Thứ sáu 29/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Ký ức của vợ về người chồng nhà báo liệt sĩ

Trong căn nhà cấp 4 ở thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An chúng tôi được nghe bà Trần Thị Bé Hai kể về người chồng - nhà báo liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ - với những tình cảm vẹn nguyên dù thời gian trôi qua rất lâu rồi. Và đến nay, bà vẫn còn giữ được bức thư chồng gửi cho vợ, con trước khi hy sinh.
Bà Trần Thị Bé Hai và bức ảnh chụp chung của hai vợ chồng khi mới cưới

Bà Trần Thị Bé Hai và bức ảnh chụp chung của hai vợ chồng khi mới cưới

Bức tâm thư trước khi hy sinh

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ của chồng và Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, bà Trần Thị Bé Hai (SN 1946), ngụ thị xã Kiến Tường, lại lấy kỷ vật liên quan đến người chồng quá cố ra xem, đọc đi đọc lại. Đó là bức thư mà chồng bà - nhà báo Nguyễn Thanh Vân gửi về cho vợ. Bức thư viết tay dài 8 trang giấy, đề ngày viết 25/2/1971, trong khi đó, ông hy sinh ngày 28/8/1971, khi mới 29 tuổi. 

Theo lời kể của bà Hai, bức thư được ông Vân viết khi đang ở căn cứ đóng tại khu vực giáp biên thuộc hai huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng bây giờ. Bức thư được người đồng đội của ông chuyển đến bà. “Thế nhưng khoảng gần 1 năm sau, tôi mới nhận được lá thư của chồng. Trước đó, tôi đã nhận được giấy báo tử chồng đã hy sinh. Cứ mỗi lần cầm bức thư đọc, tôi lại khóc và thương anh rất nhiều” - bà Hai xúc động. 

Theo thời gian, giấy bức thư đã úa vàng nhưng những dòng chữ viết lên đó vẫn còn rõ ràng. Nội dung bức thư cũng có những lời giận hờn, trách móc của tuổi trẻ nhưng toát lên vẫn là tình yêu, sự quan tâm, lo lắng của người chồng từ căn cứ gửi về cho vợ, con ở quê nhà.

“Với tôi, bức thư như là một “báu vật”, mỗi lần cầm trên tay, tôi cứ ngỡ như anh vừa mới trách hờn, dặn dò, lo lắng, quan tâm. Và những dòng tâm sự trong đó đã theo tôi suốt thời gian tuổi trẻ cho đến tận bây giờ” - bà Trần Thị Bé Hai xúc động tâm sự.

Mở đầu “bức tâm thơ”, ông viết: Em thân yêu. Anh muốn viết lên những gì anh muốn viết. Anh nói lên những gì anh muốn nói để thỏa mong những gì bấy lâu. Từ trước khi chúng ta yêu nhau, đã có nhiều trở ngại, gian nan, khổ cực. Chúng mình đã có 2 đứa con thơ ấu. Chúng mình chưa hề giận đánh nhau. Mình có nóng giận nhau cũng chỉ thốt những đôi câu nóng nảy rồi cũng tiếp tục hàn gắn nhau tình yêu thương ấy”. 

Có đoạn ông viết: “Nếu anh hoạt động cách mạng không may lọt vào tay địch hoặc hy sinh thì không có gì lạ. Việc đó là dĩ nhiên vì trên đường cách mạng chống xâm lược giành lại Tổ quốc mình, giành lại dân tộc mình, giành lại đất nước mình, đem lại độc lập cho dân tộc và Tổ quốc mình thì đâu có gì là khó hiểu.

Em thân yêu! Từ trước tới nay, anh tính lại là việc vợ chồng gặp nhiều gian nan lắm đấy, có lúc vợ chồng mình cực khổ, khó khăn trong hoạt động cách mạng, ba chìm bảy nổi. Lúc anh về chiến trường vùng bốn bị địch đánh ác liệt nhưng vẫn gửi được thơ từ trao đổi nhau.

Việc vợ chồng mình ở được với nhau là qua một bước ngoặt lịch sử của cuộc đời…

Tất cả sự khó khăn, chúng mình đều vượt qua cả rồi. Anh thường nói với em là trước khi xây dựng gia đình vất vả bấy nhiêu, khó khăn bấy nhiêu thì sau này chúng mình càng thương yêu bấy nhiêu và mãi của cuộc đời…”. 

Cuối thơ, ông Vân viết: Anh chúc em và con được nhiều mạnh khỏe. Anh gửi về em tất cả những cái hôn nồng cháy nhứt. Anh gởi về con những cái hôn ấm áp và đầy tình nghĩa nhứt. 

Cứ mỗi lần đọc lại từng câu, từng chữ viết rõ ràng trong lá thư thì bao ký ức, hình ảnh về người chồng, nhà báo liệt sĩ lại hiện về trong trí nhớ của bà. “Hồi đó ông rất thường xuyên viết thư. Ông viết chữ rất đẹp, lời lẽ cũng rất xúc động” - bà Bé Hai xúc động kể tiếp. 

