Thứ năm 19/09/2024

NỘI DUNG CHÍNH

NSNA Duy Bằng miệt mài đi tìm cái mới


       Nghệ sĩ nhếp ảnh (NSNA) Duy Bằng - Chi hội trưởng Chi Hội NSNA Việt Nam tỉnh Long An, Ủy viên BCH Hội NSNA Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An - dù đã có rất nhiều tác phẩm giá trị cho quê hương Long An nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhưng anh vẫn miệt mài đi tìm cái mới, đi sáng tác. Với anh, thực tế cuộc sống luôn là mảnh đất màu mỡ để vun trồng cảm xúc và đem lại sự tươi mới cho tác phẩm của mình.
NSNA Duy Bằng

NSNA Duy Bằng

Thầy giáo chụp ảnh dịch vụ
      Duy Bằng biết “cầm máy ảnh” từ khi còn là sinh viên trường Sư phạm nhờ có người anh trong gia đình biết chụp ảnh. Với chiếc máy ảnh cà tàng, anh chụp ảnh lưu niệm, tiện tay chụp “ảnh dịch vụ” cho các bạn học cùng trường, kiếm chút thu nhập giúp cải thiện cuộc sống sinh viên cơ cực khi ấy. Ra trường trở về quê nhà Tân Trụ dạy học, anh tiếp tục “nghề tay trái” là chụp ảnh dịch vụ, nhờ đó mà cuộc sống của 2 vợ chồng trẻ đều nghề giáo bớt phần cơ cực, kể cả khi 2 đứa con nhỏ lần lượt ra đời.
      Trên đường hành nghề chụp ảnh dịch vụ và trong cuộc sống hàng ngày, Duy Bằng thấy nhiều cảnh đẹp, thấy những khoảnh khắc thú vị, anh chụp để lưu lại làm kỷ niệm cho riêng mình và chia sẻ cho bạn bè. Một lần về Tân An phóng ảnh, Duy Bằng được người anh bạn đưa đi xem khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật tại “Phòng đọc sách” khi đó, có cả NSNA bậc thầy Lâm Tấn Tài dự cắt băng khai mạc. Tại đây, thấy một số bạn bè cũng “chụp ảnh dịch vụ” như mình có ảnh được triển lãm, Duy Bằng thầm nghĩ bạn bè làm được chắc mình làm cũng được. Về nhà, anh ra ngay Bưu điện đặt mua cùng lúc 2 ấn phẩm về nhiếp ảnh (Tạp chí Nhiếp Ảnh của Hội NSNA Việt Nam và Tạp chí Ánh Sáng Đẹp của Hội Nhiếp ảnh TP.HCM). Thời ấy chưa có internet, Duy Bằng học các kiến thức vỡ lòng về nhiếp ảnh qua sách báo. Rồi anh có cơ hội gặp gỡ và “học nghề” NSNA Nguyễn Lành, cũng như học qua tác phẩm của nhiều bậc đàn anh khác. Để rồi anh say mê và gắn bó với nhiếp ảnh suốt hơn 30 năm qua, đến nỗi anh đã nghỉ hẳn nghề giáo để toàn tâm toàn trí cho nhiếp ảnh. Dù vậy, anh vẫn cám ơn nghề giáo và những kiến thức sư phạm vì đã giúp anh làm nghề nhiếp ảnh theo chuẩn mực của một nhà giáo. Những kiến thức, vốn sống sư phạm luôn là hành trang trong những chuyến sáng tác, hổ trợ anh trong quá trình tìm kiếm cái đẹp từ cuộc sống.

Tác phẩm "Hai đứa bé"

