có thể gặp rắn khi băng qua những cánh đồng ấy nhưng vì đam mê được đánh đờn mà chúng tôi có thêm “mấy cái gan” nữa. Vậy đó, dù mùa nào cũng không ngăn được đam mê đờn, hát của người dân Vàm Thủ xứ này. Cứ xóm trên có đám tiệc thì xóm dưới đến phụ và ngược lại, công được trả là niềm vui, tiếng cười, được đờn, hát và thỏa đam mê. Tôi bắt đầu có những buổi rong ruổi như vậy khi mới 10 tuổi. Và, chơi đờn nó trở thành “cái máu” trong người tôi” - NNƯT Tấn Khoa trải lòng.

Có được “cái máu” như vậy là nhờ NNƯT Tấn Khoa được sinh ra và lớn lên trong gia đình chơi nhạc lễ và ĐCTT. Theo đó, ông nội của ông chuyên chơi nhạc lễ tại huyện Thủ Thừa, cha của ông cũng tiếp nối truyền thống gia đình chơi nhạc lễ và ĐCTT. Thêm vào đó, các anh em trong gia đình, bạn bè trang lứa cũng đam mê đờn. Vậy là tình yêu với đờn như ăn sâu vào máu thịt của ông từ lúc nào không hay. Càng chơi, ngón đờn của ông càng điêu luyện và chắc nhịp. Kinh nghiệm chơi đờn giúp ông “rước” được những người hát chưa hay, chưa chuyên nghiệp.

Dù đi học hay phụ giúp gia đình, tuổi thơ của NNƯT Tấn Khoa cũng không rời cây đờn. Lúc thì kìm, khi thì guitar, lúc lại là cò,… dù là đờn gì, ông cũng thích vì được thỏa đam mê chơi đờn của mình.

NNƯT Tấn Khoa tâm sự: “Dù ông và cha là thầy đờn nhưng tôi không được “cầm tay chỉ việc” mà chỉ được hướng dẫn những cái cơ bản. Vì được nghe quá nhiều và đam mê với đờn quá lớn nên tôi học nhanh. Thêm vào đó, tôi tự mày mò, học hỏi và trau dồi cùng anh em, bạn bè nên ngày càng tiến bộ. Khoảng 10 tuổi, tôi biết chơi đờn kìm và một số đờn khác”.

 Hai người con trai của NNƯT Tấn Khoa cũng được sinh ra và lớn lên trong tiếng đờn. Dù không được gia đình định hướng theo nghề nhưng họ cũng quyết định nối nghiệp cha để thỏa đam mê với chơi đờn. Theo đó, người con lớn của ông đang chơi nhạc lễ và ĐCTT; còn người con nhỏ hiện là sinh viên năm 3 của Nhạc viện TP.HCM với bộ môn theo đuổi là Nhạc dân tộc.

Đi đâu rồi cũng về

Nhắc đến NNƯT Tấn Khoa, trong giới ĐCTT của tỉnh nghĩ ngay đến ngón đờn điêu luyện, ít ai sánh bằng với những âm thanh say đắm lòng người. Ông cũng có thể chơi được rất nhiều loại nhạc cụ như kìm, guitar, cò, sến, hạ uy di,… Trong đó, đờn kìm không chỉ là thế mạnh mà còn góp phần làm nên tên tuổi của ông. 

Dẫu danh tiếng thầy đờn Tấn Khoa được nhiều người biết đến trong giới ĐCTT nhưng cũng có khoảng thời gian 8-9 năm, NNƯT Tấn Khoa phải tạm gác đam mê ĐCTT mà tập trung vào nhạc lễ để lo cho cuộc sống gia đình.

“Đam mê ĐCTT đến độ tưởng không thể tách rời nhưng vì gia đình khó khăn tôi quyết định tạm gác đam mê để vật lộn với cuộc sống, kiếm tiền lo cho gia đình. Thời gian đó, tôi rời dàn đờn của ĐCTT và tập trung làm nhạc lễ. Buồn lắm nhưng phải chịu vì mình là trụ cột gia đình” - NNƯT Tấn Khoa thổ lộ.

Tưởng chừng phải dừng đam mê ĐCTT ở giai đoạn ấy vì “duyên mỏng” nhưng nhờ “nợ dày” nên “níu chân” người nghệ nhân trở về với đúng nơi mình thuộc về. NNƯT Tấn Khoa nhận lời cộng tác về ĐCTT với Đài VTV tại Cần Thơ rồi nhận lời dạy ĐCTT trên phát thanh của tỉnh Bình Dương và tham gia dạy các lớp về ĐCTT ở Long An. Vậy là, ông trở lại với ĐCTT bằng tất cả đam mê, nhiệt huyết và tình yêu nghề như bù đắp cho khoảng thời gian vắng bóng.

NNƯT Tấn Khoa tâm sự: “Số phận đã gán ghép đời mình với ĐCTT thì tôi nghĩ đi đâu rồi cũng trở về. Hơn 50 năm nặng nợ với nghiệp đờn, tôi mong trao truyền được nhiều hơn nữa cho thế hệ trẻ để ĐCTT không bị lãng quên”.

Được biết, NNƯT Tấn Khoa cùng nhạc sĩ Huỳnh Khải và Tiến sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng tham gia thâu tư liệu về 20 bản hậu tổ cho Viện Nghiên cứu âm nhạc do Nhạc viện TP.HCM tổ chức. Bên cạnh đó, NNƯT Tấn Khoa cũng đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi toàn quốc và khu vực, trong đó, Huy chương Vàng độc tấu đờn kìm, song tấu tranh kìm tại Festival ĐCTT toàn quốc tại Bình Dương,.../.

 

Ngọc Thạch

Theo baolongan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 46

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 44


Hôm nayHôm nay : 2402

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 196636

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8654737