Ở vậy nuôi con, thờ chồng

Nhìn về tấm hình hai vợ chồng chụp sau ngày cưới đã được bà làm lại, phóng to hơn 10 năm trước đặt trang trọng ở bàn, bà Hai bùi ngùi kể về những kỷ niệm, về người chồng nhà báo liệt sĩ. Bức ảnh này, cả ông và bà đều rất đẹp, xứng đôi. “Hồi đó, tôi khoảng 23, 24 tuổi, còn anh khoảng 27, 28 tuổi gì đó”, bà Hai nói.

Nói về chuyện nên nghĩa vợ chồng, bà Bé Hai kể, bà quê ở xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường ngày nay, còn ông Vân quê ở xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh. Khoảng 1963 - 1964, căn cứ kháng chiến hoạt động thường xuyên của hai người ở gần khu vực biên giới nay thuộc địa bàn huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng. Hồi đó, cả hai người đều là cán bộ thông tin. Điều kiện, địa hình thời đó rất gian khó, hoang sơ, muỗi và đỉa nhiều vô kể. Cũng trong năm 1964, hai người được chuyển sang công tác tại Thông tấn xã Giải phóng, đóng tại xã Bình Hòa. Dù điều kiện khó khăn, gian khổ, máy móc thô sơ nhưng hàng ngày, bà và các đồng đội tại đơn vị vẫn làm nhiệm vụ viết và truyền phát tin của tỉnh về Đài cấp trên và tiếp nhận tin tức từ các đài của Khu và của Trung ương phát đi từ thủ đô Hà Nội. 

Rồi hai người được sự mai mối, tác hợp của cha bà Hai (khi đó đang hoạt động cách mạng ở căn cứ gần đó). “Khi đó, cha tôi hỏi anh Vân có ưng con gái ông không, nếu ưng thì gả cho. Ảnh đồng ý và tôi cũng đồng ý. Thế là chúng tôi nên nghĩa vợ chồng” - bà Hai nhớ lại. Bà Hai kể, bà ấn tượng ở ông là dáng người nhỏ, miệng hay nói, đôi mắt long lanh, tính tình hiền lành, dễ gần.

Được sự đồng ý của đơn vị, hai người được đồng đội tổ chức cưới tại lán trại căn cứ kháng chiến ở khu vực giáp biên giới. “Nói là  lễ cưới nhưng thực ra đó là lễ tuyên bố thành vợ, thành chồng đơn sơ nhưng rất ấm áp vì có nhiều đồng đội, cấp trên chứng kiến, chúc phúc. Lễ tuyên bố hôm đó tổ chức vào ban đêm và có cha tôi chứng kiến” - bà Hai kể tiếp.

Đến năm 1966, bà sinh cậu con trai đầu lòng và đến năm 1970 tiếp tục sinh thêm một cô con gái. Sinh ra đứa con nào, chăm được một thời gian ngắn thì bà lại phải gửi về quê. Cũng trong thời gian sau sinh con thứ hai, hai người không còn ở gần nhau, ông ở lại căn cứ giáp biên giới hoạt động, trong khi bà có thời gian về Tây Ninh công tác. 

Bà Trần Thị Bé Hai nay đã 73 tuổi, đọc lại bức Bà Trần Thị Bé Hai và bức ảnh chụp chung của hai vợ chồng khi mới cưới thư của người chồng  nhà báo liệt sĩ

 

Năm 1971, khi con thứ hai chưa đầy một tuổi thì bà Hai nhận được tin chồng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Một thời gian sau, bà cũng trở lại quê nhà và nuôi hai con. Sau ngày miền Nam giải phóng, bà Bé Hai vừa bươn chải nuôi các con và tham gia công tác tại địa phương. Bà Hai kể, hồi trước khi còn trẻ, có nhiều người khuyên nên đi bước nữa nhưng tôi quyết ở vậy đi làm nuôi con khôn lớn và thờ chồng.

Nhiều năm bà làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Mộc Hóa cho đến năm 1993. Sau này, bà tích cực tham gia công tác ở các hội, đoàn thể; từ năm 2010 đến nay làm Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam của thị xã Kiến Tường. Dù tuổi cao nhưng với công việc đoàn thể, bà vẫn thường xuyên vắng nhà đi thăm hỏi, kêu gọi, vận động mạnh thường quân giúp đỡ, tặng quà cho những hộ khó khăn nhân dịp lễ, tết.

“Ngày trước, chồng tôi vẫn thường nói khi nào đánh đuổi hết Mỹ, ngụy thì gia đình mới sum họp nhưng chỉ sau 7 năm thành nghĩa vợ chồng, anh đã ra đi. Nghĩ đến chồng, tôi tự nhủ với bản thân phải hoàn thành tâm nguyện của anh, nuôi các con khôn lớn” - nhìn di ảnh người chồng, nhà báo liệt sĩ Nguyễn Thanh Vân trên bàn thờ, người vợ, nay đã 73 tuổi, mái tóc đã bạc bày tỏ./.

 

 

Lê Đức

Theo baolongan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 31


Hôm nayHôm nay : 2332

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 278516

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8424926