       “Mối tình đầu” mãi đẹp
       Hơn 30 năm gắn bó với ảnh nghệ thuật, Duy Bằng đã mang về hơn 200 giải thưởng từ cấp tỉnh, thành phố, khu vực, cho đến cấp quốc gia và quốc tế, cùng rất nhiều tác phẩm được chọn triển lãm trong và ngoài nước. Anh cho biết, tiêu chí về cái đẹp ở các cuộc thi quốc tế phóng khoáng hơn, họ luôn đánh giá cao những ý tưởng mới mẽ, những sáng tạo trong phương pháp thể hiện. Kinh nghiệm từ các cuộc thi quốc tế đã bồi bổ thêm tay nghề cho anh. Khi được hỏi giải thưởng nào quan trọng và đáng nhớ nhất, tác phẩm mà anh tâm đắc nhất trong đời, thật bất ngờ khi Duy Bằng trả lời, đó không phải là tác phẩm đoạt giải quốc gia hay quốc tế, mà là tác phẩm “Bươn chải” (giải II tỉnh Long An, Huy chương Bạc Đồng bằng sông Cửu Long 1995). Bởi đó là giải thưởng chính thức đầu tiên của anh, mà “mối tình đầu” bao giờ cũng mãi đẹp! Giải thưởng ấy đã kích thích và cho anh thêm động lực để tiếp tục dấn thân trên con đường nghệ thuật.
       Bức ảnh mang tên “Giàu và nghèo” chụp hình 2 đứa bé cũng là một trong những tác phẩm anh ưng ý nhất. Bên trong ngôi nhà tươm tất, một đứa bé bị mẹ ép phải ăn; còn trước nhà, ở ngoài hiên, một đứa bé khác ngồi co ro với xấp vé số trên tay. Ánh sáng bên ngoài màu xanh (màu lạnh), đối nghịch với ánh sáng trong nhà màu đỏ (màu nóng), càng làm tăng sự tương phản “giàu nghèo” – chủ đề của tác phẩm. Dễ nhận ra lòng thương cảm, niềm trắc ẩn của tác giả dành cho những cảnh đời cơ cưc.
      Tác phẩm “Hạt ngọc” của Duy Bằng (Huy chương Vàng cuộc thi về chủ đề “lúa gạo” tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 1-2009) cũng mang đến cho người xem nhiều cảm xúc khi đã làm nổi bật món quà của thiên nhiên qua bàn tay lao động cực nhọc, chắt chiu, lam lũ của nông dân đã trở thành “hạt ngọc”, từ đó khơi gợi tình yêu và nâng niu hạt gạo. Xa hơn, tác giả mong muốn chính người làm ra sản phẩm phải biết chắt chiu hình ảnh, thương hiệu hạt gạo Việt Nam trước mắt bạn bè năm châu, góp phần phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gạo nước nhà.      
       Vẫn miệt mài đi tìm cái mới
       Ảnh của Duy Bằng đa dạng về đề tài, nhưng anh thích nhất những vấn đề thời sự nóng bỏng trong cuộc sống, những tấm ảnh có sức lan tỏa. Cách thể hiện của anh cũng phong phú, từ ảnh đời thường, chân dung, đến ảnh khoảnh khắc, ý tưởng… Với anh, những tác phẩm “ý tưởng” luôn đem lại cảm xúc mạnh mẽ, thấy mình được thỏa sức sáng tạo. Trong khi để chụp ảnh “khoảnh khắc” anh phải đi nhiều, xây dựng tác phẩm dựa trên những khoảnh khắc bất ngờ diễn ra trong cuộc sống thường nhật, sáng tạo ngay trên máy ảnh mà không phải qua hoặc dùng rất ít đến kỹ thuật Photoshop. Đối với anh, máy móc chỉ là phương tiện hỗ trợ chứ không phải quyết định. Tác phẩm thành công khi có ý tưởng tốt cùng cảm xúc dạt dào, phương tiện hiện đại giúp tác phẩm dễ thăng hoa hơn.
       Hẹn gặp Duy Bằng không phải dễ, khi thì anh miệt mài nơi bến cảng ở miền hạ Cần Giuộc, lúc thì lang thang đâu đó ở các vườn trái cây miền Tây, rồi lại thấy anh “bồng bềnh” trên cao nguyên mây mù… Những chuyến đi thực tế sáng tác luôn tạo cho anh cảm xúc mới mẽ, lắng nghe được nhịp đập của cuộc đời, từ đó tác phẩm nhiếp ảnh của anh luôn mang hơi thở cuộc sống. Cùng với đó, niềm say mê sáng tạo và khao khát tìm ra cái mới đã giúp NSNA Duy Bằng thường xuyên có tác phẩm hay. Theo Duy Bằng, nhiếp ảnh không kén người chơi, chỉ với một máy ảnh khiêm tốn là có thể “chụp” được. Nhưng để có được những tác phẩm hay, người nghệ sĩ phải có ý tưởng và cảm xúc, đồng thời phải hiểu được đối tượng mình cần chụp, từ đó bức ảnh mới mới có được nội dung, chiều sâu và có hồn, truyền được cảm xúc đến người xem.

Tác phẩm "Hạt ngọc"

       Những dự định sắp tới của Duy Bằng thì có nhiều, như sẽ triển “khoảnh khắc Trường Sa” trong năm tới, dài hơi hơn là triển lãm những khoảnh khắc đẹp trong cuộc đời cầm máy của anh. Anh cũng có ý định chụp bộ ảnh về nông cụ truyền thống của nông dân Nam Bộ để lưu giữ cho riêng mình như là cách ghi lại lịch sử của vùng đất bằng hình ảnh và là cách trả ơn những bậc tiền nhân đã dày không khai phá vùng đất mới trở nên trù phú như ngày hôm nay.    
     Với Duy Bằng, nhiếp ảnh như là nghiệp, đã ăn sâu vào máu và anh sẽ theo đuổi đến trọn đời. Vậy nhưng, hai đứa con của anh dù cũng biết chụp ảnh “tài tử”, nhưng không hứa hẹn sẽ theo con đường nghệ thuật của cha đầy nhọc nhằn nhưng cũng lắm niềm vui!

Sông Vàm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 36

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 35


Hôm nayHôm nay : 2933

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 179386

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10403472